Lạm dụng rượu bia: không quản nổi

LAN ANH - QUỲNH LIÊN 23/12/2013 22:12 GMT+7

TTCT - Hơn một năm trước, dự thảo Chính sách phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia 2013-2020 đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký trình Chính phủ, nay vẫn chưa nhận được hồi âm.



Đầu tháng 12 này, 6 trong số 15 người ngộ độc rượu ở Hạ Long và Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tử vong sau khi uống loại “rượu nếp Hà Nội” có hàm lượng methanol cao gấp 2.000 lần giới hạn cho phép. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên rượu độc xuất phát từ một công ty sản xuất rượu chuyên nghiệp và đã tỏa đi khắp cả nước.

Hậu quả sau những tiếng “1, 2 ,3... dzô”

Ở thời điểm hiện tại, phòng cấp cứu khoa tiêu hóa Bệnh viện (BV) Bạch Mai có tới 4/10 bệnh nhân bị xơ gan do rượu, đều trong tình trạng nguy kịch. Ông V.N.T., 56 tuổi, ở Ninh Bình, một trong số những bệnh nhân này, đã uống rượu khoảng 30 năm, trung bình mỗi ngày uống từ nửa lít đến một lít rượu.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Hùng, người trực tiếp điều trị cho ông T., cho biết thời gian gần đây BV ông thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị xơ gan có kèm theo chứng sảng rượu (hội chứng cai rượu, bệnh nhân có tâm thần bất ổn, mất lý trí, quậy phá, la hét).

TS.BS Vũ Trường Khanh, phó trưởng khoa tiêu hóa BV Bạch Mai, nói nếu như trước kia viêm gan do virút B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan thì vài năm gần đây rượu hoặc nguyên nhân phối hợp (vừa bị viêm gan B vừa uống rượu) chiếm trên 50% các nguyên nhân.

Thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế năm 2012 cho biết VN là quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về số lượng rượu bia sử dụng, với bình quân 1,07 lít cồn nguyên chất/năm và 27 lít bia, xếp thứ 149 thế giới về lượng rượu bình quân sử dụng. Phải nói ngay rằng một lượng rất lớn rượu trên thị trường VN xuất phát từ các lò rượu thủ công, không hề có kiểm soát về chất lượng đã không được đưa vào tính toán trong thống kê này.

TS Phạm Duệ, giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, cho biết tất cả loại rượu, bia, “xịn” hay “dởm”, đều có thể gây ra ngộ độc. Rượu “xịn” có thành phần chính là ethanol, nước và một số chất tạo hương vị. 

Về lâu dài, ethanol không chỉ gây nghiện mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt tác động đến hệ thần kinh trung ương như làm rối loạn tâm thần, mất trí nhớ... hoặc dẫn đến các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan, gây ra ngộ độc cấp tính và nhiều biến chứng khác, kể cả tử vong.

Tệ hại hơn thế nhiều lần, rượu “dởm” ngoài việc chứa ethanol còn có thể lẫn tạp chất độc hại. Đặc biệt, do muốn nhiều lãi, nhiều cơ sở sản xuất rượu còn cho thêm loại cồn công nghiệp (methanol) nhằm tăng lượng rượu để bán được với giá rẻ (chỉ 7.000-8.000 đồng/lít, có thể pha chế được một lượng lớn rượu có độ khác nhau).

Cồn công nghiệp có độc tính mạnh, chỉ một lượng nhỏ có thể làm người uống bị ngộ độc, uống lượng nhiều có thể gây hôn mê, viêm gan, mù mắt và tử vong nhanh chóng. 

Chưa hết, là nguy cơ khác từ rượu thuốc, thường được tin vô điều kiện rằng “không bổ dọc cũng bổ ngang” dẫn đến uống vô tội vạ, hậu quả là rất dễ ngộ độc thuốc lẫn ngộ độc rượu.

Loay hoay phòng chống

Theo Bộ Y tế, ngày 2-10-2012, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký dự thảo tờ trình Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia để lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo chính thức Chính sách phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia 2013-2020 cũng đã được gửi lên Chính phủ hơn một năm, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Hiệu lực các quy định liên quan đến rượu bia hiện nay rất lẻ mẻ và kém hiệu quả. Bảo hiểm xã hội VN mới đây có văn bản cấm cán bộ công chức toàn ngành uống rượu bia trong ngày làm việc, kể cả các trường hợp hội nghị, tiếp khách. 

Trước đó, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh... cũng ban hành những quy định tương tự. Nhưng những quy định này tỏ ra thiếu khả thi vì ai sẽ đi phát hiện... cán bộ công chức uống rượu bia trong ngày làm việc, ngoại trừ quy định muốn họ tố cáo lẫn nhau?

Vì thế, cảnh thường thấy ở nhiều bữa ăn hội nghị, tiếp khách, liên hoan, kể cả bữa trưa của cán bộ, công chức hiện nay vẫn đầy tiếng “dzô, dzô” hào hứng. Và đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào vi phạm quy định cấm rượu bia bị xử phạt.

Cập nhật mới nhất của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết cơ quan chức năng đã thu giữ được loại rượu gây độc ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Bình... Đây cũng là lần đầu tiên loại rượu “công ty”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng gây độc hàng loạt, chưa nói đến loại rượu thủ công, pha chế theo công thức tự chế mà giới hữu trách vốn chưa từng quản nổi.

Còn theo quy định của Bộ Công thương, từ ngày 1-1-2014, tất cả các loại rượu lưu hành trên thị trường (kể cả rượu thủ công) đều phải dán tem. Hạn chót đã gần kề nhưng rất nhiều nhà sản xuất rượu, nhất là quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, cho biết họ rất lúng túng và khó có thể đáp ứng yêu cầu đúng hạn.

 Phí tổn liên quan đến rượu bia gấp rưỡi lợi nhuận thu được

Ngành rượu bia hiện có tốc độ tăng trưởng 10%/năm.

+ Cả nước hiện có 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng bia đạt 2.620 triệu lít/năm.

+ Sản lượng rượu nhà máy đạt khoảng 80 triệu lít/năm. Ngoài ra còn khoảng 250 triệu lít rượu thủ công/năm, rượu nhập khẩu 2 triệu lít/năm (chưa kể rượu nhập lậu). Toàn ngành rượu bia nộp ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng nhưng phí tổn do lạm dụng rượu bia lấy đi 2-8% GDP quốc gia.

Nếu chỉ tính 1% GDP năm 2009 thì tổn hại do lạm dụng rượu bia đã lên đến 16.000 tỉ đồng, gấp rưỡi so với phần thu cho ngân sách. Những tổn thất do xói mòn về văn hóa, lối sống, đạo đức và chất lượng giống nòi do lạm dụng rượu bia gây ra thì khó có thể lượng hóa được.

(Theo Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế)


_____________________

RƯỢU GIẢ TẠI CHÂU Á

So với châu Âu, các nước châu Á tiêu thụ rượu ít hơn. Tuy nhiên rượu giả và tình trạng ngộ độc rượu rất trầm trọng.

Theo Báo cáo rượu và sức khỏe toàn cầu 2011 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hàn Quốc là nước tiêu thụ nhiều rượu nhất châu Á và thứ 13 trên thế giới với mức trung bình 14,8 lít/người/năm, tiếp theo là Nhật với mức tiêu thụ 8,03 lít/người/năm. Ở Đông Nam Á, Thái Lan đứng thứ nhất với mức tiêu thụ 7,1 lít/người/năm và thứ hai là Lào với 6,73 lít/người/năm. Tiếp theo là Philippines 6,4 lít, Campuchia 4,8 lít, Việt Nam 3,8 lít, Singapore 1,6 lít...

Báo cáo của WHO cho biết rượu là yếu tố dẫn tới 60 căn bệnh và chấn thương khác nhau khiến 2,5 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng mỗi năm, cao hơn cả số người chết do HIV/AIDS và bệnh lao gây ra. Rượu là yếu tố rủi ro dẫn đến chết hàng đầu ở nam giới độ tuổi từ 15-59.

Việc tiêu thụ rượu không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người uống mà còn đe dọa sức khỏe và sinh mạng nhiều người khác. Khảo sát năm 2010 ở Úc, quốc gia có 21 triệu dân, cho thấy hơn 10 triệu người đã bị ảnh hưởng một cách tiêu cực từ hành vi uống rượu của người khác.

Dễ nhận thấy nhất là ảnh hưởng trực tiếp của rượu đối với tai nạn giao thông. Tại Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á tiêu thụ rượu nhiều nhất, WHO cho biết có tới 26.000 người chết do tai nạn giao thông mỗi năm.

Thống kê của Văn phòng Cảnh sát quốc gia và Bộ Y tế Thái Lan cho thấy rượu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới 10% số vụ tai nạn từ năm 2002-2011. Trong khoảng thời gian này, số vụ tai nạn giao thông ở Thái Lan dao động 70.000-120.000 vụ/năm.

Tại Lào, quốc gia tiêu thụ rượu nhiều thứ hai ở Đông Nam Á, số vụ tai nạn giao thông năm 2012 là 6.164 khiến 888 người thiệt mạng và 10.191 người bị thương. Năm 2011, 6.541 vụ tai nạn xảy ra khiến 902 người chết và 11.503 người bị thương. Khảo sát của WHO và Bộ Y tế Lào không đưa ra con số cụ thể, nhưng khẳng định rượu là nguyên nhân “phổ biến” trong các vụ tai nạn giao thông.

Hàn Quốc, nước tiêu thụ nhiều rượu nhất châu Á, có số lượng người chết do tai nạn giao thông cao nhất trong số các nước phát triển, hơn 5.500 người mỗi năm. Thống kê của WHO năm 2005 cho thấy tỉ lệ số vụ tai nạn có liên quan đến rượu là 12,4%.

Theo một báo cáo của chính quyền Seoul, từ năm 2007 đến nay Hàn Quốc đã chi khoảng 1,1 tỉ USD cho các chi phí y tế để chữa trị các loại bệnh và chấn thương liên quan đến rượu. Một báo cáo khác cho biết Hàn Quốc thiệt hại khoảng 19 tỉ USD/năm do năng suất lao động của người lao động sụt giảm và tài sản bị phá hoại do tình trạng say xỉn.

Một vấn nạn khác liên quan đến rượu tại châu Á là tình trạng sản xuất và tiêu thụ rượu giả. Theo Trung tâm Chính sách rượu quốc tế (ICAP), khoảng 30% lượng rượu tiêu thụ trên thế giới là hàng giả. Trong đó Nga và Trung Quốc là hai thị trường chợ đen rượu lớn nhất thế giới.

Ở Trung Quốc, trong cuộc càn quét kéo dài ba ngày hồi tháng 7-2011, cảnh sát nước này đã tịch thu được 22.000 chai rượu giả tại 12 tỉnh thành. Công ty phân phối rượu Park Street Imports ở Trung Quốc cho biết rượu giả tại nước này thường được làm từ một số chất cực kỳ độc hại. Thứ nhất là ethylene glycol, chất tấn công gan và tim. Thứ hai là methanol, chất ảnh hưởng nguy hại đến dây thần kinh võng mạc và có thể gây mù mắt. Thứ ba là cồn isopropyl (dùng trong tẩy rửa công nghiệp).

Theo báo Time Out (Thượng Hải), Quảng Châu, Phúc Kiến và Thượng Hải có nhiều phòng thí nghiệm bất hợp pháp, thường xuyên chế các loại rượu giả chứa đầy hóa chất độc hại. Tháng 12-2012, nhà chức trách Trung Quốc tịch thu 37.000 chai rượu loại này. Một số chuyên gia ước tính 80% lượng rượu ở các quán bar tại Thượng Hải là rượu giả. Hai năm trước, cảnh sát Chiết Giang phá vỡ một đường dây bán rượu giả tới 97 thành phố với doanh số 305 triệu USD.

Một khảo sát của WHO cho thấy tại Đông Nam Á, rượu giả, tự sản xuất, mua bán bất hợp pháp chiếm tới 69% tổng lượng rượu tiêu thụ. Không có số liệu thống kê số người chết vì tiêu thụ rượu giả tại các nước châu Á, nhưng ở Nga khoảng 42.000 người chết mỗi năm vì uống phải rượu giả.

HIẾU TRUNG

(*): http://www.who.int/substance_abuse/publications/global_alcohol_report/msbgsruprofiles.pdf).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận