Lời xin lỗi duyên dáng

KIM DUY 08/01/2016 03:01 GMT+7

TTCT- Bây giờ tìm được một người ngả mũ chào khi có đám ma ngang qua hay đứng lại nghiêm, ngả mũ khi thấy một cơ quan đang chào cờ... quả là hiếm, nếu không nói gần như bị tuyệt chủng.

Minh họa: Sa Lem
Minh họa: Sa Lem


Theo ý tôi, góp phần chính ứng xử trong cộng đồng là giáo dục.

Thử nhìn lại từ trong gia đình:

- Nếu cha mẹ chiều chuộng, chấp nhận các yêu sách của trẻ, cho trẻ bất cứ cái gì nó muốn ngay khi còn là một đứa bé nằm nôi. Được nuôi dạy như thế, đứa bé sẽ lớn lên với ý nghĩ là cả xã hội phải phục vụ cuộc sống của nó.

- Khi trẻ mở miệng nói những từ ngữ bụi đời, chửi thề..., cha mẹ mỉm cười hoặc tán thưởng, đôi khi còn bày cho trẻ nói thêm và lấy đó làm vui, khiến trẻ nghĩ lầm rằng nó dễ thương và sẽ tìm thêm những từ “dễ thương” khác nữa.

- Nếu người mẹ luôn dọn dẹp quần áo, giày vớ, sách vở con trẻ bày bừa lộn xộn khắp nhà, khi lớn lên nó trút mọi trách nhiệm lên đầu người khác.

- Cha mẹ thường xuyên gây gổ, cãi nhau trước mặt con cái. Cứ thế khi lớn lên, nó chẳng thấy xúc động chút nào, và cũng không tiếc nuối khi gia đình đổ vỡ...

Và vai trò của nhà trường:

Những bài học về giáo dục công dân có đầy trong sách vở, thế nhưng học sinh đã tiếp thu thế nào khi những bài giảng của giáo viên không đủ lôi cuốn? Mục tiêu học tập của học sinh là gì nếu không phải là vào được đại học, dẫn đến những môn tự nhiên được coi trọng trong khi các môn xã hội không được chú ý lắm, gây uể oải ở cả hai phía giáo viên và học sinh. Từ đó dẫn đến việc học sinh mất căn bản về ứng xử cộng đồng.

Bây giờ tìm được một người ngả mũ chào khi có đám ma ngang qua hay đứng lại nghiêm, ngả mũ khi thấy một cơ quan đang chào cờ... quả là hiếm, nếu không nói gần như bị tuyệt chủng.

Tất nhiên, ở thời đại mà giới trẻ được tiếp thu nhiều thứ từ văn minh phương Tây, chúng ta không thể áp đặt cách dạy con cứng nhắc theo kiểu của người xưa, mà phải biết dung hòa sao cho những ứng xử phải được tự nhiên, xuất phát từ sự trân trọng thật sự và quan trọng là sự duyên dáng, gây thiện cảm với người khác.

Trong cuốn Phép xã giao ngày nay của tác giả Paul Guth và Michelle Maurois có nói về việc xin lỗi (excuse): “Phải biết xin lỗi khi mình lầm lỡ nhưng đừng quá khúm núm, cũng đừng trâng tráo mà phải duyên dáng”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận