Mạng hỏi đáp Việt Nam loay hoay tìm lối đi riêng

TRỌNG NHÂN 19/03/2021 22:10 GMT+7

TTCT - Không có các đối thủ cạnh tranh nước ngoài là một lợi thế lớn để các mạng hỏi đáp nội địa của Việt Nam phát triển. Thế nhưng, vẫn chưa có nền tảng nào thật sự nổi bật, dù những người trẻ đứng sau rất lạc quan và đầy tâm huyết.

Anh Võ Văn Đạt sáng lập trang hiepsi.top. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nguyễn Ngọc Minh Anh (35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) là một trong những thành viên tích cực của Yahoo! Hỏi & Đáp cách đây 10 năm. Mỗi ngày, anh vào trang ít nhất 5 lần, xem toàn bộ đề mục và bình luận sôi nổi.

Tuy nhiên, đến thời mạng xã hội, người ta không còn bỏ thì giờ đăng thắc mắc lên Yahoo! Hỏi & Đáp rồi chờ ai đó hồi âm, mà vào Google gõ thẳng từ khóa cần tìm. Với những vấn đề ngoài tầm của Google, người ta thường đăng lên trang cá nhân hoặc các nhóm chuyên môn trên Facebook tìm trợ giúp.

“Từ năm 2017, Yahoo! Hỏi & Đáp xuống dốc thấy rõ. Trang thành chỗ hỏi chuyện nhảm nhí, gạ tình, mại dâm trá hình. Một phần do các câu hỏi không được kiểm soát chặt làm cho nội dung không khác gì một… bãi rác. Đầu năm 2020, trang chính thức của Yahoo! Hỏi & Đáp không thể truy cập. Kết cục ai cũng đoán trước được” - Minh Anh chia sẻ.

Cú trượt dài của Yahoo! Hỏi & Đáp lại là đòn bẩy cho bạn trẻ nhen nhóm ý tưởng về một cộng đồng hỏi đáp do người Việt tạo ra và sử dụng trí tuệ đám đông của người Việt.

Điểm mặt mạng hỏi đáp Việt

Chấm hỏi (chamhoi.vn) ra mắt năm 2017, cũng hoạt động theo mô hình đám đông cứ hỏi, một đám đông khác sẽ trả lời. Người sáng lập trang, Trần Văn Lộc (1992, Hà Nội), cho biết có ngày trang nhận được gần 100 câu hỏi, từ vấn đề nghiêm túc đến những câu chuyện phiếm với nhau; từ kinh nghiệm đời sống, kiến thức học thuật hay cách giải bài tập.

Sau 3 năm, tổng cộng có khoảng 30.500 câu hỏi và 128.500 lượt trả lời. “Tôi không xác định sẽ cạnh tranh với Google hay Facebook. Ngược lại, chamhoi.vn thông qua Google, Facebook làm cầu nối cho nhiều người biết tới trang hơn” - Lộc nói.

Hiepsi.top cũng là một kênh trí tuệ đám đông lúc Yahoo! Hỏi & Đáp thoái trào. Võ Văn Đạt (1991, TP.HCM) - sáng lập dự án - chia sẻ sau một năm, số câu hỏi nhận được hơn 1.700. Trang như một diễn đàn, người dùng tạo tài khoản và đăng câu hỏi. Với những nội dung giống nhau, nhóm quy thành một, rồi lựa chọn phần trả lời chất lượng để người sau không lặp lại.

Hiện tại, mỗi ngày trang đón khoảng 700 người truy cập, phần lớn từ Google đưa sang. Các câu hỏi có thể do thành viên tạo ra, hoặc do đội ngũ quản lý gợi mở. Bộ phận đảm nhiệm công nghệ sẽ đưa nội dung xuất hiện trên top tìm kiếm của Google. Theo Đạt, tra Google là thói quen khi có thắc mắc của khoảng 80% người Việt dùng Internet. Do vậy dù là trang chuyên hỏi đáp, hiepsi.top vẫn phải đứng trên vai người khổng lồ Google.

Vẫn là bài toán chất lượng

Qua giai đoạn sôi nổi ban đầu, các trang như chamhoi.vn hay hiepsi.top đều có dấu hiệu đuối sức. Chị Văn Thị Bình Thanh (41 tuổi, Q.9, TP.HCM) là người dùng trung thành thời gian đầu của trang chamhoi.vn. Sự hăm hở 3 năm về trước giờ đây không còn. Số câu hỏi trên trang giảm xuống, lượng tương tác không như xưa và bài đăng chủ yếu xoay quanh chuyện làm đẹp, đánh giá sản phẩm. Không ít thắc mắc được trả lời “huề vốn”.

Như câu hỏi: “Em bị mọc mụn ngay trái tai. Không thấy nhân nhưng sờ vào cộm cộm. Bây giờ em phải làm sao ạ?”. Vài ngày sau, nội dung này nhận được duy nhất một hồi âm: “Không sao đâu, nó tự tan thôi!”. Trước đây, chị Thanh vào chamhoi.vn 3 lần 1 ngày thì ngày nay còn… 2 tuần 1 lần. “Facebook quá mạnh, nhiều nhóm trên đó có cả trăm ngàn người, chỉ cần một bài đăng là lập tức có cả chục bình luận để tham khảo” - chị Thanh nói.

Tình hình chung của các trang hỏi đáp ở VN là người hỏi nhiều hơn người đáp; có những câu không ai trả lời, nhưng có câu đến 4-5 phản hồi. Nhóm phát triển hiepsi.top cho biết có nhiều lý do: người dùng có thói quen xem và đọc hơn là bình luận, có người ngại xuất hiện, có người không thích tốn thời gian tạo tài khoản, có người sợ bình luận sai sẽ bị chê cười.

Trước muôn vạn câu hỏi thuộc đủ lĩnh vực, không dễ làm người trả lời. Theo Đạt, các thành viên trong nhóm cũng trực tiếp tham gia trả lời. Câu hỏi nào trong khả năng, Đạt tìm kiếm trên Google, tổng hợp lại các nguồn uy tín rồi trích dẫn lại. Nhiều câu hỏi, Đạt phải mất một hai ngày cân nhắc các nguồn uy tín mới có thể đưa ra tư vấn chính xác.

“Kết quả trên mạng rất nhiều nhưng một số người không biết nguồn nào uy tín, nên vào hỏi hiepsi.top. Chúng tôi giúp tìm kiếm câu trả lời chất lượng, như vậy sẽ có ích cho những người đọc sau. Phần trả lời lại được đưa ra Google, tiếp cận được nhiều người hơn” - Đạt nói.

 
 Ảnh chụp màn hình từ trang hiepsi.top

Đám đông hay chuyên gia?

Đạt cho rằng, suy cho cùng, thông tin trên các trang hỏi đáp chỉ mang tính tham khảo, không cho kết luận cuối cùng. Người dùng cần thông minh lựa chọn câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, các trang về trí tuệ đám đông sẽ là xu hướng, quan trọng là trang chiếm được niềm tin của người dùng từ đầu hay không.

Muốn có được niềm tin và uy tín, theo Đạt, các trang phải kết nối các chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực giúp giải đáp những câu hóc búa, và làm cho những câu bình thường thú vị và đáng đọc hơn. Điều này tạo khác biệt so với khi đáp trên Facebook khi chỉ được những “người như mình” trả lời.

Ai cũng biết Quora lớn mạnh là vì có rất nhiều chuyên gia, người có trình độ tham gia giải đáp trên đó, nhưng để làm được điều đó không dễ. “Muốn kết nối được chuyên gia, phải cho họ lợi ích. Muốn có lợi ích, có thể là về kinh tế, thì trang phải có vốn hoặc được đầu tư mạnh. Giải quyết được bài toán này thì cộng đồng hỏi đáp sẽ phát triển” - Đạt nói.

Do quy mô chưa lớn, hiepsi.top hiện chỉ chú trọng phát triển nội dung và cộng đồng người dùng. Trang hoàn toàn phi lợi nhuận, dù có điều kiện đặt quảng cáo. “Khi cộng đồng đủ mạnh, chúng tôi có thể thu phí thành viên khi tham gia và giúp họ kết nối với những chuyên gia giỏi. Chúng tôi sẽ tìm kiếm những nguồn đầu tư phát triển đội ngũ và nội dung. Dự kiến khoảng 2 năm nữa là có thể kiếm tiền” - Đạt nói.

Ngược lại, Lộc cho rằng nếu tập trung vào kết nối chuyên gia thì trang chamhoi.vn sẽ mất đi bản chất sử dụng trí tuệ đám đông. Dự án định hướng theo hướng phi lợi nhuận với mong muốn cuối cùng là chỉ một cộng đồng hỏi đáp cho người dùng.

Giải pháp để đảm bảo chất lượng cho câu trả lời của chamhoi.vn là xây dựng thuật toán hỗ trợ kiểm tra. Tuy nhiên, dù máy móc có thể cho ra các cảnh báo, nhưng cũng cần đội ngũ có kiến thức chuyên môn để xác thực “thủ công”. Có thế, thông tin trên trang mới góp ích cho người dùng. “Đội ngũ của chúng tôi phải giảm nội dung, để nắm thật chắc phần chúng tôi mạnh nhất là làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Khi đã có nền tảng, chúng tôi sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác” - Lộc nói. ■

Nhận thấy sự thành công của Quora trên thế giới, một nhóm bạn trẻ lên ý tưởng thành lập một cộng đồng trên Facebook, trích dẫn và dịch thuật lại những câu hỏi, phần trả lời hay trên Quora. Trang fanpage chính thức, tên QRVN, thu hút hơn 100.000 lượt theo dõi, những bài viết luôn được hàng trăm lượt thích, chia sẻ và bình luận.

Một thành viên từng là admin của trang chia sẻ, những ngày đầu thành lập, không nghĩ cộng đồng QRVN lại nhận được sự hưởng ứng như ngày nay. Những bài viết dù dài, đề cập đến những chủ đề có vẻ khô khan như kinh tế, khoa học, công nghệ vẫn có nhiều người đọc. Các bài viết được đảm bảo giữ đúng bản gốc từ Quora.

Tuy nhiên, để tạo ra một Quora dành riêng cho người Việt, do người Việt viết và bàn những câu chuyện của người Việt cần tốn nhiều nguồn lực. “Trong thời điểm này, chuyển ngữ vẫn là ưu tiên” - admin này chia sẻ thêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận