Lữ và những trang văn đem lại bình yên

NGUYỄN NGUYÊN THẢO 19/01/2010 19:01 GMT+7

TTCT - Trong một truyện ngắn, Lữ viết: “Tôi dịch một niềm vui sang một niềm vui. Một nụ cười sang một nụ cười. Do đó, người nào cũng thấy là tôi hiểu họ. Đã nói rồi mà, tôi dịch sang tiếng Việt gần. Đó là thứ tiếng Việt mang mọi người gần lại với nhau” (truyện Tiếng Việt gần, trong tập Chàng tóc đẹp).

Phóng to

1. Ba năm nay, trong giới viết văn bằng tiếng mẹ đẻ ở hải ngoại xuất hiện một cây bút mới cần mẫn, với lối văn nhẹ tênh, phóng túng ngẫu hứng và lạc quan hiếm thấy. Những tản văn, truyện ngắn đôi khi chỉ đủ lọt lòng bàn tay, có khi kéo dài dăm ba trang gõ máy nhưng nói chung là gọn gàng và tạo ra nhiều vân sóng của truyền cảm.

Lữ, tác giả của những trang văn đó, hỏi ra mới biết chỉ trong ngoài bốn mươi, từ 11 tuổi đã rời Việt Nam, thụ hưởng nền giáo dục của Hà Lan, được đào tạo chuyên ngành tin học, hiện đang làm trong lĩnh vực công tác xã hội tại đất nước hoa tulip.

Một người hội nhập hoàn toàn vào xã hội phương Tây, theo lối nghĩ thông thường, tưởng chẳng có lý do gì dùng đến tiếng Việt, dù là để viết văn. Nên việc dùng tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn và chú tâm tạo ra sự lung linh tự nhiên của chữ là điều đáng quý nhất của văn chương Lữ. Người đọc cảm động nhận ra phía sau những ngôn từ thiết tha và trong sáng đó là cả một nỗi niềm thiết tha trân quý của người viết với tiếng và văn hóa mẹ đẻ. Xa hơn là sự thiết tha trân quý với tình người, hạnh phúc của sẻ chia và thông đạt.

2. Năm 2008, hai cuốn sách của Lữ xuất hiện trong nước: Chàng tóc đẹp (tập truyện), Cái sân vuông và nơi thờ Phật (tản văn) do NXB Phương Đông in. Nhiều nhà sách đã đặt sách Lữ vào ngăn sách thiền.

Nhưng nếu tinh ý đọc kỹ thì lại thấy đây là những cuốn sách không hướng đến thiền. Nhiều chuyện rất “mộc” trong đời sống được đưa qua một bộ lọc ngôn ngữ vi tế và trong trẻo, một sự gạn đục khơi trong, khiến người đọc rung động và lạc quan tiếp tục bước đi trong hành trình sống đẹp.

Trong cuốn tản văn Tôi ươm ánh mặt trời của Lữ vừa được NXB Trẻ in vào hạ tuần tháng 12-2009, bạn đọc vẫn thấy anh tiếp tục hành trình chiêm nghiệm hạnh phúc. Anh chọn những hiện tượng thiên nhiên như ánh mặt trời, cỏ cây, trăng, những buổi sáng, mùa xuân ấm áp hay cánh đồng tuyết phương bắc xa xôi... để làm quà tặng những “em”, “bạn”, “anh”, “chị” và cả... những người đọc mà anh rất muốn gọi thiết tha bằng một tên chung - con người.

Tác giả muốn lôi tất thảy chúng ta bước ra khỏi thói nghĩ lâu ngày, tự xem mình là nạn nhân cuộc đời và xem cuộc đời là một cuộc hành trình đày ải để chứng nghiệm trong từng nhịp rung động của vũ trụ có hơi thở nhân sinh nhẹ bồng, thanh thản.

Một bạn đọc theo dõi Lữ từ những trang viết đầu tay nói rằng văn chương của Lữ cần cho người trẻ để tránh khỏi vô hướng và cần cho những người già để xoa dịu và lạc quan. Với nghĩa đây là một liều thuốc đề kháng hữu hiệu trước tình trạng bơ vơ của con người trong cuộc sống tốc độ hôm nay.

Phóng to

3. Trong email gần đây nhất gửi cho một bạn đọc ở quê nhà, Lữ, tên thật Lữ Thế Cường, viết về một ngày của mình: “Tôi thức dậy rất sớm. Hạnh phúc nhất là khi thức dậy, tôi có sẵn một nụ cười. Không có gì tuyệt vời bằng bắt đầu một ngày với hạnh phúc trong lòng. Tôi chưa bao giờ đi làm trong sự vội vã. Tôi luôn dành đủ thời giờ để làm một công việc nào đó. May mắn là mỗi tuần tôi chỉ đi làm có 32 tiếng.

Nếu đọc ba cuốn sách của tôi xuất bản ở Việt Nam, anh thấy là tôi chơi nhiều hơn làm. Tôi dành khá nhiều thời giờ để đi chơi, du lịch. Tôi thích đi chơi và đọc sách. Khi nào có hứng thú thì tôi viết. Tôi viết nhanh lắm. Chỉ cần hơn một tiếng đồng hồ là tôi viết xong một bài văn. Khi viết tôi không suy nghĩ. Tôi viết những gì tôi đã sống qua. Và thường tôi chỉ viết khi nào thấy mình có hạnh phúc. Tôi viết và sống rất hết mình. Chính cái sống đó mới là nền tảng thật sự của những gì tôi viết ra. Tôi quan niệm hễ sống đẹp thì sẽ viết hay.

Một ngày sống, làm việc của tôi ư? Không có ngày nào là giống ngày nào cả. Mỗi ngày với tôi là một cơ hội để khám phá những gì thật đẹp và thật mới của cuộc sống. Tôi dành khá nhiều thời giờ để đọc sách trong những giờ không đi làm. Tôi đọc nhiều những nhà văn Hà Lan. Những cuốn sách họ viết cho trẻ em hay không thể tưởng tượng được. Tôi học nơi những nhà văn này rất nhiều. Họ viết cho trẻ em Hà Lan bằng một tấm lòng, một giọng văn rất lành. Buổi chiều, sau khi đi làm về, tôi nấu ăn.

Tôi thích nấu ăn như những bà nội trợ. Tôi viết văn nhanh bao nhiêu thì nấu ăn chậm rãi bấy nhiêu. Nấu cho ngon, ăn cho hạnh phúc là bí quyết sống vui của tôi. Buổi tối, tôi đọc sách, viết văn, rồi đi ngủ sớm. Tôi ít xem truyền hình, lướt mạng. Cuối tuần tôi đi chơi, đến những thành phố đẹp của châu Âu để ngắm cảnh, ngắm người”.

Cuộc sống có khi được ví như những trang viết duy lý truy vấn khiến chúng ta căng óc, thì cũng cần - và hãy nhớ - đâu đó hãy còn những lời lẽ thầm thì nhỏ nhẹ, như Lữ, để tự cân bằng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận