Lời khuyên của các bình luận viên kinh nghiệm

H.ĐĂNG - N.KHÔI - H.DƯ 27/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Nghề bình luận viên đòi hỏi sự khách quan và cân bằng giữa lý tính và cảm tính.

1. Nhà báo Huỳnh Sang: “Cố giữ lấy lề cho nghề bình luận”

Đầu năm 2022, tôi phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn mở một khóa đào tạo BLV bóng đá. Khóa học này chỉ kéo dài khoảng 2 tháng (hơn 100 tiết) nhưng tôi cố gắng mời về nhiều chuyên gia bóng đá tên tuổi như cựu trọng tài Võ Minh Trí, HLV Đoàn Minh Xương, bình luận viên Quang Huy… 

 
 Biếm họa của DAD

Với số học viên chỉ khoảng 20, lại mời được nhiều chuyên gia, mục đích của tôi khi mở khóa đào tạo chủ yếu là vì cộng đồng, góp một phần giữ lấy cái chuẩn mực cho nghề này.

Nghề bình luận bây giờ có thể nói là nở rộ, trên các trang mạng xã hội, rồi bình luận bóng đá phủi… Nhưng người có kiến thức đầy đủ về bóng đá có thể nói là rất ít. Để bình luận một cách công tâm, ngoài đạo đức các BLV còn cần kiến thức. 

Chẳng hạn một số tình huống mà trọng tài thổi bất lợi cho đội tuyển Việt Nam, cảm xúc đầu tiên của chúng ta luôn là bất mãn. Nhưng một BLV có hiểu biết về luật sẽ có thể chững lại để đưa ra nhận định chính xác, tránh bị cuốn theo cảm xúc.

Ví dụ như tình huống Quế Ngọc Hải phạm lỗi trong trận bán kết AFF Cup với Thái Lan hồi năm ngoái. Trước đó, hậu vệ Bunmathan của Thái chơi tiểu xảo với cầu thủ Việt Nam khiến người hâm mộ ai cũng giận dữ. 

Nhiều người thông cảm cho pha trả đũa của Hải sau đó, nhưng người hiểu luật sẽ biết rằng phạm lỗi kiểu vậy có thể dẫn đến hình phạt nặng và lại rất rõ ràng. Bản lĩnh của một cầu thủ nằm ở những tình huống như vậy và bản lĩnh của một BLV cũng vậy.

2. BLV Quang Huy: “Phải luôn trân trọng những bàn thắng”

Khi bình luận trận đấu có đội tuyển của đất nước mình, chuyện công tâm 100% là rất khó. Nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải có cách diễn đạt làm sao đó về câu từ để không ai bắt bẻ được. 

Về sắc thái, giọng nói, độ sôi nổi thì tất cả cũng hiểu ra mình đang ủng hộ đội nào, nhưng chúng ta cũng không thể quá thiên lệch. Ít ra, khi thấy đội đối phương ghi bàn tôi vẫn cố hô cao giọng lên một chút.

Bàn thắng vẫn là cái đẹp nhất của bóng đá, không có bàn thắng thì bóng đá chẳng còn gì cả. Bàn thắng của đội bạn đẹp thì cũng phải mô tả đẹp, nêu ra vấn đề về hàng phòng ngự của mình, và cần phải phân tích cả hai phía, Việt Nam ghi bàn không chỉ nói cái hay của Việt Nam mà còn phải nêu ra vấn đề của đối thủ. 

Ngược lại, khi Việt Nam bị thủng lưới cũng phải nói đến sai lầm của Việt Nam và cái hay của đối thủ.

Khi trận đấu kết thúc, tôi có lắng lại, tham khảo dư luận nói thế nào. Cá nhân tôi rất hay theo dõi mạng xã hội để biết khán giả cần và muốn biết gì. 

Tuy nhiên, tất cả chỉ là tham khảo. Tôi vẫn xác định là phải làm việc cho tốt. Cố gắng đi theo hướng đi được xã hội thừa nhận chứ không phải là giành giật sự thừa nhận trên mạng xã hội.

Bản chất con người sao thì bình luận cũng như vậy. BLV ít đùa trong cuộc sống thì cũng nên làm việc điềm đạm, ít pha trò. 

Mỗi người một phong cách, cố gắng giữ đúng bản chất, không nên gồng lên thể hiện quá nhiều sẽ trở nên mất thăng bằng. Phải tự nhiên và sẽ được ghi nhận. Không thể là người trầm trầm nhưng vô trận là thích bình luận kiểu bốc đồng, nói những điều tếu táo.

3. Cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Phương Nam: “BLV phải không ngừng học hỏi”

Cái khó của BLV là chuyên môn mỗi người khác nhau nên nhận định cũng sẽ khác nhau trong cùng một sự việc. Nhưng cho dù thế nào, bình luận trung thực và công tâm vẫn được đặt lên hàng đầu. Mỗi BLV sẽ cố gắng đưa ra nhận định chuẩn xác nhất để người hâm mộ nghe và hiểu được vấn đề. 

Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyết định của trọng tài, vì nếu bình luận sai lệch có thể dẫn đến việc công kích cá nhân.

Chẳng hạn như một trận đấu của đội tuyển Việt Nam, tôi không thể nào đứng về phía CĐV để chỉ trích quyết định của trọng tài khi họ rút thẻ đỏ hoặc thổi 11m cầu thủ đội nhà, mà cần dựa theo luật. 

Điều này thì tôi cũng có lợi thế bởi từng là cầu thủ, rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện và trở thành BLV, vốn cũng cần phải cập nhật kiến thức và Luật bóng đá.

Tôi nghĩ nghề bình luận có 30% liên quan đến kiến thức. Do đó, tôi phải học hỏi và rèn luyện hằng ngày. Thật ra, bình luận trận đấu không phải thế mạnh của tôi, mà là mổ băng, phân tích chiến thuật, tư vấn cho bản tin thể thao và làm game show bóng đá.

Có những BLV có khả năng truyền tải cảm xúc rất tốt mà tôi phải học khi bình luận về đội tuyển Việt Nam. Nhưng nếu họ không chú ý đến chuyên môn, phân tích tình huống thì cũng khó làm hài lòng khán giả vốn ngày càng am hiểu. 

Như cầu thủ sút mu chính diện mà nói khác đi thì kỳ lắm. Do đó, mỗi BLV cần phải học hỏi lẫn nhau để tiến bộ.■

Chúng tôi đã liên hệ với BLV Tạ Biên Cương đề nghị một cuộc trò chuyện về nghề, nhưng anh cho biết quy định của lãnh đạo VTV là không được trả lời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận