Mạng người và mạng chó

ĐOÀN KHẮC XUYÊN 24/06/2014 07:06 GMT+7

TTCT - Xin lỗi độc giả nếu cái tiêu đề của bài viết này có làm độc giả bị sốc. Quả thật không thể đặt mạng người ngang với mạng chó, nhưng câu chuyện quá đỗi đau lòng về ba thanh niên đã phải bỏ mạng khi truy đuổi những kẻ trộm chó ở Củ Chi (TP.HCM) hôm 14-6-2014 khiến có lẽ không ai không bị sốc.

Minh họa: Đức Trí

Chúng ta đang sống giữa sự phi lý tột cùng khi ba sinh mạng trai trẻ bị tước đoạt một cách dễ dàng, oan uổng chỉ vì ba con chó bị đánh cắp.

Phi lý tột cùng bởi tài sản bị mất không phải là thứ có giá trị quá lớn nhưng họ vẫn phải đuổi theo kẻ trộm để rồi bị mất mạng (do bị kẻ trộm chó bắn rồi té ngã, bị chấn thương), chỉ vì trước đó trong khu vực đã có những kẻ trộm chó trót lọt, không bị trừng trị, do vậy họ tin rằng họ chỉ có thể cậy vào sức mình để đoạt lại tài sản bị mất.

Trộm chó đã trở thành thứ tội phạm hoành hành phổ biến ở nhiều vùng nông thôn khiến người dân công phẫn trong khi pháp luật thì bó tay, dù ở địa bàn nào cũng có công an khu vực, có dân phòng... Nạn trộm chó nhiều lúc đã dẫn đến những kết cục bi thảm cho kẻ trộm khi bị bắt và bị đánh đến chết, và nay là kết cục bi thảm cho người dân muốn bảo vệ tài sản của mình. Ba mạng người mất vì ba con chó, một đời sống xã hội như vậy không phải phi lý thì là gì?

Nhưng đó không phải là sự phi lý duy nhất. Nạn rải đinh trên xa lộ (mà có người gọi một cách không chính xác là “đinh tặc”) để làm xẹp bánh xe người đi xe máy hòng móc tiền vá xe, thay ruột bánh xe với giá cắt cổ là một tệ nạn hay tội phạm khác tồn tại đã lâu mà không được xử lý rốt ráo cũng là một sự phi lý tương tự.

Dưới góc nhìn của người dân, người ta thấy nạn trộm chó hay nạn rải đinh không phải khó giải quyết như nạn buôn bán ma túy hay nạn mại dâm, nhưng họ không hiểu được vì sao không thể giải quyết rốt ráo dù ngân sách nhà nước trả lương, thù lao cho lực lượng giữ gìn trật tự xã hội khá đông đảo.

Ở đây có hai khía cạnh: 1) trong xã hội tồn tại một số người làm tiền bằng mọi cách bất chấp thiệt hại gây ra cho người khác, bất chấp luật pháp và đạo lý; 2) sự chế tài của luật pháp không đủ sức răn đe, do bản thân quy định pháp luật và những người bảo vệ pháp luật chưa xem trọng việc bảo vệ tài sản của công dân.

Nếu luật pháp xem trọng việc bảo vệ tài sản của công dân, nếu những người thực thi pháp luật xem trọng việc bảo vệ tài sản và cuộc sống yên lành của công dân, hẳn người ta đã tìm ra được biện pháp để loại bỏ nạn trộm chó cũng như nạn rải đinh ra khỏi đời sống xã hội.

Và một khi luật pháp, các lực lượng thực thi luật pháp không làm được nhiệm vụ mà người dân trông đợi nơi họ, điều dễ hiểu là người dân sẽ phải tìm cách tự xử. Bi kịch cho cả hai bên, người bị trộm và kẻ trộm, xảy ra từ đó, sự bất an và rối loạn xã hội cũng nảy sinh từ đó.

Làm gì để xóa bỏ sự phi lý này trong đời sống xã hội? Có lẽ không có câu trả lời dễ dàng nào cho một tình trạng đã lây lan quá rộng trong đời sống xã hội và có lẽ những người phải trực tiếp chịu hậu quả và xử lý hậu quả của các vụ việc đau lòng có thể có tiếng nói sát thực tế hơn.

Ở góc độ là người quan sát bên ngoài, có lẽ chúng ta chỉ có thể nói rằng luật pháp, các quy định luật pháp phải đi sát hơn nữa với thực tiễn cuộc sống và những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống thực, nhất là trong việc bảo vệ tài sản của công dân; những người thực thi và bảo vệ pháp luật cần có ý thức và toàn tâm toàn ý hơn nữa trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của công dân và cuộc sống yên lành của họ.

Với những người cố tình xâm phạm tài sản và đôi khi là cả tính mạng của người khác, luật pháp phải buộc được họ đền bù, trả giá cho những gì họ đã xâm phạm. Bên cạnh đó, về lâu dài là giải quyết cái gốc của vấn nạn: giúp họ sống được bằng đôi tay lương thiện của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận