Lợi khuẩn, lợi tùy lúc!

BS TRẦN HOÀI NHÂN 17/04/2011 00:04 GMT+7

TTCT - Gần đây người ta nói nhiều tới vai trò của lợi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhu cầu bổ sung các lợi khuẩn này.

Phóng to
Ăn ya-ua khi no mới có hiệu quả - Ảnh: altavista.com

Lợi khuẩn là các chủng vi khuẩn gram dương cư trú trong ruột già như Lactobacilus acidophilus La 5, Bifidobacterium Bb 12, Streptococcus thermophilus TH 4, Sacharomyces boulardii, Bacillus clausii...

Đâu phải ai cũng cần... lợi

Vai trò đầu tiên của lợi khuẩn là kìm hãm không cho các chủng vi khuẩn gram âm gây hại phát triển và bành trướng đến mức gây bệnh. Các vi khuẩn gram dương tác động bằng cách cạnh tranh nguồn thức ăn và tiết ra những chất kháng sinh tác động đến các vi khuẩn gram âm.

Trong điều kiện bình thường, sự phát triển của hai dòng vi khuẩn lợi và hại trong ruột già cân bằng, hài hòa và kiềm chế lẫn nhau. Vì một lý do nào đó sự cân bằng này bị xáo trộn sẽ gây ra bệnh, thường thấy là tiêu chảy, táo bón... Cân bằng vi khuẩn bị phá vỡ khi các lợi khuẩn bị suy giảm do dùng kháng sinh, hóa trị ung thư...hoặc các hại khuẩn được tăng cường thêm viện binh từ bên ngoài đưa vào.

Lợi khuẩn còn có vai trò kích thích sự phát triển và trưởng thành của cơ chế đáp ứng miễn dịch niêm mạc ruột; tạo ra sự đáp ứng miễn dịch tế bào và dịch thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh đặc hiệu; cạnh tranh thức ăn và các thụ cảm với vi khuẩn gây bệnh chống lại các quá trình nhiễm khuẩn tại ruột. Ngoài ra, lợi khuẩn có tác dụng phát triển sự dung nạp miễn dịch đối với các kháng nguyên từ môi trường bên ngoài vào ruột làm giảm mẫn cảm đối với các dị nguyên (tác nhân gây ra dị ứng), dẫn tới làm giảm các nguy cơ dị ứng và mắc bệnh dị ứng như: hen, mề đay, chàm, mẩn ngứa.

Tuy lợi khuẩn có nhiều ích lợi như vậy nhưng chỉ một số ít người, trong những hoàn cảnh cần thiết cụ thể mới phải bổ sung. Trong những trường hợp dùng kháng sinh, đặc biệt là dùng nhiều ngày, làm lợi khuẩn bị tiêu diệt và trở nên yếu thế so với hại khuẩn, chỉ chờ có thế hại khuẩn sẽ phát triển lên thành một thế lực đáng kể và gây nên tiêu chảy. Các chế phẩm có chứa lợi khuẩn cho thấy rất hiệu quả trong việc điều trị những trường hợp tiêu chảy kiểu này.

Hơn nữa, một số chế phẩm chứa lợi khuẩn được sử dụng cùng lúc với kháng sinh có thể dự phòng được tiêu chảy. Một lưu ý nhỏ là vì chứa vi khuẩn sống nên một số chế phẩm có thể không còn hoạt tính nếu dùng chung với kháng sinh. Do vậy nên uống bổ sung lợi khuẩn xa các cữ kháng sinh, hoặc tốt nhất sử dụng các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn có thể an toàn khi dùng chung với kháng sinh.

Coi chừng rước vi khuẩn vào thân

Lợi khuẩn cũng được sử dụng trong những trường hợp tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung lợi khuẩn giúp dự phòng và làm giảm đáng kể thời gian bị tiêu chảy. Ngoài ra lợi khuẩn còn được sử dụng trong những trường hợp viêm đại tràng mãn, hội chứng đại tràng kích thích. Lợi khuẩn bị chống chỉ định ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch tiên phát và thứ phát.

Tuy vậy, thuốc dù là thuốc bổ nếu bị lạm dụng cũng không tốt, huống hồ là vi khuẩn sống. Chưa có một nghiên cứu nào rõ ràng về hậu quả cũng như đánh giá đầy đủ những nguy cơ của việc sử dụng thường xuyên, liên tục các chế phẩm chứa lợi khuẩn đối với sức khỏe. Lời khuyên của bác sĩ là không nên tự ý mua những chế phẩm này sử dụng, kẻo tốn tiền mà rước... vi khuẩn vào thân.

Việc dung nạp lợi khuẩn cũng phải biết cách. Trong các loại sữa chua, ya-ua có nhiều lợi khuẩn, có thể dùng những sản phẩm này thường xuyên cho mục đích làm cân bằng giữa dòng vi khuẩn lợi và hại, vừa an toàn vừa đỡ hao tốn.

Tuy nhiên, cần lưu ý bình thường độ axit của dạ dày rất cao (pH khoảng 1,5), với độ axit này thì những vi khuẩn có trong sữa chua hay ya-ua ăn vào khó lòng sống sót. Do vậy, sữa chua hay ya-ua muốn sử dụng có hiệu quả trong việc cung cấp lợi khuẩn phải sử dụng liền ngay sau khi ăn no. Đây là lúc độ axit của dạ dày thấp nhất, nên cơ may sống sót của các lợi khuẩn là cao nhất.

Ăn sữa chua hay ya-ua lúc bụng đói chỉ để ngon miệng thôi, chứ không có tí hiệu quả trị liệu nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận