Libya: cuộc can thiệp "độc nhất vô nhị"

HỮU NGHỊ 28/03/2011 23:03 GMT+7

TTCT - “Một vùng cấm bay đã được thiết lập hiệu quả. Liên quân đã giúp ngăn chặn kịp thời một cuộc thảm sát ở Benghazi”, “Các cuộc không kích đã cho phép tránh một vụ tắm máu thường dân ở Benghazi”... Thủ tướng Anh David Cameron và Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đã quả quyết như thế. Nhưng để lật đổ ông Gaddafi, không đơn giản như vậy!

Phóng to
Một người ủng hộ ông Gaddafi ở Tripoli giương hình ảnh phản đối can thiệp của liên quân phương Tây vào Libya sau khi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết thiết lập vùng cấm bay - Ảnh: Reuters

Không chỉ Thủ tướng Nga Vladimir Putin - đang kèn cựa với Mỹ về việc NATO kéo rađa và tên lửa phòng không đến Ba Lan - mới chỉ trích cuộc can thiệp vào Libya, mà chính thủ lĩnh Đảng Cộng hòa Mỹ chiếm đa số tại hạ viện John Boehner đã chất vấn ông Barack Obama: “Tổng thống là tổng tư lệnh thật đấy. Song hành pháp có trách nhiệm giải nghĩa cho dân chúng Mỹ, Quốc hội Mỹ và binh sĩ rõ sứ mệnh của chúng ta ở Libya là gì... và sẽ kết thúc ra sao” (1).

Chủ tịch tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Ros-Lehtinen nặng lời hơn: “Lệnh cho binh sĩ chúng ta thực thi một lệnh trát của cộng đồng quốc tế như thế, (quý vị) đã tạo nên một tiền lệ chưa từng thấy” (2).

Chiến dịch đã thành công

Sang đến ngày thứ ba của cuộc hành động quân sự, tướng chỉ huy chiến dịch “Rạng đông của hành trình” Carter Ham, trong cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Mỹ vào thứ hai 21-3, đã có thể “xác nhận rằng cho đến lúc này, các hành động của chúng ta nói chung đạt mục tiêu đã định. Chúng tôi đã không quan sát thấy máy bay quân sự Libya hoạt động kể từ khi chiến dịch quân sự của liên quân bắt đầu.

Tàu chiến Libya đã quay về hoặc ở yên trong bến cảng. Các cuộc không kích đã thành công trong việc chặn đứng bộ binh chế độ (Gaddafi) tiến đến Benghazi. Chúng tôi hiện đang thấy bộ binh di chuyển ra khỏi Benghazi về hướng nam...”.

Từ Rio de Janeiro (Brazil), nơi Tổng thống Obama đang công du, trong cuộc họp báo hằng ngày của Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon loan báo: “Chúng tôi đặc biệt tập trung nơi mối đe dọa ở Benghazi, một thành phố đông khoảng 700.000 dân, từng tập trung phe đối lập với ông Gaddafi. Chúng tôi đã thành công. Điều này đã được khẳng định qua nói chuyện với những người ở Benghazi, kể cả các đại diện trước đây của Hội đồng Dân tộc Libya từng tiếp xúc với đại diện của chúng tôi”.

Để dân chúng quyết định

Truyền hình CNN, BBC, TV5 rạng sáng thứ ba 22-3 nhất loạt loan tin quân Chính phủ Libya đã bị đẩy ra xa Benghazi đến 180km. Song từ đây nổi lên vấn đề: vùng cấm bay đã được thiết lập, tức “khóa chặt” không quân của ông Gaddafi trên mặt đất, liên quân sẽ làm gì?

Vấn đề này được một nhà báo nêu ra trong một câu hỏi thật hiểm: “Tôi nghĩ rằng có một điều mà người Mỹ đang ra sức thuyết phục để dẫn đến chiến dịch quân sự này là đại tá Gaddafi phải ra đi, phải từ bỏ quyền hành. Nay dường như thông điệp chúng tôi đang nghe lại như sau: chiến dịch này có thể thành công, song với kết cuộc là đại tá Gaddafi sẽ vẫn tại vị. Tôi đang cố gắng kết hai ý đó lại. Song làm thế nào có thể chứng kiến ông ấy sẽ lại yên vị ở Libya?”.

Người hỏi muốn gài cho cố vấn an ninh quốc gia Mỹ “phơi bày ruột gan” ra: liệu sẽ “tới luôn bác tài,” lật đổ ông Gaddafi?

Cố vấn an ninh quốc gia Donilon, tuy không hiển hách bằng cố vấn an ninh quốc gia Kissinger thời tổng thống Nixon song cũng đường đường là “ông cố vấn”, đã ra sức lách cạm bẫy:

“Thật là một câu hỏi thẳng thắn... Như chúng tôi từng phát biểu, ông Gaddafi đã mất đi tính chính đáng hợp pháp ở Libya. Thành ra nỗ lực lâu dài sẽ là sử dụng các công cụ đa dạng. Cả các bước đơn phương mà chúng tôi và các nước khác đã tiến hành, lẫn những gì mà nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã bày tỏ một cách rõ ràng... Với thời gian, ông ta sẽ ngày càng bị cô lập hơn. Tôi nghĩ ông ta sẽ bị áp lực, cô lập, sẽ phải quyết định một số chọn lựa. Cuối cùng, tất nhiên, sẽ tùy dân chúng Libya quyết định”.

Nghĩa là, theo cố vấn Donilon, liên quân sẽ không thừa thắng xông lên mà là để cho ông Gaddafi tự xử, để dân chúng Libya hay, chính xác hơn, quân nổi dậy xử.

Libya khác hẳn Bahrain!

Đến đây, một nhà báo khác đưa cuộc họp báo ra khỏi khuôn khổ vấn đề Libya và ông Gaddafi để chạm đến lẽ công bằng trong quan hệ quốc tế: “Thế nào là chuẩn mực mà Mỹ dùng để xác định có can thiệp hay không trong trường hợp khủng hoảng nhân đạo? Nay đang là Libya song tại Bahrain, lãnh đạo ở đó đã “dập” người phản kháng. Ở Yemen, họ đang nổ súng vào người phản kháng. Như vậy có phải là chuẩn (đàn áp) “không thương tiếc” hay không? Cớ sao ra tay ở nước này mà lại không ra tay ở nước kia?”.

Cố vấn Donilon trả lời: “Trước hết, ở trường hợp (Libya) này, từ khu vực ấy có cả một loạt yêu cầu và kiến nghị hành động. Không chỉ có Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Liên đoàn Ả Rập còn dấn xa hơn khi yêu cầu HĐBA LHQ dấn bước giải quyết vấn đề. Hôm thứ năm tuần trước, HĐBA LHQ đã thông qua một nghị quyết ấn định quyền hạn cho các nước tiến hành dự án này. Đứng trước yêu cầu của Liên đoàn Ả Rập và nghị quyết của HĐBA LHQ, nước Mỹ trong trường hợp này đã xác định có thể đóng góp được gì thích hợp nhất cho việc thực thi nghị quyết này (*).

Chúng tôi đã cân nhắc và tỏ rõ cho dân chúng Mỹ lẫn quốc hội cùng các đối tác trong liên quân rằng Bahrain là một trường hợp khác hẳn. Không so sánh Bahrain với Libya được. Bahrain là đồng minh lâu đời của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và là một đối tác lâu đời. Họ đã cố gắng tiến hành đối thoại với các nhóm đối lập dòng Shia ở đó.

Thành thật mà nói, chúng tôi đã làm áp lực để cả hai phe ngồi vào bàn đàm phán, tránh đối đầu và cố gắng đạt đến một giải pháp chính trị cho các vấn đề. Tôi nghĩ đó cũng là mục đích của các nước trong khu vực. Thành ra, đó là một hoàn cảnh rất khác so với Libya”.

Đúng là Libya không thể sánh với Bahrain! Một tờ báo rất “Mỹ”, tờ The Huffington Post, mô tả sự khác biệt này trong thực tế như sau: “Sau khi đã cấm tiệt mọi phản kháng trong nước, hoàng gia Saudi Arabia quyết định gửi quân sang Bahrain chống đỡ cho hoàng gia al-Khalifah, thiểu số dòng Sunni cầm quyền ở đất nước tí xíu này kể từ khi độc lập.

Bạo lực mà quân đội và cảnh sát Bahrain đang tuôn ra chống lại những người phản kháng ôn hòa là hậu quả trực tiếp của cuộc can thiệp quân sự của Saudi Arabia và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Với sự hỗ trợ của binh sĩ Saudi Arabia, quân đội Bahrain đã nổ súng bắn giết người phản kháng, săn giết người phản kháng như thể họ là... chuột!” (3).

Thật vậy, hôm 14-3 quân đội Saudi đã tràn vào Bahrain giải cứu triều đình al-Khalifah. Ông Gaddafi không biết cách nhờ hoàng gia Saudi Arabia, tự tay đàn áp, nên giờ có mệnh hệ gì thì đành phải chịu.

__________

(1) “Russian PM slams 'US foreign policy trend of interfering in other countries' affairs”, Israel News, 03-21-11
(2) “More Republicans doubt Obama's Libya action”, Reuters, 03-21-11
(3) “Saudi Arabia and the Spring of the Middle East”, Huffingtonpost, March 21, 2011

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận