TTCT - Việc cần làm không phải là sợ hãi và xa lánh cây cối trong cơn biến đổi khí hậu, mà là học cách giảm bớt những tai nạn tương tự trong tương lai Một cách bảo vệ cành cây không gãy đổ.Cây xanh là thứ con người thương không hết, nhất là ở đô thị. Nhưng biến đổi khí hậu đang khiến chúng ta phải nhìn chúng đầy lo âu. Những cái cây quá đỗi quen thuộc, che bóng mát và giúp nơi ở trong lành hơn, một ngày bỗng chốc trở thành hung thần tước đi mạng sống con người hoặc làm hư hại tài sản.Biến đổi khí hậu - bao gồm nhiệt độ quá cao, khô hạn kéo dài - có thể gây căng thẳng cho cây và làm chúng yếu dần theo thời gian, với những tổn hại ngầm bên trong mà mắt thường hay các biện pháp kiểm tra thông thường không phát hiện được. Chưa kể vấn đề ở bộ rễ, làm suy yếu khả năng bám đất của chúng, dễ dẫn tới bật gốc, ngã đổ. Đây là chuyện chung của các đô thị, từ nơi mảng xanh hiếm hoi tới những "thành phố cây"."Những cái cây đổ và tổn thất chúng gây ra sẽ khiến mọi người suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với cây cối, đó cũng là phản ứng tự nhiên thôi. Nhưng nếu nhìn nhận lại thì đây là một cảnh báo từ thiên nhiên. Việc cần làm không phải là sợ hãi và xa lánh cây cối trong cơn biến đổi khí hậu, mà là học cách giảm bớt những tai nạn tương tự trong tương lai" - nhà tâm lý học Thomas Joseph Doherty, chuyên nghiên cứu về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, nói với báo The Oregonian.Lo âu vì cây cốiCụm cây hùng vĩ nằm ngay cạnh sân sau là một trong những lý do khiến vợ chồng Philip và Cason Wolcott chọn mua căn nhà ở Portland, thành phố đông dân nhất bang Oregon (Mỹ), cách đây 6 năm. Đầu năm nay, sau một trận bão kéo dài cả tuần, những cái cây họ từng yêu bỗng trở nên "thù địch".Ngày 13-1, Philip và Cason đang ngồi trên sofa thì một cây linh sam khổng lồ ngã và đè bẹp ngôi nhà. Họ chỉ kịp tóm lấy lũ thú cưng và chạy thoát. Cả nhà Walcott an toàn, nhưng trên toàn thành phố, ít nhất một người chết, một người mắc kẹt, nhiều người bị thương trong trận bão. Cây cối đè bẹp nhà cửa, xe hơi, đường dây điện và cột điện, gây thiệt hại hàng triệu đô la về tài sản và hàng chục nghìn vụ mất điện. "Tôi không giận chúng nhưng thật sự ngần ngại, nhà mới chắc sẽ không trồng cây gì xung quanh nữa" - bà Cason nói với The Oregonian.Portland có hơn 4 triệu cây, trong đó có 218.000 cây trên phố, 1,2 triệu cây trong công viên và 2,9 triệu cây trên đất tư nhân. Những cây này là niềm tự hào của thành phố, mặc dù mảng xanh của Portland đã bị thu hẹp mấy năm nay. Vì thế việc cây đổ với quy mô lớn trong cơn bão đã "dẫn đến một nỗi lo mới về sự chung sống của [cư dân và cây]", The Oregonian bình luận. Sự cố cũng khiến một số người đặt câu hỏi về quy tắc quản lý cây xanh của thành phố và kêu gọi chặt bỏ nhiều cây hơn, thậm chí thay đổi loại cây mà các thành phố trồng trong tương lai.Cây bật gốc sau bão ở Portland. Ảnh: Grant Stringer/Columbia InsightHồi đầu tháng 2, Alifia Soeryo, du học sinh người Indonesia 22 tuổi, thiệt mạng vì bị cây đổ đè trúng khi đang ngồi học bài dưới gốc cây ở công viên thành phố Adelaide (Úc). Theo ABC News, nguy cơ bị cây ngã đè trúng là rất thấp, nhưng vì nó có thể gây tử vong nên nhiều người vô cùng lo lắng. Một cuộc khảo sát do công ty tư vấn lâm nghiệp Treelogic thực hiện cho thấy nhiều người có quan niệm rằng cây cối rất nguy hiểm, nên khi có người tử vong do cây thì tâm lý sợ cây càng được củng cố.Nhưng như Doherty đã nói, có một cách nhìn khác về những sự cố này. Tinh thần chung là đừng nên hoảng sợ. Trong cơn bão hồi tháng 1, bộ phận lâm nghiệp đô thị của Portland đã nhận được hơn 700 báo cáo về cây cối hoặc cành cây lớn đổ xuống đường và các tài sản khác do thành phố quản lý. Mark Ross, người phát ngôn của Portland Parks & Recreation, cơ quan quản lý mảng xanh của thành phố, lưu ý phần lớn cây cối ở Portland vẫn an toàn sau cơn bão.Tương tự, một khảo sát ở Úc năm 2019 cho thấy tỉ lệ tử vong do cây ngã đổ ở Úc hằng năm là 1/5 triệu người, đặt trên hệ quy chiếu cây xanh đô thị thì là 1 ca tử vong trên 10 triệu cây. "Mỗi năm, số người chết vì động vật và lái xe ở Úc cao hơn rất nhiều so với chết vì cây cối" - Mark Hartley, chuyên gia tư vấn cây xanh cao cấp tại Arborist Network, một trong hai tác giả của khảo sát, nói với ABC News.Tất nhiên nói tỉ lệ thấp không phải để lơ là, nhất là khi biến đổi khí hậu khiến việc theo dõi sức khỏe cây xanh bị thách thức nhiều hơn trước.Các nước làm gì để quản trị an toàn cây xanh?Sự cố cây xanh xảy ra có thể là hy hữu và bất đoán, nhưng cũng nhiều đề xuất cho rằng nên thay các cây lớn lâu năm đã yếu bằng các loại cây nhỏ hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, theo Ross, cây nhỏ sẽ không thể đáp ứng các lợi ích của mảng xanh trong đô thị như bóng râm, cải thiện chất lượng không khí, môi trường sống cho một số động vật.Những chuyên gia cây cảnh như Falbo nhấn mạnh rằng chặt bỏ cây nên là lựa chọn cuối cùng. Để đề phòng, tốt nhất nên tránh ở gần cây cối khi có bão, gió lớn. Thỉnh thoảng hãy nhìn lên và tránh xa những cây phát ra tiếng động lạ, ông Hartley khuyên.Giải pháp gắn cáp để làm giảm nguy cơ gãy hoặc tách cành lớn của cây. Ảnh: TCI MagazineTrong một nghiên cứu công bố tháng 10-2023, hai tác giả từ Viện nông nghiệp thuộc Đại học Tennessee cho rằng thân chính, hay "chỗ chữ V", sẽ yếu hơn về mặt cấu trúc so với một thân đơn. Góc "chỗ chữ V" càng lớn thì nguy cơ hỏng cấu trúc càng cao. Giải pháp tốt nhất cho các vấn đề liên quan đến thân chính là mua và trồng những cây có một thân chính, hoặc chăm sóc để cây chỉ phát triển thân chính duy nhất. Nếu không, cần phải gia cố phần yếu của cây.Các nước như Mỹ, Úc thường dùng ba cách phổ biến để gia cố cây là gắn cáp, đóng thanh giằng hoặc đặt cọc. Gắn cáp sẽ làm giảm nguy cơ gãy hoặc tách cành lớn bằng cách hạn chế khoảng cách giữa các nhánh chính của cây. Cáp thường được các chuyên gia cây xanh lắp ở chạc ba của cây bằng hệ thống cáp thép có độ bền cao, ít đàn hồi nên cây ít lắc lư theo gió hơn. Ngoài ra còn có hệ thống cáp động kết hợp dây thừng và vải tổng hợp với các dây treo. Cáp động có độ đàn hồi cao hơn nên cây có thể chuyển động tự nhiên hơn khi có gió, trang web chuyên về các giải pháp cây xanh Saveatree mô tả chi tiết.Ảnh: Getty ImagesKỹ thuật dùng thanh giằng cũng tương tự gắn cáp, tuy vậy nó được áp dụng cho các cây nhiều nhánh chính đang có nguy cơ tét ra hoặc với các cây đã tét nhánh rồi. Dụng cụ để gia cố sẽ là thanh kim loại cứng lắp trực tiếp xuyên từ cành này qua cành kia, có gắn bu lông ở cả hai bên để cố định. Với cây to, thanh giằng sẽ kết hợp với dây cáp để đem đến sự ổn định nhất cho cây.Cắm cọc có lẽ quen thuộc nhất với người Việt, bởi các đô thị lớn tại Việt Nam thường dùng cách này để cố định cây xanh còn nhỏ, cây mới trồng, đặc biệt ở các khu vực nhiều gió khiến cây dễ bật gốc. Nguyên lý của phương pháp cắm cọc là giữ cho cây thẳng đứng và bầu rễ bên dưới cố định. Cắm cọc có nhiều dạng khác nhau, như buộc các cọc cứng vào thân cây non, hoặc gắn ba đến bốn dây đai vào cây rồi neo dây xuống đất bằng cọc. Tuy nhiên, cắm cọc chỉ nên sử dụng khi cần thiết và trong ngắn hạn, vì còn phải đảm bảo cây có thể đung đưa trong gió nhằm kích hoạt sự phát triển các cấu trúc quan trọng ở gốc cây. Cây "căng thẳng" vì biến đổi khí hậuMark Ross lưu ý không phải tất cả các trường hợp cây đổ đều có thể dự đoán được, nhiều trường hợp bão quật ngã cây hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi cây có sâu bệnh hoặc quá già vẫn đứng vững.Trong vụ ở Úc, Declan Dwyer, chỉ huy Sở cứu hỏa Nam Úc, cho biết họ tiến hành đánh giá sức khỏe thường xuyên và bảo dưỡng các cây trong danh sách chăm sóc để giảm thiểu rủi ro, nhưng ngay cả với các biện pháp kiểm tra và quy trình an toàn nghiêm ngặt nhất, thiên nhiên vẫn khó lường và cây có thể gãy cành mà không báo trước trong thời tiết khô nóng.Tiến sĩ Tim Wardlaw (Đại học Tasmania) cho rằng cây đổ một phần là do hai cây gần nhau không có kết nối ở rễ sâu dưới đất. Khi cây lớn, sức nặng của tán và cành là rất lớn. Không có liên kết giữa các cây với nhau sẽ dễ làm mất cấu trúc, một cây gãy đổ thì nhóm cây trong khu vực cũng yếu đi ngay.Tương tự, theo Curtis Falbo, chuyên gia chăm sóc cây của công ty cây xanh Wind Thin Tree Service, "khám nghiệm" hiện trường cây đổ ở Portland cho thấy rễ của chúng thường cạn, thối rễ nhiều lớp do nấm. Điều này khiến cây không thể đứng vững trong gió mạnh. "Vẫn chưa rõ liệu những vấn đề về rễ là do khí hậu ấm lên, hay do cây mọc ở đô thị ít được những cây khác hỗ trợ liên kết rễ dưới lòng đất" - Falbo nói. Tags: Cây xanh đô thịCây xanhĐô thịMảng XanhBảo vệ cây
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Chậm hoàn thuế VAT vẫn 'nóng' tại phiên đối thoại thuế ở TP.HCM ÁNH HỒNG 13/12/2024 Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Giá vàng lại rơi tự do ÁNH HỒNG 13/12/2024 Giá vàng thế giới lúc 21h30 hôm nay, 13-12, bốc hơi thêm 23 USD/ounce, về mức 2.657 USD/ounce.
Hàn Quốc bắt 3 chỉ huy quân đội và cảnh sát liên quan thiết quân luật DUY LINH 13/12/2024 Bị bắt cùng ngày với Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji Ho còn có Giám đốc Cảnh sát Seoul Kim Bong Sik và Tư lệnh Bộ phòng thủ thủ đô Lee Jin Woo.