Lời thề đá

TTCT - Miệng nhìn chăm chăm vào bản đồ, chạm tay nhẹ vào vùng đất cuối chữ S. Cô không tin nó ở xa vậy.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCT - Miệng nhìn chăm chăm vào bản đồ, chạm tay nhẹ vào vùng đất cuối chữ S. Cô không tin nó ở xa vậy.

Cô thấy nó? Ngay trước mắt, thấy rõ bàn tay cắm vào bờ đá ven hòn, giơ thẳng năm ngón lên trời như bàn tay người đang tuyên một lời thề son sắt, rất dõng dạc, rất dũng mãnh; nghe được cả lời thề lẫn trong tiếng sóng vọng xung quanh. Lần đầu tiên dẫn Miệng ra hòn, Thao nói: “Yêu nhau đứng bên bàn tay đá này thề sẽ rất linh hiển”. “Vậy sao? Anh thề trước đi!”. Thao giơ tay cao, kiểu giống bàn tay đá: “Trước biển, trước hòn, ai thay lòng đổi dạ sẽ bị bàn tay đá...”. Miệng bịt miệng Thao lại, cái miệng ăn mắm ăn muối đừng nói điềm càn gở.

Miệng không tin lời thề nhưng mỗi lần ra hòn nhìn thấy bàn tay đá cô lại mỉm cười, lòng vững hơn đá. Vậy mà quá lâu rồi Miệng chưa được ra hòn, nhớ hòn muốn héo ruột mòn gan. Kỳ lạ, cũng một ngày mười hai tiếng mà sao ngày ở bên hòn, bên Thao mau tối vô cùng, làm cái gì cũng không kịp, loay hoay là hết ngày, loay hoay tới kỳ đóng tiền tháng cho chủ nợ. Còn ngày ở đây trôi thật chậm. Miệng nhìn lên tờ lịch - mới hai tháng. Thế mà cô cảm thấy dường như đủ thời gian cho cô đi đến cuối đời, quê hương dường như đã lùi về nơi nào đó xa... thật xa như không thể nào đi tới được.

- Miệng ơi! Nhanh lên! - đó là tiếng gọi của bà chủ. Bà rất già, mí mắt chảy xuống che một phần đôi mắt đục mờ. Bà đi lại khó khăn, được cái tiếng nói sang sảng có thể vọng tới từng ngõ ngách của biệt thự này.

Miệng “dạ” một tiếng rồi gạt bỏ tất cả ý nghĩ, chạy ra phòng bà, rất nhanh, sợ bà rầy. Miệng bị rầy hoài. Bà ăn xong một bữa cơm phải mất nửa giờ, nhưng khi gọi “Miệng ơi, dọn!” thì chỉ mấy giây từ nhà bếp Miệng xấp xải đi qua phòng ăn, qua ba dãy phòng trống rồi đến phòng bà đã khiến bà sốt ruột:

- Mày chậm!

Miệng cười, nghĩ: người bệnh tật hay cáu gắt, người già bệnh tật càng khó ở, vốn dĩ ý nghĩ đi trước tay chân, chiều họ một chút có sao. Hai ngày thay ra giường một lần, bốn ngày thay màn cửa sổ, nhà trước nhà sau mỗi ngày lau hai lượt, riêng phòng bà thì không được để một hạt bụi bám vào, còn tủ thức ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh tuyệt nhiên phải sạch hơn cả phòng bà. Trên tay Miệng lúc nào cũng cái giẻ lau trắng tinh hoặc cây chổi hoặc cái giỏ, không có thời gian để ngồi yên thờ thẫn.

Không thể ngồi yên nhưng Miệng không cản được dòng ý nghĩ. Khi nấu cơm Miệng tưởng tượng giờ này Thao chắc đang tắm cho con, cũng có thể đang vo gạo. Chắc Thao cực lắm, được cái có nồi cơm điện rồi cũng bớt sợ lửa củi. Hôm Miệng lĩnh tháng lương đầu tiên gửi tiền về, Thao nói: “Anh trả nợ hết rồi”; tháng thứ hai: “Mua được nồi cơm điện rồi, mừng quá mà cũng bực mình quá trời!”.

“Sao vậy? Nó không hoạt động sao?”, “Không phải! Anh mua loại tốt nhưng định đợi em về mới xài. Hôm qua anh đi cân rau cho Út Thơ ngoài ngã tư, thằng Hiền than đói bụng, con mẹ Ty thài lai khui thùng ra nấu...”. Miệng cười xòa, hạnh phúc lẫn nhớ nhung đã làm cô ứa nước mắt. Cô có cảm giác mỗi ngày Thao nhóng ra bến chờ một chiếc xuồng ghé lại, có cái dáng quen thuộc của vợ bước lên bờ, dù Thao biết thời gian hai năm chỉ mới trôi được một phần sáu.

Thương Thao mà tội nghiệp cho Ty, làm ơn mắc oán. Hồi lúc Miệng còn ở nhà Ty cũng hay bị Thao làm “quê”. Miệng sinh cu Hiền nằm viện khá lâu, dừa rụng lá đầy sân, Ty róc rồi bó giùm, Thao phủi tay lia lịa: “Thôi khỏi, để đó mai mốt mẹ con Loan về nó làm”. Ty hay than với Miệng: “Có ổng ở nhà tui ngán qua nhà bà. Cái ông Thao này từ hồi có vợ khó kỳ cục”.

Miệng về nhà Thao gần tám năm thì chơi thân với Ty cũng chừng ấy năm. Ty có gương mặt đẹp nhưng thấp người, dáng nhanh nhẹn, miệng cũng mau lẹ. Thấy Miệng một tay bế con một tay vo gạo là Ty ào qua bế giùm rồi tíu tít nựng nịu tụi nhỏ. Cùng tuổi Miệng nhưng Ty vẫn sống một mình. Hồi lúc Miệng mới về, có nhiều đám đến dạm hỏi Ty, cô đều lắc đầu.

Rồi nghe đâu cũng có nhận lời một đám khá giả ở xóm trên, sau đó không hiểu vì lý do gì cô lại từ hôn. “Có chồng cực thấy mồ. Như Miệng vậy quần vận áo vo, rồi con cái nheo nhóc, rồi nợ nần vây bủa, nhìn mà khiếp”. Ở vậy nên Ty rảnh rang, sang giúp Miệng giữ con, thường là những khi không có Thao ở nhà. Những lúc Miệng đi xa thế này chắc muốn qua chơi với mấy nhỏ cũng khó vì ngại Thao.

Miệng điện thoại về lần nào Ty cũng phàn nàn: “Bà coi, làm như ổng sợ mất lời thề nào đó, thấy tui bước qua nhà là ổng đuổi như đuổi tà”. Miệng cười trừ: “Bà thông cảm, Thao có thề thiệt mà”. “Vậy hả? Chắc ổng sợ bàn tay đá nghiền nát ổng. Bà coi, tui lấy nồi nấu cơm cho con ổng ăn mà mặt ổng như đưa đám”.

Miệng lại cười, Thao đang thèm bữa cơm do Miệng nấu. Những ngày Miệng còn ở nhà, bữa cơm chỉ có mấy con cá sặc kho quẹt, mấy đọt rau chay hái ở mé ao sau nhà, nêm chút muối chút bột ngọt, vợ chồng ngồi xì xụp húp mà ước có thêm miếng thịt có chút nạc cho hai đứa nhỏ. Hai vợ chồng cắm cúi nghĩ, cắm cúi ăn không ai dám nhìn ai, tới nhìn nhau được thì không biết nói gì với nhau trừ mấy lời trách cứ: “Đã nói để tui đi Sài Gòn mà cứ cãi...”.

Miệng thấy rất nhiều người đi Sài Gòn làm thuê cũng chỉ còn đủ tiền về xe. Mà Thao không phải như người ta. Hôm Miệng sinh cu Hiền phải mổ bắt con, Thao theo xe chuyển Miệng đi bệnh viện huyện, nhưng đi chưa được năm cây số đã ói lả người, mặt mày còn tái hơn Miệng đang ẹo người trong cơn sinh khó. Đi Sài Gòn chắc khỏi dám về. Miệng và Thao bàn cãi mãi, cuối cùng để Miệng lên xe đi một chuyến xa ngái dài những hai năm, ngoảnh nhìn lại bến còn thấy Thao ngồi trên xuồng dạo dầm, ánh mắt biết nói, biết bay dán vào kiếng xe miết miết.

Mỗi khi nhớ lại ánh mắt đó Miệng khóc thôi là khóc, mà khóc phải thật nhanh. Bà chủ cấm: “Đừng để tao thấy nước mắt, xúi quẩy lắm. Nhà tao đang làm ăn phát đạt, mày khóc hoài là tán gia bại sản”. Người Hoa vốn kiêng cữ nhiều thứ. Miệng tập thói quen vừa lau nước mắt xong là mọi thứ phải ráo hoảnh, cả nụ cười cũng phải tươi rói.

- Miệng, mày đâu rồi? Lại đi tìm chỗ khóc à? Tao nói rồi, đừng để tao thấy nước mắt, xui xẻo lắm!

- Dạ.

- Mày xem, tấm ra giường sao hôi hám quá.

- Dạ, con giặt liền.

Miệng trải tấm ra mới lên giường, bụng cười, cô quên không giải thích mới thay ra hồi sáng. Mà giải thích làm gì. Người ta bỏ tiền ra mướn mình nhiều tiền lắm; có thể giúp Miệng trả nợ, nuôi cả gia đình thì chỉ vì mấy công việc cỏn con này thấm thía gì (hồi ở nhà Miệng còn làm nhiều việc cực hơn, nặng hơn nhiều mà), người ta có sai Miệng nhiều hơn một tí cũng được, nhưng tốt hơn đừng mắng mỏ, bị mắng dễ nhớ nhà, khóc liền.

Miệng cũng đâu thích rỗi, ngưng tay là Miệng thấy thời gian trôi chậm, ngày về xa quá, những lá thư nhà lâu gởi sang. Cô trông chờ từng dòng thư, có thư nhà lòng cô thấy ấm hơn, y như quê mình hiện ra trong trang giấy nhỏ. Ôi xứ Đá Bạc.

Miệng hay để trên bàn nấu ăn của nhà bếp một quyển sổ nhỏ, trên đó có một cái bản đồ. Nhỏ xíu bên bờ vịnh Thái Lan là một cái chấm, được Miệng ghi chú bằng mấy chữ Cà Mau, hòn Đá Bạc. Cô biết hòn Đá Bạc chưa đủ lớn để có thể hiện lên bản đồ dù chỉ là một cái chấm, nhưng nỗi nhớ quê cho phép Miệng thiên vị một chút, để ngày ngày như nhìn thấy Đá Bạc đang ở trước mắt, sờ tay ra là đụng, ở đó có Thao, có hai con.

Vậy mà lâu rồi Thao không gửi thư cho Miệng. Chỉ có Miệng điện về thăm nhà. Thao nói các con khỏe, đứa nào cũng mập mạp. Miệng nói chuyện với bé Loan, con bé nói: “Con ăn mỗi bữa ba chén cơm, thằng Hiền ăn một chén đầy, cô Ty nấu đồ ăn ngon lắm!”. Sao? Miệng định hỏi thêm thì nghe tiếng của Thao: “Hôm anh đi bỏ rau ở ngã tư, Ty qua nhà nấu cơm giùm, lâu lâu cũng đem qua cho mấy nhỏ tô canh”. Miệng còn định hỏi bé Loan thêm nhiều điều nữa nhưng thôi, nói chuyện với Thao cũng tốt. Thao an ủi Miệng rất nhiều: “Em ráng giữ gìn sức khỏe, chừng nào về điện cho anh hay”. Miệng cười nhớ lại cái dáng Thao hôm ngồi xe đò đi bệnh viện, vậy mà đòi ra sân bay đón.

Miệng đẩy tấm ra vào máy giặt, đóng cửa máy, nhấn nút...

- Miệng đâu rồi, đi chợ mua cho bà... Mau!

Miệng bước ra cổng nhà nhìn một lượt đường phố, thầm so sánh. Nơi này cái gì cũng đẹp, cái gì người ta cũng làm thật vững vàng, mọi thứ ngăn nắp, tăm tắp. Không biết bao giờ ở vùng quê của Miệng mới đẹp được như vầy: những con đường quang đãng, thênh thang, đẹp như mơ.

Thế mà trong giấc mơ của Miệng lại là con đường chưa thể thành đường, muốn đi muốn về bơi xuồng hụt hơi qua mấy dòng kênh. Những dòng kênh uốn lượn, nối tiếp nhau, ăn thông nhau, đều đổ ra biển. Con gái Miệng đi học phải thức từ năm giờ sáng, bơi xuồng vòng vèo qua mấy khúc cua uốn lượn của kênh Ông Lão, vòng qua ngã tư Đá Bạc.

Miệng lại nhớ cái vẻ hoang sơ ở ngã tư Đá Bạc. Mùa này nơi đó mưa nhiều lắm, mưa nặng hạt từ sáng đến tối rồi đến cả sáng hôm sau, tối mũi tối mặt, không thể bước được chân ra đường, mà bước ra đường thì sa vào bùn sình, lầy lội. Ngồi nhà, sáng cơm nóng mắm chưng, trưa buồn miệng có thể dở cơm nguội ăn với mắm sống, chiều rau ngổ luộc chấm mắm kho. Hồi đó ăn hoài phát ớn.

Vậy mà bây giờ nghĩ tới mùi mắm lại xộc vào mũi, thơm đến nhểu nước miếng. Dân Cà Mau ai cũng thích ăn mắm sống. Hôm Miệng đi chợ gặp một cô gái có chồng qua bên này lâu chưa được về nhà nói thèm ăn canh chua cơm mẻ. Miệng nghe nói là nghĩ tới mùi lá quế, mùi ngò gai, mùi tần dày lá... Nhớ phát khóc! Hơn một năm nữa Miệng mới được về...

* * *

Bà thủ thỉ hết bao nhiêu chuyện, Miệng ngồi nghe lâu lâu “dạ” (cười), nói: “Hồi đó bà cũng cực khổ quá bà hé?”. Chợt bà hỏi như sực tỉnh:

- Mày qua đây gần một năm rồi hả Miệng? Mau quá. Mày về rồi tao biết tìm đâu một đứa như mày.

- Con cũng muốn ở với bà nhưng nhớ mấy con, nhớ quê quá bà ơi.

- Ừ, chưa có gì khổ bằng nhớ chồng nhớ con. Quê mày gọi là gì? Lâu quá tao quên.

- Dạ, Đá Bạc.

- Đá Bạc ở hướng nào?

Miệng mở bản đồ ra, cho tay vòng từ eo biển Đài Loan, qua biển Đông, rồi vào vịnh Thái Lan.

- Đá Bạc đó, xa lắm!

- Nơi đó có gì?

- Dạ, một làng quê ven biển. Những dòng kênh soi bóng rặng dừa. Một cửa biển nho nhỏ đủ cho tàu thuyền ngư dân trốn sóng - Miệng chợt nói nhiều, mắt rừng rực tự hào.

- Chỉ toàn đá thôi sao?

- Dạ, không! Có cả những vườn chuối hoang, những bóng xoài rừng mọc chen qua đá, bám trên đá, phủ xanh Đá Bạc.

Miệng lại nói về những cây xoài rừng do Miệng phát hiện; cô nói nó giống cây xoài, Thao nói mình cứ đặt nó tên xoài rừng, rễ nó phủ chằng chịt mấy phiến đá, có cảm giác nó không sống từ nước của đất mà sống bằng nhựa của đá, xòe tán tròn mướt rượt quanh năm.

Bà chủ dường như không thể hình dung được cái vùng quê làm Miệng thương nhớ ấy. Bà cũng thường hay nhớ về quê của mình hồi thời còn nghèo khổ. Ừ, những mảng rễ xoài rừng bám vào đá, hút nhựa đá mà xòe tán rộng. Bà có cảm giác Miệng cũng là một cây xoài rừng trên đá, trôi dạt về đây hút nhựa đá xứ người, làm đá vốn cứng lạnh vô tình cũng phải nóng mềm ra.

- Mày đúng là một cây xoài rừng bám trên đá Miệng à, giống như bà hồi đó cực lắm - bà gật gù với phát hiện mới của mình, nhìn ánh mắt đìu hiu của Miệng, cười. Lâu lắm mới thấy bà cười, nụ cười có hậu lắm.

- Đừng buồn, hồi đó bà cũng bỏ quê lên thành thị làm thuê nuôi mấy con ăn học, nhớ quê nhớ nhà, nhọc nhằn lắm nhưng các con đều thành tài - bà trầm ngâm một lúc rồi nhìn Miệng - Mày về thăm quê đi, tao cho một vé về.

* * *

Miệng cầm bông tắm chà kỹ từng kẽ ngón tay bà. Những ngón tay trắng mềm bắt đầu nhão ra. Bà nói già rồi phải vậy, hồi còn trẻ nó rắn rỏi lắm, có thể làm tất cả mọi việc mới nuôi nổi các con, mới có cơ sở mà phát đạt vầy. Những ngón tay đá ở hòn cũng cứng cỏi vậy mà cũng gãy rồi, phải chăng nó đã già? Lần đầu tiên Miệng biết về nó cách đây hai mươi lăm năm nhưng lần đầu tiên tận tay sờ nó khi nó đã mất một ngón, đã gãy, chìm xuống biển...

- Mày sao vậy Miệng? Làm bà đau! Mày chịu ở lại bà mừng nhưng mà mày suy nghĩ kỹ chưa? Không còn nhớ chồng nhớ con nữa sao?

- Dạ còn nhớ... nhưng con muốn tranh thủ còn trẻ làm thật nhiều tiền để lo cho tụi nhỏ - Miệng nói tỉnh khô như chuyến đi vừa rồi cô đã gom hết nhớ nhung gói lại, ném bừa bãi đâu đó bên hòn, đi gấp quá không tìm được nên cũng chẳng thể mang theo.

Miệng đã ngồi miết mấy ngày bên bờ hòn Đá Bạc. Ở đó gió không nhiều, hơi nóng, hơi khô nhưng biển cứ hung hăng ném vào bờ đá những ngọn sóng bạc đầu, tràn bọt trắng trên đá. Biển quanh hòn sôi sục ồn ào nhưng chẳng ăn nhằm với những gì đang diễn ra trong lòng Miệng. Trong ấy là một trận bão với những ngọn gió cuộn bạo tàn, giật liên hồi, cuốn trôi, xô dạt tất cả mọi kỳ vọng lung linh theo Miệng trên suốt chặng đường về.

Miệng đau đến sắp thét lên được. Vậy mà Miệng không nói gì! Vì cái gì mà Miệng không gào thét? Miệng muốn giữ lại những kỷ niệm đẹp một thời, một hình ảnh người mẹ hiền trong mắt các con. Dẫu kỷ niệm giờ đây như một nét vẽ buồn, chìm mà Thao và Ty đã vẽ đè lên đó một bức tranh khác.

Bức tranh đó là chính ngôi nhà của Miệng nhưng hình ảnh người mẹ chải tóc cho con gái, buộc lại sợi dây diều cho con trai, ngoảnh lại nở một nụ cười tình tứ với chồng rồi âu yếm bá vai nhau đi vào buồng... không phải là Miệng. Miệng tay xách vali đứng bên hiên nhà còn chếnh choáng bởi hơi máy bay và hơi xe, nhìn bức tranh ấy như một khán giả bất đắc dĩ và bất lực. Ty đủ bản lĩnh làm điều đó.

Trong giọng nói của người phụ nữ khát hạnh phúc đang được mân mê hạnh phúc vừa vô tình giật được từ tay Miệng có chứa chút gì đó kiêu hãnh, dẫu giọng van nài: “Tôi có lỗi với Miệng. Tôi sẽ trả lại hạnh phúc cho Miệng. Nhưng tôi thương Thao và các con thiệt tình, lâu rồi”. Vậy ra Miệng thương giả?

Miệng không muốn hai con thấy tình cảnh của mình lặng lẽ ra hòn ngồi bên bàn tay son sắt, nghe tiếng sóng gầm gió hú. Biển giận ai mà gào thét ngày đêm không than mệt, biển giận ta chăng hay biển giận đời? Hay biển giận bàn tay đá? Bàn tay đá đã bị xô ngã một ngón tay. Ngón nào vậy? Miệng không biết. Cô chỉ biết nó đã gãy, chìm xuống biển một phần của lời thề dù cô không tin lời thề.

Miệng lần từng bước xuống các ghè đá dưới chân hòn, nhìn thấy có vẻ rất thận trọng nhưng hai tay cô dang ra từ chối mọi nơi có thể bám víu. Cô đến được bên bàn tay đá, lần đầu tiên chạm được tay vào nó thấy nó cứng lạnh, không nồng ấm như cô từng nghĩ. Cô chạm tay vào vết thương của nó, thoáng bàng hoàng như chạm tay vào vết thương mình, thảng thốt như nghe cả tiếng than rất não nuột vọng trong tiếng sóng.

Tiếng than của ai, của hòn hay của biển nhưng chắc không phải của Miệng. Miệng còn chưa phát ra một tiếng thở dài. Thao cũng không nói gì, có tuyệt vọng trong ánh mắt, có tiếc nuối trong nụ cười (khi hai con nói mẹ về sao ba không cười) nhưng tuyệt nhiên không than thở: “Khi đã không kềm được mình, anh biết không hi vọng gì em tha thứ cho anh”.

Miệng thét vào mặt biển: “Anh im đi! Anh khốn nạn lắm. Tôi không bao giờ tha thứ cho anh, không bao giờ!”. Miệng gào lên cùng sóng, đấm tay vào bàn tay đá như muốn xô nó đổ sụp hẳn đi. Cô còn hét lên nhiều câu gì nữa nhưng giọng đã lạc mất rồi, đã tan trong gió. Sóng vẫn cứ sôi sục, ồn ào. Miệng gục đầu xuống thều thào trong tiếng nấc nghẹn: “Không tha được, làm sao tha được! Anh biết mà!”. Nước mắt Miệng chảy ra, thấm vào đá, vào biển. Sóng lại trào lên cuốn nước mắt của cô đi.

- Má ơi!

Miệng nghe trong sóng có tiếng bé Loan gọi rất gần. Cô nhìn lên triền hòn tìm kiếm. Chỉ có gió lùa vung vẩy trên mấy tán xoài rừng. Cô mở to đôi mắt ướt nhòe nhìn như gặp người quen. Phải mà, quen lắm. Chúng tồn tại trên hòn từ hồi cô bằng bé Loan, bám rễ vào đá, không hút nước từ đất mà hút nhựa của đá để xòe tán rộng. Trong bóng râm của chúng, cô mơ hồ thấy hai con đang đứng chơ vơ gọi mẹ như những bóng xoài non.

Gió cứ lùa trên đầu và dưới chân toàn đá bạc. Những bóng xoài non rồi cũng phải trôi dạt xứ người, hút nhựa đá để sinh tồn. Miệng lắc đầu, lấy tay quẹt nước mắt, vuốt lại mấy sợi tóc mai đang lòa xòa trước trán rồi nhẹ bước trở về nhà. Phía sau lưng, biển cuốn những lọn sóng bạc đầu réo ầm ĩ quanh hòn. Mặc kệ chúng và mặc kệ lời thề đã rã rời chìm vào biển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận