TTCT - Ngày 8-10, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã xướng danh nhà văn đoạt giải Nobel văn học 2015. Lần đầu tiên trong lịch sử, một công dân Belarus, bà Svetlana Aleksievich, nhận giải thưởng này. TTCT mời bạn đọc bài viết của CTV Tuổi Trẻ từ Belarus, Gleb Shutov, về sáng tác của người đồng hương của anh. Bà Svetlana Aleksievich ký tặng sách trong ngày 8-10, sau khi có tin đoạt Nobel văn chương 2015 -news.tut.by Khi còn ở Việt Nam, tôi thường tới nhà bạn bè và thấy ở nhà họ hình Quán Thế Âm Bồ Tát. Một trong những bản dịch tên của Đức Phật này từ tiếng Phạn nói đó là vị Phật lắng nghe tiếng nói của khắp chúng sinh và đồng cảm với nỗi đau của chúng sinh. Svetlana Aleksievich: Lắng nghe nỗi đau thế giới Nữ nhà văn Belarus Svetlana Aleksievich vừa đoạt Nobel văn học hôm nay, trong một trả lời phỏng vấn đã nói về mình như sau: “Thể loại của tôi là thế này - nếu (Gustave) Flaubert nói: Tôi là con người - ngòi bút, thì tôi là con người - tai nghe”. Không là Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng Aleksievich cũng phải lắng nghe những tiếng thống khổ kinh hoàng nhất mà nhân dân chúng tôi trải qua trong suốt thế kỷ 20. Và sau đó, qua những gì bà nghe thấy, những quyển sách ra đời. Sách của Aleksievich không phải là tác phẩm nghệ thuật, ở đó không có chỗ cho hư cấu và những chủ đề do tác giả nghĩ ra. Đó là biên bản, là ghi chép lại bằng chứng của những con người phải trải qua những gì đáng sợ nhất có thể xảy ra cho đời người. Vì vậy sách của bà rất nặng nề, đọc rất sợ, nhưng cần phải đọc. Aleksievich đã được nhận giải thưởng, như chính bà nói, cho năm quyển sách về số phận “con người đỏ”. Năm quyển sách đó là: Chiến tranh không mang gương mặt đàn bà (tựa nguyên bản: У войны не женское лицо). Quyển sách về những số phận phụ nữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tôi nhớ trong quyển sách này câu chuyện của một cô gái xạ thủ, người lúc đầu không thể giết kẻ thù, sau đã thấy thi hài của những người lính hồng quân bị thiêu sống và từ đó bắt đầu bắn giết kẻ thù không dao động. 21 tuổi, tóc cô đã bạc. Lời nguyện cầu Chernobyl (Чернобыльская молитва) ghi chép những cuộc trò chuyện của các nhân chứng thảm họa hạt nhân Chernobyl. Nhà máy điện hạt nhân này nằm trên lãnh thổ Ukraine hiện nay, nhưng đa số chất phóng xạ nguyên tử lại rò rỉ trên đất Belarus. Thảm họa xảy ra khi Liên Xô bắt đầu cải tổ, nhưng người ta im lặng khá lâu về nó vì chính quyền sợ nói ra sự thật. Tai nạn xảy ra ngày 26-4-1986, sau đó, ngày 1-5, nhiều người không biết tới nguy hiểm đã tham gia diễu hành ngày lễ ngay giữa trời. Những cuộc diễu hành dưới mưa phóng xạ... Đến nay, tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục lấy đi mạng sống và sức khỏe của trẻ em sinh ra sau thảm họa này. Khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM, thấy ở đó hình ảnh những nạn nhân chất độc da cam, ngay lập tức tôi liên tưởng tới bi kịch Chernobyl. Và đây, chuyện kể của một phụ nữ mà chồng cô là “người thanh toán”, tức người dập tắt đám cháy tại nhà máy điện Chernobyl: “Anh ấy tiếp tục thay đổi - mỗi ngày tôi lại gặp một con người khác... Những vết bỏng dần lộ ra ngoài... Trong miệng, trên lưỡi, trên má - đầu tiên xuất hiện những đốm loét nhỏ, sau chúng lớn dần. Chất nhầy bong thành từng lớp, màng trắng. Màu mặt... Nó thay màu... Màu xanh... Màu đỏ... Rồi đỏ bạc... Mà gương mặt ấy từng là tất cả của tôi, yêu thương của tôi! Không thể nào kể lại điều đó! Không thể nào viết ra điều đó! Thậm chí cả sống qua... Điều cứu rỗi duy nhất là tất cả diễn ra thoáng chốc, không có lúc nào để suy nghĩ, không có lúc nào để khóc... Tôi yêu anh ấy! Tôi còn chưa biết là tôi yêu anh đến thế! Chúng tôi chỉ vừa mới cưới... Còn chưa kịp mang niềm vui cho nhau. Chúng tôi đi trên phố. Anh chụp lấy tay tôi và chúng tôi xoay vòng. Và anh hôn, anh hôn. Mọi người đi ngang qua và tất cả đều mỉm cười. Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm phóng xạ nặng - 14 ngày... Sau 14 ngày người ta chết”... Những nhân chứng cuối cùng (Последние свидетели) kể về những đứa trẻ trải qua chiến tranh. Đề tài này cũng chạm đến gia đình tôi. Bà của tôi mới 10 tuổi khi xảy ra chiến tranh, đã là nữ du kích. Và đây, một đoạn trong quyển sách. Vladimir Vladimirovich, người vào lúc đó mới 12 tuổi, hồi tưởng: “Họ bắn thẳng vào chúng tôi... Mọi người ngã gục lên đất... Lên cát, lên cỏ... “Nhắm mắt lại con trai, đừng nhìn...”, cha tôi khẩn nài. Tôi đã sợ nhìn cả lên trời - ở đó tối đen vì máy bay, còn trên mặt đất khắp nơi la liệt tử thi. Một máy bay bay tới gần. Cha tôi cũng ngã gục và không dậy nữa. Tôi ngồi cạnh ông: Ba ơi, mở mắt ra đi... Ba ơi, mở mắt ra đi”. Những cậu bé kẽm (Цинковые мальчики). Quyển sách này tập hợp hồi tưởng của những người tham chiến ở Afghanistan. Ở Liên Xô người ta gọi họ là những người “afghan”. Cha của tôi là đại úy quân đội Liên Xô, lẽ ra đã được điều động đi Afghanistan nhưng ngay lúc đó tôi ra đời và vì vậy ông không bị biệt phái - khi đó những ai có con thì không bị đưa đi. Còn một trong những thầy giáo của tôi trong lớp võ vovinam Việt Võ Đạo, Yuri Sadovoi, đã bị biệt phái. Thi thể những binh lính, đôi khi người ta còn gọi là “hàng vận chuyển 200”, đã được đưa về nước trong những quan tài kẽm. Và đây, một đoạn rất ấn tượng trong quyển sách này: “...Tại trạm xe buýt, trong một phòng đợi hơi vắng có một sĩ quan ngồi với một chiếc vali đắt tiền, cạnh ông là một cậu bé gầy gò, tóc cắt theo kiểu lính, đang đào một cái hố bằng cây sanh khô. Những phụ nữ quê mùa mộc mạc đi tới hỏi: Ai, đi đâu, làm gì? Viên sĩ quan đang hộ tống người lính về nhà, một người điên: “Đào từ Kabul, cứ thứ gì rơi vào tay thì đào bằng thứ ấy: xẻng, nĩa, gậy, bút máy”. Cậu bé ngẩng đầu: Phải trốn... Tôi đào được cái rãnh... Tôi đào được nhanh... Chúng tôi gọi đây là ngôi mộ tập thể... Tôi đào một rãnh lớn cho tất cả các người...”. Thời second hand (Время секонд-хэнд): kể về thời chuyển đổi sau khi Liên Xô tan rã. Khi trong nước xuất hiện người tị nạn, các doanh nhân bị giết trước cửa nhà. Đặc biệt sống động một tình huống trong sách, khi một nữ giáo viên sử, có ba con, đến nhà máy bánh mì để ngửi mùi bánh do không đủ tiền mua bánh. Đây, một trích đoạn trong sách: “Càng nói và viết “Tự do! Tự do!” càng nhiều, thì từ các cửa hàng biến mất càng nhanh không chỉ phó mát và mỡ, mà cả muối, cả đường. Những cửa hàng trống rỗng. Thật đáng sợ. Mọi thứ theo tem phiếu, như thời chiến. Chúng tôi được bà mình cứu, bởi cả ngày bà chạy khắp thành phố và mua các tem phiếu này. Cả bancông đầy bột giặt, trong phòng ngủ là các bao đường và ngũ cốc. Khi người ta phát phiếu mua vớ, ba tôi đã khóc: “Đó là kết thúc Liên Xô”... Trong sách của Aleksievich, mỗi người đọc Belarus như tôi đều tìm thấy gì đó giống những gì họ hay chính họ hàng của họ phải trải qua. Vì thế bà thật sự là nhà văn của nhân dân. Nhờ Svetlana Aleksievich, nỗi đau và niềm thống khổ của nhân dân Belarus được khắp thế giới biết tới. Là con của người cha Belarus và mẹ là người Ukraine, Svetlana Aleksievich sinh ra ở Ukraine, lớn lên ở Belarus. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà làm phóng viên cho nhiều tờ báo địa phương đến khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Belarus (1972) và là nhà báo cho tạp chí văn học Neman ở Minsk. Giải thưởng và chính trị Bà tiếp tục sự nghiệp như một nhà báo và viết nhiều bài phỏng vấn các nhân chứng của những sự kiện bi thảm nhất của đất nước, như Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Xô viết - Afghanistan, sự sụp đổ của Liên Xô và thảm họa Chernobyl. Là người chỉ trích Tổng thống Lukashenko, năm 2001 Aleksievich đã rời Belarus. Trong một thời gian dài bà sống và làm việc ở Paris, Gothenburg và Berlin, đến năm 2013 bà trở về Minsk. Mặc dù các tác phẩm của bà đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng, nhưng sách của bà, viết bằng tiếng Nga, không được các nhà xuất bản quốc gia Belarus in sau năm 1993, trong khi các nhà xuất bản tư nhân chỉ in hai quyển Lời nguyện cầu Chernobyl (1999) và Thời second-hand (2013) sau khi dịch ra tiếng Belarus. Quyết định trao giải cho Svetlana Aleksievich trùng với giai đoạn cuối của cuộc chạy đua tranh cử ở Belarus. Chủ nhật 11-10 diễn ra bầu cử tổng thống. Do bà Aleksievich công khai phê phán chính quyền hiện nay và chính sách của Tổng thống Aleksander Lukashenko, một số người đã vội gọi quyết định trao giải là một bước đi chính trị và bằng cách này tác động vào tiến trình bầu cử. Có một lý do nhất định để chính Svetlana cũng xem giải thưởng như một hành động chính trị, khi bà phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau khi có kết quả Nobel văn chương: “...Mẹ tôi là người Ukraine. Tôi rất yêu Ukraine. Khi tôi ở Maidan, tôi thấy một tấm ảnh của 100 người chết đầu tiên, tôi đã đứng khóc. Tôi không thích 84% người Nga này, những người kêu gọi giết người Ukraine (ở đây nói về 84% người Nga theo các cuộc thăm dò ủng hộ chính sách của ông Putin - G.S.). - Thế giới Nga nào mà bà yêu thích, và thế giới nào thì không? - Đến giờ tôi cũng không hiểu họ nghĩ gì. Tôi yêu thế giới Nga - tốt lành, nhân văn, thế giới mà trước nó, toàn nhân loại nghiêng mình, trước văn học, balê, âm nhạc vĩ đại. Nhưng tôi không thích thế giới của Beria, Stalin, Putin, Shoigu - đó không phải là thế giới của tôi”(*). Tuy nhiên, theo tôi, không nên tìm kiếm trong việc trao thưởng Nobel nội dung chính trị. Theo truyền thuyết, Quán Thế Âm Bồ Tát khi quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh, đầu đã vỡ ra thành hàng nghìn mảnh. Thế thì người phụ nữ chứng nhân của bao thống khổ, người phải cùng kẻ đối thoại sống lại lần nữa những trang đời kinh khủng nhất của họ, sẽ trở thành thế nào? Dĩ nhiên người trải qua những điều như thế sẽ nói lời gay gắt và quyết liệt hơn những ai sống cả đời trong tiện nghi và yên bình. Đa số người Belarus tiếp nhận tin giải Nobel văn học 2015 với niềm vui sướng mà không hề tìm kiếm trong đó một ẩn ý chính trị. Bộ Ngoại giao Belarus đã chúc mừng nữ nhà văn: “...Giải thưởng đầu tiên này, được trao cho một công dân đất nước độc lập của chúng ta, sẽ đi vào lịch sử hình thành dân tộc, xã hội và quốc gia Belarus... Đất nước chúng ta giàu có tài năng, và chúng tôi tin giải thưởng của Svetlana Aleksievich sẽ không là giải thưởng quốc tế cao quý cuối cùng cho những thành tích xuất sắc của người Belarus...”. Và tôi cũng muốn nói rằng sách của Aleksievich đang thời sự hơn bao giờ hết. Chiến tranh ở Ukraine, ở Syria, một lần nữa con người đang chết, những đứa trẻ một lần nữa phải trở thành chứng nhân chiến tranh, một lần nữa những người phụ nữ phải quên đi thiên chức làm mẹ của mình và đi chiến đấu, một lần nữa các bậc cha mẹ lại nhận về những đứa con trong những quan tài kẽm. Để bánh xe thống khổ không quay vòng mới, cần phải nhớ những trang kinh hoàng của quá khứ, cần phải đọc Aleksievich.■ (*): news.tut.by/culture/467758.html. Tags: Svetlana AleksievichNobel văn học 2015Chiến tranh không mang gương mặt đàn bàLời nguyện cầu ChernobylNhững nhân chứng cuối cùngNhững cậu bé kẽmThời second hand
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.