Lựa chọn 2025 cho EU

TƯỜNG ANH 05/01/2025 11:17 GMT+7

TTCT - Thủ tướng Slovakia Robert Fico đầu tuần trước đã đến Matxcơva để đàm phán về việc cung cấp khí đốt, một bước đi còn mang ý nghĩa biểu tượng: Liên minh châu Âu (EU) sẽ ứng xử ra sao với cuộc chiến ở Ukraine sắp bước vào năm thứ tư.

Lựa chọn 2025 cho EU - Ảnh 1.

Ảnh: marshallcenter.org

Cuộc gặp giữa ông Fico và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22-12 ở Matxcơva là lần đầu tiên họ gặp nhau sau 8 năm. 

Hai nguyên thủ đã đàm phán riêng và thông tin không được tiết lộ cho báo chí, nhưng theo lời ông Fico, cuộc gặp là "phản ứng trước việc ông (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky không cho phép quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine để sang Slovakia từ 1-1-2025".

Châu Âu tìm nguồn năng lượng thay thế

Ngày 20-12, ông Fico tiết lộ tại cuộc gặp trước đó ở Brussels, ông Zelensky đã đề nghị chuyển cho ông 500 triệu euro từ tài sản bị phong tỏa của Nga để đổi lấy thỏa thuận cho Ukraine gia nhập NATO. 

Ông Fico đã gọi đề nghị này là "hoàn toàn phi thực tế". Nhà lãnh đạo Slovakia đã nhiều lần tuyên bố sẽ không bao giờ ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO chừng nào ông còn làm thủ tướng. 

Cũng theo lời ông Fico, Bratislava đang theo đuổi chính sách "độc lập đa phương", chứ không nhất nhất tuân theo các lệnh trừng phạt của Brussels.

Về vấn đề năng lượng, báo Ba Lan Forsal 27-11 viết: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đang gõ cửa châu Âu", mà một trong những nguyên nhân chính là cuộc xung đột Ukraine, khi cả hai bên leo thang tấn công để giành lợi thế chiến trường trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. 

Đối phó với căng thẳng gia tăng ở tiền tuyến, Mỹ áp lệnh trừng phạt với Gazprombank, tổ chức tài chính lớn cuối cùng được miễn lệnh trừng phạt và thanh toán dịch vụ cho khí đốt của Nga.

Các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích giảm thu nhập của Kremlin từ xuất khẩu năng lượng, nhưng làm tăng nguy cơ cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên vẫn đang chảy sang Tây và Trung Âu. 

Khí đốt được dự trữ ở châu Âu cho những tháng mùa đông lạnh nhất, do thời tiết lạnh giá tháng 11 năm nay, đang được tiêu thụ nhanh hơn so với các mùa đông trước đó.

Điều này kết hợp với việc sản lượng điện gió thấp hơn bình thường vào thời điểm này trong năm, dẫn đến mức tiêu thụ khí đốt tăng lên. 

Hợp đồng trung chuyển khí đốt vào Tây, Trung Âu qua đường ống dẫn khí của Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, nhưng Ukraine, rồi cả Nga, đều tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng.

Lựa chọn 2025 cho EU - Ảnh 2.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ảnh: Reuters

Kinh tế châu Âu: "Cơn bão trọn gói"?

Theo Viện chiến lược Nga (Russtat), năm 2008, sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ và EU có thể coi là ngang nhau. Nhưng hiện nay, kinh tế Mỹ đang dẫn trước 30%. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2005, thị trường chứng khoán châu Âu thì chỉ bằng 60%. 

Người Mỹ bỏ xa châu Âu cả về năng suất lao động và chi tiêu R&D. Politico 19-12 gọi hiện trạng này là EU biến thành "sa mạc về đổi mới", khi chi tiêu R&D của khối chưa bao giờ đạt được chỉ tiêu đề ra ở hội nghị Lisbon năm 2000 là 3%. Con số này hiện vẫn dừng ở mức 2%.

Cần nhắc rằng phần lớn chi tiêu khoa học và công nghệ ở châu Âu rơi vào công nghiệp ô tô của Đức. Mà nay ngành này đang gặp khủng hoảng do không cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Thị phần xe điện Trung Quốc ở châu Âu đang đạt gần 25%. 

Ngay cả thuế quan cũng không thể giúp gì, chưa kể người châu Âu đang nhanh chóng đánh mất chính thị trường Trung Quốc, nơi họ từng làm mưa làm gió. Gần 40% doanh nghiệp công nghiệp Đức đang xem xét khả năng đóng cửa nhà máy và di dời. 

VW, Ford và ThyssenKrupp đã cắt giảm nhân sự. Tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn do lỗ hổng nhân khẩu học với tỉ lệ sinh giảm, thậm chí không thể thay thế được bằng làn sóng di cư.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì mô hình nhà nước phúc lợi trở nên bất khả. Pháp là ví dụ nổi bật - với mức thâm hụt ngân sách là 6% GDP và phải chi 1/3 ngân sách riêng cho chi trả lương hưu. Trong khi bất kỳ sự cắt giảm nào với phúc lợi xã hội sẽ dẫn đến bạo loạn và mất ổn định.

Họa vô đơn chí. Các khó khăn trên đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị. Nước Đức đã trải qua một Giáng sinh không mấy tươi vui bởi vụ tấn công chợ Giáng sinh Magdeburg hôm 20-12, khi một kẻ khủng bố lái ô tô lao vào khu chợ làm 5 người thiệt mạng và 120 người bị thương. 

Chuyện khủng bố bằng ô tô vào các khu chợ có lẽ không phải chuyện lạ ở châu Âu. Kẻ tấn công là ngươi nhập cư từ Saudi Arabia, cũng không phải là chuyện lạ.

Cơn gió ngược kinh tế thổi qua lục địa châu Âu thành cơn bão trọn gói

Politico

Có lạ chăng là kẻ tấn công đã sống ở Đức 18 năm, và không phải người Hồi giáo cuồng tín, mà lại là người bài Hồi giáo, từng cáo buộc chính quyền Đức không hành động đủ để đối phó với tình trạng mà người này gọi là "Hồi giáo hóa châu Âu", rằng chính quyền đang giúp người Hồi giáo "áp đặt ý chí lên người châu Âu". 

Nước Đức không thể bỏ qua động cơ tấn công này. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Feser, trong một phát biểu sau đó, đã nhấn mạnh chi tiết nghi phạm trong vụ tấn công là người bài Hồi giáo.

EU do đó được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Politico nói kế hoạch của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ biến "cơn gió ngược kinh tế thổi qua lục địa châu Âu thành cơn bão trọn gói" khi các nước NATO bị buộc chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng nếu không muốn mất đi sự bảo vệ của Hoa Kỳ. 

Điều đó có nghĩa các thủ đô châu Âu, vốn đang phải vật lộn để kiềm chế thâm hụt gia tăng trong bối cảnh thu thuế giảm sút, sẽ phải đối mặt với những căng thẳng tài chính thậm chí còn lớn hơn, điều có thể gây ra thêm nhiều biến động chính trị và xã hội.

Lựa chọn 2025 cho EU - Ảnh 3.

Năm 2025 được dự báo sẽ đầy khó khăn với EU. Ảnh: cryptorank.io

Kế hoạch của ông Trump

Những ngày cuối năm 2024, các chính sách cơ bản của Tổng thống Trump với châu Âu đã dần lộ diện.

Đầu tiên, ông yêu cầu loại bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ với EU bằng việc mua dầu và khí đốt quy mô lớn từ Mỹ. Nếu không, Trump đe dọa châu Âu bằng thuế quan với hàng xuất khẩu sang Mỹ. (Thị trường chứng khoán châu Âu đã phản ứng sau lời đe dọa này, với chỉ số Stoxx Europe 600 giảm gần 2%).

Theo Financial Times, đội ngũ của Trump trong đàm phán với EU đã yêu cầu các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP. Báo Ukraine Strana phân tích: "5% là con số khổng lồ. 

Bản thân Mỹ chi tiêu dưới 3,5%. Nga, đang trong cuộc chiến quy mô, chi 6% GDP trong năm nay và sẽ chi 6,3% vào 2025, tức chỉ thêm chút ít. 5% thực tế là ngân sách của quốc gia tham chiến. Hiện không có nước NATO nào chi 5%. Đức và Pháp chỉ chi hơn 2%, Ý và Tây Ban Nha còn dưới 2%".

Một thực tế là sau khi Nga tấn công Ukraine, kinh tế Mỹ và EU đã đi theo những hướng khác nhau. Chiến tranh có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Dầu khí của Mỹ đã có thể chiếm lĩnh thị trường châu Âu, hất cẳng Nga, và nhu cầu về vũ khí của Mỹ tăng vọt.

Nhưng chiến tranh đã có tác động tiêu cực đến EU. Châu lục này mất và bị hạn chế khả năng tiếp cận nguồn năng lượng rẻ hơn của Nga, mất thị trường hàng tiêu dùng Nga, giá năng lượng tăng trở thành thách thức lớn với ngành công nghiệp, dẫn đến khủng hoảng ở một số ngành và sự rút lui của các nhà đầu tư để chuyển sang các thị trường khác. 

Đáp ứng yêu cầu của ông Trump về chi tiêu quốc phòng sẽ tạo thêm gánh nặng cho cuộc khủng hoảng ngân sách châu Âu, vốn đã lan sang các vấn đề chính trị: Đức đang phải tổ chức bầu cử sớm, chính phủ ở Pháp bị giải tán…

Lựa chọn 2025 cho EU - Ảnh 4.

Ảnh: Reuters

Hai chiến lược

Tờ Strana viết châu Âu đang đứng trước hai lựa chọn chiến lược trong tương lai.

Đầu tiên là tăng mạnh chi tiêu quân sự. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách giảm chi tiêu xã hội, điều mà Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã trực tiếp kêu gọi. 

Vấn đề là bản thân cuộc chiến Ukraine khó thể thuyết phục được người châu Âu thắt lưng buộc bụng. Bởi vì ít người tin rằng sau nhiều tuần, nhiều tháng dồn sức chiến đấu vì một ngôi làng ở Donbass, quân đội Nga vẫn còn tiềm lực để tấn công khối NATO.

Chiến lược thứ hai là không tăng chi tiêu quân sự, hướng nguồn lực vào tái cấu trúc nền kinh tế và tăng dần khả năng cạnh tranh mà không làm giảm đáng kể các tiêu chuẩn sống. 

Nhưng điều này đòi hỏi lộ trình để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine (và xét ý định của Trump muốn chuyển thêm gánh nặng chiến tranh Ukraine cho EU, nếu chiến tranh kéo dài, EU càng gặp khó).

Nếu chọn chiến lược tái cấu trúc kinh tế thay cho tăng chi tiêu quân sự, EU sẽ có nhiều quyền tự do hơn trong lựa chọn đối tác kinh tế và sự phụ thuộc chính trị - quân sự vào Hoa Kỳ sẽ giảm đi, bởi chính lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ leo thang thành chiến tranh ở châu Âu mới làm tăng sự phụ thuộc này.

Lựa chọn mà EU đưa ra sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình cuộc chiến ở Ukraine: nó sẽ kết thúc trong tương lai gần hay sẽ còn tiếp diễn một thời gian dài? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận