TTCT - 14.000, 3.000, 2.000… các con số cứ nhảy múa trên những bản tin u ám về tình hình nhân sự của nhiều công ty, tập đoàn trải đủ lĩnh vực, từ năng lượng, tiêu dùng đến công nghệ và y tế. Ảnh: methodcommunications.comNgày 26-9, cây bút Alex Wilhelm của trang tin công nghệ TechCrunch mạnh dạn giật tít "Sa thải trong ngành công nghệ là xưa rồi Diễm". Điều anh không ngờ là tròn một tháng sau, mình sẽ bị chính một đồng nghiệp "mắng": nhờ cậu nói mà mọi thứ diễn ra ngược lại rồi."Bất chấp những dấu hiệu phục hồi kinh tế và dự đoán tránh được suy thoái kinh tế, các công ty công nghệ vẫn tiếp tục sa thải nhân viên" - Haje Jan Kamps viết trong bản tin vắn "Sa thải trong ngành công nghệ đã trở lại và lợi hại hơn xưa" trên TechCrunch ngày 28-10.Nếu ai đó từng tuyên bố điều tương tự về các công ty ngoài lĩnh vực công nghệ thì giờ họ cũng sẽ ước giá mình đừng nói thế. Hàng loạt ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhà sản xuất và các hãng công nghệ từ bé đến lớn, đều công bố cắt giảm nhân sự vì vẫn lo tương lai bất ổn.Những con số nhảy múaCông cụ theo dõi tình hình sa thải (Layoff Tracker) năm 2023 của Forbes khép lại tháng 10 với cập nhật về Liberty Mutual - một trong những hãng bảo hiểm hàng đầu của Mỹ vừa cho nghỉ 850 nhân viên. Cứ dò theo danh sách này mà choáng với nhiều tên tuổi quen thuộc và số nhân sự bị "trảm".Ở lĩnh vực sản xuất ôtô, các đợt cắt giảm nhân sự liên tiếp được công bố bất chấp cuộc đình công của United Auto Workers (UAW) - nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 146.000 công nhân ngành ôtô ở Mỹ - nhằm phản đối bộ ba Detroit (Ford, General Motors, và Stellantis) vẫn đang diễn ra. Số công nhân bị ảnh hưởng trong đợt gần nhất của Ford và GM lần lượt là 430 và 155 người. Tính từ khi đình công diễn ra hồi giữa tháng 9, Ford đã đuổi việc đến hơn 3.000 người, và GM 2.300 người, theo Detroit Free Press.Ngoài ra, theo Reuters ngày 27-10, lãnh đạo Volkswagen đã phê duyệt kế hoạch giảm 2.000 việc làm tại chi nhánh phát triển phần mềm Cariad của hãng, bắt đầu từ 2024 đến hết 2025. Còn ở Anh, 17-10 được báo chí mô tả là "ngày u ám" cho tình trạng việc làm, khi Rolls-Royce và KPMG công bố kế hoạch giảm 4.000 nhân viên. Trong đó, nhà sản xuất động cơ máy bay dự kiến sa thải 2.000-2.500 người, còn tập đoàn kiểm toán thuộc nhóm Big Four có thể sẽ cho nghỉ 6% lực lượng tư vấn mua bán doanh nghiệp ở Anh, tương đương 100 người.Nhìn sang một số ngành khác, bức tranh cũng không tươi sáng hơn. Electrolux đã giảm nhân sự từ 51.400 người năm 2022 xuống còn 44.600 trong quý 3-2023, song vẫn đang tính cho nghỉ thêm 3.000 người nữa vì doanh số quý giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Shell sẽ "xóa sổ" 200 vị trí thuộc đơn vị nghiên cứu giải pháp carbon thấp và "xem xét" 130 vị trí khác trong năm 2024. Các đầu việc này sẽ được phân bổ lại cho các đơn vị khác trong số hơn 90.000 người lao động của gã khổng lồ dầu khí.Ngay cả Pfizer, sau khi đạt doanh thu kỷ lục 100 tỉ USD trong năm 2022, giờ cũng phải tính chuyện giảm người. Theo trang BioSpace, khi doanh số vắc xin COVID-19 giảm mạnh, hãng dược phẩm này đã tiến hành chiến dịch cắt giảm chi phí với mục tiêu tiết kiệm 3,5 tỉ USD trong năm 2024. Tính đến tháng 8-2023, Pfizer có xấp xỉ 83.000 nhân viên toàn cầu; hiện chưa rõ bao nhiêu người sẽ mất việc.Ảnh: COMPASSIONATE EYE FOUNDATION MARTIN BARRAUDTrở lại với các hãng công nghệ. Cũng khổ cho Wilhelm, khi anh rõ là có lý do để mạnh miệng tuyên bố chuỗi sa thải ở các công ty công nghệ đã dừng lại. Tháng 1 năm nay, gần 90.000 nhân sự ngành bị đuổi việc, sang đến tháng 9, con số đã xuống dưới 5.000. Trong khi giới phân tích tin rằng đã đến lúc nhìn về một năm 2024 tươi sáng hơn với tình hình kinh tế cải thiện, thì những đợt sa thải rầm rộ lại liên tiếp diễn ra trong tháng 10.Đầu tiên, hãng chip Qualcomm công bố cho nghỉ hơn 1.200 người, rồi Nokia thông báo kế hoạch giảm lực lượng lao động từ 86.000 nhân viên toàn cầu xuống còn 72.000-77.000, tức ít nhất 9.000 người sắp mất việc. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Nokia giảm chi phí nhân sự 10-15% và tiết kiệm ít nhất 400 triệu euro trong năm 2024.LinkedIn, mạng xã hội việc làm thuộc Microsoft, sa thải 716 người hồi tháng 5 và tiếp tục cắt giảm thêm 668 vị trí ở khắp các phòng ban - kỹ sư, phát triển sản phẩm và tài chính. Trở ngược về tháng 9, Google xác nhận đã "cho ra đi" hàng trăm nhân viên thuộc bộ phận tuyển mộ tài năng, một phần của kế hoạch cắt giảm chi phí. Cần nhắc lại hồi tháng 1, công ty mẹ Alphabet đã đuổi việc đến 12.000 người.Tưởng rằng đã êmTrong mọi thông báo, các công ty đều đề cập, với mức độ chi tiết khác nhau, đến lý do của việc giảm quy mô lực lượng lao động. Với Ford, đơn giản là vì "nhiều khó khăn"; Electrolux chật vật vì "nhu cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu và áp lực cạnh tranh trên thị trường"; LinkedIn muốn "điều chỉnh cơ cấu tổ chức"; còn Nokia phải "nhanh chóng thay đổi" trước cú sốc lợi nhuận quý 3 giảm 69% so với cùng kỳ 2022.Điều khiến các đợt sa thải hàng trăm hàng ngàn nhân sự vừa qua gây sốc là chúng diễn ra giữa lúc tình hình kinh tế được đánh giá là đã cải thiện. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân là dù kinh tế có tốt lên thật, quá trình hồi phục vẫn diễn ra chậm và các công ty cần chuẩn bị, lỡ không may tình trạng ì ạch lại kéo dài.Họ có lý do để thận trọng vì mọi thứ chưa có gì chắc chắn. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã tuyên bố trước mắt trong tháng 11 sẽ không tăng lãi suất, nhưng cũng không phủ nhận khả năng sẽ có các đợt tăng lãi suất tiếp theo trong tương lai. "Các kinh tế gia đồng thuận rằng Mỹ có thể sẽ tránh được suy thoái kinh tế vào thời điểm này. Tuy nhiên, cũng không ai kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhanh chóng" - Atta Tarki, chủ tịch công ty cung ứng nhân sự cấp cao ECA Partners, nhận định.Trong thời COVID-19, nhiều công ty đã sa thải và cho tạm nghỉ việc hàng loạt nhân sự, để rồi sau đó thiếu nhân công khi nhu cầu tăng trở lại. "Giờ thì họ nghĩ rằng thời gian phục hồi sẽ lâu hơn nên chọn chuyển sang chế độ ngủ đông, chuẩn bị cho một mùa đông dài hơn " - Tarki giải thích với TechCrunch. Lựa chọn này dựa trên kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là cả năm 2024 và nửa đầu 2025, kinh tế vẫn sẽ tăng trưởng chậm, nên giờ cắt giảm nhân sự thì cũng không sợ trở tay không kịp nếu mọi thứ phục hồi như hồi hậu COVID.Một nguyên nhân khác: các nhà đầu tư đang bắt đầu thay đổi tư duy, chuyển từ quan tâm tăng trưởng sang hiệu quả, buộc các công ty phải cắt giảm chi phí và sa thải là một trong những biện pháp đầu tiên. Xu hướng này không chỉ xảy ra trong lĩnh vực công nghệ. Việc cắt giảm nhân sự ở Liberty Mutual là một phần của kế hoạch tái cơ cấu dài hơi nhằm "hình dung lại cách kinh doanh, với trọng tâm là hiệu suất và hiệu quả", theo thông cáo hãng gửi cho trang Insurance Business.Ảnh: CrunchBaseHãy bình tĩnhGiả định thị trường sẽ không tốt lên ngay trong năm 2024, rõ ràng tập trung vào tính hiệu quả là chuyện nên làm - theo Lily Lyman thuộc hãng tư vấn Underscore. "Chúng ta có thể sẽ thấy các công ty gặp khó khăn trong năm tới để đạt được các mục tiêu về hiệu quả và tăng trưởng. Chu kỳ bán hàng chậm hơn. Ngân sách thắt chặt hơn. Mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn. Chúng ta sẽ vẫn ở trong một môi trường "làm được nhiều hơn với ít hơn", ai làm được sẽ tồn tại và có thể được tưởng thưởng xứng đáng" - Lyman nói.Cho đến khi tình hình cải thiện, các công ty vẫn sẽ phải tiếp tục sa thải. Những con số hàng trăm hàng ngàn có thể khiến người nhìn vào thấy choáng, song một số chuyên gia phân tích cho rằng tất cả hãy bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó.Tim Herbert - giám đốc nghiên cứu tại CompTIA, một công ty cấp chứng chỉ công nghệ thông tin - nhắc rằng bất chấp thông tin cắt giảm việc làm liên tục tung ra, tỉ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vẫn chỉ ở mức 2,2%. Nhưng người ta vẫn sốc vì tin tức dồn dập dễ gây cảm giác choáng ngợp, theo Tarki."Tổng số người mất việc vẫn không cao bất thường so các mốc so sánh trong lịch sử. Nhưng vì mọi người đều lo lắng về nền kinh tế và ai cũng nghĩ mãi về một đợt sa thải hàng loạt nên bất kỳ công ty nổi tiếng nào thông báo sa thải đều khiến mọi người giật mình" - ông giải thích. Meta ngược dòngNăm tháng trước, Meta hoàn tất thủ tục cuối cùng cho đợt "đại sa thải" 21.000 nhân viên, một phần của nỗ lực kéo dài cả năm nhằm cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Giờ thì khi các hãng công nghệ khác cho nhân viên thôi việc, công ty mẹ Facebook lại tính chuyện thuê thêm người. Theo Washington Post, Meta có kế hoạch chi nhiều hơn cho "các lĩnh vực ưu tiên" và chuyển cơ cấu nhân sự sang tập trung vào các "vị trí kỹ thuật chi phí cao" trong năm 2024. Mark Zuckerberg từng tiết lộ đứng đầu trong các mục tiêu ưu tiên là trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi Meta phải sắm thêm máy móc và thuê kỹ sư. Tags: Phục hồi kinh tếCông ty công nghệSa thải nhân viênSuy thoái kinh tếCắt giảm nhân sựHãng công nghệLĩnh vực công nghệPhát triển phần mềmNgười lao động
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.