Lịch sự với AI để rèn giữ nhân tính

NGỌC KHANH 18/08/2024 03:08 GMT+7

TTCT - Nói chuyện với AI như ChatGPT hay Gemini có cần "hãy làm ơn" và "cám ơn nhé"? Cần đấy.

Cư xử tốt với AI không chỉ đem lại câu trả lời chuẩn chỉnh hơn cho những thắc mắc của ta, mà hơn thế, còn là sự tôn trọng và gìn giữ tính nhân văn của con người.

Lịch sự với AI để rèn giữ nhân tính- Ảnh 1.

Ảnh: AIfire

Hồi năm 2016, cụ bà người Anh 86 tuổi May Ashworth đã mở đầu yêu cầu tìm kiếm thông tin của mình trên Google bằng từ "làm ơn" và kết thúc bằng "cảm ơn". Bà cho rằng có ai đó ngồi ở trụ sở Google và nhận trách nhiệm phản hồi thông tin tìm kiếm, như thời tổng đài 1080 ở Việt Nam vậy. 

Vì thế bà nghĩ cư xử lịch sự và đúng mực sẽ giúp bà mau có câu trả lời hơn. Câu chuyện khi đó nhận hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Google cũng viết bài đăng trên trang Twitter với nội dung "trong thế giới hàng tỉ lượt tìm kiếm, ngoại đã khiến tụi con cười, cảm ơn".

Chuyện của 8 năm trước vừa là chuyện lạ vừa là chuyện cười, nay đã thành chủ đề nghiên cứu khi AI tạo sinh ngày càng phổ biến trong đời sống. 

Một cuộc khảo sát trực tuyến của phó giáo sư Ethan Mollick, Đại học Pennsylvania, cho thấy gần một nửa người được hỏi nói họ thường lịch sự với chatbot AI, chỉ có khoảng 16% toàn nói giọng ra lệnh. 

Bình luận trên các diễn đàn của OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT), nhiều người chia sẻ họ vẫn dùng "làm ơn" và "cảm ơn" với ChatGPT, Claude, Gemini y như đang nói với một người thật sự giúp mình.

Tuy vậy, giao tiếp giữa con người với AI như một xã hội thu nhỏ, ở đó con người cũng biểu hiện chính mình, có người lịch lãm có kẻ bông lơn, lại có phường thô lỗ. Tờ The Boston Globe dẫn kết quả một số nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 54% các cuộc trò chuyện với chatbot đều có nội dung tục tĩu và hơn 65% liên quan khiêu dâm. 

Nghiên cứu của Merel Keijsers thuộc Đại học Canterbury đăng trên một tờ báo ở New Zealand chỉ ra phản hồi của chatbot càng giống con người thì càng nhận được nhiều lời lăng mạ và bình luận khiêu dâm.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao phải tử tế với một cỗ máy vô cảm? Một nhóm học giả thuộc Đại học Waseda và Trung tâm Dự án tình báo tiên tiến RIKEN (Tokyo) đã đặt một loạt yêu cầu cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - công nghệ xương sống của các chatbot AI), mỗi lần sẽ thử 8 cách với mức độ lịch sự khác nhau, và đánh giá chất lượng phản hồi.

Chẳng hạn, yêu cầu ở mức lịch sự 7/8 "Cậu có thể vui lòng viết tóm tắt bài viết sau đây không? Làm ơn viết 2 hay 3 câu thôi. Không cần phải viết dài hơn đâu nhé", còn thô lỗ nhất (1/8) sẽ là "Viết tóm tắt cho bài viết sau đi đồ khốn! Chỉ được tóm trong 2 hoặc 3 câu thôi. Viết dài hơn thì biết tay".

Theo kết quả nghiên cứu (chưa được bình duyệt) công bố trên arXiv.org, tương tác nhã nhặn sẽ nhận về các phản hồi chất lượng cao. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phát hiện nếu khen quá đà hay tâng bốc lố lăng sẽ làm giảm hiệu suất kỹ thuật của chatbot, nên cứ "lịch sự vừa phải" thôi, thái độ trung dung là tốt nhất.

"LLM phản ánh mong muốn được tôn trọng của con người ở một mức độ nhất định" - các học giả đánh giá. Đây là điều mà người dùng có thể trực tiếp kiểm nghiệm. "Nếu LLM dự đoán được từ tiếp theo bạn nói là khá thô lỗ, nó sẽ chọn kịch bản trả lời ngắn hoặc trả lời chung chung. Con người trong ngữ cảnh giao tiếp thông thường cũng phản ứng như vậy thôi. Vốn dĩ LLM đang làm chính xác những gì nó được dạy" - một người dùng bình luận trên Reddit.

Lịch sự với AI để rèn giữ nhân tính- Ảnh 2.

Nathan Bos, cộng sự nghiên cứu cấp cao tại Đại học Johns Hopkins chuyên nghiên cứu các mô hình quan hệ giữa con người và AI, cho biết khi mở đầu bằng "làm ơn" thì chatbot sẽ hiểu phần ngay sau đó là một yêu cầu, khi đó nó trả về kết quả chính xác hơn. 

Nói cho dễ hiểu, gieo nhân nào thì gặt quả đó. Lời yêu cầu lễ độ sẽ khiến hệ thống lấy thông tin từ nguồn đáng tin hơn trên Internet. Ra lệnh cộc cằn thì nguồn tin được dùng sẽ toàn… lá cải.

Đâu chỉ có ngần ấy lợi ích, nhiều quan điểm cho rằng giao tiếp luôn là hai chiều, dạy AI lịch sự thì nó cũng rèn lại cho ta thói quen cư xử lịch thiệp. Nhà tâm lý học lâm sàng Sherry Turkle, giáo sư xã hội học tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho hay lịch sự với AI là "dấu hiệu của sự tôn trọng", không phải với máy móc mà là với chính mình. "Thô lỗ với AI suốt sẽ tạo thành thói quen, đến lúc hành xử tương tự với những người khác ngoài xã hội mà không hề nhận ra" - bà Turkle diễn giải.

Năm 2018, Google đã phải cho ra đời tính năng "Pretty Please" cho Trợ lý Google để khuyến khích trẻ em sử dụng từ ngữ lịch sự khi đưa ra yêu cầu. Động thái này xuất phát từ nhiều phàn nàn của phụ huynh rằng con cái họ thường ra lệnh cộc lốc với Siri và Alexa, rồi cư xử thiếu tôn trọng luôn với người xung quanh. 

Góc nhìn của tâm lý học phân tích điều này theo hướng "khi lăng mạ ai đó, ta đang thay đổi cấu tạo cảm xúc của bản thân". Nhà tâm lý học Pamela Rutledge nói: "Siri là một cỗ máy thì có hề gì, quan trọng là ta đã gợi ý và sao lưu trong não mình một kịch bản phản ứng khi giao tiếp".

Theo giáo sư truyền thông Autumn P. Edwards tại Đại học Western Michigan, tương tác của con người với AI sẽ ảnh hưởng đến sự tiến hóa của chuẩn mực xã hội. Bà đánh giá đây là thời điểm quyết định con người có bị đồng hóa tương tác với máy móc không, hay vẫn bảo tồn nhân tính của mình trong giao tiếp với chúng. 

Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác), lời Khổng Tử dạy khi xưa mà dụng cho AI bây giờ, hẳn vẫn chưa sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận