Lend-Lease, từ 1941 tới 2022

DANH ĐỨC 16/05/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Những ngày này, viện trợ, nhất là quân viện, từ các nước phương Tây, trong đó chủ yếu là Mỹ, đổ về Ukraine, gợi nhớ lại điều tuy giống mà khác thời năm 1941, khi nước nhận viện trợ Mỹ là… Liên Xô.

 
 Mỹ cung cấp một lượng lớn tên lửa cho Ukraine trong khuôn khổ chương trình quân viện mới. Ảnh: Reuters

Khi Reuters 29-4 nhắc lại chuyện cũ bằng cái tựa “Quốc hội Hoa Kỳ làm sống lại chương trình thuê-vay (Lend-Lease) thời Thế chiến II cho Ukraine”, thì câu chuyện viện trợ quân sự cho Ukraine đã lan tỏa khắp nơi. 

Thông tấn xã Nga TASS cùng ngày bình luận: “[Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky đưa Ukraine vào bẫy nợ thông qua chương trình vũ khí theo mô hình Thế chiến II của Mỹ” và trích lời Chủ tịch Đuma Nga Vyacheslav Volodin: Washington hào phóng với Ukraine để các tập đoàn vũ khí Mỹ hốt bạc và các thế hệ công dân Ukraine tương lai phải trả cái bẫy nợ hôm nay, y hệt gánh nợ mà Liên Xô đã phải mất tới 61 năm để trả Mỹ”. 

Dễ hiểu bình luận từ TASS, vốn ở bên kia chiến tuyến, dẫn tới những đáp lại như “Mỹ cho thuê - vay, Nga bực dọc” (CEPA 6-5).

Nợ tiền bạc, nợ ân nghĩa 

Tất nhiên, có vay thì có trả. Ukraine “có bệnh thì vái tứ phương”, xin và nhận viện trợ vũ khí, thì đó là nợ, chứ không phải cho không. Cụ thể, chương trình thuê - vay của Mỹ giờ tuân theo “Đạo luật cho thuê - vay bảo vệ nền dân chủ Ukraine 2022” (tức đạo luật S.3522).

Theo cơ quan khảo cứu của Quốc hội Mỹ CRS, trong tài khóa 2022, từ các khoản tạm ứng tính đến ngày 21-4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 1.400 hệ thống tên lửa phòng không Stinger; 5.500 hệ thống tên lửa chống giáp (tăng) Javelin cùng 14.000 tên lửa chống giáp khác; 121 hệ thống máy bay không người lái chiến thuật Phoenix Ghost và 700 hệ thống máy bay không người lái (tự sát) Switchblade; 90 lựu pháo 155mm cùng 184.000 trái đạn; 16 trực thăng Mi-17; 200 thiết vận xa M113… Tất nhiên, tất cả đều tính thành tiền và ghi sổ.

Chính quyền Kiev biết điều đó khi đàm phán, như tinh thần đạo luật S.3522 đã nêu rõ. Các nhà kinh tế học biết điều đó, đang thử bắt mạch và bốc thuốc. Như nhóm nghiên cứu do giáo sư Maurice Obstfeld (cựu kinh tế gia trưởng của IMF) đứng đầu, đã có bài viết đăng trên Project Syndicate hôm 29-4 với tựa đề rất sát thực tế: “Sinh tồn hay mắc nợ ở Ukraine”.

Theo các tác giả, rõ ràng là cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Chiến thắng không chỉ phụ thuộc vào các lực lượng vũ trang và công dân dũng cảm, có động cơ cao của Ukraine, mà còn phải dựa vào khả năng tập hợp nguồn tài chính cần thiết để duy trì một nỗ lực chiến tranh khốc liệt và xử lý tình trạng khẩn cấp nhân đạo vô thời hạn.

Các tác giả kêu gọi những chủ nợ nên hành động ngay lập tức để giãn nợ cho Ukraine. Ví dụ, Liên minh châu Âu có thể đơn phương sửa đổi các điều khoản với số tiền 5 tỉ euro (5,3 tỉ USD) mà Ukraine nợ theo chương trình Hỗ trợ tài chính vĩ mô của EU. Tuy nhiên, họ thừa nhận điều này không dễ dàng: “Trong khi chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhất, thế giới cũng nên chuẩn bị cho điều xấu nhất. May mắn thay, Ukraine nay có nhiều bạn bè dấn thân trong cộng đồng quốc tế”.

Lend-Lease 1941

Cũng hôm 29-4, Tổng thống Ukraine Zelensky đã cảm ơn Hoa Kỳ về chương trình Lend-Lease dành cho nước ông, mà theo ông là “tương tự chương trình Lend-Lease nổi tiếng từng rất có ích trong cuộc chiến chống Quốc xã hồi Thế chiến II”. 

So sánh Lend-Lease 2022 và 1941 khá là phổ quát, do lẽ chương trình “cho thuê - vay” của Hoa Kỳ giai đoạn 1941-1945 dành cho các đồng minh chủ chốt: Anh, nước Pháp tự do, Trung Hoa dân quốc, Liên Xô… đã có vai trò quyết định trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít.

Ngay ở Nga, thông tấn xã RIA-Novosti ngày 14-3-2016 cũng đã đăng một bài có tựa đề: “Lend-Lease: Quân nhu Mỹ đã giúp Liên Xô như thế nào trong giờ phút đen tối nhất của mình?”. Bài báo giới thiệu: “Bị Liên Xô “dìm” đi, chương trình này đã có tầm quan trọng thiết yếu với nỗ lực chiến tranh của Liên Xô, ngay cả Nguyên soái [Georgy] Zhukov sau này cũng thừa nhận: “Bây giờ họ nói rằng phe Đồng minh không bao giờ giúp đỡ chúng ta, nhưng không thể phủ nhận rằng người Mỹ đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều hàng hóa mà nếu không có, chúng ta sẽ không thể hình thành dự trữ và tiếp tục cuộc chiến”.

Vị nguyên soái mô tả chi tiết sự thật những năm tháng đó: “Chúng ta không có thuốc nổ, thuốc súng. Chúng ta không có bất cứ thứ gì để nạp vào hộp đạn súng trường. Người Mỹ thực sự đã cứu chúng ta bằng thuốc súng và thuốc nổ của họ. Và họ đã cho chúng ta biết bao nhiêu tấm thép. Làm sao chúng ta có thể sản xuất xe tăng nếu không có thép của Mỹ? Nhưng bây giờ họ làm như thể chúng ta lúc đó có rất nhiều thứ đó. Nếu không có xe tải của Mỹ, chúng ta sẽ không có bất cứ thứ gì để kéo pháo cả”.

Bài báo nhắc lại: “Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin quyết định tham gia Lend-Lease ngay sau khi nước Đức của Hitler xâm lược Liên Xô vào tháng 6-1941. Stalin viết cho [Tổng thống Mỹ Franklin] Roosevelt: “Quyết định của ngài, thưa Tổng thống, cấp cho Liên Xô một khoản tín dụng không tính lãi trị giá 1 tỉ đôla dưới dạng vật tư và nguyên liệu. Các tài liệu đã được Chính phủ Liên Xô chấp nhận với lòng biết ơn chân thành””.

Còn hệ quả của chương trình Lend-Lease là gì? RIA-Novosti giải thích bằng các số liệu mà mọi nguồn khác đều thống nhất: “Mỹ, Anh và Canada đã cung cấp cho Liên Xô vật tư trị giá khoảng 130 tỉ USD [quy đổi sang thời giá hiện tại] trong Thế chiến II… Hơn 14.000 máy bay của Hoa Kỳ, 8.000 trong số đó xuất phát từ Alaska, đã được trao cho Liên Xô trong cuộc chiến. Liên Xô đã nhận tổng cộng 44.000 xe jeep Mỹ, 375.883 xe tải chở hàng, 8.071 máy kéo và 12.700 xe tăng. Ngoài ra, 1.541.590 chiếc chăn, 331.066 lít cồn, 15.417.000 đôi ủng quân đội, 106.893 tấn bông, 2.670.000 tấn sản phẩm dầu mỏ và 4.478.000 tấn thực phẩm đã được đưa vào Liên Xô”.

Mỹ tính tiền những gì trong đó? Theo RIA-Novosti, họ đã chỉ tính tiền các khoản viện trợ dân dụng: “Sau khi Thế chiến II kết thúc, Hoa Kỳ yêu cầu các nước thanh toán cho các nguồn cung cấp dân sự mà họ nhận được (tàu hơi nước, xe tải, nhà máy điện)”.

Tổng cộng Mỹ đòi Liên Xô phải trả nợ bao nhiêu? RIA-Novosti giải đáp hết: “Mỹ cho rằng Liên Xô phải trả 1,3 tỉ USD, nhưng chính phủ Liên Xô cho biết họ chỉ có thể trả 170 triệu USD. Rõ ràng là Hoa Kỳ không chấp nhận những điều kiện này, dẫn đến cuộc đàm phán năm 1972, tại đó hai nước đã ký một thỏa thuận mà Liên Xô có nghĩa vụ trả 722 triệu đôla Mỹ vào năm 2001”.

Năm 1990, Mỹ và Liên Xô quay lại đàm phán và đã quyết định rằng đến năm 2030, Mỹ sẽ nhận được 674 triệu USD. Một năm sau thì Liên Xô sụp đổ, nhưng vào năm 1993, Chính phủ Nga đã tuyên bố kế tục các khoản nợ và sớm thanh toán tất cả các hàng hóa mà Liên Xô đã nhận theo quy định của luật Lend-Lease”.■

Lend-Lease lương thực thực phẩm

Bài viết “Thực phẩm và các cung cấp chiến lược khác tới Liên Xô theo Đạo luật Lend-Lease, 1941-1945” của Nikolay Ryzhkov, thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) và Georgy Kumanev, chủ tịch Hội đồng khoa học Viện hàn lâm Khoa học về lịch sử Nga, cung cấp thêm thông tin: Do Hồng quân phải rút lui sâu vào lãnh thổ Liên Xô giai đoạn 1941-1942, tổng diện tích canh tác của nước này đã giảm 42%, số lượng trang trại tập thể và nhà nước giảm gần 40%, dẫn tới tổng sản lượng công nghiệp thực phẩm trên toàn Liên Xô giảm 20-90% tùy vùng. Thêm nữa, vì khoảng 20 triệu đàn ông khỏe mạnh đã được huy động vào quân đội và công nghiệp, chỉ còn phụ nữ, thiếu niên và người già lao động nông nghiệp. Lượng ngũ cốc và khoai tây được cấp cho một ngày làm việc giảm 2-3 lần.

Các cuộc đàm phán của đại diện Liên Xô và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) bắt đầu vào tháng 12-1941, có sự tham gia của đại diện Anh và Canada, vì Liên Xô cần lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp từ Canada và các khu vực khác của Khối Thịnh vượng chung Anh. Rốt cuộc, trong thời gian diễn ra chương trình Lend-Lease, Liên Xô nhận được 238 triệu kg thịt bò và thịt heo đông lạnh, 218 triệu kg thịt hộp, 33 triệu kg xúc xích và thịt xông khói, 1.089 triệu kg thịt gà, 110 triệu kg bột trứng, 359 triệu kg dầu và bơ thực vật, 36 triệu kg pho mát, 72 triệu kg sữa bột… từ các nước đồng minh. Các thực phẩm đó đã có vai trò rất lớn với việc hồi phục binh lính.

Lend-Lease kim loại

Song song với việc cung cấp máy bay, xe tăng, xe tải, xe jeep…, chương trình Lend-Lease còn cung cấp cho Liên Xô các kim loại cần thiết. Theo các tác giả Nga nêu trên, trong số các kim loại màu được cung cấp đáng chú ý là nhôm, một nguyên liệu chính để sản xuất máy bay, động cơ xe tăng… mà khi bắt đầu chiến tranh, Liên Xô đã thiếu. Theo các chuyên gia Liên Xô, tổng nguồn cung nhôm từ Hoa Kỳ, Anh và Canada trong thời kỳ chiến tranh lên tới 301 tấn. Để so sánh, tổng sản lượng nhôm của Liên Xô trong cùng thời kỳ, bao gồm cả silumin, là 350,9 tấn. Tương tự, sản lượng đồng trong thời chiến của Liên Xô là 534 tấn, trong khi lượng đồng Hoa Kỳ cung ứng ước tính khoảng 404 tấn. Số đồng này quy đổi ra thành hơn 1,5 triệu km cáp điện thoại và nhiều trang thiết bị quan trọng khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận