TTCT - Đến Huế trong những ngày hội này, ngoài các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc đến từ khắp năm châu và nhiều vùng miền đất nước, du khách còn có lựa chọn khác: làng quê ven đô thanh bình và yên ả rất đáng để mọi người cất công khám phá… Lễ hội đường phố luôn sôi động, cuốn hút - Ảnh: NGUYỆN THƯỢNG HIỂN Xuôi ngược ven sông Buổi sáng ở trung tâm TP Huế với tô bún bò và ly cà phê ven sông Hương, những ai yêu di sản làng quê hãy cùng chiếc xe đạp (hay xe máy) ngược đường Bùi Thị Xuân để đến làng Nguyệt Biều - Lương Quán nằm ven sông. Đoạn đường chừng ba cây số đi qua phường đúc đồng có từ thời chúa Nguyễn vẫn đang còn đỏ lửa. Trên đường đi có đàn tế Sơn Xuyên của triều Nguyễn tế “danh sơn đại xuyên”, tức những ngọn núi chủ và sông lớn của cả nước, nằm ngay giữa sân Trường tiểu học Phường Đúc. Cách đó non cây số là di tích Hổ Quyền, nơi từng diễn ra các cuộc tỉ thí đẫm máu giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn. Loại đấu trường này được xem là duy nhất còn lại hiện nay trên thế giới, gắn liền với điện Voi Ré thờ thần voi cổ kính. Ngôi điện cũng tiếp giáp với bức thành Lồi của người Champa có từ hơn 10 thế kỷ, đôi chỗ còn lộ tường gạch cổ... Vòng qua gò Long Thọ là đến làng Nguyệt Biều và làng Lương Quán nối tiếp nhau, bao bọc bởi sông Hương, cây phủ bóng, ngút ngàn một sắc xanh thanh bình. Đường làng ngoằn ngoèo, dọc ngang như mắc cửi. Thú vị nhất của làng vẫn là cảnh vườn nối vườn, “ngăn mà không cách” bởi các hàng chè tàu tỉa tót phẳng phiu. Du khách quốc tế rất hào hứng với vẻ đẹp làng quê Huế - Ảnh: ANH TÚ Bên trong mỗi vườn là nhiều tầng bậc của cây trái và rau xanh, khá điển hình cho kiểu vườn tạp xứ Huế. Thú vị nhất vẫn là những vườn thanh trà - loại trái cây đặc sản góp phần làm cho cái tên Nguyệt Biều trở nên danh tiếng. Người ta đồ rằng chính nhờ phù sa và vị nước sông Hương bao quanh đã làm nên vị ngọt thanh đặc biệt, không lẫn vào đâu của thanh trà nơi đây. Các loại thơm (khóm), dâu, chuối, mít, các loại rau, đặc biệt là bắp trái trồng ở triền sông Hương, có một vị ngon riêng biệt... Một buổi cơm trưa ngay dưới tán cây măng cụt của một khu nhà vườn với rau quả địa phương cũng là trải nghiệm thú vị. Có một hướng khám phá khác, là các làng phía hạ nguồn sông Hương. Hành trình này đi qua phố cổ Bao Vinh, dấu vết cảng thị Thanh Hà thời chúa Nguyễn, và tâm điểm vẫn là ngã ba Sình, nơi hợp lưu giữa sông Hương và sông Bồ. Ngoài cảnh sắc và không gian làng lẫn khu chợ quê ngay cạnh bờ sông, có một ngôi miếu nhỏ thờ Kỳ Thạch phu nhân nằm cạnh đình làng Thanh Phước là không nên bỏ qua. Bức tượng được trục vớt từ ngã ba sông hàng chục năm trước, đang được người dân thờ cúng, được đánh giá là tuyệt tác điêu khắc Chăm. Đi trên chuyến đò ngang (chở được cả người lẫn xe đạp, xe máy) ra giữa sông mới hình dung hết địa điểm linh thiêng thú vị của Huế này. Nhìn bao quát một vòng, tất cả đình đền, am miếu hay những khu nhà thờ họ của các làng Thanh Phước, Thủy Phú, Lại Ân tiếp nối, thẳng hướng ra sông. Sang sông, nghề làm tranh dân gian truyền thống làng Sình xứng đáng để lưu chân khám phá. Băng qua thêm một cánh đồng là Thanh Tiên với nghề hoa giấy độc đáo không nơi đâu có. Nghệ nhân ngày nay không chỉ làm loại hoa thờ cúng, việc làm hoa sen giấy rất phù hợp để trang trí các phòng khách mà du khách có thể mua về làm quà. Chuyến đò ngang từ làng Tiên Nộn sang phố cổ Bao Vinh phía bắc kinh thành Huế sẽ kết thúc hành trình này... Cầu ngói Thanh Toàn trong ngày lễ hội - Ảnh: THÁI LỘC Ai về cầu ngói Thanh Toàn Vệt làng phía đông thành phố cũng là hướng khám phá rất nên chọn lựa trong mùa lễ hội. Bắt đầu từ làng Lại Thế - Ngọc Anh, men theo con đường bêtông ngoằn ngoèo ven bờ sông Như Ý, đi xuyên qua nhiều ngôi làng cổ như Chiết Bi, Dưỡng Mong, Vinh Vệ, Phước Linh, An Lưu... Dòng sông Như Ý quanh co, bờ tre và con đường chạy dọc hai bên, nơi hướng ra của hầu hết kiến trúc cổ của các làng, trở thành những khung cảnh đặc biệt thú vị. Phủ cổ Phước Long, đền thờ Tôn Thất Thuyết và chợ nón Dạ Lê (họp từ rất sớm) đều là những điểm “phải” khám phá. Hàng trăm bến nước rợp bóng ven sông càng không thể bỏ qua... Cuối cung đường này là làng Thanh Thủy Chánh với cây cầu ngói Thanh Toàn vắt ngang con kênh nhỏ, hướng ra cánh đồng lộng gió trước mắt. Cây cầu gỗ cổ có mái che được xây dựng từ thế kỷ 18 bởi một người phụ nữ họ Trần bỏ tiền làm cầu để tạo phúc cho dân. Cầu gắn liền với câu ca dao một thuở: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/Cho em về với một đoàn cho vui”. Cầu ngói, chợ quê và nhà trưng bày nông cụ bên cạnh, trong những ngày này sẽ nhộn nhịp với chương trình “Chợ quê ngày hội”, là điểm tụ hội của người dân quanh vùng. Bữa ăn trong làng, hãy chọn mấy quán nhìn ra cánh đồng, có món gà nướng đất sét và nhiều loại cá đồng nướng... Đất cố đô còn rất nhiều “vệt” làng rất đặc biệt khác, xứng đáng để cất công khám phá. Đó là những “làng quan lại” ở Kim Long, Vỹ Dạ. Nhiều ngôi làng vườn Xuân Hòa, Ngọc Hồ, Trúc Lâm; làng ven đầm phá như An Truyền, Triều Thủy và xa hơn nữa về phía bắc là làng cổ Phước Tích với hàng chục ngôi nhà rường vườn yêu kiều, bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu… ■ Khám phá cánh đồng quê ở làng Thanh Thủy Chánh - NGỌC HIỂN Trình diễn nghệ thuật của 17 quốc gia Những nét lạ đến từ phương Tây thu hút sự chú ý của du khách - Ảnh: NGUYỆN THƯỢNG HIỂN Festival Huế 2016 khai mạc tối 29-4, bế mạc tối 4-5. Trong khuôn khổ festival có khoảng 60 chương trình văn hóa nghệ thuật chính và hoạt động hưởng ứng. Không gian chính của lễ hội vẫn là Hoàng thành Huế và cung An Định, được chiếu sáng lộng lẫy, lung linh hằng đêm, là nơi biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật quốc tế và trong nước. Có 17 quốc gia với hàng chục đoàn nghệ thuật đặc sắc tham gia biểu diễn. Nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra chủ yếu ven bờ sông Hương, trong TP Huế và tỏa rộng ra một số làng quê lân cận. Đó là các chương trình, lễ hội: ẩm thực quốc tế (28-4 đến tối 2-5); lễ hội bia Huế (từ 29-4 đến 4-5); không gian ẩm thực chay (từ 29-4 đến 4-5); lễ hội diều (từ 29-4 đến 3-5); festival hip-hop (sáng 30-4 và 1-5); âm nhạc đường phố (tối 30-4); chương trình áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” (tối 30-4); Quảng Chiếu (tối 1-5); chương trình “Âm nhạc Trịnh Công Sơn” (tối 1-5); lễ hội đường phố “Di sản và màu sắc văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á và Mỹ Latin (chiều 1-5); chương trình quảng diễn đường phố L’Homme Debout (chiều 30-4 và tối 2-5); lễ hội “Hương xưa làng cổ” ở Phước Tích (tối 30-4 và 2-5); chương trình rock “Live show 2016 - Lửa cố đô” (tối 3-5), ngày hội khinh khí cầu (4-5)...■
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 11/01/2025 1483 từ
Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng nắm nhiều vị trí tại thành viên Vingroup CÔNG TRUNG 15/01/2025 Ông Phạm Nhật Minh Hoàng (sinh năm 2000) là con trai thứ 2 của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương. Dù chỉ mới 25 tuổi, ông Minh Hoàng đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup.
Ông Yoon chịu thẩm vấn gắt gao, hơn 200 câu hỏi TRẦN PHƯƠNG 15/01/2025 Hãng tin Yonhap cho biết ông Yoon sẽ chịu thẩm vấn gắt gao tại trụ sở CIO sau khi bị bắt vào sáng 15-1.
Nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam ngừng hoạt động THÀNH CHUNG 15/01/2025 13 kênh truyền hình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng kênh truyền hình VOV, truyền hình Nhân Dân chính thức ngừng phát sóng từ 15-1.
Ùn ứ nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng do đèn xanh 'hơi ngắn' MINH HÒA 15/01/2025 Sáng 15-1, hàng ngàn xe máy, ô tô bị ùn ứ nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ TP Thủ Đức đi quận Bình Thạnh, TP.HCM.