Le lói cuối cánh đồng bất tận...

CÁT VŨ THỰC HIỆN 19/02/2009 00:02 GMT+7

TTCT - Vở kịch Cánh đồng bất tận dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do nữ đạo diễn Minh Nguyệt viết kịch bản và dàn dựng sẽ ra mắt khán giả vào tối 19-2-2009 tại Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ - 5B Võ Văn Tần (TP.HCM).

Phóng to
đạo diễn Minh Nguyệt

Tiếng tăm của tác phẩm văn học đã làm cho vở kịch nóng lên từng ngày trong sự chờ đợi của công chúng. Một câu chuyện nằm giữa bối cảnh bốn bề sông nước sẽ được kể như thế nào trên một sân khấu nhỏ hẹp?

* Điều gì ở Cánh đồng bất tận khiến chị quyết định chuyển thể một truyện không đủ dài như thế sang kịch bản sân khấu?

- Đạo diễn Minh Nguyệt: Tôi tìm thấy ở Cánh đồng bất tận một câu chuyện hay và lạ. Đọc xong, trái tim tôi chợt rung động như tình yêu sét đánh giữa người con trai và người con gái vậy. Trong đầu tôi xuất hiện ngay cách viết kịch bản, không theo lối thông thường mà như một cuốn phim đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Tôi thích nhất nhân vật cô gái điếm, ít học, cuộc đời tưởng như không làm được gì cho ai nhưng cô đã sống đầy trách nhiệm, đã làm được một việc rất có ích là trở thành điểm tựa thương yêu cho hai đứa trẻ Nương và Điền. Hai đứa trẻ này đã bị cha, vì hận sự thay lòng đổi dạ của mẹ, bắt sống lênh đênh trên một chiếc ghe, không được học hành, không có tuổi thơ. Chúng đã cần cô gái điếm như cần một người mẹ.

Thông qua vở, tôi muốn người lớn chúng ta hãy bình tĩnh, cố gắng níu giữ hạnh phúc gia đình để những đứa trẻ còn có cha có mẹ, đừng để chúng rơi vào hoàn cảnh côi cút không đáng như đôi vợ chồng Út Vũ trong Cánh đồng bất tận đã làm. Tình yêu thương tuy có vẻ bình thường nhưng nếu cuộc sống không có yêu thương, nó sẽ không tồn tại. Nhiều kịch bản tôi viết cứ tắc ngang nhưng với kịch bản này, cảm xúc cứ trào ra và tôi đã hoàn thành nó khá nhanh.

* Nhưng nhiều người cho rằng Cánh đồng bất tận không đủ yếu tố để thành một vở kịch, hẳn chị đã phải gia cố nhiều trước khi đưa lên sàn tập? Nghe đâu nội dung vở kịch có nhiều chi tiết khác với truyện ngắn?

- Nếu kể y như tác phẩm văn học quả là câu chuyện không có kịch tính và thời lượng cũng không đủ cho một vở diễn, vậy nên tôi đã gọi điện cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đề nghị được hư cấu thêm. Cô ấy cho phép tôi tự do thoải mái và tôi đã chỉnh sửa, thêm thắt để câu chuyện dễ đi vào lòng người hơn. Người vợ trong văn học sau khi lỡ bước đã được tác giả cho đi luôn thì sân khấu đưa người vợ trở về trong sự khao khát của người chồng và thương nhớ của hai đứa con. Tôi cho người vợ và cô gái điếm gặp nhau trong tâm tưởng. Hai người đàn bà đã ôm lấy nhau khóc và nói: “Cái nghèo đã làm cho tôi và chị không đủ tỉnh táo để làm người lương thiện”.

Nhân vật Nương trong văn học là một cô gái yếu đuối, luôn nương tựa vào cậu em nhưng Nương trên sân khấu rất mạnh mẽ, giỏi võ. Ngược lại, Điền là cậu con trai thân hình vạm vỡ nhưng tâm hồn lại mong manh, luôn thương nhớ mẹ. Sự xuất hiện của cô gái điếm khiến Điền lẫn lộn giữa tình yêu của cậu trai mới lớn và tình mẫu tử. Tôi cũng đã sáng tác thêm cảnh “ba mặt một lời” giữa ông chồng Út Vũ, người vợ và cô gái điếm nhưng cho họ đối thoại với nhau qua chiếc bóng để trao cho nhau nỗi ân hận và những khát vọng muộn màng. Trong văn học, Nương bị bọn cướp hãm hiếp, tôi nghĩ dù sao cũng phải có chút ánh sáng le lói cuối cánh đồng, cũng như sẽ là bất công nếu Nương phải chịu báo ứng từ cách sống vô trách nhiệm của người cha. Vì vậy, tôi cho Nương đủ sức chống trả bọn cướp, còn Út Vũ phải chết trong cô đơn.

Phóng to
Khánh Hoàng (Ut Vũ) và Cát Phượng (Nương) trong Cánh đồng bất tận - Ảnh: Gia Tiến
* Chính mênh mông sông nước là điều mà không ít người tỏ ra lo ngại khi nghe tin Cánh đồng bất tận được đưa lên sân khấu. Chị đã dùng thủ pháp gì?

- Đây là vở kịch tả ý nên tôi đã chọn thủ pháp ước lệ để thể hiện cảnh sông nước bất tận. Sân khấu vỏn vẹn chỉ có một vòng tròn, lúc là cù lao, lúc là dòng sông, lúc là bến đậu để cho nhân vật Út Vũ “khi vui thì dừng chân, khi buồn thì dong ghe”. Chiếc ghe được nhân cách hóa như số phận gia đình Nương, suốt ngày lênh đênh, lúc vỡ tan dưới cơn giận dữ của người cha, khi được hàn gắn lại qua bàn tay của cô gái điếm.

Cảnh sông nước bất tận được máy slide phóng lên tấm màn trải rộng phía sau sàn diễn và khán giả sẽ có cảm tưởng như mình đang cùng ngồi trên chiếc ghe tròng trành, cùng lênh đênh với các số phận trong vở diễn. Cùng với hiệu quả của ánh sáng và âm nhạc, tôi muốn tạo cho khán giả cảm giác như xem một bộ phim liền lạc giữa quá khứ và hiện tại. Về phần trang phục, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã tốn nhiều công sức để biến quần áo mới thành cũ, cẩn trọng và chân thật như trang phục trong phim.

* Chị đánh giá thế nào về các diễn viên của mình? Họ có tải hết được những điều chị mong muốn thể hiện qua vở kịch này?

- Sau 20 năm kể từ vở Sông dài, cặp Khánh Hoàng (Út Vũ) - Thanh Thủy (cô gái điếm) cùng đứng trên sân khấu vẫn là một cặp đôi tuyệt vời với khả năng thể hiện nội tâm đa chiều. Khánh Hoàng diễn rất tốt một Út Vũ bề ngoài cộc cằn thô lỗ nhưng lại có trái tim mong manh dễ vỡ. Thanh Thủy vào vai một cô gái tận đáy xã hội nhưng vẫn trong trẻo, hồn nhiên, lạc quan và đầy yêu thương con người. Sau khi đọc kịch bản, Thanh Thủy nói với tôi xin đóng vai cô gái điếm, nếu đóng không ra sẽ bỏ nghề. Và quả là Thanh Thủy đã rất xuất thần trong vai diễn này.

Cát Phượng sau hai năm rời xa chính kịch, nay quay về nhận cùng lúc hai vai khá nặng ký là Nương (nhân vật xưng tôi trong văn học) và mẹ Nương. Hai vai với hai tính cách ngược nhau nhưng Cát Phượng đã diễn khá duyên dáng. Diễn viên Kim Ngọc chỉ đóng một vai nhỏ, là người đàn bà yêu Út Vũ bị ông ta bỏ lại bên bờ sông, nhưng chị đã tạo được sự đậm đà mà tôi ví như nước cốt sâm nhung, ít nhưng tác dụng nhiều.

Phóng to
Thanh Thủy (Sương), Hoàng Thành (Điền) và Cát Phượng (Nương) - Ảnh: Gia Tiến
* Kể từ vở đầu tiên ra mắt khán giả năm 1988 Tôi chờ ông đạo diễn (tác giả Lê Hoàng) đến nay, với Tiếng chim vườn ngọc lan (năm 1998) và bây giờ là Cánh đồng bất tận, cứ đúng 10 năm chị cho ra đời một vở mà vở nào cũng khiến dư luận phải chú ý. Chị có chủ ý gì không với chu kỳ 10 năm như thế?

- Chính tôi cũng ngạc nhiên không hiểu sao lại rơi vào chu kỳ ngộ nghĩnh như vậy. Lúc dựng vở tốt nghiệp Tôi chờ ông đạo diễn, tôi đã thức suốt đêm, nghĩ giá mà sau này mình có một nhà hát riêng để dựng toàn những vở kịch đầy tính nhân văn như thế. Tôi ôm ấp giấc mơ từ đó nhưng mơ ước và thực tế cuộc sống không thể đồng hành khi tôi bị buộc phải cuốn vào một công việc khác để mưu sinh.

Vẫn luôn nuôi dưỡng ước mơ xưa nên mỗi khi có cơ hội, tôi lại miệt mài viết để biến những cảm nhận từ cuộc sống của mình thành kịch bản sân khấu. Giờ đây tôi đang có trong tay khá nhiều kịch bản do mình viết và Cánh đồng bất tận là kịch bản đầu tiên đưa tôi trở lại với công chúng. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì đã tìm lại được chính mình khi dành tâm trí cho sân khấu. Tôi hi vọng sau Cánh đồng bất tận, nhóm kịch “liên doanh” giữa tôi, Khánh Hoàng, Thanh Thủy... sẽ tiếp tục gửi đến khán giả những vở kịch khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận