TTCT- Ý thức không tự dưng mà có, mà phải giáo dục. Có nhiều cách giáo dục, một trong số đó là phải xử phạt nghiêm minh. Minh họa: Bích Khoa Mặc dù đã có quy định xử phạt người vi phạm Luật giao thông, nhưng một thời gian dài việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm. Không ít người đi đường vi phạm các lỗi nhẹ nhưng cảnh sát giao thông lại cho qua và đôi khi những tình huống “làm lơ” này cũng xảy ra đối với một số người chạy xe vượt đèn đỏ. Lần 1, lần 2 rồi lần 3... cũng không bị xử phạt, khiến người chạy xe cảm thấy chuyện vượt đèn đỏ trở thành... bình thường. Những chuyện này góp phần làm luật pháp bị “lờn”, giảm đi tính nghiêm minh. Để lập lại trật tự, xây dựng văn hóa giao thông, trước hết những người thực thi quy định pháp luật của Nhà nước phải nghiêm khắc, xử phạt theo đúng quy định để giữ kỷ cương, nề nếp. Hiện nay, tại các ngã tư như Điện Biên Phủ - Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Đình Chiểu... (TP.HCM) dễ dàng nhận thấy tình trạng ôtô nối đuôi nhau kéo dài tại hai hướng đang lưu thông khi đèn vàng chuyển sang đèn đỏ, khiến hai hướng còn lại cũng bị kẹt xe dây chuyền. Nguyên nhân do các ôtô chạy cách nhau quá gần và không kịp vượt qua ngã tư trước khi có tín hiệu đèn đỏ. Lúc này phía còn lại đã bật đèn xanh và xe bắt đầu lưu thông, khiến các ngã tư bị kẹt cứng. Tại Mỹ, cơ quan chức năng dùng sơn kẻ sọc tại các ngã tư (phần ngoài làn đường dành cho người đi bộ). Và khi có tín hiệu đèn đỏ mà xe vẫn còn nằm trong “ô vuông kẻ sọc” này thì coi là vượt đèn đỏ và bị xử phạt rất nặng. Để không bị phạt vì hành vi này, thường người lái xe sau phải giữ khoảng cách nhất định với xe trước và chờ cho xe trước qua hết ngã tư mới đến lượt mình. Tôi nghĩ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nên áp dụng cách làm này. - Với xe buýt: trong tình trạng như hiện nay xe buýt bị một số áp lực nhất định, chủ yếu là áp lực về thời gian cho kịp chuyến trong khi đường sá rất đông xe cộ, nhất là vào giờ cao điểm. Không ít xe buýt đã bỏ khách ngoài đường để chạy cho kịp giờ, thay vì ghé trạm dừng để đón trả khách theo đúng quy định. Điều này khiến xe buýt trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người đi đường. Do vậy cần tổ chức lại lưu thông cho xe buýt theo hướng bố trí làn đường ưu tiên dành cho loại phương tiện này ở những tuyến đường rộng. Vào giờ cao điểm, có nhiều xe lưu thông thì có thể cho phép ôtô chở 3-4 người trở lên được chạy ở làn đường này để góp phần giảm kẹt xe. Một vấn đề nữa cần quan tâm đối với xe buýt: hiện nay bản đồ xe buýt đã phủ gần như toàn TP.HCM nhưng chưa thật sự tiện lợi. Cơ quan chức năng dường như quan tâm nhiều đến các tuyến dài (bắc - nam, đông - tây) mà chưa chú trọng các tuyến chuyển tiếp để kết nối với các tuyến dài, tạo thuận tiện cho người dân đi lại. Việc này cần điều chỉnh trong thời gian tới, nếu muốn xe buýt thật sự thu hút nhiều khách hơn nữa. - Xây dựng trung tâm điều phối tín hiệu giao thông: chuyện này đã nghe TP.HCM bàn khá lâu nhưng đến nay chưa thấy triển khai. Ở các nước, một thành phố 5 triệu dân đã có trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông rồi, trong khi TP.HCM hiện khoảng 10 triệu dân. Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông không chỉ giúp cơ quan chức năng quản lý về an toàn giao thông, mà còn phối hợp với các cơ quan khác tích hợp, quản lý về an ninh trật tự. Chuyện này rất cấp bách. Tại trung tâm điều phối tín hiệu giao thông này sẽ cài đặt sẵn đèn tín hiệu giao thông theo thời gian nhất định, ở những khu vực có đông xe cộ qua lại và có gắn camera theo dõi. Khi những tuyến đường này kẹt xe, camera sẽ báo về trung tâm và những người điều khiển tại đây sẽ biết cách ưu tiên cho xe lưu thông theo hướng này để giảm kẹt xe. Vì thực tế dù lực lượng cảnh sát giao thông đông đến mấy cũng không thể có mặt hết tại tất cả ngã tư đường của TP.HCM điều tiết giao thông. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể đưa những hình ảnh về giao thông, ngập lụt ở các tuyến đường lên mạng để người dân theo dõi; hay có thể phát thông tin cảnh báo cho các khu vực xung quanh trong thời gian nhất định để người đi đường hạn chế vào những khu vực này, gây kẹt xe thêm. Hiện nay tình trạng kẹt xe ở Hà Nội và TP.HCM rất nặng, cần phải xử phạt nghiêm khắc để góp phần cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình xử phạt cần kết hợp với việc tuyên truyền pháp luật để người dân quen dần và tự giác thực hiện.■ Tags: Văn hóa đi lạiLuật pháp lờnThực thi không nghiêm
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Bên trong xưởng sản xuất 3.500 tấn giá đỗ 'ngậm' hóa chất DOÃN HÒA 19/04/2025 Thông tin về đường dây sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất rồi bán ra thị trường vừa bị Công an tỉnh Nghệ An triệt phá khiến người dân lo lắng.
Người dân có phải làm lại sổ đỏ, căn cước khi sáp nhập tỉnh, xã? THÀNH CHUNG 19/04/2025 Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ, căn cước đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn QUỐC MINH 19/04/2025 Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, rất nhiều cuộc đoàn viên cảm động và cũng không ít éo le do hoàn cảnh đất nước hàng chục năm phải phân chia chiến tuyến: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn.
Lời khai của Bùi Đình Khánh về khoảnh khắc bắn thiếu tá công an hy sinh TIẾN NGUYỄN 19/04/2025 Bùi Đình Khánh - tay buôn ma túy đã dùng súng AK bắn 4 phát về phía lực lượng chức năng làm thiếu tá Nguyễn Đăng Khải trúng đạn và hy sinh - đã bị di lý về Quảng Ninh.