Lý Quang Diệu tuổi 88 và những chiêm nghiệm cuộc đời

LÝ QUANG DIỆU 17/09/2011 19:09 GMT+7

TTCT - Sinh nhật lần thứ 88 của người đã dựng nên Cộng hòa Singapore vừa diễn ra hôm thứ sáu 16-9. Mười ngày trước đó, tại Đại học công nghệ Nanyang (ở Việt Nam xem được trên Channel NewsAsia tuần trước), ông Lý Quang Diệu đã cho thấy ông minh mẫn như thế nào khi làm chủ hoàn toàn buổi hỏi và đáp của sinh viên.

Phóng to
Ông Lý Quang Diệu - Ảnh: news.gov.sg

Sự hóm hỉnh cố hữu của ông vẫn còn nguyên vẹn khi ông được một nữ sinh viên 27 tuổi hỏi: “Người nhập cư nay đang là quá lớn làm hòa tan bản sắc quốc gia, chúng ta cần phải làm gì để tạo ra một ý thức thuộc về đất nước này và để tăng mạnh sự gắn bó?”.

Ông hỏi lại: “Cô đang làm tiến sĩ phải không? Cô còn mất bao nhiêu năm nữa? Hai năm nữa cơ à? Cô đã có bạn trai chưa? Chưa à?”. Rồi ông chia sẻ với cô sinh viên độc thân nọ về những nguy cơ sinh con mắc bệnh Down khi người mẹ lớn tuổi và ông khuyên: “Đừng phí phạm thời gian! Hãy có một bạn trai. Tôi chúc cô vừa có bạn trai vừa xong tiến sĩ nhé” (1).

Lo âu cho tương lai

Thật ra, đây không phải là một sự buông đùa kẻ cả. Hơn ai hết, ông đang lo ngại tình trạng già hóa dân số đất nước ông khi tỉ lệ sinh sản vẫn cứ thấp, phụ nữ nay không chịu sinh con. Và tất nhiên sự tinh khôn chính trị của ông vẫn còn nguyên, nếu không muốn nói là “gừng càng già càng cay” khi trả lời một sinh viên hỏi ông về chính trường Singapore phân hóa sau cuộc bầu cử vừa qua. Ông tỉnh táo thừa nhận rằng “đã có một sự phân hóa chính trị, song không vì thế mà có thể dẫn đến phân hóa xã hội, do lẽ điều đó sẽ tác động đến thành quả và sự tăng trưởng của đất nước Singapore”.

“Tôi đang lo âu cho tương lai. Không rõ có còn đoàn kết quốc gia hay không khi việc học hành ngày càng qua nhiều cấp, xã hội càng phân khúc và sẽ không còn một khối quần chúng đồng nhất một lòng sau một chính sách duy nhất”

Thật vậy, trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tháng 5 năm nay, lần đầu tiên một đảng đối lập là SAD giành được cả một đơn vị bầu cử thay vì Đảng PAP cầm quyền.

Cũng thế, trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây, lần đầu tiên một ứng cử viên của Đảng PAP cầm quyền, ông Tony Tan, phải chịu về đầu với một tỉ lệ quá sít sao, chỉ hơn ứng cử viên về nhì có 7.269 phiếu trên tổng số 2,1 triệu phiếu (tức hơn được chỉ 0,34%) dù chức vụ tổng thống chỉ là một chức vụ lễ tân.

Thừa nhận sự dị biệt mới mẻ đó, song ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh từ đó mà biến thành “một cuộc tranh giành liên tục giữa các phe phái như ở phương Tây thì Cộng hòa Singapore cũng sẽ trở thành một đất nước làng nhàng mà thôi” (2).

Một sinh viên ngành sinh học đã nhắc lại ông thực tế dị biệt chính trị đó bằng câu hỏi: “Liệu ông có nghĩ rằng giới trẻ ngày nay có còn chấp nhận “kiểu lãnh đạo cứng rắn” mà Thủ tướng Lý Hiển Long đang hô hào hay không?”.

Ông trả lời bằng những suy nghĩ từ thực tế cầm quyền của ông: “Tôi đang lo âu cho tương lai. Không rõ có còn đoàn kết quốc gia hay không khi việc học hành ngày càng qua nhiều cấp, xã hội càng phân khúc và sẽ không còn một khối quần chúng đồng nhất một lòng sau một chính sách duy nhất”.

Vấn đề, theo ông, sẽ là: “Điều gì được giới có thu nhập trung bình xem là tốt sẽ bị giới có thu nhập thấp cho là không thuận lợi cho họ? Và điều gì được giới có thu nhập cao xem là tốt cũng sẽ không làm vừa lòng giới thu nhập trung bình?” (3).

Nghiền ngẫm vì sao mất phiếu

Trước cuộc gặp gỡ sinh viên này 20 ngày, hôm 16-8 ông Lý Quang Diệu đã nói chuyện với hơn 1.000 thực khách dự bữa tiệc mừng quốc khánh ở hạt quê nhà Tanjong Pagar-Tiong Bahru. Theo ông, dân chúng chán Đảng PAP vì thiếu nhà ở và vì thấy ngày càng nhiều người nhập cư, đi tàu điện, xe buýt làm chạm trán, khiến Đảng PAP mất 6% số phiếu.

Thực tế này không khác gì một số nước trù phú hơn ở châu Âu như Đức, Pháp, Ý... khi mà nhà chung cư không đủ trong khi người nhập cư ngày càng đầy đường. Có khác chăng là Singapore vẫn còn may mắn ở chỗ phần lớn người nhập cư hợp pháp là những người có tay nghề mà nền kinh tế Singapore cần đến, chứ không phải những người “tị nạn kinh tế” như ở châu Âu.

Cũng có một thực tế lạ lùng là có một số người mới nhập cư thường trú song lại dư tiền mua nhà, đẩy giá nhà leo thang. Ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Nếu ta không lấy người nhập cư vào, xã hội ta sẽ già đi, thiếu sức sống và sức kéo kinh tế”.

Và ông hứa rằng chỉ trong vòng bốn năm nữa thôi, Bộ Gia cư và phát triển sẽ lo xong vụ nhà cửa, sẽ tăng thêm chuyến metro và xe buýt để sáng chiều đi lại không mệt mỏi vả cảm thấy bị choán chỗ (4)... Không rõ ông có quá lạc quan khi tin rằng thêm nhà ở, thêm metro, xe buýt... sẽ giải quyết sự bớt bực dọc của một người Singapore bản địa? Dẫu sao, việc xuất hiện các phát biểu liên tiếp của ông cho thấy ông đang nghiền ngẫm sự mất phiếu của Đảng PAP của ông.

Nỗi lòng của người chồng

Ngày 2-10 tới là ngày giỗ đầu phu nhân ông Lý Quang Diệu. Xem ông trên truyền hình lần này, thấy ông sinh động hơn lần trả lời phỏng vấn của Charlie Rose hôm 28-3-2011. Ai cũng biết ông rất yêu thương vợ, song vừa gánh việc nước vừa trông chừng vợ từng ngày cũng không phải dễ. Năm ngoái, trước sinh nhật ông ít lâu, ông đã tâm sự khá nhiều với tờ The New York Times (5):

- Ông có cảm thấy giống như lá cây đang rời cành?

- Có, tôi muốn nói tôi cảm thấy đang giảm dần năng lượng và sức sống. Ý tôi là mỗi năm ta đều cảm thấy không khỏe bằng năm ngoái. Song đời là như vậy. Mẹ tôi vẫn thường dặn đừng để cho mình già đi. Và để tránh già đi, tôi tập thể dục, bơi, đạp xe, yoga, thiền định.

- Vào giai đoạn này của cuộc đời, ông có thấy gần gũi với tôn giáo bằng cách này hay cách khác không?

- Phật tử tin vào sự siêu thoát. Đó là một tư tưởng đầy an ủi, song vợ tôi và tôi không tin vào điều đó. Hai năm trời nay bà nhà tôi liệt giường, không nói nên lời sau mấy lần đột quỵ. Biết tôi tự an ủi sao không? Tôi tự nhủ đời là như vậy, ai mà chọn được cách mình ra đi, trừ phi nốc đại một mớ thuốc ngủ. Trong suốt hai năm liệt giường, vợ tôi vẫn tỉnh táo và hiểu khi tôi trò chuyện với bà. Tôi thuật lại công chuyện trong ngày của tôi, đọc cho bà ấy nghe các bài thơ bà ấy thích nhất.

- Phu nhân đang nằm nhà thương à? Ông có vô nhà thương không?

- Không, bà nhà tôi vẫn đang ở nhà. Chúng tôi kiếm về một cái giường bệnh viện cùng các điều dưỡng chăm sóc bà. Tôi ở phòng kế bên, riết rồi cũng quen với những kêu rên của bà mỗi khi bà bị khô cổ. Do bà không ngồi dậy được nên bà không thở trọn hơi được. Phải đợi họ bơm thuốc cho long đàm rồi hút ra. Thật mệt mỏi, song đó là cuộc đời mà. Làm sao làm khác hơn được? Song thỉnh thoảng trong những lúc rảnh rỗi, tôi thả hồn về với những ngày hạnh phúc đã vươn lên với nhau.

Một năm sau, người quen thuộc với các cuộc phỏng vấn truyền hình của ông Lý Quang Diệu không thể không nhận ra ông như trẻ lại, cặp mắt tinh anh, đầu óc minh mẫn.

__________

(1) Lee Kuan Yew‘s “below the the belt” answer, posted by theonlinecitizen on September 9, 2011
(2)
http://www.todayonline.com/Singapore/EDC110906-0000330/Dont-let-political-divide-turn-into-divided-society
(3) http://www.todayonline.com/Singapore/EDC110906-0000330/Dont-let-political-divide-turn-into-divided-society
(4) Lee Kuan Yew: Why PAP lost votes in the May election, Temasek Review.
(5) A transcript of Minister Mentor Lee Kuan Yew's interview with The New York Times, Sep 13, 2010

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận