TTCN - Có một chợ đêm mà rất ít người biết đến, đó là chợ đêm ở làng Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) sôi động gấp nhiều lần các chợ đêm ở thủ đô và đây cũng là “chợ đêm... làng” duy nhất ở miền Bắc. Phóng to Những người đàn bà đến từ các làng lân cận để bán mặt hàng rẻ nhất mà họ có: rơm khô và cỏ voi Làng không ngủ Nửa đêm. Trong khi các làng xung quanh đã chìm sâu trong bóng tối thâm u mùa hè thì làng Thổ Tang vẫn sáng trưng, huyên náo. Dọc đường trục làng gần 2km hơn 100 ôtô đậu thành dãy, chiếc này vừa ra chiếc khác thế vào. Các quán phở vẫn đỏ lửa. Những kho dưa hấu, dứa, cam... ken liền tấp nập cảnh cân đếm, bốc chuyển. Trong một đêm ở Thổ Tang diễn ra... hai phiên chợ! Phiên thứ nhất từ khi mặt trời lặn đến khoảng 1-2g sáng; phiên thứ hai từ 2g tới sáng. Cuộc đổi phiên rất nhịp nhàng mà chỉ có thức trắng đêm ở Thổ Tang mới nhận ra. Người Thổ Tang cũng đã quen với cái lịch sinh hoạt kỳ biệt ấy. Khi đổi phiên nhóm này sẽ giao ca cho nhóm kia, vợ giao ca cho chồng, chủ giao ca cho kẻ làm thuê... để thay nhau thức trắng với chợ đêm. Nhưng có một nhóm người không thể giao ca, họ làm việc “overnight” với những đêm trắng triền miên, đó là đội bốc vác thuê. Ông Đỗ Xuân Tiến - phó chủ tịch UBND xã Thổ Tang - bảo trước đây nhóm bốc vác thuê gằn nhau rất gắt. Họ chia bè nhóm tranh giành mối hàng đêm nào cũng xảy ra ẩu đả làm náo động cả ngôi làng. Sau chính quyền can thiệp, tập hợp họ thành một nhóm có lề luật hoạt động chung, cử một người làm trưởng rồi chia thành bốn đội lẻ, mỗi đội khoảng 20 người, khoanh vùng hoạt động, không ai được lấn sân nhau. Được có chân trong đội bốc vác là cơ may cho các chàng trai làm thuê. Bởi một đêm mỗi người có thể kiếm được 100.000 đồng. Chỉ sợ không có sức chứ việc rất nhiều, đêm nào cũng “chạy sô” không kịp. Chưa bốc xong dưa cho chủ này, chủ kia đã qua gọi đi bốc mận, dứa, xoài, cam, chè, lạc... Họ chỉ được nghỉ giải lao trong khoảng thời gian đổi phiên, tranh thủ đi ăn lót dạ tại các quán phở vẫn nghi ngút khói suốt đêm hoặc đứng tán gẫu bên đường chờ các xe hàng trở về để bốc hàng cho tới sáng. Mỗi đêm Thổ Tang đón ít nhất 200 ôtô, mỗi ôtô chứa 3 - 30 tấn chè, lạc, đỗ, hoa quả, trâu bò, phân đạm, máy móc... Sau đó vào tầm 4-5g những ôtô trên lại lên đường đưa hàng đi khắp miền Bắc. Phóng to Khu chuyên bán rau xanh tại chợ đêm Thổ TangNhững ngôi nhà nằm sâu hai bên đường trục lúc nửa đêm về sáng cũng sôi động không kém gì cảnh ngoài chợ. Hàng chục lò mổ trâu, bò, lợn, ngựa... chí chát tiếng dao búa. Các lò mổ thường hoạt động từ 10g đêm đến 3g sáng để kịp đóng hàng cho đội tiểu thương. Những lò mổ lớn mỗi đêm có thể làm thịt 10 trâu, bò. Tầm 3g sáng, tiếng chó sủa dậy cả làng bởi tiếng xe máy rú ga ầm ĩ khắp ngõ ngách “chạy đua” cất thịt về các chợ lớn ở Hà Nội, Hà Tây, Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương... Nhiều người Thổ Tang bảo ngày ở đây bắt đầu lúc 1g sáng, bởi phiên chợ của ngày mới chính thức họp từ lúc này. Từ 3g sáng trở đi cả làng Thổ Tang thức dậy hết. Tất cả con đường dẫn vào làng bị lấp kín người và hàng hóa. Lượng người túa ra mỗi lúc một đông đến nỗi ôtô, xe máy nào đi qua làng chỉ cần chậm một chút là bị tắc lại, phải chờ đến vãn chợ mới qua nổi. Tôi theo anh Trung, trưởng ban văn hóa xã, len mãi mới đi hết chợ. Những đôi dép của người gánh cỏ quét loẹt quẹt trên mặt đường. Tiếng hàng trăm xe rau lọc cọc khắp lối ngõ. Góp mặt vào chợ lúc này không chỉ có đội bốc vác, cánh tài xế, những ông bà chủ đứng chỉ trỏ, cân đo đong đếm... mà còn hàng nghìn nông dân đến từ các làng gần, xa. Làng xa nhất tới 30km. Người ta đến chợ, họp chợ, mặc cả, đếm tiền... không cần ánh sáng mặt trời. Tôi cảm giác ngôi làng này vừa thiu thiu ngủ vài chục phút đã phải thức dậy tiếp tục căng mình đón phiên chợ mới còn sôi động gấp nhiều lần phiên chợ ban ngày ở chính nơi đây. Anh Trung cho biết trước đây chính quyền xã đã xây một cái chợ rất to bên đường cái nhưng nó chỉ đủ sức họp ban ngày, còn ban đêm đóng cửa vì quá tải và xã đành dùng gần 2km đường cái để cắm chợ đêm. Rơm cỏ và... người! Trong đình làng Thổ Tang còn có bia ghi lai lịch nghề buôn. Con cái lớn lên được cha mẹ dạy: không buôn không phải là người Thổ Tang! Đi buôn đã là cái máu di truyền và qui luật thị trường khiến họ phải tinh nhạy về trí óc, làm lụng căng như dây cót đồng hồ. Họ săn thông tin nhanh như chớp. Năm 1999 miền Trung bị lụt lớn, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chưa kịp lên tivi chia sẻ, người Thổ Tang đã đưa rau xanh, mì tôm vào “ứng cứu”. Quốc hội chỉ vừa biểu quyết phê chuẩn công trình thủy điện Sơn La, Thổ Tang đã “cài” ngay 500 người lên đó lập “doanh trại” bán rau xanh, thịt, muối... Gần đây thủy điện Nà Hang (Tuyên Quang) mới động thổ, 40 hộ người Thổ Tang đã có mặt họp chợ. Thế cũng chưa đáng kinh ngạc bằng chuyện ngay trong ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, một người Thổ Tang, ông Nguyễn Văn Thường, đã mang cờ và ảnh Bác Hồ theo xe bộ đội vào Sài Gòn... bán!Người ta gọi Thổ Tang là làng tiểu thương bởi số gia đình làm ruộng rất ít, người dân sống được nhờ nghề buôn bán. Trên 3.000 hộ của làng dắt nhau đi buôn khắp nước, ra cả nước ngoài. Những nông dân nghèo từ các làng Đại Đồng, Tân Tiến, Thượng Trưng, Vĩnh Sơn, Cao Đại... đến chợ đêm mang theo đủ loại nông sản mà họ làm ra. Từ hành tỏi, rau xanh, rau thơm, nấm hương, mộc nhĩ đến cả rơm khô, cỏ voi, phân, tro, trấu... Tất cả lũ lượt tìm về đứng đúng những khu đã được UBND xã cắm mốc sẵn: khu chuyên bán rau, khu chuyên hoa quả, khu mua bán phân, tro, trấu, rơm khô... Trong bóng tối khuất xa cột đèn cao áp, hàng trăm gánh rơm khô, cỏ voi, xe phân tro trấu chen nhau đứng chật lú hai mép đường. 11.000 đồng/bó rơm khô. Người mua là chủ các cơ sở làm nấm rơm trong tỉnh; cỏ voi 16.000 đồng/xe không đủ bán cho các ông chủ buôn trâu xuyên Việt. Bao nhiêu phân, tro, trấu... của bà con cũng được các “đại gia” người Thổ Tang bao mua tất. Sau đó họ đưa về nhà, thuê người tới sơ chế lại rồi đóng bao, gắn nhãn mác chuyển lên ôtô tiếp tục chở đi Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Một tạ phân tằm chở lên Hà Giang bán cho chủ trang trại cam giá tới 40.000 đồng, rất lãi. Còn một khu chợ khác chỉ rặt người là chợ lao động bắt đầu họp từ 4-5g sáng. “Chợ người” Thổ Tang đông hơn bất cứ chợ cửu vạn nào ở Hà Nội. Mỗi đêm có tầm 600-1.000 người từ Sơn Tây, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bạch Hạc... về đây họp chợ. Còn vào ngày mùa lượng người chờ việc lên tới con số vài nghìn. Họ đến đây làm đủ thứ: từ gặt hái, cấy cày đến “mông” hàng (chọn lọc, sàng nhặt, sơ chế, đánh bóng, đóng bao...) thuê cho người Thổ Tang. 4-5g sáng các chủ Thổ Tang đã ra chợ “nhặt” người về, thổi cơm ăn xong mới giao việc. “Chợ người” Thổ Tang đã nhộn nhịp như vậy từ 20 năm qua. “Không buôn không phải là người Thổ Tang...” Anh Trung than: người làng anh cực, sinh ra đã phải lo toan tính toán, thức trắng đêm để làm hàng. Cả làng đều đi buôn (trừ trẻ em). Nếu chồng ở nhà thì vợ “cắm” chợ Đồng Xuân; con cái, ông bà “cắm” tận Sơn La, Lai Châu. Cả tháng, cả năm có khi không gặp được nhau. Hoặc nếu vợ chồng được gần nhau thì lại chịu cảnh... chồng ngủ vợ phải thức. Măng khô ở chợ Đồng Xuân “cháy”, vợ gọi điện về kêu chồng đánh hàng ôtô xuống. Rau xanh ở Tuyên Quang, Sơn La “sốt”, con chỉ điện về ban sáng, trưa bố đã gửi đủ hàng lên. Cả làng có tới 130 xe tải, có trên 1.300 điện thoại bàn và di động... Đó là những phương tiện làm ăn rất năng động và đặc trưng của người Thổ Tang. Nếu xét qui mô, tốc độ buôn bán ít có nơi nào bì được với Thổ Tang. Chính quyền vừa thống kê hiện cả xã có tới 781 hộ buôn bán cỡ “đại gia” (vốn từ 200 - 300 triệu cho tới hàng tỉ đồng), trong số đó nhiều người đã thành lập được công ty; và khoảng 1.500 hộ buôn bán nhỏ (vốn vài chục triệu đồng). Phóng to Một lò mổ trâu nằm sâu trong làng“Người làng tôi buôn không chê bất cứ thứ gì, từ đồ “thượng vàng” (vàng bạc, đá quí, xe máy, tủ lạnh, tivi...) đến “hạ cám” (phân, tro, trấu...), chỉ trừ những mặt hàng quốc cấm”- ông Tiến nói. Ông Tiến cho biết “mỗi năm người dân xã tôi xuất khẩu trên 5.000 tấn chè khô (tức bằng lượng xuất khẩu của cả 10 công ty chè quốc doanh, chủ yếu xuất đi Trung Quốc, Campuchia, châu u), trên 3.000 tấn lạc nhân, đưa vào TP.HCM 5.000 tấn trâu bò và thu gom 20.000 tấn rau quả”. Nhờ “cửa ngõ” Thổ Tang mà hàng hóa từ phía Bắc “chảy” về phía Nam và ngược lại (lưu thông theo kiểu “dòng xoáy” chứ người Thổ Tang không ưa “tủ kính bày hàng” như người Hà Nội). Ông Chu Thường cho biết mỗi ngày nhập hơn chục tấn dưa từ miền Nam đưa ra bán dọc Nghệ An lên Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu. Còn ông Lê Văn Năm và anh Thân Văn Ngân thì mỗi tháng đánh vài “container” trâu vào TP.HCM, sang cả Campuchia bán. Ông Trần Đăng Minh- chủ nhiệm HTX nông nghiệp- nói mỗi ngày cả làng nhập từ Tây Bắc về 3.000 - 4.000 tấn mận tam hoa. Người Thổ Tang chẳng làm ra món hàng gì nhưng họ biết cách... đem hàng hóa từ chỗ này tới chỗ khác để làm giàu. Họ buôn quên ăn quên ngủ, vắt kiệt mình để chạy đua với thời gian. Nếu cả nước ta có được ba ngôi làng như Thổ Tang chắc chắn sẽ giải mã được bài toán đầu ra cho hàng nông sản rất hóc búa mà kỳ họp nào Quốc hội cũng vẫn phải luận bàn!
Chính thức tháo gỡ cho các dự án trong kết luận thanh tra, bản án ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa TTXVN 19/02/2025 Cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa có hiệu lực từ 1-4-2025.
Phó bí thư Nguyễn Văn Được: Tôi từ chèo xuồng ba lá, nay về TP.HCM là lái tàu lớn ra biển VIỄN SỰ 19/02/2025 Tân Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Được chia sẻ, trước giờ ông là người lái xuồng ba lá trong sông, rạch nhỏ, nay phải lái tàu lớn hơn trên sông cái, thậm chí là biển cả, nhiều ghềnh thác và thử thách hơn.
Tập đoàn của Thụy Điển muốn đầu tư 1 tỉ USD làm dự án tái chế quần áo cũ NGỌC AN 19/02/2025 Ngày 19-2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về dự án tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao của Tập đoàn Syre (Thụy Điển).
Ông Putin khoe đột phá ở Kursk, nói Nga - Mỹ bắt đầu khôi phục quan hệ NGỌC ĐỨC 19/02/2025 Tổng thống Nga đánh giá cao kết quả đối thoại Nga - Mỹ, nói rất vui khi gặp ông Trump và thông báo quân đội vừa đạt đột phá tại mặt trận vùng Kursk.