Làn sóng Hàn thứ ba

VIỆT HIỀN (SEOUL) 15/11/2010 00:11 GMT+7

TTCT - DongBangShinKi, BigBang, Wondergirls, Girls Generation... không còn là cái tên Hàn Quốc xa lạ với phần còn lại của châu Á nữa. Nếu trước đây khán giả bị thu hút bởi phim truyền hình Hàn Quốc, nay đến lượt nhạc trẻ Hàn Quốc dấy lên ”làn sóng Hàn thứ ba”.


Nhóm BigBang - Ảnh: DaumMusic


Hallyu - làn sóng văn hóa Hàn - là thuật ngữ lần đầu tiên được báo chí Trung Quốc dùng để chỉ ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đối với các nước trong khu vực châu Á vào năm 1999, sau khi những bộ phim truyền hình như Cảm xúc, Anh em nhà bác sĩ, Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Mối tình đầu... được phát sóng hàng loạt trên truyền hình Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam...

Đỉnh cao của làn sóng thứ nhất là vào đầu những năm 2000 khi bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa đông được phát sóng tại Nhật Bản, đưa hình ảnh diễn viên Bae Young Joon và Choi Ji Woo thành thần tượng của tầng lớp trung niên Nhật. 

Làn sóng Hallyu thứ nhất giúp Hàn Quốc xuất khẩu một loạt phim truyền hình, phim điện ảnh và ăn theo là game online, mỹ phẩm. Nhưng giai đoạn này chỉ bó hẹp ở phạm vi một số nước châu Á.

Tiếp sau đó, các phim cổ trang Hàn Quốc như Heojun Daejanggum, Jumong... đã tạo thành làn sóng Hallyu thứ hai, vươn xa ngoài phạm vi châu Á. Tên tuổi của Lee Young Ae, Song Il Kuk trở nên quen thuộc ở nước ngoài.

Ngoài thời trang, mỹ phẩm, văn hóa ẩm thực và lịch sử Hàn Quốc bắt đầu được thế giới quan tâm... Và từ đây một làn sóng mới ngầm báo hiệu một làn sóng mạnh hơn sẽ ào đến, làn sóng của nhạc pop trẻ trung. 

Tiên phong của ngọn sóng đó chính là ca sĩ Bi Rain, BoA...

Từ phim ảnh sang nhạc trẻ

Giờ đây, sức ảnh hưởng của làn sóng Hàn đã chuyển tâm điểm từ phim truyền hình và điện ảnh sang âm nhạc đại chúng Hàn Quốc (K-pop), xuất phát điểm là nhóm nhạc BigBang, DongBangShinKi, SS501 và SuperJunior. Làn sóng Hallyu thứ ba này còn được giới chuyên môn gọi là Neo-Korean Wave (làn sóng Hàn mới). 

Đặc điểm của làn sóng thứ ba này có thể vắn tắt qua ba điểm sau: 1) Sức mạnh lần này do các ban nhạc trẻ tạo nên. 2) Đối tượng ảnh hưởng là người hâm mộ trẻ trung, nhất là trong độ tuổi chưa tới 20.

3) Phạm vi lan tỏa không còn hạn hẹp ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran...) mà còn lan rộng sang các nước Ả Rập, châu Phi, châu Âu (Tây Ban Nha, Anh, Đức, Hungary, Na Uy...) và cả châu Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico, Chile, Brazil, Argentina...).

Trung tâm của làn sóng mới này chính là các nhóm nhạc teen idol như Girls Generation, Kara, 4Minute, Brown Eyed Girls, Wondergirls, 2PM, 2AM, Beast.... 

Năm 2008, ở Nhật album Kokoro của ban nhạc năm chàng trai SS501 chiếm vị trí thứ 5 trong Oricon chart (bảng xếp hạng các thể loại âm nhạc ăn khách nhất, yêu thích nhất, bán chạy nhất tại Nhật), buổi diễn của 2PM thu hút hơn 7.000 khán giả và năm nay nhóm nữ Girls Generation với ca khúc Gee chiếm vị trí số 1 Oricon chart.

Wondergirls có đĩa đơn hot nhất năm do Billboard (Mỹ) bình chọn và liên tục giữ vị trí top ở cả châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Nhóm nhạc SuperJunior với ca khúc Sorry Sorry liên tục giữ vị trí hit ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines.

Nhóm Girls Generation - Ảnh: DaumMusic

“Công nghệ sóng”

Để đạt được tầm lan tỏa rộng lớn, mãnh liệt như vậy có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Thứ nhất, các ban nhạc đã tạo được hình ảnh kết hợp hoàn hảo từ ngoại hình đến âm nhạc, vũ điệu, phục trang, trang điểm. 

Thứ hai, đạt được sự đồng bộ, có hệ thống từ khâu tuyển chọn, đào tạo ca sĩ (chất giọng, vũ đạo, ngoại hình), sáng tác, chiến lược marketing hải ngoại đến dịch vụ khách hàng một cách bài bản. Cuối cùng, phải kể đến điều kiện thuận lợi về mặt media, nhất là tiện ích của YouTube, Twitter, Facebook...

Trước khi các nhóm nhạc ra thị trường nước ngoài, hình ảnh của họ đã được công chúng quen trước qua các mạng cộng đồng trên.

Sự thành công của làn sóng Hallyu mới phải kể đến công của các tập đoàn lớn trong ngành như JYP Entertainment (công ty chuyên phát hiện, đào tạo, quản lý sao) và Mnet Media (mạng bán hàng), Cube Entertaiment và Universal Music... Sự bắt tay của các “đại gia” trong ngành âm nhạc giải trí đã tạo nên một bước ngoặt lớn mang lại kỳ vọng mới cho ngành công nghệ giải trí này.

Nhận thức được tầm ảnh hưởng của các làn sóng Hallyu, Chính phủ Hàn Quốc bắt tay vào hỗ trợ một cách hệ thống và chiến lược. Hallyu không chỉ là làn sóng tạm thời lướt qua, mà có thể trở thành một bước chuyển lớn về hình ảnh và vị thế của Hàn Quốc đến thế giới. 

Các dự án gần đây như Hallyuwood ở Ilsan, DMC (Digital Media City) ở Incheon, Songdo hay dự án Centum City ở Busan... chính là nằm trong chiến lược trọng tâm phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc.

Thế nhưng ít người hâm mộ biết rằng để trở thành một thành viên trong làn sóng đó, các sao phải trả cái giá thế nào. Các nghiên cứu đã chỉ trích chương trình đào tạo Idol star của Hàn Quốc quá khắc nghiệt.

Để trở thành Idol Hàn Quốc, các bạn trẻ phải trải qua ít nhất 2-3 năm, nhiều cũng phải 7-8 năm, luyện tập vũ đạo và giọng, mỗi ngày ít nhất 12 giờ (ví dụ như Jo Kwon của 2AM phải mất tám năm, Jun Su của DongBangShinKi phải mất sáu năm, các thành viên của Girls Generation phải mất 5-6 năm).

Ngoài khả năng vũ đạo, chất giọng, họ còn phải có ngoại hình đẹp, khả năng ngoại ngữ (để ra thị trường nước ngoài, mỗi tuần học ít nhất hai buổi), phải biết sáng tạo các dịch vụ dành cho người hâm mộ, tìm được nhà quản lý có khả năng xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh... (theo Friday, Nhật Bản).

Và dĩ nhiên chi phí đầu tư vào quãng thời gian này không phải nhỏ. Chưa kể đến những tiêu cực kèm theo như sự trá hình của các trung tâm đào tạo hay đại lý đại diện. 

Thế nhưng, theo lời của nhân viên quản lý một trung tâm đào tạo, mỗi ngày có hàng trăm em tìm đến học. Giấc mơ trở thành ngôi sao vẫn quá hấp dẫn đối với các bạn trẻ (theo Tvdaily, Chosun).

Ảnh hưởng tích cực nhất của làn sóng thứ ba là thị trường xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ và du lịch của Hàn Quốc tăng đáng kể. Hàng loạt khách nước ngoài tìm đến Hàn Quốc để du lịch, mua sắm và tận mắt ngắm các thần tượng của mình, hoặc thậm chí chỉ để thấy những nơi mà thần tượng từng ghé qua (quán ăn, tiệm cà phê, văn phòng, cửa hàng quần áo...).

Năm 2008, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đạt 42,6 tỉ đôla, chiếm 3% thị trường thế giới và đứng thứ 9 trên thế giới, thứ 3 ở châu Á. Các phương tiện truyền thông Nhật gọi làn sóng mới mạnh mẽ này là Korean invasion (tạm dịch: Sự xâm chiếm của Hàn Quốc).


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận