Làm sao bán một căn nhà bị ám?

TRÚC ANH 30/10/2023 09:07 GMT+7

TTCT - Chuyện ma do dân môi giới địa ốc kể còn lạnh sống lưng hơn thị trường nhà đang lạnh lẽo.

Ảnh: Canva

Ảnh: Canva

"Thỉnh thoảng có người gọi cho tôi và nói: này, nhà tôi bị ám và tôi muốn bán, anh giúp tôi nhé" - Cindi Hagley, nhà môi giới bất động sản thuộc Tập đoàn The Hagley (California, Mỹ) nói với trang How Stuff Works. Những đề nghị kiểu này không hiếm, nên Hagley mới lập hẳn Past Life Homes, công ty tư vấn để giúp gia chủ bán được nhà "bị ám". 

Bị ám ở đây không chỉ là có ma, mà gia chủ trước đó có thể thấy ảo giác, hoang tưởng, hoặc đơn giản ngôi nhà từng là hiện trường án mạng, có người chết hay dính dấp đến một vụ ghê rợn nào đó.

Khi nhận bán ngôi nhà "có vấn đề", điều quan trọng nhất của nhân viên môi giới là có nói cho người mua đang quan tâm biết chuyện ma cỏ, ám dựa này không. Người mua căn hộ 2 phòng ngủ hẳn sẽ chẳng bao giờ hỏi "nhà này có ma không", nhưng nếu họ đang tăm tia một trang trại có từ thế kỷ 19, sân sau có khu mộ gia đình thì lại khác. Lúc này, trả lời ra sao không chỉ là chuyện đạo đức lương tâm nghề nghiệp, mà còn dính đến luật. 

Theo Washington Post, các bang ở Mỹ có luật khác nhau quy định người bán phải tiết lộ những gì về lịch sử ngôi nhà cho người mua, mặc dù hầu hết không yêu cầu chia sẻ thông tin về chuyện chết chóc hoặc các tình tiết có thể gây "kỳ thị" với tài sản. Tuy nhiên, ở tất cả các bang, nếu người mua hỏi, người bán có nghĩa vụ trả lời trung thực tất cả những gì họ biết. "Nếu bạn không kể thì hàng xóm cũng kể thôi" - Hagley nói.

Hàng xóm không nói, thì thực tế cũng không giấu được gì với thời số hóa và Google. Micha Hendel, nhân viên công ty địa ốc Compass, rõ chuyện này hơn ai hết. Năm 2019, anh được giao tìm chủ mới cho một dinh thự đang rao bán với giá 3,6 triệu USD ở số 136 Clinton (Brooklyn, TP New York). 

Kể từ khi người chủ hiện tại ở thời điểm đó dọn vào năm 1996, không có yêu tinh, ma cà rồng hay nhân vật nào ở thế giới khác xuất hiện, song ngôi nhà không bao giờ thoát được những lời đồn đại đã có từ gần 1,5 thế kỷ trước. Số là tháng

12-1878, báo New York Times cho đăng một loạt bài về chuyện có ma ở địa chỉ này, do đã từng có người tự tử. Chuyện này không bao giờ trôi vào dĩ vãng, vì New York Times số hóa báo xưa quá tốt. 

Các bài viết này giờ vẫn còn truy cập được, và "số 136 Clinton tiếp tục xuất hiện trong danh sách những địa điểm bị ma ám nhất của New York cho đến ngày nay", theo 1 bài viết trên trang The Real Deal năm 2019.

Tóm lại, nhiệm vụ kép của người môi giới là làm sao vừa minh bạch về lịch sử ngôi nhà, vừa dập tan đồn đoán bất lợi về nó. Năm 2017, James Gibbs, môi giới viên Công ty địa ốc Keller Williams được giao bán Kreischer Mansion - một ngôi nhà xây từ giữa thập niên 1880 và đã bỏ hoang nhiều năm ở khu Staten Island (New York). 

Người ta đồn rằng hồn ma ông chủ cũ và người đầu bếp - kẻ ngoại tình với vợ ông ta - vẫn lảng vảng trong nhà, và "có một thi thể có thể được chôn ở đâu đó trong khuôn viên, nhưng không ai mặn mà gì chuyện khai quật", Gibbs nói với The Real Deal. 

Mẹo của nhà môi giới này là không trực tiếp phủ nhận chuyện ngôi nhà đáng sợ, mà nói khéo: "Kinh nghiệm khi nhận bán ngôi nhà này của tôi cho thấy chả có hoạt động gì bất thường cả".

Dinh thự Kreischer. Ảnh: Jim Henderson

Dinh thự Kreischer. Ảnh: Jim Henderson

Đôi khi các môi giới viên phải áp dụng cả biện pháp "tâm linh", vời người đến "trừ tà", khử năng lượng hắc ám của các ngôi nhà có vấn đề. Theo Washington Post, những người này ăn thù lao khoảng 300 USD/lần, mỗi lần sẽ mất từ 4 - 5 giờ để thực hiện một nghi lễ phức tạp, có khi còn giống như "giao tiếp" với cõi khác. 

Kelly Moye, một nhân viên của Compass ở thành phố Boulder (bang Colorado), phát hiện tầng hầm một ngôi nhà thời Victoria có năng lượng xấu đến mức chưa ai trong gia đình chủ cũ từng dám xuống đó, kể cả chó mèo trong nhà. Người "trừ tà" được Moye vời đến phát hiện những người chủ trước đây của ngôi nhà đã làm rượu lậu trong Thời kỳ cấm rượu ở Mỹ (1920-1933), và tầng hầm từng là nơi xảy ra một cuộc đột kích chết người của cảnh sát. 

Sau khi người này "giải tỏa năng lượng" còn vương vất của cuộc đụng độ chết chóc đó, con mèo của chủ cũ đã chịu bước xuống hầm không sợ hãi. Chính những lần làm việc có hiệu quả thế này đã khiến Moye từ chỗ ban đầu không tin chuyện khử năng lượng xấu đã chuyển sang có 2 mối "trừ tà" quen, khi cần sẽ gọi, bên cạnh các đối tác tút tát đồ nội thất, gia cố sàn nhà hay tân trang hệ thống chiếu sáng.

Một lần khác, khách hàng mới mua nhà ở ngoại ô Boulder báo lại với Moye cả gia đình ai cũng đã từng thấy ma - một cái bóng khoác tấm vải liệm trắng nhờ. Nhưng khi Moye nói sẽ phái chuyên gia trừ tà đến, thì gia chủ từ chối. Hóa ra cả nhà ai cũng mê con ma này, và còn đặt tên cho nó là Lucy. 

"Có linh hồn phảng phất xung quanh không nhất thiết phải là sai trái hay chuyện tệ" - Moye nói. Khách hàng nào cũng mê ma thế thì đỡ biết mấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận