Lao động Việt Nam ở nước ngoài trở về: Thêm áp lực đối với thị trường lao động trong nước

ĐỨC BÌNH 05/05/2020 18:05 GMT+7

TTCT - Với dự báo sẽ có hàng triệu lao động trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc lao động nước ngoài ồ ạt về Việt Nam tới đây sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động tại Việt Nam.

*** Error ***
Nhóm thiện nguyện hỗ trợ thực phẩm cho lao động Việt Nam khó khăn tại Malaysia. Ảnh: C.Cường

Ông Đặng Sỹ Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết Việt Nam có khoảng 600.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Hầu hết các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đang có dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, lao động của doanh nghiệp và người lao động rất khó khăn.

Chưa có chính sách hỗ trợ

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng có đến 7.000-8.000 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên hầu hết các nước đều có chính sách gia hạn hợp đồng, cho phép những lao động hết hợp đồng được ở lại thêm 3-6 tháng.

Đồng thời do các nước hạn chế đi lại, cấm bay nên số lao động hết hạn về nước không nhiều. Việt Nam áp dụng các giải pháp chống dịch tương tự, nên chiều đi của lao động Việt Nam đến các nước từ đầu năm đến nay cũng không thực hiện được.

Theo ông Dũng, hiện Việt Nam chưa có chính sách gì để hỗ trợ lao động về nước tránh dịch. Khi dịch bắt đầu xảy ra ở một số quốc gia, tháng 1-2020 Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước lập đường dây nóng ở các quốc gia tiếp nhận lao động, nắm bắt tình hình. Đồng thời lên phương án đối phó khả năng dịch bệnh bùng phát để bảo vệ an toàn cho người lao động, từ sức khỏe đến các chính sách.

“Dịch xảy ra thì không thể dễ dàng đi lại hay bay về, nên bộ cũng như cục đã tăng cường đàm phán với các đối tác để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động. Tinh thần là động viên, khuyến khích người lao động ở lại, ban quản lý lao động Việt Nam tại các nước tích cực đàm phán với đối tác có các biện pháp bảo vệ, chăm lo cho người lao động Việt Nam, không có sự phân biệt đối xử.

Chẳng hạn, người lao động nghi nhiễm bệnh hay nhiễm bệnh phải được khám và điều trị với các chính sách tương tự của chính phủ nước đó dành cho người dân của họ”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết từ khi bắt đầu có dịch COVID-19 (tháng 1-2020) đến giữa tháng 4-2020, đã có 5.151 lao động Việt Nam về nước, trong đó đông nhất là từ Nhật Bản (gần 3.200 người), Hàn Quốc (trên 1.200 người), Đài Loan (665 người).

Đây chủ yếu là những lao động đã hết hợp đồng. Những lao động về nước đúng hạn khi hết hợp đồng thì sau khi thực hiện cách ly theo quy định sẽ về địa phương và thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp đưa lao động đi. Với lao động về nước trước hạn để tránh dịch, ông Dũng cho biết “số này không nhiều”.

Những lao động đi làm theo hợp đồng nhưng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì sau khi cách ly sẽ được doanh nghiệp thanh lý hợp đồng, hoàn trả các khoản chi phí như tiền môi giới với nguyên tắc: người lao động làm chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng, doanh nghiệp phải hoàn trả 50% tiền môi giới.

Nếu lao động đã làm trên 50% thời gian theo hợp đồng thì không được nhận lại tiền môi giới. Người lao động sẽ được nhận lại tiền phí dịch vụ tương ứng số tháng còn lại của hợp đồng.

“Người lao động về trước hạn trong trường hợp này để nhận được tiền thì phải được sự chấp thuận đồng ý của chủ sử dụng lao động, nếu tự ý bỏ về để tránh dịch mà không có xác nhận của chủ sử dụng lao động thì không được nhận các khoản trên.

Tuy nhiên, trong số hơn 5.000 lao động đã về nước từ đầu năm đến nay, cục chưa nhận được thông tin phản hồi hay kiến nghị gì từ người lao động, nên nhiều khả năng đa số người đã về là người hết hạn hợp đồng, về nước đúng hạn”, ông Dũng nhận định.

Các điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đang làm việc tại Nhật cho biết họ vẫn đi làm việc bình thường khi dịch diễn ra. Ảnh: Đ.BÌNH
Các điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đang làm việc tại Nhật cho biết họ vẫn đi làm việc bình thường khi dịch diễn ra. Ảnh: Đ.BÌNH

Các nước đang hỗ trợ gì cho lao động Việt?

Ông Đặng Sỹ Dũng tỏ ra yên tâm và tin tưởng các nước có nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những biện pháp phòng chống dịch tốt và những chính sách hỗ trợ người lao động linh hoạt, kịp thời.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, khoảng 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã ban hành chính sách mới đối với lao động hết hạn hợp đồng, cho phép gia hạn thêm 5 tháng nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục làm việc.

Tại Nhật Bản, đến cuối tháng 6-2019 có gần 372.000 người Việt Nam đang sinh sống, trong đó có 236.000 lao động, thực tập sinh đang làm việc, thực tập trong các nhà máy, xí nghiệp tại tất cả 47 tỉnh thành của Nhật Bản.

Để tạo điều kiện cho lao động, thực tập sinh Việt Nam sắp hết hạn cư trú nhưng không thể về nước đúng hạn được ở lại Nhật Bản (tránh tình trạng cư trú bất hợp pháp vì lý do bất khả kháng), ngày 3-4 cơ quan chức năng Nhật Bản đã thông báo nước này cho phép lao động nước ngoài được chuyển đổi tư cách lưu trú thành “khách du lịch ngắn hạn (thời hạn 30 ngày, không được làm việc)” hoặc “những hoạt động được chỉ định (thời hạn 1 tháng, có thể làm việc)”.

Thời hạn lưu trú cũng sẽ được kéo dài từ 30 ngày thành 90 ngày đối với “khách du lịch ngắn hạn” và 1 tháng thành 3 tháng đối với “hoạt động được chỉ định”.

Đặc biệt, nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách hỗ trợ 100.000 yen/lao động (khoảng 20 triệu đồng) cho những người cư trú hợp pháp tại Nhật Bản, không phân biệt quốc tịch.

Dự kiến trong tháng 5-2020, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tới các nghiệp đoàn và công ty tiếp nhận lao động sẽ hướng dẫn cho thực tập sinh và lao động thủ tục nhận khoản tiền trên. Nếu nghi nhiễm bệnh đi khám, xét nghiệm mà không phải do COVID-19 sẽ được bảo hiểm chi trả 70%, nếu bị nhiễm bệnh phải điều trị thì Nhà nước Nhật sẽ chịu chi phí này.

Tại Đài Loan, hiện có gần 225.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Đến nay chưa phát hiện lao động Việt Nam làm việc tại đây bị nhiễm COVID-19. Người lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan vẫn ổn định, mức thu nhập khoảng 750 USD/tháng, chưa kể làm thêm giờ.

Hiện lao động nước ngoài vẫn được phép nhập cảnh Đài Loan, nhưng phải khai báo địa chỉ và số điện thoại tại Đài Loan để chịu giám sát và cách ly. Người lao động bắt buộc phải được người của Bộ Lao động Đài Loan tại trạm dịch vụ sân bay đón, tránh việc người lao động sử dụng các phương tiện giao thông công cộng di chuyển về địa điểm của chủ sử dụng lao động.

Trong thời gian cách ly, chủ sử dụng lao động phải trả tiền ăn, ở cho người lao động; tiền lương của người lao động sẽ do chủ sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được về mức tiền lương trong thời gian cách ly, người lao động có thể xin trợ cấp của chính quyền Đài Loan với mức 1.000 đài tệ/ngày cách ly.

“Có thể vì những chính sách kịp thời này nên dù mỗi tháng chúng ta có đến 7.000-8.000 lao động hết hạn phải về nước mà từ đầu năm đến nay mới chỉ có trên 5.000 lao động về nước, kể cả lao động về nước trước hạn để tránh dịch”, ông Dũng nhận định.

Lao động trong nước đang khó khăn

Trao đổi với TTCT, TS Đào Quang Vinh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, đồng tình với cách xử lý của ngành lao động là tập trung tuyên truyền, vận động người lao động yên tâm ở lại làm việc, không nên “tháo chạy” vào thời điểm này. Theo ông Vinh, Việt Nam từng di tản an toàn hơn 10.000 lao động từ Libya về vào lúc đất nước này xảy ra chiến tranh.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, tính chất của đợt dịch bệnh này khác hẳn, các nước đều cam kết nỗ lực tối đa để chăm lo, bảo vệ người dân cũng như lao động nước ngoài. “Chúng ta nên thể hiện sự sẻ chia với chính quyền sở tại, với doanh nghiệp, yên tâm ở lại chờ dịch hết thì làm việc trở lại. Về nước lúc này cũng không thể thực hiện và 53 triệu lao động trong nước cũng đang đối mặt rất nhiều khó khăn.

Tới đây có thể vài triệu người lao động mất việc, giảm việc, nếu thêm vài chục ngàn hay cả trăm ngàn lao động ở nước ngoài về nước nữa sẽ rất khó khăn cho việc giải quyết việc làm. Lao động trong nước thu nhập thấp, bấp bênh, nhưng thu nhập lao động làm việc ở nước ngoài dù sao vẫn tốt hơn”, ông Vinh nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận