TTCT - Hiện tượng "lạm phát chức danh" - khiến chức vụ nghe cao sang hơn nhưng đồng lương không đổi - cũng là một thứ đáng lo như lạm phát trong nền kinh tế. Nếu ngày mai đến sở làm chào chị lễ tân "chẳng hay đại sứ sảnh chờ hôm nay thế nào", hẳn cô ấy sẽ khuyên bạn về nhà nghỉ chứ ấm đầu quá rồi. Thật ra thì phong trào đặt tên vị trí công việc "kêu như chuông" này đã có từ lâu, xuất phát từ mục đích tốt đẹp, nhưng ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề, khi đã đạt đến tầm "lạm phát".Trong ô "nghề nghiệp" trên phần giới thiệu của Facebook, nhiều người cũng thường tếu táo họ là người "dọn vườn, nhặt chữ" ở tòa báo A, tức làm chuyện viết lách, biên tập, hay "ô sin kiêm gác cổng" ở doanh nghiệp B, mà thực ra là giám đốc. Đó cũng chỉ là đùa vui, không ai in chức danh như thế lên danh thiếp. Nhưng những vị trí như "đại sứ sảnh chờ" kể trên là có thật và là chức danh chính thức.Giới công nghệ là nơi đầu tiên nghĩ ra việc đặt tên công việc theo cách hài hước, cố tình đao to búa lớn này khoảng 15 năm trước, và xu hướng này nhanh chóng lan sang cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Joanna Pineda, nhà sáng lập Công ty thiết kế web Matrix Group, giữ chức CEO và "giám đốc gây rối", chuyên đặt ra các tình huống hóc búa để nhân viên tìm cách giải quyết; người phát ngôn của Yahoo! từng được gọi là "nhà truyền giáo Yahoo!"; giám đốc dịch vụ mai mối khi xưa của AOL là "CEO ái tình".Người nhiệt tình phổ biến phong trào này sang cộng đồng doanh nghiệp - khuyến khích họ nghĩ ra những chức danh như "giám đốc dự án ồ quao" (chuyên phụ trách các dự án độc đáo) là Chris Young, nhà sáng lập Công ty tư vấn quan hệ doanh nghiệp - người lao động The Rainmaker Group (Mỹ). Trả lời Forbes, Young quan niệm "chức danh thế nào thì làm việc thế ấy" - nếu gọi người trực điện thoại là... người trực điện thoại, họ sẽ làm đúng như tên phận sự của mình, "nhưng nếu tôi nói, cô là "giám đốc ấn tượng đầu tiên", cô ta sẽ hiểu cách mình trả lời điện thoại có ý nghĩa với công ty và sẽ làm việc đó theo một cách khác".Tuy nhiên "lạm phát chức danh" - khiến chức vụ nghe cao sang hơn nhưng đồng lương không đổi - cũng là một thứ đáng lo như lạm phát trong nền kinh tế. Bộ phận nhân sự và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã dùng cách này để xoa dịu nhân viên phẫn nộ đòi tăng lương và chiêu dụ người xin việc mà không tốn thêm tiền. Theo báo Financial Times, Hãng tư vấn và kế toán toàn cầu EY đã thăng chức cho hàng nghìn nhân viên của mình thành "partner", dù họ có thể không nhận được một phần lợi nhuận của công ty, vốn là thủ tục tiêu chuẩn để được trao sự ghi nhận danh giá này. "Khi quỹ lương cạn kiệt thì "nâng cấp chức danh" là cách rẻ tiền để cho người lao động thấy họ đang được ghi nhận" - The Economist bình luận. Tiếng Việt có một câu hoàn hảo cho tình trạng này: có tiếng mà không có miếng.Cũng như lạm phát kinh tế, lạm phát chức danh có thể dẫn đến chuyện dở khóc dở cười. Gọi người lao công là "kỹ thuật viên vệ sinh" thì cũng được, nhưng "nghệ sĩ bánh mì" như chuỗi thức ăn nhanh Subway gọi nhân viên đứng quầy há chẳng gượng ép lắm ru? Thứ nữa là chức danh cứ phải "leo thang" mãi: đã có "đại sứ ấn tượng đầu tiên" thì cũng cần một vị "đại biện" (chargé d’affaires), sẵn sàng trám chỗ trong trường hợp ngài "đại sứ" nghỉ phép. Ban phát chức danh dễ dãi cũng dễ gây mất đoàn kết nội bộ - người ta đã lên tầm "đại sứ khánh tiết" sao tôi vẫn là chân thư ký quèn?Và cũng như đồng tiền, chức danh cũng có thể "mất giá" nếu vị trí của ai cũng to và kêu. Người Việt có làm ăn với nước ngoài thường sẽ băn khoăn không biết cấp bậc của đối tác thế nào, khi chức danh dài đến mức in lên danh thiếp suýt phải xuống dòng. Ông chủ tịch (president) cao nhất thì không kể, nhưng từ cấp phó (vice president), thứ bậc sẽ khác nhau tùy thuộc vào (những) từ đằng trước nó. Theo The Economist, senior vice-president là quản lý cấp trung, assistant vice-president là người mới ra trường được 3 năm, còn associate vice-president là bồ câu mới ra ràng. Tất cả những vị trí này khiến người có quyền phó chủ tịch thực sự phải gánh chức danh đọc mỏi miệng: senior executive vice-president.Một xu hướng liên quan khác: doanh nghiệp dùng mỹ từ để gọi nhân viên và khách hàng. Tưởng là trân trọng, nhưng thật ra cũng chỉ là phù phiếm. Tài xế các hãng xe công nghệ và nhân viên pha chế Starbucks đều được gọi là "đối tác", siêu thị Walmart gọi nhân viên là "cộng sự", Facebook sau khi đổi tên thành Meta cho biết người lao động từ nay trở thành "metamate" (hơn cả bạn bè). Theo The Economist, việc dùng các cách gọi tử tế thân tình này có thể tạo cảm giác không xa cách và khiến mọi người gắn bó vì mục đích chung, nhưng thật ra cũng chỉ là một cách để che giấu thực tế trần trụi về sự phân biệt thứ bậc trong doanh nghiệp.Trong lúc làm ăn hanh thông, vui vẻ một chút cũng hay. Nhưng khi sóng gió tới mới có chuyện: Meta gặp khó khăn và sẽ phải chia tay hơn 11.000 "metamate", Starbucks không muốn các "đối tác" lập công đoàn đại diện quyền lợi cho mình. Và hãy đặt nó vào bối cảnh việc làm năm nay: chỉ riêng ở Mỹ, 91.000 người - những "đối tác", "cộng sự", "bạn hữu" của các hãng công nghệ - đã bị cho nghỉ việc. Bộ phận phụ trách thảo thông báo sa thải phải gọi là "giám đốc báo tử" hay "người đưa tin không ai muốn nghe" cho đặng đây?■ Tags: Chức danhLạm phát chức danhCông sởVăn phòngMất việcSa thải
Bão Milton đổ bộ bang Florida, sức gió lên đến 193km/h NGỌC ĐỨC 10/10/2024 Khoảng 7h30 (giờ Việt Nam), Bão Milton đổ bộ gần thành phố Siesta Key, bang Florida với sức gió duy trì lên đến 193km/h.
Bố không thừa nhận, mẹ thì đi lấy chồng, Cháng Thị Hương quyết 'thoát lời nguyền' VŨ TUẤN 10/10/2024 Cháng Thị Hương là ứng viên học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Cô đã đi làm thuê từ hè năm cô học lớp 8.
Cuộc tìm kiếm cảm động những bức ảnh quý ngày tiếp quản thủ đô THIÊN ĐIỂU 10/10/2024 Kết quả cuộc tìm kiếm những bức ảnh quý về ngày tiếp quản thủ đô trong các gia đình người Hà Nội 20 năm trước đã hé lộ nhiều câu chuyện cảm động về người trong ảnh lẫn người chụp ảnh.
Bộ Công Thương: EVN lỗ gần 22.000 tỉ đồng trong năm 2023 NGỌC AN 10/10/2024 Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với khoản lỗ lên tới gần 22.000 tỉ đồng.