Lắng nghe chuyện kể của... các nguyên tố

MINH PHƯỚC 05/08/2013 00:08 GMT+7

TTCT - Trong văn học nghệ thuật, hình ảnh bốn nguyên tố cổ đại luôn tràn ngập, và các nhà giả kim có phép thuật rất thường hiện diện trong các bộ phim giả tưởng ăn khách.

Ngày nay ai nấy đều biết đất, nước, lửa và không khí không phải nguyên tố, nhưng bất chấp thực tế khoa học ấy, vẻ đẹp của bộ tứ huyền ảo này vẫn cuốn hút trí tưởng tượng của chúng ta.

Phóng to

Các nguyên tố - Dẫn nhập ngắn (*) của Philip Ball được viết nên trên tinh thần đó, nhìn nhận các nguyên tố như là “một phần kho tàng những biểu trưng văn hóa”.

Các nguyên tố không chỉ xuất hiện trong bảng tuần hoàn hiện đại mà bạn được học trong các giờ hóa học. Chúng luôn là những gì con người đã tương tác và gắn bó qua bao thế kỷ, trong lịch sử khám phá thế giới.

Philip Ball (sinh năm 1962) là nhà văn Anh chuyên viết các chuyên đề khoa học. Ông tốt nghiệp chuyên ngành hóa học Đại học Oxford và vật lý Đại học Bristol. Ông từng làm biên tập cho tạp chí chuyên đề Nature trong 10 năm. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là Khối lượng tới hạn 2004: Cách một sự việc dẫn tới một sự việc khác, đoạt giải Aventis 2005 cho hạng mục sách khoa học.

“Câu chuyện về các nguyên tố là câu chuyện về mối quan hệ của chúng ta với thế giới vật chất, một cái gì đó còn xuất hiện trước mọi khái niệm về bảng tuần hoàn. Sự gần gũi với vật chất không hề phụ thuộc vào hiểu biết chi tiết của chúng ta về silic, phốtpho hay molypden mà nó toát ra từ sự đằm tay dễ chịu của một thỏi bạc, từ sự ngọt ngào mát lạnh của nước, từ sự trơn nhẵn của viên ngọc được mài kỹ. Đó chính là nguồn gốc dẫn tới câu hỏi cơ bản: Thế giới được tạo nên từ cái gì?”.

Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa thể trả lời dứt khoát, bởi vì “không có gì thật rõ ràng về các tính chất của ngay cả những nguyên tố quen thuộc và cổ điển nhất”.

Oxy thường được cảm nhận như một nguyên tố thân thiện nhưng lại là một trong những nguyên tố tàn phá và ăn mòn mạnh nhất. Hydro quen thuộc với những quả bóng bay đáng yêu nhưng có thể dùng tạo ra loại bom khủng khiếp gấp nhiều lần bom nguyên tử. Asen độc nhưng không thể thiếu trong hầu hết mọi cơ quan sống.

Và vàng - nguyên tố mà con người khao khát có càng nhiều càng tốt ấy lại rất vô dụng, không có vai trò sinh học tự nhiên. Hầu hết chúng ta luôn nhìn nhận về các nguyên tố theo cảm quan khá mông lung. Thêm vào đó, thế giới nguyên tố cũng không ngừng biến đổi, kéo theo những thay đổi cốt yếu trong lịch sử loài người.

Dù cuốn sách mang cái tên rất chân phương, bạn không phải lo nó trình bày toàn những khái niệm và công thức hóa học chuyên sâu. Thực tế, đây là cuốn sách dành cho người yêu thích những câu chuyện.

Người đọc được dẫn dắt đi từ thời cổ đại, qua màu sắc của các họa sĩ Hi Lạp và Phục hưng mà hiểu về ảnh hưởng của các quan niệm nguyên tố, nhờ những truyền thuyết và lịch sử tiền tệ để biết vì sao vàng có vai trò vững chắc như vậy dù không phải là nguyên tố hiếm và đắt nhất, qua giai thoại về các tên tuổi lớn để vẽ nên bức tranh về sự phát triển của ngành hóa học.

Chỉ trong hơn 200 trang sách, người đọc đã biết được vô số những câu chuyện thú vị về thám hiểm và trao đổi văn hóa, thương mại, chính trị, chiến tranh...

Ngoài ra tác giả còn giải thích một cách rất hấp dẫn, dễ hiểu những vấn đề mà đa số chúng ta thấy quen nhưng không rõ lắm, như giả kim thuật dựa trên cái gì, tại sao thủy tinh có thể coi là đã làm thay đổi quan điểm về vị trí của chúng ta trong vũ trụ, các nguyên tố mới được tạo ra bằng cách nào, khái niệm phóng xạ và nguồn gốc sức mạnh của bom nguyên tử, thế nào là đồng vị của các nguyên tố, tại sao cacbon phóng xạ lại dùng xác định niên đại trong khảo cổ, tại sao biểu đồ biến đổi khí hậu Trái đất lại được ghi trong các lớp băng ở vùng cực...

Cho đến nay, thật sự thì cuộc hành trình khám phá khả năng kết hợp của các nguyên tố mới chỉ bắt đầu. Các nguyên tố - Dẫn nhập ngắn là một khởi đầu tốt dành cho một độc giả phổ thông, bởi không chỉ cung cấp kiến thức, nó còn gợi nên sự tò mò và niềm hứng thú trước những kết hợp phong phú kỳ diệu của thiên tài tự nhiên từ những nguyên liệu đơn giản. Trên hết, ai có thể từ chối những câu chuyện?

___________

(*): Các nguyên tố - Dẫn nhập ngắn, Philip Ball - Phạm Văn Thiều và Phạm Thu Hằng dịch, NXB Tri Thức, 2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận