Lâu dài, vẫn cần giải tỏa

BAOCHAU 28/06/2012 19:06 GMT+7

TTCT - Trong năm năm tới, việc cấp bách là nâng cấp và chỉnh trang tại chỗ các khu ổ chuột, còn về lâu dài phải di dời, giải tỏa để tái cấu trúc đô thị vốn đã chật hẹp như hiện nay.

Kinh tế "khu ổ chuột"

Phóng to
Cần nhìn nhận lại sự đóng góp của người dân sống trong “khu ổ chuột” và giúp họ có được cuộc sống dễ thở hơn - Ảnh: Đình Dân

"Ðược chỗ ở, mất miếng ăn"

Ðã có những dự án nghiên cứu hiệu quả của việc giải tỏa khu ổ chuột ở khu vực dọc rạch Ụ Cây thuộc các phường 8, 9 và 10, Q.8, dự án giải tỏa các hộ dân dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6, TP.HCM). Ðây là những dự án giải tỏa trọng điểm của TP với hàng ngàn hộ dân sống theo kênh rạch được di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, qua nghiên cứu ở khía cạnh về kinh tế có thể nói chưa có các dự án giải tỏa tái định cư nào thành công.

Ở khu tái định cư phường Bình Hưng Hòa A cho người dân Tân Hóa - Lò Gốm, hầu hết nhà ở khang trang, tiện nghi, thoáng mát nhưng sau mấy năm tái định cư gần 50% người dân đã bán nhà tái định cư tìm đường sống khác. Còn người dân rạch Ụ Cây về tái định cư ở quận 12 hầu hết vẫn phải bắt xe buýt đi 8km về lại quận 8 buôn bán.

Hiện giờ TP cũng có nhiều khu tái định cư ở Q.7, huyện Nhà Bè... nhưng tính khả thi không cao vì quá xa nơi ở cũ. Nếu tái định cư quá xa nơi ở cũ thì giống như tách người ta ra khỏi môi trường sống để đến với một môi trường hoàn toàn mới nên người dân khó thích nghi vì công việc của họ gắn với nơi ở cũ.

Trước đây, có một mô hình tái định cư rất lớn của TP - đó là chương trình nâng cấp đô thị cho những người dân thu nhập thấp. Chương trình có hai giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2004-2006 và giai đoạn năm 2006-2014. Chương trình này được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế, Sở Xây dựng TP được giao trách nhiệm chủ trì. Ý tưởng của chương trình là làm sao nâng cấp thôn, xóm, chỗ ở những khu vực cộng đồng dân cư thu nhập thấp tốt hơn. Do có nguồn vốn tài trợ quốc tế, vốn đối ứng TP và huy động vốn trong dân tại chỗ để nâng cấp hạ tầng, điều kiện ăn ở của người dân nên chương trình khá hiệu quả.

Thông qua chương trình, nhiều con hẻm được mở rộng, nhiều khu dân cư được lắp đặt cống thoát nước, cấp nước sinh hoạt, gắn đồng hồ điện, hoàn thiện phòng cháy chữa cháy, tăng cường chiếu sáng công cộng... Bên cạnh đó thông qua các hội như Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, chương trình cho những hộ thu nhập thấp vay tiền lãi suất thấp để sửa chữa, cải tạo nhà cửa. Ðây là một chương trình được xem là khá hay vì được sự đồng thuận của người dân và không gây xáo trộn nhiều đời sống người dân.

Còn xét về khía cạnh kinh tế, sự đóng góp của người dân ở các khu ổ chuột là không nhỏ. Ở khu vực này hình thành nên những làng nghề phụ trợ cho ngành công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng. Ví dụ như nghề bóc hành tỏi, đóng gói sản phẩm... Trong thuật ngữ kinh tế, đây được coi là khu vực kinh tế phi chính thức. Nó là chất dầu bôi trơn cho hoạt động của ngành kinh tế chính thức, nối liền khâu sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng, đóng vai trò khá lớn.

Tương lai vẫn phải tái cấu trúc lại

Hướng phát triển đô thị là phải tái cấu trúc lại vì TP đất chật, người đông nên phải phát triển đô thị theo tầng cao chứ không phát triển theo chiều ngang. Mặt khác, trong quá trình tái cấu trúc phát sinh mâu thuẫn: người dân không thích nghi với điều kiện, nơi sống mới khi được tái định cư. Chưa kể việc giải tỏa di dời khiến người dân cảm thấy mình chưa được đền bù đầy đủ.

Dù người dân có một căn nhà nhỏ, xập xệ nhưng đó cũng là nhà, đất của họ. Khi đưa họ lên chung cư khang trang hơn nhưng họ cảm giác đó không phải là nhà mình. Rõ ràng trong việc giải tỏa, tái định cư hiện nay chưa có cơ chế giải quyết hài hòa vấn đề này.

Vì vậy, việc tái cấu trúc lại phải đi theo một lộ trình. Ví dụ trong khoảng năm năm tới phải tiến hành nâng cấp tại chỗ theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm để từng bước nâng cấp cuộc sống người dân.

Việc triển khai theo mô hình này có cái hay là quy mô dân số tăng không nhiều nhưng chất lượng sống, hạ tầng từng bước được nâng lên, người dân từng bước thích nghi cuộc sống. Còn tương lai thì vẫn thực hiện tái cấu trúc. Vì khi đô thị phát triển cần có diện tích cho cây xanh, công viên, bãi đỗ xe và các công trình phúc lợi khác. Muốn có điều này thì phải giải tỏa dân, sắp xếp lại...

LÊ VĂN THÀNH
(Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM)

Q.KHẢI - H.VĂNghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận