Lo nhất là nguy cơ vô cảm

LAN ANH THỰC HIỆN 24/04/2011 21:04 GMT+7

TTCT - “Mỗi năm, chúng ta mất 12.000 mạng người vì tai nạn giao thông. Chúng ta đang cam chịu hay vô cảm?” - PGS.TS Phạm Công Hà, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trao đổi với TTCT về những hệ lụy khốc liệt mà tai nạn giao thông mang vào đời sống xã hội.

Phóng to
PGS.TS Phạm Công Hà - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Trận động đất - sóng thần ở Nhật Bản hôm 11-3 vừa rồi làm chết và mất tích gần 28.000 người, nhưng đây là thảm họa hàng trăm năm mới xảy ra một lần. Còn VN mỗi năm mất 12.000 người do tai nạn giao thông (TNGT), tức mỗi năm chúng ta gặp một thảm họa tương đương trận động đất hàng trăm năm mới có, chưa kể hàng chục ngàn người bị thương tật suốt đời, gia đình phải chăm sóc, cuộc sống bị đảo lộn” - ông Hà nhận xét.

* Chúng ta đã có rất nhiều “chiến dịch” để lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) nhưng TNGT không hề giảm. Vì sao vậy, theo ông?

- Cách đây mấy năm, nghị quyết 37 của Chính phủ đã chỉ ra hai nguyên nhân chủ yếu, trong đó nguyên nhân thứ nhất là công tác quản lý nhà nước về ATGT có nhiều khuyết điểm, nguyên nhân thứ hai là ý thức người dân. Tôi cho rằng đây là những đánh giá đúng đắn, nhưng từ đó đến nay, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn phương tiện thông tin đại chúng luôn “lờ” đi nguyên nhân thứ nhất, chỉ nhằm vào nguyên nhân thứ hai.

Không giải quyết rốt ráo những căn nguyên đã đúc rút từ thực tế, dẫn đến hành động không tập trung để loại bỏ những căn nguyên ấy, điều đó khiến tình hình TNGT ngày càng nghiêm trọng. Còn ý thức người tham gia giao thông ai cũng thấy là rất kém.

Trước đây, Ủy ban ATGT quốc gia từng cấp kinh phí để giáo dục ATGT trong trường học, chuyên gia Nhật Bản sang dạy các học sinh mầm non một số trường trên sa bàn, thấy các cháu tiếp thu rất tốt, họ khen thế này thì tốt hơn Nhật Bản. Nhưng khi họp với nhau, chúng tôi nói là không có tác dụng gì đâu, các cháu được học tốt nhưng ra về thì bố mẹ vượt đèn đỏ, đi trái đường, miễn sao được việc mình, hiệu quả rất thấp.

Thống kê tai nạn giao thông chưa sát thực tế

Chúng ta vẫn đang có vấn đề về thống kê TNGT. Trước đây chúng tôi vẫn cung cấp thông tin cho bản tin ATGT, rồi các bệnh viện cũng cung cấp. Có buổi sáng phát thanh viên đọc cả nước có 34 người chết, 48 người bị thương vì TNGT, mà trong cùng ngày ấy riêng Bệnh viện Chợ Rẫy lại có tới 49 người vào cấp cứu vì TNGT! Thống kê không đúng làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác ứng phó và cấp cứu.

* Theo ông, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về giao thông hiện bức xúc nhất ở đâu?

- Tôi cho là tình trạng cấp đất bừa bãi từ trung ương đến địa phương, cấp đất cho dân làm nhà, công trình công cộng vi phạm hành lang giao thông rất phổ biến. Tình trạng đường quốc lộ cấp 1 nhưng dân làm nhà bên đường, quốc lộ thành đường đô thị, tình trạng đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng) và đường 51 (Biên Hòa - Vũng Tàu) là ví dụ. Các địa phương đề nghị làm đường tránh, nhưng một mặt lại cấp đất ở đường tránh khiến đường tránh lại thành đường nội thị.

Chính quyền các cấp dường như không làm việc với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, kinh doanh hè phố. Rất có thể các cửa hàng kinh doanh đã phải đóng “phí” gì đó để được “lờ” đi, được “cho qua” ở đây. Những việc nhỏ không làm được nên rất nhiều chiến dịch lớn đã thất bại, như chiến dịch cấm hàng rong ở một số tuyến phố Hà Nội trước đây.

* Ông thấy điều gì nguy hiểm nhất với xã hội, từ tình hình TNGT nghiêm trọng như hiện nay?

- Đó là nguy cơ vô cảm của xã hội. TNGT nhiều quá, ngày nào cũng mấy chục người chết, người ta đổ cho cái “số” là phải chết, có khi thành ra trơ lì trước nỗi đau đớn. TNGT thường xảy ra ở nhóm người lao động chính trong gia đình, khi người ấy chết, bị thương, cuộc sống của cả gia đình sẽ đảo lộn, chưa kể những đứa trẻ mồ côi sẽ có cuộc đời đau khổ, khó khăn. Rất nhiều bi kịch.

Một người chết vì TNGT đã tiếc thương biết bao nhiêu, mà mỗi năm chúng ta mất đi 12.000 người, để lại những hậu quả rất lớn về chăm sóc trẻ mồ côi, chăm sóc người tàn tật, người phải sống thực vật suốt đời vì chấn thương cột sống hay chấn thương sọ não. Một hệ lụy nữa là có thể có xu hướng ngại ngùng vào VN đầu tư hay làm ăn kinh tế.

* Giao thông ở VN quá “đặc biệt”: xe bò, xe đạp, xe container, xe hơi, xe máy cùng đi trên một loại đường. Ông có nghĩ là cơ sở vật chất của chúng ta còn kém quá, lực lượng đảm bảo ATGT chưa đủ nên tai nạn là khó tránh khỏi?

- Tôi vẫn nghĩ là do công tác quản lý yếu kém, chứ đường lớn, đi tốc độ lớn, tai nạn có khi còn nhiều hơn. Đừng đổ cho vấn đề lực lượng, lực lượng hiện tại có thể dư thừa để đảm bảo ATGT. Các giải pháp ATGT là rất nhiều, nhưng chưa thấy có việc tổ chức thanh tra thường xuyên và xử phạt... chính lực lượng đảm bảo ATGT. Phát hiện người vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm mà bỏ qua là phạt những lực lượng có trách nhiệm xử phạt ấy. Nếu thấy rửa xe, hàng quán lấn chiếm lòng lề đường là phạt chính quyền sở tại ở đấy.

Về mặt cơ sở vật chất kỹ thuật, rất nên thẩm định ATGT với tất cả các công trình, điều này từ trước đến nay cũng chưa có. Nghĩa là khi xây dựng một con đường, người làm ATGT phải xem đường đó có an toàn không, giao nhau giữa hai tuyến đã hợp lý chưa, có an toàn với người đi sang đường chưa...

Phóng to

* Theo ông, có phải xã hội đang... chấp nhận chuyện TNGT xảy ra thường xuyên vì chưa có cách gì đối phó?

- Tôi cho là xã hội chúng ta đang cam chịu chuyện này, cho là tại “số”. Nhưng điều này không đúng. Rất nhiều tai nạn xảy ra ở đường nội ô, nội thị, nếu không nghiêm túc chấn chỉnh trước hết là ý thức tham gia giao thông của chính mình, thì bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân. Hệ lụy của TNGT là đám ma nhiều lên, trẻ em mồ côi nhiều lên, người góa vợ góa chồng nhiều lên.

Thấy rõ điều đó rồi nhưng chúng ta cứ cam chịu những người phóng nhanh vượt ẩu, cam chịu chấp nhận người vi phạm Luật giao thông, chính quyền “phạt cho tồn tại” cửa hàng, quán ăn lấn chiếm vỉa hè, cảnh sát giao thông thì “phạt cho tồn tại” xe vượt người vượt tải, phạt rồi cho đi tiếp.

Các lực lượng có nhiệm vụ xử lý vi phạm đạt kết quả rất thấp, chỉ phạt được 10% số vụ vi phạm, trong đó rất nhiều trường hợp “phạt cho tồn tại”. Vấn nạn mất ATGT đang đòi hỏi sự tham gia góp sức và cả nỗ lực phê phán của toàn xã hội. Với báo chí, báo đăng đoạn đường này xuất hiện “hố tử thần”, mặt cầu kia có vết nứt... thì phải nêu rõ đường này, cầu đó ai thi công, ai giám sát, khu phố này thuộc phường nào, ai làm chủ tịch phường...

Chỉ phê phán chung chung thì tác dụng rất kém. Còn xử lý vi phạm là phải nghiêm khắc, đã vi phạm là phải xử lý, không bỏ qua trường hợp nào, vì lý do gì. Đừng lo không đủ lực lượng để xử phạt, tôi cho là năng lực còn nhiều, lực lượng hiện có là dư thừa để hoàn thành công việc.

Đó chính là lỗi của con người

Tôi không nghĩ chuyện đổ lỗi cho bên nào là nguyên nhân khiến TNGT cao là biện pháp xử lý hiệu quả. Điểm quan trọng là phải nhận thấy các vụ đâm chạm đó không phải là tai nạn. 76% là do lỗi của con người, nghĩa là hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Các vụ va chạm trên đường để lại di chứng vô cùng lớn trên cả cá nhân và toàn xã hội. Ở Việt Nam, TNGT là nguyên nhân hàng đầu của những cái chết ở độ tuổi 15-29. Họ chết khi đang là nguồn tạo ra thu nhập chính cho gia đình mình. Do đó, một vụ tai nạn có thể đưa cả một gia đình vào vòng xoáy của đói nghèo.

Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế vì gây tổn thất tương đương 1-3% GDP của các quốc gia đang phát triển, tức là thường cao hơn mức hỗ trợ của nước ngoài mà quốc gia đó nhận được. Cuối cùng, nó tạo nên gánh nặng cực lớn cho hệ thống y tế của Việt Nam, vì các nạn nhân sử dụng từ 20-30% số giường bệnh.

Không ai nên chấp nhận rằng “đó là số phải chết vì TNGT”. Các vụ va chạm thường có thể ngăn chặn được, có khi chỉ là sự thay đổi đơn giản, rất dễ, ai cũng làm được như đội mũ bảo hiểm có chất lượng, tuân thủ giới hạn tốc độ, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đang thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng kéo dài ba năm (hợp tác với Chính phủ Việt Nam), mục tiêu là có được 80% trẻ em đội mũ bảo hiểm vào năm 2013. Nếu tôi có một cây đũa thần, tôi muốn 100% trẻ em và người lớn đều đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; hiểu rõ về các giá trị an toàn cho bản thân mà chiếc mũ đem lại. Cha mẹ nên là một hình mẫu cho con noi theo: luôn đội mũ bảo hiểm, luôn yêu cầu con đội mũ. Không có gì phá hoại bằng việc bố mẹ thì đội mũ, kẹp đứa con ở giữa không đội mũ.

Những hình ảnh giao thông hỗn độn ở Việt Nam đã tạo ra những định kiến với người nước ngoài. Khi tôi đến đây 21 năm trước, có rất ít xe cộ lưu thông, nay đã có hơn 30 triệu xe máy, chiếm 95% tổng số xe động cơ lưu thông trên đường. Đường phố trở nên ngày càng nguy hiểm khi kinh tế phát triển, lượng xe tăng lên quá mức mà đường sá lại không được nâng cấp phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận