TTCT - Gặp lúc khó khăn, khan hiếm, con người buộc phải tận dụng nguồn lực tự nhiên dồi dào, nhất là tài khéo của nhân loại và dùng nó để giải quyết vấn đề. Nguồn lực đó có ở mỗi người, từ bình thường tới thông minh… Navi Radjou - một nhà tư vấn tại Silicon Valley - từng nói, nếu định nghĩa người lạc quan là thấy được cơ hội trong mọi khó khăn, thì các nước nghèo đầy những người lạc quan như thế. Đó là những người tìm ra được đủ mọi cách để tận dụng nguồn lực ít ỏi và thêm tác dụng cho những công cụ đã có.Người nghèo lắm sáng kiếnỞ Ấn Độ, quê gốc của Radjou, anh thợ gốm Mansukh Prajapati đã làm ra một chiếc "tủ lạnh" bằng đất sét không cần dùng điện, giữ tươi hoa quả và rau củ được mấy ngày.Ở châu Phi, nếu điện thoại di động hết pin, bạn có thể tới một “quán sạc”, chủ quán sẽ dùng xe đạp để sạc đầy pin cho bạn. Còn ở Peru, khu vực quanh thủ đô Lima là sa mạc ven biển nên rất ẩm nhưng cũng rất khô, lượng mưa trung bình hằng năm là 25mm (bằng 1/100 lượng mưa trung bình của Thừa Thiên Huế), một trường đại học công nghệ ở đây đã nghĩ ra cách lấy nước từ không khí: họ làm một bảng quảng cáo thật to để hút không khí ẩm, rồi chuyển thành nước tinh khiết, mỗi ngày được 90 lít."Tủ lạnh" bằng đất sét của anh thợ gốm Prajapati. -Ảnh: BHATI N WANKANERNavi Radjou nói ở Ấn Độ người ta gọi những sáng kiến thế này là “Jugaad”, trong tiếng Hindi có nghĩa là đổi mới kiểu “cái khó ló cái khôn”. Radjou ví những người nhiều sáng kiến ấy với các nhà giả kim: biến khó khăn thành cơ hội, biến thứ giá trị thấp thành thứ giá trị cao. Họ là bậc thầy của nghệ thuật “từ ít vít thành nhiều”, và Radjou đặt ra một cái tên chung là frugal innovation, tức “cải tiến căn cơ vén khéo”, một thứ “sáng kiến biết tận dụng” đầy lạc quan.Frugal innovation có thể ở mức kỹ thuật thấp (như tủ lạnh đất sét ở Ấn Độ), nhưng cũng có thể ở tầm kỹ thuật cao giúp một mặt hàng hoặc một dịch vụ có giá thành rẻ hơn, phổ tiếp cận rộng hơn. Từ năm 2007, Radjou đã gặp gỡ hàng trăm chủ doanh nghiệp thú vị ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi, Nam Mỹ. Nhiều người trong số đó học hành không ra sao. Các phát minh, sáng kiến của họ không nảy ra trong các phòng thí nghiệm của các tập đoàn lớn. Phòng thí nghiệm của họ theo đúng nghĩa là “ngoài đời”, nhưng các cải tiến “vén khéo” của họ không chỉ là xoay xở với các điều kiện hạn hẹp, mà còn làm cho nhiều thứ tốt đẹp hơn.Một số công ty đã nhìn ra và dùng những sáng kiến kiểu này, áp dụng chúng ở một quy mô lớn hơn để giúp hàng tỉ người thu nhập thấp. Thí dụ có đến một nửa dân số Kenya dùng M-PESA - một giải pháp thanh toán trên điện thoại di động, cực kỳ cần thiết do đến 80% người châu Phi không có tài khoản ngân hàng nhưng 82% dân số có điện thoại di động.Ngân hàng M-PESANhưng cái lý thú hơn là M-PESA đã trở thành đầu mối cho các ý tưởng kinh doanh khác. Ở Kenya, có đến 70% dân “sống ngoài mạng lưới”, tức không dùng các phương tiện phải trả tiền như điện, nước, khí đốt... Một trong những nhà sáng lập của M-PESA đã tạo ra M-KOPA - một gói năng lượng mặt trời cho hộ gia đình, gồm một tấm pin mặt trời đặt trên mái, ba bóng LED, một cái radio, và một cái sạc điện thoại di động.Giá cả bộ là 200 USD, tức là đắt tiền đối với hầu hết người dân Kenya. Nhưng chỉ cần một cái điện thoại di động và ứng dụng M-PESA, ai cũng có thể dùng bộ sản phẩm này, đến mãi mãi (nếu không hỏng): sau khi đóng một khoản thế chân ban đầu là 30 USD, mỗi ngày họ chỉ cần trả 50 xu thông qua ứng dụng M-PESA. Sau 365 ngày như thế sẽ được đem bộ này về lắp, bắt đầu có điện sạch và miễn phí mà dùng. M-KOPA hiện cung cấp năng lượng cho hơn 450.000 căn nhà ở Kenya, Tanzania và Uganda. Cái thông minh trong “sáng kiến vén khéo” này là dùng một thứ thừa mứa (kết nối điện thoại di động) để có được thứ khan hiếm (năng lượng điện).Nước giàu cũng sáng kiếnNhững thí dụ về “sáng kiến căn cơ vén khéo” kiểu này không chỉ có ở những chỗ nghèo. Ngay ở Silicon Valley, nơi Navi Radjou sống và làm việc, cũng đầy “gương điển hình”, do Mỹ hay châu Âu thì cũng có những vấn đề phải tìm cách giải quyết riêng.Tại Silicon Valley, công ty khởi nghiệp tên là gThrive làm ra các cảm biến không dây trông như những cái thước đo bằng nhựa của học trò. Các nông dân vùng California vốn thiếu nước tưới có thể cắm chúng vào nhiều điểm khác nhau trên cánh đồng để thu thập thông tin chi tiết về tình trạng đất, từ đó dùng nước và phân bón tiết kiệm mà hiệu quả thay vì làm “mù”, giúp tăng sản lượng và chất lượng của vụ thu hoạch, sau một năm đã có thể thu hồi vốn.Navi Radjou bảo, thật là “kỳ diệu” khi các nước phát triển đã phối hợp với các nước đang phát triển để đưa ra những giải pháp “vén khéo” có lợi. Thí dụ, nạn kẹt xe ở thủ đô Nairobi của Kenya là hết sức khủng khiếp, xe cộ không những phải lách nhau mà còn phải lách cả bò. Trước tình hình này, các kỹ sư của IBM tại Kenya đã hoàn thiện một giải pháp có tên là Twende Twende (trong ngôn ngữ Swahili có nghĩa “Đi thôi!”) thoạt kỳ thủy là do các kỹ sư Nhật thiết kế.Twende Twende không dựa vào các cảm biến trên đường - là thứ đắt đỏ không thể lắp ở Nairobi. Thay vào đó, Twende Twende dùng công nghệ để xử lý “một nhúm” hình ảnh từ các webcam có độ phân giải thấp lắp trên phố, rồi dùng phần mềm phân tích để dự báo các điểm nghẽn giao thông, xong gửi tin nhắn cho các tài xế về những ngả đường thay thế khác. Twende Twende đã giúp các tài xế của Nairobi đi nhanh được hơn 20%, và ứng dụng này có thể dùng ở các thành phố khác trên thế giới.Ứng dụng Twende-twendeBa nguyên tắc giản dịĐể có được những “sáng kiến vén khéo”, theo Navi Radjou, có ba nguyên tắc sau:Thứ nhất: giữ cho đơn giản. Chớ tạo ra các giải pháp chỉ để làm khách hàng “lác mắt”. Hãy nghĩ ra những giải pháp đơn giản, dễ dùng, nhiều người tiếp cận được. Đầu tiên nên nhanh chóng thiết kế và đưa ra một sản phẩm “đủ tốt” với một số tính năng đáp ứng được nhu cầu căn cơ nhất, cấp thiết nhất của khách hàng, rồi từ từ cải tiến thêm.Thứ nhì: chớ mất công sáng chế ra cái đã có. Chỉ cần nâng cấp, cải tiến những thứ đã có, đã sẵn. Cũng có thể mượn (dĩ nhiên hợp pháp) những kỹ thuật đã có sẵn trong một lĩnh vực này để làm ra các sản phẩm trong ngành của bạn.Thứ ba: nghĩ và hành động theo “phương ngang” (của đồ thị). Các công ty thường có khuynh hướng phát triển đi lên bằng cách tập trung hóa vận hành với các nhà máy to, kho xưởng to. Trong khi đó, nếu muốn “cơ động” thì nên phát triển kiểu lan ra, dùng một chuỗi gồm toàn những xưởng sản xuất và phân phối nho nhỏ.Thí dụ của việc này là sáng kiến của gã khổng lồ ngành dược phẩm Novartis đang thí điểm một loại xưởng sản xuất thuốc mini, không lớn hơn một cái container chuyển hàng. Xưởng này có thể sản xuất thuốc viên nhanh gấp mười lần nhà máy to, chi phí xây dựng và vận hành giảm được 50%, giảm xuất khí thải tới 90%... Mô hình này rất tiện để xây lắp ở những nơi heo hút mà cần có thuốc cho người dân những khi bệnh bùng phát.Chiến lược “chia nhỏ và giảm quy mô” này còn áp dụng trong phân phối. Thí dụ khắp phố phường làng mạc Philippines có khoảng 1 triệu cửa hàng sari-sari nho nhỏ do các gia đình vận hành. Sáng kiến này là của doanh nghiệp Hapinoy. Họ mở lớp huấn luyện về bán hàng và tài chính cho các chủ nhân cửa hàng sari-sari. Sau đó, tùy điều kiện, các chủ nhân có thể nâng cấp cửa hàng và dịch vụ của mình, thí dụ thêm phần giao dịch tài chính di động và chăm sóc sức khỏe căn bản.Giữa thời COVID-19Trong một năm Covid-19 hoành hành, những khái niệm như “sắp xếp lại cơ cấu”, “phân bổ lại ưu tiên”, “xác định lại mục tiêu” nổi lên trong mọi công ty, mọi gia đình, mọi cá nhân. Các doanh nghiệp tự hỏi: “Nếu hôm nay nhu cầu của khách hàng biến mất, thì với khả năng và nguồn lực cũ, mình có thể thích ứng bằng cách nào để đáp ứng nhu cầu mới của họ?”. Để làm được những việc này, nhiều người đã chú ý hơn tới khái niệm “cải tiến vén khéo” trên của Navi Radjou.Roganic là một nhà hàng có sao Michelin ở Marylebone, London, với các món ăn “cực phẩm”. Hầu hết nguyên liệu ở đây được chủ nhà hàng là Simon Rogan lấy từ trang trại của mình ở miền quê nước Anh. Hồi tháng 3-2020, khi Roganic phải đóng cửa theo khuyến cáo chung của chính phủ, Simon đã mở dịch vụ giao tận nhà với những bữa ăn đơn giản mà vẫn đầy tính sáng tạo, vẫn nấu bằng nguyên liệu từ trang trại riêng ở Cartmel Valley, vùng Cumbria. Phải rồi, gà vẫn đẻ, bò vẫn cho sữa, cà chua vẫn cho quả, không thể vì nhà hàng đóng cửa mà những thứ này vứt đi. Nhưng phần ăn của Roganic giờ chỉ giá 5 bảng, vô cùng thấp so với một bữa ăn trước kia cho hai người tại nhà hàng của anh ở London có giá 90 bảng. Vậy là một công được nhiều việc: trang trại vẫn xanh tốt, bếp vẫn đỏ lửa, người muốn ăn ngon vẫn được ăn ngon.Món su hào nhồi cá thu sống, đặt trên đá cuội, của bếp trưởng Simon Rogan. Ảnh: Karen Robinson/The ObserverHoặc như các bác sĩ tại Bệnh viện Warrington đã biến đổi các thiết bị có tên là “hộp đen” thường dùng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ thành điều trị Covid-19 giai đoạn đầu, giúp giảm bớt gánh nặng cho tuyến trên, tỉ lệ tử vong giảm, và bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.Covid-19 khiến những ngành kiêu hãnh và lâu đời như đường sắt cũng thành thức thời, hi sinh vì cái chung. Tại Ấn Độ và Pháp, do việc đi lại không còn nhiều, nhiều toa xe lửa được cải tiến làm các buồng cách ly. Ở Anh, Trung tâm hội nghị Excel London và Trung tâm hội nghị quốc gia Birmingham cũng được biến đổi mục đích thành bệnh viện dã chiến, do trong thời Covid-19 không ai hội họp tại đây.Đúng như Navi Radjou đã nhận xét, rằng gặp lúc khó khăn, khan hiếm, con người buộc phải tận dụng nguồn lực tự nhiên dồi dào nhất là tài khéo của nhân loại, và dùng nó để giải quyết vấn đề. Nguồn lực đó có ở mỗi người, từ bình thường tới thông minh, và có lẽ chỉ được kích hoạt khi có sự chăm chỉ và biết tiết kiệm. “Cải tiến vén khéo” là hoa trái của chăm chỉ trong lao động và suy nghĩ, là kết quả của ý thức tiết kiệm về tiền bạc và thời gian, không những của mình mà còn của người khác, của thiên nhiên. Đó là thứ khiến con người vượt lên khỏi muôn loài.■(*): Lược dịch và tổng hợp. Tags: Sáng tạoLạc quanCải tiếnVén khéo
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.