TTCT - Không cần đất cũng chẳng cần nước, nhưng cả một khu vườn xanh tươi với đầy đủ bóng cây cổ thụ, rong rêu, cát, đá vẫn hiện ra sống động trong bình thủy tinh trong suốt. Chị Đinh Thị Thu Thủy hướng dẫn cách làm terrarium cho các học viên ở TP.HCM - Ảnh: Zuki Huỳnh Điều kỳ diệu này bắt đầu thu hút nhiều người tìm đến terrarium, tạm dịch là nghệ thuật làm vườn cây trong bình thủy tinh. Thật khó để tìm thấy bất kỳ tác phẩm terrarium nào giống hệt nhau, vì mỗi tác phẩm đều được sắp đặt theo ngẫu hứng của người thực hiện. Ngay cả người làm chuyên nghiệp cũng không thể lặp lại chính xác từng milimet một mẫu terrarium mình từng làm ra. Gắp cây vào bình Đặt trên bàn một bình thủy tinh kích cỡ tương đương bình cá mini, chị Đinh Thị Thu Thủy (51 tuổi) tỉ mẩn xúc từng muỗng sỏi trắng cho vào đáy bình, sau đó rải tiếp lớp sỏi nâu và một lớp cát trắng trên bề mặt, cố tình tạo độ dốc lượn lên xuống như cát trên bãi biển. Tiếp sau đó, như một người đầu bếp, chị dùng đũa tre gắp một cây không khí cao khoảng 6cm cho vào bình, kèm theo vài mẩu lũa (gỗ cây khô) và những túm rêu nhỏ giả làm cây bụi, cuối cùng là điểm xuyết một con ốc nhỏ nằm trên cát. Sau khi cho tất cả những vật liệu này vào bình, việc tiếp theo là dùng đũa và muỗng thay đổi vị trí, sắp xếp sao cho tất cả nằm hài hòa với nhau như một khu vườn thật sự. “Làm vườn kiểu này không cực ở chỗ lấm lem bùn đất, nhưng người làm phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, làm sao để mỗi lần xoay bình và cả nhìn từ trên xuống là thấy một cảnh quan hoàn toàn khác, giống như ngắm một khu vườn qua kính vạn hoa vậy” - chị Thủy cho biết. Được biết terrarium được chia thành ba loại chính. Đơn giản nhất là vườn khô không đất không tưới, cây sống bằng không khí. Tiếp đến là vườn mở có đất nuôi cây và kỹ thuật khó nhất là vườn khép kín, đòi hỏi người làm phải thông hiểu, biết lựa chọn các nguyên vật liệu đảm bảo cây có đầy đủ chất dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng và cả nước để tự tồn tại. Hiện nay, kỹ thuật thực hiện terrarium ở Việt Nam chủ yếu được mang về từ Thái Lan. Nguyễn Tiến Dũng (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Cây làm terrarium phải là loại cây tí hon, tức là bé nhưng đã phát triển đầy đủ thân, cành lá. Cây ở Việt Nam thường to và thô nên rất khó sử dụng, nhiều loại cây tôi phải nhập trực tiếp từ Thái Lan về”. Lúc đầu Dũng nghĩ thổ nhưỡng Việt Nam và Thái Lan tương tự nên tự tin nhập cây về hàng loạt, không ngờ đa số cây không chịu được khí hậu ở Việt Nam và lần lượt “hi sinh”, chỉ còn lại vài “chú lính chì” như sen đá, gấm. Khác Dũng một chút, chị Thủy, một trong những người chơi terrarium đầu tiên ở TP.HCM, cất công sang tận Thái Lan để học trực tiếp kỹ thuật làm cây này. “Tôi lên mạng thấy hoạt động terrarium ở Thái rất mạnh, người ta đi học đông vui lắm nên đăng ký, lớp có mỗi mình là người Việt. Học một khóa chỉ một ngày, nhưng tôi học được rất nhiều kỹ thuật. Sau đó tôi còn lân la tìm hiểu, vào thăm các vườn cây của người Thái, họ có hàng trăm loại cây chuyên cho terrarium này, nhìn mà mê mẩn” - chị Thủy kể. Về Việt Nam, chị Thủy cất công tìm một khoảnh đất trong vườn nhà bạn ở thành phố để trồng thử nghiệm, phát triển các loại cây tí hon này: “Bao nhiêu tiền của đổ vào việc mua cây, ươm cây này, cứ thấy cây mới là mình cũng muốn trồng ở Việt Nam thử, nhiều loại phải thử đến 10 lần mới thành công”. Nhờ vậy, hiện nay chị đã khá chủ động về nguyên vật liệu làm terrarium, thậm chí còn cung cấp cho những người chơi terrarium khác. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ nửa năm trở lại đây nhiều cửa hàng bán cây cảnh bắt đầu chú ý đến dòng sản phẩm terrarium. Dọc theo khu bán cây cảnh trên đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM), nhiều cửa hàng treo bảng “Có bán cây không khí” - loại cây chủ lực để làm terrarium, có thể sống không cần nước và đất. Loại cây này cho vào bình thủy tinh rải cát, đá nhiều màu dưới đáy, trông rất lung linh, bắt mắt. Dù chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp của terrarium thực thụ, nhưng giá cả loại này rất mềm, chỉ từ 100.000-300.000 đồng/bình, thu hút đông đảo khách hàng là giới trẻ. Minh Tâm, chủ một cửa hàng, vừa bán luôn tay vừa tranh thủ giới thiệu: “Cuối năm cây này bán chạy lắm, tụi nhỏ hay mua tặng bạn bè rồi thầy cô, đồng nghiệp, không tốn bao nhiêu mà nhìn mới lạ hơn hẳn!”. Tại Aqua Garden (4 Nguyễn Hữu Cầu, Q.1, TP.HCM), những vườn cây trong bình thủy tinh được bày kín cả 12m2 diện tích cửa hàng với nhiều kiểu dáng bình, từ bình tròn, bình xoắn ốc đến bình giọt nước, bình bóng đèn và đủ loại tiểu cảnh. Mức giá ở đây dao động từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu khách có nhu cầu đặc biệt. “Tiệm phát triển nhóm hàng terrarium đã lâu. Chỉ thời gian gần đây, nhiều người bắt đầu chú ý và đặt mua liên tục trên mạng, tôi làm cả ngày có khi vẫn không kịp để giao hàng. Loại hình này được chuộng vì cây dễ sống, không cần chăm sóc, cắt tỉa nhiều, không tốn quá nhiều diện tích trong văn phòng” - chủ cửa hàng giải thích. Cùng làm terrarium trong lớp học cuối tuần - Ảnh: Zuki Huỳnh Không khí vui vẻ trong lớp học làm terrarium tại quán cà phê Green Oasis, Hà Nội - Ảnh: Dũng Nguyễn Đến lớp học làm vườn Bên cạnh việc mua cây theo kiểu ưng ý thì chọn, không ít người muốn học làm terrarium như một cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Thế là nhiều lớp học ra đời. Một sáng chủ nhật giữa tháng 11, đúng 9g, lớp học làm terrarium ở phòng số 6, lầu 3, chung cư 42 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM đã đông đủ 10 học viên mọi lứa tuổi, đa số là nữ giới làm việc văn phòng. “Số lượng đăng ký gấp đôi nhưng để đảm bảo đầy đủ nguyên vật liệu và không gian thoải mái, yên tĩnh cho mọi người vừa làm vừa chơi, xả stress cuối tuần, tôi đành phải từ chối bớt” - chị Lê Thu Hiền, người nghĩ ra ý tưởng mở lớp này, chia sẻ. Sau phần hướng dẫn của giáo viên về các nguyên tắc cơ bản như thứ tự sắp xếp nguyên vật liệu, cây cối, học viên bắt đầu tự sáng tạo tác phẩm của mình trong tiếng nhạc du dương. Người chọn cách đính cây không khí lên khối gỗ để tạo cảm giác như một cây cổ thụ có nhiều tán nhỏ; người cho vào bình rất ít cây nhưng nhiều cát, sỏi để làm tiểu cảnh sa mạc; người khác lại lụi cụi nhặt sỏi để chọn riêng màu... Thỉnh thoảng các học viên lại chăm chú ngắm tác phẩm của nhau và trầm trồ xuýt xoa vì với bấy nhiêu nguyên vật liệu mà chẳng bình cây nào giống nhau cả. Minh Thùy, 23 tuổi, nhà thiết kế thời trang, cho biết: “Trước đây khi du học ở Mỹ, tôi có tìm hiểu và thường xuyên lui tới các cửa hàng bán terrarium vì rất thích, về Việt Nam thì không thấy. Khi nghe có lớp học này tôi đăng ký ngay, tổng cộng nguyên vật liệu và cả học phí là 400.000 đồng, tôi nghĩ không phải là quá cao”. Tại Hà Nội, ý tưởng mở lớp xuất phát từ mong muốn xây dựng cộng đồng chơi terrarium của bạn Nguyễn Tiến Dũng. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng ngành kiến trúc, nhưng vì yêu thích terrarium nên Dũng không theo hẳn nghề kiến trúc mà mở quán cà phê Green Oasis (ngõ 6, Lê Thánh Tông) với điểm nhấn là hàng chục khu vườn trong bình thủy tinh do anh mày mò tự làm và thiết kế. Dần dà khi việc kinh doanh đi vào ổn định, Dũng quyết định mở một lớp dạy làm terrarium miễn phí (học viên chỉ cần mua bình và cây, tối đa khoảng 200.000 đồng) dành cho khách đến uống cà phê. Sáng chủ nhật nào cũng vậy, tầm 9g30, bàn ghế và nguyên vật liệu được bày ra khoảng sân nhỏ trước quán, khi đủ 10 người lớp sẽ bắt đầu. Dũng cho biết: “Vui nhất là có nhiều gia đình đưa cả các bé đến lớp. Cả nhà cùng làm chung rồi mang sản phẩm về làm kỷ niệm. Nhiều bạn đến lớp lần đầu rồi sau đó quay lại học tiếp lớp 2, lớp 3. Mong muốn của tôi là có thêm nhiều người cùng yêu thích terrarium, cùng làm với mình nên cũng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận ở đây”. Được biết, không chỉ riêng các bạn ở Hà Nội, nhiều bạn tại các tỉnh thành khác cũng tìm mọi cách có mặt ở lớp học của Dũng để làm quen với sản phẩm thú vị này. Bạn Minh Anh (đến từ Nghệ An) chia sẻ: “Mình ở xa nên phải đặt chỗ trước, nếu không ra đến nơi trễ quá lại không được học, phải quay về nhà chờ tuần sau. Ở Nghệ An không có ai chơi loại hình này nên mình phải chịu khó đi một chút, đến nơi học rất vui nên không thấy vất vả gì cả”. Hình thức nuôi dưỡng cây trong bình thủy tinh đã xuất hiện từ xa xưa. Tuy nhiên, terrarium hiện đại bắt đầu từ năm 1827. Bác sĩ Nathaniel Ward, một người rất yêu thích cây cỏ tại London, Anh, có ý định trồng một số cây trong vườn nhà mình nhưng cây liên tục chết do không khí ô nhiễm. Khi thử đưa các cây này vào trồng trong một cái lọ thủy tinh, ông nhận thấy chúng phát triển khỏe hơn hẳn. Bác sĩ Ward cho rằng nhiều loài cây sẽ sống rất tốt nếu được bảo vệ khỏi không khí ô nhiễm. Thế là ông quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu, phát triển những khu vườn tí hon trong bình thủy tinh này. Đó cũng là lý do hiện nay terrarium còn một cái tên khác là Wardian cases, dựa theo tên của người khai mở loại hình này. (Theo Terrarium.net) Tags: Terrarium
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Mỹ hé lộ lý do được Nga thông báo trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine DANH ĐỨC 23/11/2024 Từ đây cho tới ngày 20-1-2025, thời điểm ông Trump trở lại Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự kiến sẽ có nhiều diễn biến khó lường.