Lớp học “vẽ” thơm mùi cà phê

NGỌC ĐÔNG 11/02/2019 21:02 GMT+7

Nghề pha chế là một bước đệm để người trẻ dấn thân sâu hơn vào nghề cà phê

7 giờ tối, căn hộ nhỏ trên lầu 1 ở một chung cư ngay giữa trung tâm Sài Gòn thơm nức mùi cà phê. Ở đó, một nhóm người trẻ đang chăm chú “vẽ hình” trên những tách cà phê latte art dưới sự hướng dẫn của barista Võ Pháp. “Cẩn thận, đừng có giật cái tay...” - tiếng anh Pháp vui vẻ hướng dẫn học viên xen lẫn tiếng “càm ràm” của ai đó: “Sao đổ hoài không được?!”.

 

Ban ngày bán cà phê, buổi tối là lớp học pha chế, quán Saigon Coffee Roastery của anh Pháp đã trở thành một địa chỉ quen thuộc không chỉ của những người yêu thích cà phê, mà còn của những người muốn vừa yêu cà phê vừa kiếm một nghề cho bản thân trong cơn sốt bùng nổ của các quán cà phê pha máy.

Nghề barista thời thịnh vượng

Trong không gian sực nức mùi cà phê, tiếng máy ép cà phê espresso è è, tiếng sục bọt sữa vang lên ùng ục, từng học viên lần lượt thực hiện các thao tác xay cà phê, cho vào máy chiết xuất espresso, đánh sữa rồi tạo hình latte art (cà phê latte tạo hình nghệ thuật). Người khá thành thục, người còn lóng ngóng bởi xuất phát điểm của họ không giống nhau. Có người từng làm pha chế, có người chỉ vì thích uống cà phê mà đi học.

Chị Nguyễn Trang, 28 tuổi, cho biết mình vừa nghỉ việc công ty và dự định học sâu về cà phê trước khi mở quán chuyên về cà phê chất lượng cao. Chị Trang từng theo học các lớp barista, latte art và rang cà phê của anh Pháp cách đây một năm. Trong khi đó, dù đã là nhân viên pha chế đồ uống, bạn Bùi Minh Nhật, 23 tuổi, hằng ngày vẫn đi từ Biên Hòa lên Sài Gòn học lớp barista và latte art cấp tốc của anh Pháp để biết thêm về cà phê. Còn chị Ngân Hà, 31 tuổi, từ Đồng Nai lên Sài Gòn ở hẳn hai tháng để theo học chỉ vì quá mê cà phê.

??
(Ảnh; Quang Định)


“Tôi biết về nghề barista nhưng chưa có cơ hội để tiếp xúc. Tôi rất thích uống cà phê, gọi là nghiện luôn cũng được. Trước đây, tôi có tập pha chế theo các clip trên mạng nhưng thấy không hiệu quả, vì vậy nghĩ là mình nên đăng ký một khóa học. Tôi chưa dự tính gì to tát, chỉ muốn có thể về nhà tự pha cho mình với người nhà uống, nhưng nếu như có cơ hội, tôi nghĩ mình sẽ theo nghề này” - chị Hà nói.

Theo anh Võ Pháp, học viên các lớp về cà phê của anh đa số ở độ tuổi trên dưới 25. Lúc trước hầu hết học viên đều chưa biết gì về cà phê, những năm về sau có thêm nhiều người đã đi làm và muốn học thêm để trau dồi. Ngoài ra, lớp học của anh Pháp cũng có nhiều bạn trẻ đến học để có thể xin việc làm thêm khi đi du học.

Anh Pháp chia sẻ niềm hạnh phúc lớn nhất của anh khi đứng lớp là gặp được học viên thật sự mê nghề. Theo anh, những bạn trẻ muốn theo nghề barista đầu tiên phải xác định được mục tiêu của mình vì nghề này đòi hỏi sự theo đuổi đến cùng, ngoài ra còn phải trang bị và cập nhật kiến thức về cà phê liên tục.

“Nghề pha chế là một bước đệm để người trẻ dấn thân sâu hơn vào nghề cà phê. Khi bạn đã bước qua vị trí barista hoặc đứng quầy thì khi lên vị trí cao hơn, những kinh nghiệm đó sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều. Bạn sẽ có thể quan sát một người làm và biết họ làm đúng hay không, làm tốt hay không. Đó như là một nền móng không thể bỏ qua để làm ngành cà phê này” - anh Pháp khẳng định. Cũng theo anh, hiện nay là giai đoạn thịnh hành nhất của nghề barista ở Việt Nam.

Một ly cà phê chuẩn của ngày nay là phải ngon và đẹp. Ảnh: Quang Định
Một ly cà phê chuẩn của ngày nay là phải ngon và đẹp. Ảnh: Quang Định

“Người truyền lửa”

Đó là cách gọi của học viên dành cho anh Pháp. Với kinh nghiệm hơn 8 năm trong nghề, Võ Pháp, 34 tuổi, là một trong những cái tên nổi tiếng trong giới barista ở Sài Gòn, đặc biệt là trong bộ môn latte art. Quán cà phê Saigon Coffee Roastery của anh mở khoảng 3 năm nay đã được xếp hạng 6 trong số 484 địa điểm về cà phê và trà trên TripAdvisor, mới đây còn được TripAdvisor trao chứng chỉ Dịch vụ xuất sắc năm 2018.

Anh Pháp cho biết khách nước ngoài đến quán cà phê của mình chiếm đến 60-70%. Có người thậm chí vừa từ sân bay xuống đã xách luôn vali đến chỗ anh thưởng thức cà phê. Hầu hết khách đến quán đều để lại bình luận hài lòng về chất lượng cà phê tại đây. Sản phẩm cà phê phục vụ ở quán được anh trực tiếp chịu trách nhiệm rang và chỉ sử dụng trong một thời gian nhất định.

Năm 2011, Võ Pháp sáng lập Hội Barista Sài Gòn, hoạt động như một sân chơi dành cho những người yêu nghề pha chế. Đến nay, trang Facebook của sân chơi này đã có gần 13.000 người theo dõi. Ngoài đăng tải thông tin về các lớp học pha chế và rang xay cà phê, đây còn là nơi có nhiều thông tin tuyển dụng barista của các quán cà phê ở TP.HCM. Hằng năm, Hội Barista Sài Gòn còn phối hợp với các đơn vị tổ chức cuộc thi Latte Art Championship, là nơi để các bạn trẻ thể hiện đam mê và tài năng của mình.

Xuất thân là dân bartender nhưng lại không... uống được rượu, năm 2009 Võ Pháp bắt đầu rẽ hướng sang cà phê. Thời điểm đó, nghề barista ở Việt Nam chưa phát triển như bây giờ. Nhưng có lẽ do có “duyên” với cà phê mà anh kể mình học rất nhanh, dù có thời gian bỏ nghề nhưng sau đó cứ đi đâu có máy pha cà phê là lại thấy mê mẩn.

Anh cho biết bước ngoặt lớn nhất trong nghề nghiệp của mình là khi anh giành giải nhất cuộc thi pha chế cà phê năm 2010 do Lavazza, một công ty cà phê lâu đời của Ý, tổ chức. Từ đó, anh mạnh dạn nghỉ việc tại một khách sạn 5 sao ở Sài Gòn và chuyển hẳn sang làm đào tạo cho công ty cà phê nổi tiếng của Ý tại Việt Nam là Illy.■

Thu nhập không cao, nhưng mê!

Nguyễn Hoàng Vũ - 27 tuổi, một trong những học trò của anh Pháp cách đây 5 năm - giờ đã là trợ giảng cho các lớp học của anh. Vũ chia sẻ mình bị “mê” sau khi xem một video, trong đó anh Pháp biểu diễn latte art và quyết định tìm đến anh “tầm sư”. Năm 2017, Vũ đoạt giải quán quân cuộc thi Latte Artist Champion và mới đây còn đoạt giải 3 cuộc thi Latte Art Competition 2018 do Hiệp hội Professional Coffee Athletics tổ chức. Năm 2019, Vũ sẽ cùng những người đoạt giải cao nhất ở Việt Nam sang Thượng Hải tiếp tục thi tài với các barista đến từ nhiều nước khác. Vũ nhận định những năm gần đây, không chỉ số lượng học viên trẻ tăng lên mà còn có sự theo nghề nghiêm túc, dù thu nhập từ nghề này vẫn chưa thể gọi là cao.

“Nghề pha chế là một bước đệm để người trẻ dấn thân sâu hơn vào nghề cà phê” (Võ Pháp)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận