TTCT - Lương tối thiểu, vốn gắn liền với mức sống của người lao động và chi phí của doanh nghiệp sử dụng lao động, trở thành đề tài nóng ở hàng loạt nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, trong thời gian qua. Kế hoạch tăng lương tối thiểu của chính quyền Thái Lan đang gây nhiều tranh luận. Ảnh: HRM Asia Báo chí các nước giật tít gần như đồng loạt: "Tăng lương ở ASEAN gây lo ngại cho các ngành hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng" (Nikkei Asia 2-7), "Thủ tướng Thái Lan hối thúc ASEAN cùng tăng lương tối thiểu" (Thailand Business News 22-1), "Indonesia có chi phí tổ chức kinh doanh cao nhất ASEAN-5" (Jakarta Globe 24-6), "Lương tối thiểu của Philippines cao nhất trong khu vực" (BusinessWorld Online 13-3), "Malaysia đứng thứ tư về lương trung bình ở Đông Nam Á" (thesun.my 8-6).Tăng lương là từ bỏ lợi thế cạnh tranh?Từ đầu tháng 7, lương tối thiểu ở Việt Nam chính thức tăng trung bình 6%. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, lương tối thiểu sẽ là 4,96 triệu đồng/tháng (195 đô la), cao hơn 80% về số tuyệt đối so với 10 năm trước. Thái Lan, trong khi đó, dự tính tăng lương tối thiểu lên 400 baht một ngày từ đầu tháng 10, tức tăng 14% so với mức 300-350 baht hiện giờ, đồng nghĩa lương tối thiểu một tháng sẽ vào khoảng 237 đô la. Cũng vào đầu tháng 7, Philippines nói họ sẽ tăng lương tối thiểu ở vùng đô thị Manila lên 645 peso (11 đô la) một ngày, tức tăng 6% so với mức 610 peso hiện nay, có hiệu lực từ 17-7, đồng nghĩa lương tối thiểu theo tháng ở nước này là 241 đô la.Trong khi người lao động hồ hởi với những tin tức này, giới chủ lại không hào hứng như vậy. Dòng tít của tờ báo kinh tế - tài chính Nhật Nikkei dẫn ở trên nói lên nhiều điều: Nhật là nước đầu tư trực tiếp hàng đầu ở Đông Nam Á. Việt Nam, và đặc biệt là Thái Lan, đều là những trung tâm sản xuất hàng đầu của các tập đoàn Nhật Bản. Năm 2022, Nhật cũng là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai vào ASEAN, với 26,7 tỉ đô la.Tăng lương cho người lao động có nghĩa là lợi nhuận của các tập đoàn này có thể sẽ giảm. Không lạ khi Nikkei dẫn lời phó chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (tổ chức đại diện cho giới chủ) Poj Aramwattananont kêu ca: "Chính sách nâng lương tối thiểu lên 400 baht một ngày trên toàn quốc là phi thực tế. Con số đó không phù hợp với những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Thái Lan".Lý lẽ phản đối lương tối thiểu: làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, sợ mất nguồn FDI, thậm chí là áp lương tối thiểu chỉ khiến nhiều người lao động khó tìm việc làm hơn, không có gì mới. Tuy nhiên, không lẽ các nước Đông Nam Á và người lao động của họ cứ mãi phải cam chịu cảnh chỉ là nguồn cung lao động giá rẻ cho những hãng xưởng nước ngoài?Biểu tình đòi tăng lương tối thiểu ở Philippines. Ảnh: GettyLàm sao khác được?Đây chính là ý kiến phản bác của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trước những lập luận như kiểu của ông Poj. Trước hết, phải nói rõ rằng ông Srettha là thủ tướng của Đảng Pheu Thai, vốn đã thắng cử và cầm quyền bằng đường lối dân túy "trước sau như một", với những dự án như phát 10.000 baht cho mỗi người Thái trưởng thành để kích thích kinh tế ngay sau khi đắc cử hồi tháng 4-2024, tương đương tổng số tiền gần 14 tỉ đô la.Nhưng không phải vì vậy mà mọi lý lẽ của ông đều chỉ là dân túy. Cụ thể, ông Srettha cho rằng đã tới lúc Thái Lan dịch chuyển khỏi lợi thế lao động giá rẻ hòng thu hút FDI. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa diễn ra, ông Srettha nhấn mạnh nỗ lực xây dựng lợi thế dựa trên "năng lượng xanh, trường học chuẩn quốc tế, chăm sóc y tế, thị trường vốn sôi động, zero tham nhũng, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng hoạt động".Đi xa hơn thế, ông kêu gọi các nước ASEAN hợp tác nhằm tăng lương tối thiểu chung, và thay đổi góc nhìn, "coi lao động giá rẻ là trở lực với tăng trưởng vùng", thay vì là lợi thế như trước giờ. Ông nhấn mạnh là đã thảo luận chuyện này với thủ tướng Campuchia và Malaysia, với mong muốn các nước trong khu vực cùng tăng lương tối thiểu "lên mức hợp lý", nhằm tránh tình trạng "chạy đua xuống đáy" lâu nay.Với mỹ từ "dịch chuyển chuỗi cung ứng", các hãng xưởng toàn cầu thường sẽ chuyển từ nơi có chi phí lao động cao đến nơi có chi phí thấp hơn, để đảm bảo hoặc tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, có thể nhìn rõ hơn cách nhìn "coi lao động giá rẻ là trở lực" của ông Srettha qua quyết định chuyển hướng đầu tư của Intel, LG hay AT&S mới đây. Sau khảo sát, họ đã quyết định không chọn Việt Nam để rót vốn, mà chuyển sang Ba Lan, Indonesia và Malaysia. Quyết định đó chứng minh lao động giá rẻ không có nhiều ý nghĩa với những ngành nghề và hãng xưởng công nghệ cao, vốn cũng là lĩnh vực mà các nền kinh tế Đông Nam Á đang thực sự cần, để vượt hẳn khỏi trình độ phát triển trung bình hoặc trung bình yếu hiện nay.Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Ảnh: ReutersGiữa lương bổng và môi trường kinh doanhĐúng như lời ông Srettha, lương bổng của người lao động chỉ là một trong rất nhiều yếu tố của chi phí tổ chức sản xuất kinh doanh. Nó gây chú ý nhiều chỉ vì gắn với đông đảo người lao động và là thứ dễ điều chỉnh lên xuống bằng các quyết định hành chính nhất. Trong khi các yếu tố còn lại sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn.Lấy ví dụ, Jakarta Globe 25-6 dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Giới chủ Indonesia (Apindo) Shinta Kamdani nói vấn đề dai dẳng của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á "vẫn là một nền kinh tế chi phí cao... Indonesia có chi phí cao nhất về logistics, năng lượng, lao động và tài chính trong nhóm ASEAN-5 (gồm các nước Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia".Theo đó, dù có lương tối thiểu không cao, chi phí logistics ở Indonesia lại tương đương 23,5% GDP, cao hơn nhiều so với Malaysia (13%), và nhất là Singapore (8%) (chỉ số này ở Việt Nam là khoảng 17% GDP, Thanh Niên 3-12-2023 dẫn lại Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam).Cũng theo Apindo, thời gian trung bình để hàng hóa xuất khẩu rời Indonesia lên tới 56 tiếng đồng hồ, cao hơn nhiều so với mức trung bình của ASEAN-5 là 45 tiếng (của Việt Nam là hơn 95 tiếng, số liệu năm 2019, chinhphu.vn 23-9-2021). Thời gian nhập khẩu còn lên tới 106 tiếng, gần gấp đôi thời gian trung bình của ASEAN-5 (58 tiếng, Việt Nam là 103 tiếng, nguồn đã dẫn).Vài ví dụ đó để cho thấy tăng lương tối thiểu tất nhiên sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhưng nếu đi kèm với việc tăng lương là giảm bớt thời gian (vốn là tiền bạc) để thông quan chẳng hạn, thì chi phí và lợi ích với doanh nghiệp hoàn toàn có thể bù đắp được cho nhau.Một cuộc tuần hành của người lao động Indonesia. Ảnh: industriall-union.orgTăng trưởng nhanh để làm gì?Quan trọng hơn nữa, những số liệu thu hút FDI và tăng trưởng kinh tế, dù đẹp đẽ đến đâu, cũng mất đi ý nghĩa nếu không biến thành sự gia tăng mức sống thực cho đa số rộng rãi người lao động. Đòi hỏi tiền lương bảo đảm mức sống vốn là chuyện đã từ xa xưa, và không có gì quá đáng, nhất là khi đặt cạnh lợi nhuận khổng lồ của các tập đoàn đa quốc gia, đó là chưa nói tới những nhũng lạm của chính quyền trong công tác điều hành kinh tế.Mà ngay cả việc tăng lương tối thiểu cũng có thể là chưa đủ.Có thể lấy Malaysia, một nước vào loại khá giả trong khu vực, làm ví dụ. Hiệp hội Chủ lao động Malaysia (MEF), trong một hội thảo ngày 13-5 được tường thuật trên thesun.my, nói mức lương "sống được" (living wage) ở nước này cao hơn nhiều so với lương tối thiểu 1.500 ringgit (318 đô la).Cụ thể, Chủ tịch MEF Syed Hussain Syed Husnam nói Ngân hàng Negara Malaysia ước tính mức lương sống được cho người trưởng thành độc thân ở thủ đô Kuala Lumpur phải là 2.700 ringgit (573 đô la), với hai vợ chồng không có con là 4.500 ringgit (955 đô la), và với gia đình có hai con nhỏ là 6.500 ringgit (1.379 đô la). Tình hình này phải nói là rất tương quan với Việt Nam."97% các doanh nghiệp Malaysia là những công ty vừa và nhỏ chỉ kiếm vừa đủ tồn tại và gặp khó khăn khi trả lương", ông Syed Hussain nói. Ông cũng giải thích: "Khái niệm lương sống được là tiền lương ở mức cần thiết để có mức sống tương đối với người lao động và gia đình, tính tới hoàn cảnh đất nước và công việc, nên không thể là con số cố định phù hợp với tất cả mọi người... nhà nước phải giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt và tập trung vào chiến lược phân phối thu nhập công bằng và toàn diện hơn".Ông cũng nói dù xu hướng trên toàn cầu là lương trung bình tuyệt đối luôn tăng lên, hàng triệu người lao động cả chính thức và phi chính thức vẫn sống trong nghèo khó và có tiền lương thấp hơn so với mức chi phí sống được: "Người lao động và gia đình không đủ sức chi trả cho thực phẩm, nhà ở đàng hoàng, chăm sóc y tế và giáo dục cho con cái". ■ Thực ra, nếu không có bàn tay nhà nước, thương lượng lương bổng sẽ khó đi tới kết quả, ngay cả khi người lao động đã có một tổ chức công đoàn thật sự mạnh mẽ. Một ví dụ: Đầu tuần này, người lao động có tham gia công đoàn ở tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc Samsung Electronics đã đình công ba ngày sau khi thương lượng với giới quản lý về lương bổng và điều kiện làm việc đổ bể.Reuters 8-7 cho biết Công đoàn toàn quốc Samsung Electronics (NSEU), tổ chức lao động lớn nhất nước với 28.000 thành viên (chiếm khoảng 22% lực lượng lao động 125.000 người của Samsung Electronics ở Hàn Quốc), công bố kế hoạch đình công vào tuần trước, với mục tiêu làm gián đoạn sản xuất. Những người đình công dự kiến sẽ tổ chức tuần hành bên ngoài các nhà máy ở nhiều tỉnh.Kể từ tháng 1, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc thương lượng, nhưng không giải quyết được khác biệt về mức tăng lương, phúc lợi kỳ nghỉ và thưởng. Công đoàn đòi thêm một ngày nghỉ cho toàn bộ nhân viên và tăng lương đáng kể, thêm ngày phép vẫn được trả lương, và bù đắp thu nhập khi đình công hợp pháp. Sự kiện này đáng chú ý bởi tháng 6 là lần đầu tiên trong lịch sử, công nhân Samsung Electronics, tập đoàn vốn nổi tiếng đãi ngộ tốt của Hàn Quốc, tiến hành đình công. Tags: Lương tối thiểuTăng trưởng kinh tếĐông nam ÁNgười lao độngKinh tế thế giới
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nghẽn đường Cộng Hòa: Xe chờ lên cầu vượt Hoàng Hoa Thám như ‘chờ lên phà’ CHÂU TUẤN 15/09/2024 Đó là cách bạn đọc so sánh việc đi lại ở đường Cộng Hòa, đoạn lên cầu vượt Hoàng Hoa Thám vào giờ cao điểm. Do làn đường nhỏ trong khi lượng xe đông nên phải đi “cà nhích”, có lúc dừng hẳn như đợi mua vé lên phà.
Bão Bebinca không ảnh hưởng đến Việt Nam TUẤN PHÙNG 15/09/2024 Dự báo cơn bão Bebinca đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ đổ bộ vào khu vực phía Đông Trung Quốc, không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bị xử phạt, người bị tố 'chặt chém' IshowSpeed trả lại tiền, xin lỗi nam streamer ĐAN THUẦN 15/09/2024 Sau khi làm việc với công an, người đàn ông bị tố "chặt chém" streamer IshowSpeed ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã nhận thức được hành vi của mình là sai và đến xin lỗi, trả lại tiền cho IshowSpeed.
Bão Bebinca với sức gió 180km/giờ hướng về phía đông Trung Quốc TRẦN PHƯƠNG 15/09/2024 Bão Bebinca di chuyển ra khỏi vùng đảo Amami phía tây nam Nhật Bản vào sáng sớm 15-9 và hướng về khu vực phía đông Trung Quốc.