"Ma" đại dương và cách tìm ra chúng

VIỆT HẢI 16/07/2023 05:14 GMT+7

TTCT - Ô nhiễm đại dương thường được biết đến thông qua những bằng chứng trôi dạt vào bờ - ống hút, chai nhựa, bao bì… Nhưng mối đe dọa lớn nhất, một "sát thủ vô hình" với sinh vật biển, lại ẩn sâu dưới lòng biển: những ngư cụ ma (ghost gear).

Ảnh: Aqua Images/Shutterstock

Ảnh: Aqua Images/Shutterstock

Ngư cụ ma là những thiết bị công nghiệp đánh bắt thủy hải sản bị rơi mất hoặc thả bỏ ở biển như lưới, dây thừng, phao, mỏ neo, bẫy cua, cá, tôm hùm... Các nhà khoa học ước tính ngư cụ ma chiếm 46% Đảo rác Thái Bình Dương (Great Pacific garbage patch) và ít nhất 10% rác thải nhựa trên biển, tương đương 500.000 đến 1 triệu ngư cụ bỏ lại đáy đại dương mỗi năm, theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).

Sát thủ vô hình

Trong một chuyến khảo sát năm 2018 ở một hang động ven biển miền đông Hàn Quốc, các nhà khảo cổ học tìm thấy vài ngư cụ là bằng chứng cho thấy loài người đã biết sử dụng các kỹ thuật phức tạp để đánh bắt thủy hải sản từ 29.000 năm trước. Bạn đoán thử xem chúng là gì? Móc câu? Giáo mác nhọn? Lưới? Sai hết. Thứ được tìm thấy là những viên đá.

Cũng có thể người tiền sử từng lấy đá chọi cá, nhưng có một chi tiết về những viên đá vừa lọt lòng bàn tay này khiến nhóm khảo sát không nghĩ thế: chúng đều có phần giữa được khắc rãnh sâu. Các nhà khảo cổ đoán rằng người xưa buộc những hòn đá này vào những tấm lưới bắt cá. Khi quăng lưới xuống vùng nước nông, đá nặng giữ lưới ở dưới đáy, không cho cá thoát ra ngoài.

Tuy thế, giả thuyết này chưa chắc chắn vì không tìm thấy mảnh lưới nào sót lại cả. Có thể tiếp tục giả định rằng lưới được đan bằng vật liệu hữu cơ nên bị phân hủy. Nếu người tiền sử dùng ngư cụ như chúng ta ngày nay, hẳn bằng chứng để lại sẽ vững chắc hơn nhiều. Nói cách khác, ngư cụ ma chỉ xuất hiện khi các đoàn thuyền đánh cá ra khơi với những công cụ bền chắc, chịu đựng tốt trong các điều kiện khắc nghiệt, tất nhiên là không dễ bị phân hủy hơn.

Tháng 12-2020, người viết đang ở Đài Loan và được chọn tham gia hội thảo quốc tế về các vấn đề môi trường và giáo dục, do Ủy ban Bảo vệ môi trường Đài Loan tổ chức. Trong lịch hoạt động có một buổi đi dọn rác trên bãi biển đảo Penghu. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ngư cụ ma - một đống bùi nhùi, gồm lưới và dây thừng, bị chôn vùi dưới lớp cát ẩm, phải dăm bảy người hợp lực mới kéo ra được.

WWF gọi ngư cụ ma là dạng nguy hiểm nhất của rác thải nhựa ở biển, đe dọa sự sống của khoảng 66% loài động vật dưới biển dù không còn được con người sử dụng. "Đó là một sát thủ vô hình" - báo The Guardian dẫn lời Christina Dixon, lãnh đạo chiến dịch vận động của Cơ quan điều tra môi trường (EIA), nhận xét.

Một số ngư cụ nguy hiểm được vớt từ đáy đại dương.

Một số ngư cụ nguy hiểm được vớt từ đáy đại dương.

Một trong những ngư cụ ma nguy hiểm nhất là lưới rê, một loại lưới đánh bắt cá thụ động. Cao 3-15m và có thể dài tới 3km, lưới được treo dựng đứng chắn ngang dòng nước biển, đợi những con cá bơi ngang, đầu lọt nhưng mình thì không.

Ngư cụ ma còn tạo nên những "mồ chôn tập thể" dưới biển. Ví dụ, khi một con tôm hùm đi vào bẫy mà không thể thoát ra, lần lượt các con tôm hùm khác cũng sẽ bò vào không gian đặt bẫy. Nếu cứ để những cái bẫy bằng sắt chìm dưới đáy, chắc chắn hệ sinh thái đáy biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ tác quái ở dưới biển, ngư cụ ma cũng có thể bị trôi dạt lên bãi biển, trở thành mối nguy hiểm cho 50% các loài chim và các loài ven biển khác hay cho chính an toàn của người đi biển: không ít trường hợp ngư cụ ma vướng vào bánh lái hoặc động cơ tàu thuyền.

Vứt đi và nhặt lại

Ra khơi với nắng gió đã cực sẵn rồi, ngư dân đâu hề muốn ngư cụ của mình biến thành ma, vì như vậy khác gì quăng cần câu cơm xuống biển (có những cái bẫy giá đến cả triệu đồng).

Có nguyên nhân ngư cụ nằm lại dưới biển, từ ngoài ý muốn (đánh bắt trong điều kiện trời dông bão hoặc ngư cụ bị vướng vào đá dưới đáy biển, vào các bãi đắm tàu) đến cố tình (đánh bắt trong các tình huống mạo hiểm, "được ăn cả, vướng thành ma"). Cũng có khi các tàu thuyền đánh bắt gần nhau quá hoặc hoạt động ở những vùng bị cấm như ở phía trên rặng san hô làm ngư cụ vướng không thể gỡ.

Cuối cùng, đúng là có chuyện ngư dân cố tình vứt bỏ ngư cụ ngoài biển. Chuyện này thường xảy ra ở những quốc gia đang phát triển khi vừa thiếu phương thức thu gom và xử lý ngư cụ hết vòng đời, mà kiến thức/ý thức của người sử dụng còn chưa cao. Ta sẽ làm gì với khối lưới nặng 400kg tới vài tấn ở cuối vòng đời của nó?

Ngư cụ rơi rớt thì nhặt lại, có gì đâu mà căng? Căng chứ, vì việc này đúng là mò kim đáy bể theo nghĩa đen. Cái khó đầu tiên là tìm ra chúng dưới lòng đại dương không dễ và miễn phí như dùng GPS định hướng trên đất liền. 

Cách thô sơ là dùng đầu dò như mấy cái mỏ neo móc vào thuyền để dò dưới đáy biển, chắc chắn gây tổn hại đến hệ sinh thái. Cách nữa là có thể cho con người lặn xuống những vùng khả nghi để tìm kiếm, nhưng tốn nhân lực và bản thân họ cũng có thể vướng vào bẫy. 

Hiện đại nhất là sử dụng công nghệ định vị bằng sóng âm sonar để dò tìm "ma" nhưng chi phí không hề rẻ. Chưa kể "con ma" có thể di chuyển liên tục theo dòng biển, vị trí xác định có thể không còn chính xác khi bắt đầu thu hồi.

Khó không có nghĩa là không làm. Ở Canada và Đài Loan, chính quyền yêu cầu ngư dân báo cáo khi mất ngư cụ và đánh dấu vị trí ban đầu để dễ tìm lại. Một số tổ chức như Global Ghost Gear Initiative và Coastal Action làm các ứng dụng nền web để ngư dân và công ty khai thác thủy hải sản ghi nhận chi tiết về ngư cụ bị mất hoặc nhờ người dân phát hiện giúp. 

Trong chuyến dọn rác ở biển Đài Loan, sau khi kéo được "con ma" lên bờ, chúng tôi đã chụp hình và đánh dấu vị trí của nó. Việc lập được một bản đồ sớm và chi tiết của những "con ma" sẽ giúp việc trục vớt và thu gom dễ hơn rất nhiều.

Phân loại bẫy cua “ma” vừa vớt được từ một cửa sông ở New Jersey (Mỹ), trong dự án dọn dẹp chung của Đại học Stockton và cộng đồng ngư dân địa phương. Ảnh: Susan Allen/Đại học Stockton

Phân loại bẫy cua “ma” vừa vớt được từ một cửa sông ở New Jersey (Mỹ), trong dự án dọn dẹp chung của Đại học Stockton và cộng đồng ngư dân địa phương. Ảnh: Susan Allen/Đại học Stockton

Ở bang Mississippi (Mỹ), một liên minh gồm Hiệp hội Ngư dân, Đại học Mississippi và Chương trình rác thải biển của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), khuyến khích người khai thác tôm thu thập và tái chế bẫy cua vô chủ với mức thưởng 5 đô la mỗi cái. Nhờ đó mà 3.000 cái bẫy được vớt lên sau 3 năm triển khai chương trình, theo tạp chí Hakai.

Nhưng tốt hơn hết là chặn từ gốc, chẳng hạn vận động và tạo động lực để ngư dân không để lại ngư cụ ở biển. Việc mất ngư cụ do đánh bắt trong điều kiện thời tiết bất lợi thật ra cũng có thể tránh được, nếu ngư dân thận trọng hơn khi giong thuyền ra khơi.

Từng có thời ngư cụ đánh cá làm bằng vật liệu tự nhiên như sợi lanh, vỏ cây đay-gai, quả bông hoặc từ động vật như tơ tằm. Chúng thân thiện với môi trường, dai và có độ đàn hồi tốt nhưng dễ bị mục nát và thời gian sử dụng ngắn. Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, nhu cầu cho một loại sợi bền chắc tăng cao. Lưới làm từ sợi ni lông sẽ ít hút ẩm, bền hơn, nhẹ hơn sợi tự nhiên nhưng chỉ vài chục năm sau đã trở thành thảm họa ở biển.

Ngoài cậy vào sự cẩn trọng và tinh thần tự giác của ngư dân, nghiên cứu sáng tạo ra các ngư cụ kiểu mới cũng là một cách làm cần được quan tâm. Nhiều dự án phát triển các ngư cụ bằng vật liệu tự hủy sinh học đang được ưu tiên triển khai, tuy thời gian phân hủy hoàn toàn cũng lên tới hai năm. Bên cạnh đó, nếu ngư cụ được gắn định vị ngay từ đầu thì sẽ giảm thời gian và chi phí để thu hồi khi chẳng may biến mất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận