Liên tưởng

LORRIE MOORE 04/04/2018 03:04 GMT+7

TTCT - Lần thứ ba trong vòng ba năm, họ nói chuyện xem đâu sẽ là món quà thích hợp cho cậu con trai loạn trí của cô.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

 Thật ra có rất ít thứ mà họ được phép mang đến: gần như cái gì cũng có thể biến thành vũ khí nên hầu hết các đồ vật phải để lại ở quầy lễ tân và sau đó, nếu có yêu cầu, sẽ được một cô trợ lý tóc vàng đô con, người chịu trách nhiệm kiểm tra trước khả năng gây tổn thương của các thứ, mang vào. Pete đem đến một giỏ mứt, nhưng mứt đựng trong các lọ thủy tinh nên không được phép. “Anh quên mất” - anh nói. Các lọ mứt được sắp xếp theo màu sắc, từ màu mứt cam sáng nhất đến mứt dâu rồi mứt sung, cứ như thể chúng chứa xét nghiệm nước tiểu của một người bệnh ngày càng nặng. Nó bị tịch thu cũng tốt, cô nghĩ. Họ sẽ tìm thứ khác để mang.

Tính đến lúc con trai cô mười hai tuổi, đã bắt đầu cái trò lầm bầm khó hiểu của mình và thôi đánh răng, Pete đã có mặt trong cuộc đời họ được sáu năm và đến giờ là thêm bốn năm nữa. Tình cảm mà họ dành cho Pete rất dài và quanh co, với những ngã rẽ ẩn giấu nhưng không thực sự có lúc nào dừng lại. Con trai cô coi anh như một người cha dượng. Cô và Pete đã già đi bên nhau, dẫu điều đó thể hiện nhiều hơn ở cô, với những chiếc váy đen mặc lên trông cho mảnh mai và mái tóc đã nhuốm bạc, không nhuộm và thường được cặp lên với những lọn tóc rủ xuống như loài rêu rủ. Khi con trai cô đã bị lột trần, cho mặc áo viện và nhập viện, cô cũng cởi hết dây chuyền, hoa tai, khăn quàng - tất cả những món đồ giả của cô, cô bảo Pete, cố gắng chọc cười - và bỏ vào một cái cặp tài liệu có chốt gài ở dưới gầm giường. Cô không được phép đeo chúng khi đến thăm, nên cô cũng bỏ đeo luôn, một kiểu đoàn kết với đứa con của mình, một cảnh góa bụa mới trên cảnh góa bụa vốn có của cô.

Không như những phụ nữ khác cùng tuổi (thường cố gắng hết sức với đồ lót sặc sỡ và trang sức màu mè), bây giờ cô cảm thấy ra vẻ kiểu đấy thật là lố bịch và cô bước ra ngoài thế giới như một người đàn bà Amish, hoặc có lẽ, tệ hơn, khi ánh sáng không khoan nhượng của mùa xuân đập thẳng vào mặt, như một người đàn ông Amish. Nếu cô già đi, hãy để cô làm một công dân đầy đủ tư cách của mẫu quốc! “Với anh, trông em lúc nào cũng đẹp” - Pete không còn nói.

Pete đã mất việc trong tình hình kinh tế suy thoái gần đây. Đã có lúc anh sẵn sàng đến sống cùng cô, nhưng những vấn đề ngày càng lún sâu của con trai cô đã khiến anh chùn bước. Anh nói rằng anh yêu cô, nhưng không tìm được không gian anh cần cho riêng mình trong cuộc đời cô hay trong căn nhà của cô (anh chẳng trách con trai cô - hay là có?). Với sự mong mỏi có phần dễ thấy và những nhận xét chua cay anh đăm chiêu nhìn vào phòng khách, căn phòng mà con trai cô, hồi còn ở nhà, sống với những tấm chăn lớn và những hộp kem rỗng, một chiếc Xbox và những chiếc DVD.

Cô không còn biết Pete đã đi đâu, đôi khi trong nhiều tuần liền. Cô nghĩ việc cô không tra hỏi, cố gắng không quan tâm, là một sự cảnh giác và quyến luyến. Một lần cô thèm khát được động chạm đến mức cô đến tiệm Tóc Tém ở góc phố chỉ để được gội đầu. Mấy lần bay về Buffalo để thăm anh trai và gia đình anh, ở an ninh sân bay cô đã chọn những cái khám tay và những cây gậy dò thay cho máy quét.

Chú Pete đâu?” - con cô gào trong những chuyến thăm cô đến một mình, mặt cậu đỏ bừng trứng cá, sưng lên và phình ra vì tác dụng của những thứ thuốc đã được đổi, rồi lại đổi, và cô bảo hôm nay Pete bận nhưng sớm thôi, sớm thôi, có thể tuần sau chú ấy sẽ đến. Một cơn chóng mặt của người mẹ thắt chặt cô, căn phòng xoay tròn và đôi khi những vết sẹo mỏng trên tay con trai cô dường như gọi ra tên Pete, sự mất mát những người cha khắc xuống một cách nguyên thủy trên lớp da đại số. Trong vòng xoay ngựa gỗ của căn phòng, những kẻ trắng nối dính ấy trông như hình graffiti thô tục ở bãi cắm trại. Cắt rạch là một ngôn ngữ. Và ngược lại. Việc cắt tay khiến cậu được lòng các cô gái, nhiều người cũng tự rạch mình và hiếm khi nào thấy một cậu bé cũng vậy, thế nên trong các buổi gặp nhóm cậu trở nên nổi tiếng, điều mà cậu không lấy làm phiền hoặc có lẽ không thực sự để ý. Khi không có ai nhìn, thỉnh thoảng cậu cũng rạch vào lòng bàn chân - bằng giấy sắc lấy trong giờ thủ công.  Trong nhóm, cậu giả vờ đọc lòng bàn chân của các cô gái như lòng bàn tay, thông báo sự xuất hiện của những người lạ và tiến triển đến mối quan hệ lãng mạn - “mối chân hệ”, cậu gọi - và đôi khi thấy số phận của chính mình trong những gì mà chúng cắt ở đó.

Giờ thì cô và Pete đến thăm con trai cô không phải với mứt, mà với một cuốn sách mềm, mép không xén, về Daniel Boone, rút ra từ giá sách của cô, thứ được phép mang, cho dù con trai cô sẽ tin rằng nó chứa đựng những thông điệp dành cho cậu, tin rằng tuy đó là chuyện về một người xa xưa nhưng nó cũng là chuyện về nỗi buồn và tính cách anh hùng của cậu trước mọi sự hoang dã, thất bại và sự bắt cóc, rằng cuộc đời của chính cậu có thể được trải lên trên cuốn sách, thứ đơn giản chỉ là một bộ khung cao quý cho việc tiết lộ những câu chuyện về cậu. Sẽ có những manh mối trong hàng chữ trên các trang giấy mang con số cộng lại bằng số tuổi của cậu: 97, 88, 466. Sẽ có những liên hệ được che đậy khác liên quan đến sự tồn tại của cậu. Sẽ luôn luôn có.

Họ cùng ngồi bên bàn khách thăm, cậu đặt cuốn sách sang một bên và gượng cười với cả hai. Trong mắt cậu vẫn còn vẻ ngọt ngào, vẻ ngọt ngào cậu có từ lúc sinh, ngay cả khi cơn thịnh nộ có thể tóe ra rải rác giữa họ. Có người đã cắt mái tóc màu vàng cát của cậu - ít nhất là đã cố. Có lẽ nhân viên ấy không muốn để kéo ở gần cậu lâu nên đã xẻo một nhát, nhảy ngược lại, rồi lại gần, túm và cắt, rồi nhảy lại. Nó trông đúng như thế. Con trai cô có tóc lượn sóng, phải được cắt cẩn thận. Giờ nó không lượn xuống nữa, mà ngắn sát đầu, tủa ra theo những góc có lẽ không quan trọng với ai ngoài một người mẹ.

“Thế dạo này chú đi đâu?” - cậu hỏi Pete.

“Hỏi hay đấy” - Pete nói, như thể cứ ca ngợi như thế thì sẽ xong chuyện. Làm sao tinh thần người ta có thể khỏe mạnh trong một thế giới như thế?

“Chú có nhớ mẹ con cháu không?”.

Pete không trả lời.

“Chú có nghĩ đến cháu khi nhìn những mao mạch đen trên cây cối lúc ban đêm không?”.

“Chú nghĩ là có - Pete nhìn thẳng lại cậu, để không phải cựa mình trên ghế - Lúc nào chú cũng mong cháu được khỏe mạnh và mọi người ở đây đối xử tốt với cháu”.

“Chú có nghĩ đến mẹ cháu khi nhìn lên mây và những gì nó giữ không?”.

Pete lại im lặng.

“Đủ rồi con” - cô bảo cậu con trai, cậu quay sang cô với thái độ thay đổi.

“Chiều nay có bánh cho sinh nhật ai ấy” - cậu nói.

“Thế thì thích nhỉ!” - cô nói, mỉm cười lại.

“Tất nhiên là không có nến. Dĩa cũng không. Bọn con chỉ cần vơ lấy kem trét vào mắt là mù. Có bao giờ mẹ nghĩ làm sao mà lúc thổi nến thời gian lại dừng lại, trong khi những khoảnh khắc ấy vẫn mang khói đi mất? Nó giống như ngọn lửa của tình yêu cháy bỏng. Có bao giờ mẹ băn khoăn vì sao nhiều người có những thứ họ không đáng có nhưng sao những thứ ấy ngay từ đầu đã vô lý như thế? Mẹ có thực sự nghĩ là điều ước có thể trở thành sự thật nếu như mẹ không bao giờ, bao giờ, bao giờ, bao giờ nói nó cho ai?”.

**********************************

Trên đường về nhà, cô và Pete không nói với nhau một lời và mỗi lần cô nhìn lên đôi tay đang già đi của anh, các khớp lồi nắm chặt vôlăng, hai ngón tay cái quen thuộc buông xuống thấp hơi giống như linh trưởng, cô hiểu được một lần nữa cái nơi tuyệt vọng mà cả hai vừa đến, dù mỗi người có một nỗi tuyệt vọng riêng, không cùng chia sẻ và đôi mắt cô cảm giác được áp lực đâm thấu vào của nước mắt.

Lần gần nhất con trai cô cố gắng làm chuyện ấy, cách của cậu, theo lời bác sĩ, khéo léo một cách chết người. Suýt nữa cậu đã thành công, nhưng một bệnh nhân khác, một cô gái trong nhóm, đã ngăn cậu vào phút chót. Đã có máu phải chùi. Một thời gian con trai cô chỉ muốn một cơn đau kéo cậu đi hướng khác, nhưng cuối cùng cậu muốn rạch một cái lỗ trên người mình và trốn chạy qua đó. Cuộc đời, đối với cậu, đầy rẫy gián điệp và mối bận tâm do thám. Nhưng đôi khi gián điệp cũng trốn chạy và có thể ai đó sẽ phải đi theo họ, qua những cánh đồng cuồn cuộn của giấc mơ, vào những dãy núi sớm của bình minh ý nghĩa, để có thể, một cách nghịch lý, thoát khỏi họ hoàn toàn.

Một cơn bão lờ mờ hiện lên, chớp đánh một đường ziczac loang loáng, đầy chủ đích giữa những đám mây. Cô không cần một minh họa sáng lóa như thế rằng các chân trời có thể vỡ vụn, chứa đựng những thông điệp và những đoạn mã mở, nhưng nó vẫn ở đó. Một làn tuyết xuân bắt đầu rơi trong lúc sấm vẫn nổ rầm rầm và Pete bật cần gạt lên, để họ có thể nhìn được con đường tối dần phía trước qua đôi vòng bán nguyệt trong suốt. Cô biết thế giới không được tạo ra để nói chuyện với mỗi mình cô, thế nhưng với con trai cô, đôi khi mọi thứ lại thế. Những cái cây ăn quả ra hoa sớm chẳng hạn - những vườn cây mà họ đi qua rực hồng - nhưng ấm sớm thì không có ong và sẽ có rất ít quả. Hầu hết những chùm hoa lơ lửng kia sẽ rụng trong cơn bão này.

Khi họ về đến nhà cô và bước vào, Pete liếc nhìn mình trong gương hành lang. Có lẽ anh cần đảm bảo rằng anh vẫn sống, mà không phải là bóng ma mà anh trông giống.

“Anh uống gì không? - cô hỏi, hi vọng anh ở lại - Em có ít vodka xịn lắm. Có thể pha cho anh một cốc Nga Trắng ngon lành!”.

“Vodka được rồi - anh nói miễn cưỡng - Đừng thêm gì”.

Cô mở tủ lạnh để tìm vodka và khi đóng tủ lại, cô đứng đó một lúc, nhìn vào những tấm ảnh nam châm cô đính lên cửa tủ.

Hồi còn bé, con trai cô có vẻ vui vẻ hơn hầu hết mọi đứa trẻ. Hồi sáu tuổi, cậu vẫn cười và nhí nhảnh, tay chân vung tứ linh như hình ngôi sao, hàm răng thưa một cách hoàn hảo của cậu sáng lóa, tóc như những cuộn dây tẩm mật. Lên mười, cậu đã có một nét lo nghĩ và sợ hãi mơ hồ, dù vẫn có ánh sáng trong mắt cậu và những người anh em họ đáng yêu bên cạnh. Rồi cậu đây, một thiếu niên mum múp, tay vòng qua ôm Pete. Và đây, ở trong góc, cậu lại là một đứa bé, trong vòng tay của ông bố điềm đạm, điển trai, người mà cậu không nhớ, bởi vì ông đã qua đời quá lâu. Tất cả đều phải được chấp nhận. Sống không có nghĩa là niềm vui này lấp lên niềm vui khác. Nó chỉ đơn thuần là niềm hi vọng bớt nỗi đau hơn, niềm hi vọng đóng vai trò như một lá bài trên một niềm hi vọng khác, ước muốn những sự tử tế và thương xót xuất hiện như những lá K và Q trong một biến chuyển bất ngờ của trò chơi. Người ta có thể tự mình cầm bài hoặc không: họ cũng sẽ hạ ván theo cùng một cách. Sự dịu dàng sẽ không bước vào trong đó, ngoại trừ đi theo một cách đã bị hủy hoại.

“Anh không muốn cho đá à?”.

“Không - Pete nói - Cảm ơn em”.

Cô đặt hai cốc vodka lên bàn bếp. Cô chìm xuống cái ghế đối diện anh.

“Có khi nó sẽ giúp anh ngủ”.

“Chẳng biết có gì giúp được không” - anh nói, hớp một ngụm. Mất ngủ đã quấy rầy anh.

“Tuần này em sẽ đưa nó về - cô nói - Nó cần có mái nhà của nó, nhà của nó, phòng của nó. Nó chẳng nguy hiểm với ai cả”.

Pete uống thêm chút nữa, nhấp thành tiếng. Cô có thể thấy anh không muốn một chút nào trong chuyện này, nhưng cô cảm thấy mình không còn lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục. “Có khi anh sẽ giúp được. Nó ngưỡng mộ anh lắm”.

“Giúp thế nào?” - Pete hỏi với một ánh giận dữ. Cốc anh va xuống bàn thành tiếng.

“Đêm đến mình có thể thay nhau trông chừng nó” - cô thận trọng nói.

Điện thoại reo. Cái điện thoại treo tường gần như chẳng mang lại gì ngoài tin dữ nên tiếng nó reo, nhất là vào buổi tối, luôn làm cô giật mình. Cô nén một cái rùng mình nhưng đôi vai vẫn rúm lại, như thể đang chuẩn bị đón nhận một cú đánh. Cô đứng dậy.

“Alô?” - cô trả lời ở hồi chuông thứ ba, tim đập mạnh. Nhưng đầu dây bên kia gác máy. Cô ngồi xuống. “Em đoán là nhầm số - cô nói, rồi thêm - Chắc anh muốn uống nữa”.

“Tí thôi. Xong anh sẽ về”.

Cô rót thêm cho anh một chút. Cô đã nói những gì cần nói và không muốn phải thuyết phục anh. Cô sẽ chờ cho anh bước đến với những lời đúng đắn. Không như một số người bạn hẹp hòi hơn của cô, suốt ngày cảnh báo cô, cô tin rằng sâu trong Pete có một mặt tốt và lúc nào cô cũng kiên nhẫn chờ đợi nó. Cô có thể như thế nào được nữa?

Điện thoại lại reo.

“Chắc là bọn tiếp thị” - anh nói.

“Em ghét họ” - cô nói. “Alô?” - cô nói to hơn vào ống nghe.

Lần này khi họ gác máy, cô liếc nhìn bảng điều khiển, nơi hiển thị số máy người gọi.

Cô ngồi xuống và rót thêm vodka cho mình. “Có người gọi từ căn hộ anh”.

Anh uống nốt cốc rượu. “Anh phải về đây” - anh nói rồi đứng dậy. Cô đi theo anh. Ở cửa, cô nhìn anh nắm tay nắm cửa và vặn mạnh nó. Anh mở rộng cửa, choán cả tấm gương.

“Em ngủ ngon”. Nét mặt của anh đã tự đưa nó đến một nơi xa xôi khác.

Cô vòng tay ôm anh để hôn anh, nhưng anh đột ngột quay đầu đi nên môi cô đáp lên tai anh. Cô nhớ rằng anh cũng có hành động né tránh này cách đây mười năm khi hai người lần đầu gặp nhau, khi anh đang ở trong tình trạng tình cảm chồng chéo.

“Cảm ơn anh đã đến với em” - cô nói.

“Không có gì” - anh đáp, rồi bước vội xuống thềm ra xe, đậu ở lề đường trước nhà. Cô không định tiễn anh đến đó. Cô đóng rồi khóa cửa trong lúc điện thoại lại bắt đầu reo.

Cô bước vào bếp. Thật ra cô đã không nhìn thấy được số người gọi vì không đeo kính và đã bịa ra cái đoạn là có người gọi từ số nhà Pete, nhưng dù sao anh cũng đã biến nó thành sự thật, thứ ma thuật hắc ám của những dối lừa và giỏi đoán, những mánh khóe tinh ranh. Giờ thì cô tự trấn an mình. Cô đặt chân thật vững.

“Alô?” - cô nói, trả lời ở hồi chuông thứ năm. Màn hình nhựa nơi hiển thị số máy người gọi bị che phủ như thể bằng một lớp vải lưới, một lớp vỏ hành bọc ngoài củ hành - hay đúng hơn, ngoài bức ảnh chụp một củ hành. Một miêu tả trên một miêu tả khác.

“Xin chào” - cô nói lớn. Cái gì sẽ bật ra? Một bàn tay khỉ. Một cô gái. Một con hổ.

Nhưng chẳng có gì hết. ■

Nguyễn Huy Hoàng dịch

Lorrie Moore
Lorrie Moore

 

Lorrie Moore sinh năm 1957 ở Glens Falls, New York, Mỹ. Bà đã xuất bản năm tập truyện ngắn và ba cuốn tiểu thuyết (tập truyện đầu năm 1985) sau khi hoàn thành chương trình M.F.A. tại Đại học Cornell. Bà được trao giải Rea cho truyện ngắn năm 2004 và giải PEN/Malamud năm 2005. Lorrie Moore hiện là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Vanderbilt.

Truyện ngắn Referential được đăng lần đầu trên tạp chí The New Yorker số 28 tháng 5-2012 và được in trong tập Bark: Stories (Knopf, 2014). Nó cũng được đưa vào tập Truyện ngắn Mỹ hay nhất năm 2013 do Heidi Pitlor và Elizabeth Strout biên tập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận