TTCT - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu khoáng sản thô như một biện pháp hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công thương mới đây ra nhiều văn bản cho phép xuất khẩu khoáng sản thô. Điều đáng lo là lượng hàng tồn kho được khai khống vượt cả số lượng được khai thác trong giấy phép… Phóng to Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Trong ảnh: khai thác khoáng sản tại Hà Giang - Ảnh: C.V.K. Xuất hàng triệu tấn Từ đầu năm đến nay Bộ Công thương đã ký hàng loạt văn bản cho phép xuất khẩu khoáng sản thô lên đến cả triệu tấn. Như trong riêng văn bản số 572/BCT-CNNg gửi UBND tỉnh Lào Cai, Bộ Công thương đã cho phép Tổng công ty Khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN xuất khẩu 110.000 tấn tinh quặng magnetit (một loại quặng sắt và là khoáng vật có từ tính thuộc dạng mạnh nhất trong các khoáng vật xuất hiện trong thiên nhiên), cho phép Công ty TNHH một thành viên Apatit VN xuất tới 450.000 tấn quặng apatit... Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cho phép hàng loạt doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu tinh quặng sắt, mangan - sắt với số lượng mỗi doanh nghiệp cả chục ngàn tấn. Hàng loạt tỉnh như Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Thái Nguyên… cũng nhận được công văn cho phép xuất khẩu khoáng sản thô vốn trước đó đã bị cấm. Muốn xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Công thương, ngoài ra tỉnh còn lập đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra số lượng hàng tồn kho thực tế của doanh nghiệp, sau đó dựa vào kết quả kiểm tra này UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Công thương. Bộ Công thương căn cứ vào quy trình và hồ sơ kiểm tra của đoàn liên ngành sẽ ra công văn cho hoặc không cho phép xuất khẩu. Dù quy trình như vậy nhưng vẫn xuất hiện những dấu hiệu đáng lo về gian lận... Hàng tồn kho... tăng vọt Phần nhiều công văn của UBND các tỉnh đề nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô theo chủ trương mới đã được Bộ Công thương chấp nhận. Tuy nhiên, qua các văn bản của Bộ Công thương đã dần hé lộ khả năng có một số doanh nghiệp nhân cơ hội đã khai số lượng hàng tồn kho lên quá lớn. Như trường hợp ở Nghệ An, UBND tỉnh này đã đề nghị cho phép các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu thô tới 471.000 tấn quặng mangan, quặng sắt... Theo Bộ Công thương, đặc điểm các mỏ mangan, quặng sắt ở Nghệ An là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng thấp nên các mỏ, điểm mỏ tại Nghệ An không thuộc danh mục các mỏ trong quy hoạch cân đối phục vụ chế biến sâu trong nước. Thế nhưng khi có chủ trương của Chính phủ, khối lượng đề nghị xuất khẩu lại tăng vọt. Theo Bộ Công thương, số lượng này là quá lớn so với chính giấy phép khai thác do UBND tỉnh Nghệ An cấp. Một quan chức Tổng cục Hải quan cho rằng chủ trương cho phép xuất khẩu khoáng sản thô tồn kho trong năm 2012 có thể giúp một số doanh nghiệp bớt khó khăn, tạo đà phát triển. Tuy nhiên, cần cảnh giác bởi đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp không tồn kho hoặc tồn kho ít nhưng khai báo lên cao để tăng lượng xuất khẩu. Thực tế thời gian qua có tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản sang Trung Quốc rất nhiều. “Vì vậy cần quản lý chặt khâu kiểm tra, xác định lượng hàng tồn kho thật sự và thực tế sản xuất của doanh nghiệp, tránh khả năng tài nguyên đất nước bị tận thu và xuất khẩu...” - quan chức này lưu ý. Theo một cựu quan chức Bộ Công thương từng tham gia quản lý việc khai thác khoáng sản, việc Bộ Công thương chỉ “nhắc” các tỉnh là quá nhẹ, đúng ra cần kiến nghị làm rõ, bởi khi phát hiện khả năng sơ hở thì cần thông tin để các cơ quan chức năng xem xét thanh tra, kiểm tra nếu cần. Quan chức này cho rằng dù có thể không có sai phạm nhưng theo những gì văn bản của Bộ Công thương “nhắc” địa phương, rõ ràng cơ quan quản lý tài nguyên của tỉnh nhiều khả năng đã không làm tốt trách nhiệm, để doanh nghiệp khai thác vượt cả giấy phép. Không biết Nhà nước có thu được thêm gì nhưng ngay cả đến khi doanh nghiệp đề nghị thẳng lên số lượng “khủng” chứng tỏ đã khai thác vượt phép, tỉnh vẫn chấp nhận và đề nghị Bộ Công thương cho xuất khẩu… Đây là điều khó hiểu và cần rà soát, kiểm tra lại. Trong các văn bản, Bộ Công thương nhấn mạnh việc xuất khẩu khoáng sản lần này được Thủ tướng Chính phủ cho phép như một giải pháp xử lý tình thế đặc cách để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, giải quyết khó khăn, thu hồi vốn ứ đọng… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần hạn chế tiếp tục thực hiện các giải pháp dạng này trong tương lai. Theo bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của thủ tướng, tài nguyên là tài sản quốc gia, nếu vì một vài doanh nghiệp khó khăn mà gỡ quy định cấm xuất khẩu tài nguyên thô thì chỉ một số doanh nghiệp được lợi, chưa chắc đã tác động tốt đến toàn cục. Tags: Doanh nghiệpChính sáchKhoáng sảnKhai thác khoáng sảnKhoáng sản thô
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam THANH HIỀN 16/04/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Hội nghị thượng đỉnh P4G sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy hợp tác chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Phân công nhiệm vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP.HCM THẢO LÊ 16/04/2025 UBND TP.HCM vừa có quyết định phân công công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP.HCM và các ủy viên UBND TP.HCM.
Đại tướng Phan Văn Giang: Không để các thế lực thù địch chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc NAM TRẦN 16/04/2025 Chiều 16-4, Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Mỹ dọa đánh thuế Trung Quốc 245% TRẦN PHƯƠNG 16/04/2025 Mỹ nói Trung Quốc hiện phải đối mặt với mức thuế mới lên tới 245%, do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.