Martin Scorsese: Càng làm nhiều phim, tôi càng nhận ra rằng mình thực sự không biết…

LÂM LÊ 12/11/2023 14:05 GMT+7

TTCT - Trong hơn 5 thập niên, với 26 bộ phim truyện và một số phim tài liệu về âm nhạc hoặc chân dung, Martin Scorsese đã trở thành một huyền thoại, "đạo diễn (còn sống) vĩ đại nhất trên thế giới" như lời F. F. Coppola nói về ông.

Martin Scorsese: Càng làm nhiều phim, tôi càng nhận ra rằng mình thực sự không biết… - Ảnh 1.

Điều gì làm nên tên tuổi ông cùng những kiệt tác điện ảnh mê hoặc và phong cách điện ảnh truyền cảm hứng ấy?

Khi khán giả Việt Nam đang xem thiên sử thi về lòng tham và tội ác Killers of the Flower Moon (Vầng trăng máu) của Martin Scorsese trong thời đại tràn ngập các bộ phim bom tấn sci-fi này, hẳn sẽ có ai đó thắc mắc: Vì sao Scorsese chưa bao giờ làm phim sci-fi (khoa học giả tưởng) hay fantasy (thần thoại, siêu thực)…

Các bối cảnh phim của ông đều mô tả thế giới thật, những câu chuyện của ông đều diễn ra trong những thế giới có thật của chúng ta.

Theo lằn ranh mong manh trắng - đen

Cùng đứng trong nhóm những bậc thầy của dòng phim băng đảng tội phạm, nhưng phong cách kể chuyện của Martin Scorsese khác xa F. F. Coppola, càng khác với phong cách của "quái kiệt" Quentin Tarantino. Ông luôn có góc nhìn, trải nghiệm cá nhân và cách kể chuyện riêng.

Đó thường là những câu chuyện trong thế giới vô đạo đức hoặc ở giữa lằn ranh trắng và đen. Đó có thể là thế giới về đêm nhơ nhớp ở New York qua mắt nhìn của một gã đàn ông cô độc trong Taxi Driver, băng đảng tội phạm có tổ chức và giết người không gớm tay như trong Goodfellas hoặc những kẻ lừa đảo, thao túng tài chính ở phố Wall và ăn chơi trác táng trong The wolf of Wall Street…

"Tôi bị mê hoặc bởi những gì xảy ra với những nhóm người bị mắc kẹt trong một hoàn cảnh hoặc bị áp bức về mặt chính trị, kinh tế nào đó" - ông từng nói.

Để xây dựng một thế giới tội phạm (hay bất cứ thế giới nào khác), với ông, quan trọng nhất là phải xây dựng nhân vật chân thực trong thế giới mà họ đang tồn tại.

Ông không quan tâm đến nhân vật phản diện hay anh hùng mà quan tâm đến những nhân vật ở giữa, với những câu hỏi khắc khoải về nguồn gốc xuất xứ và tính cách đặc biệt của nhân vật ấy.

Leonardo DiCaprio, ngôi sao từng cộng tác với ông qua sáu bộ phim, từng nói: "Ông ấy luôn quan tâm đến những nhân vật có nhiều thiếu sót và nắm bắt con người thật sự của họ từ trong bản chất".

Để trả lời cho câu hỏi tại sao trong phim của ông có nhiều nhân vật phản diện được xây dựng như những nhân vật chính của bộ phim đầy bạo lực, Scorsese trả lời rằng nhân vật phản diện cũng là con người. Và phần tiêu cực, xấu xí trong những nhân vật này cũng có thể là điều gì đó trong mỗi chúng ta.

"Bản thân bạo lực là một cách thể hiện và một lối sống. Và nếu đó là lối sống của những nhân vật mà bạn xây dựng, bạn phải thành thật với điều đó nhất có thể. Tính bạo lực trong phim của tôi không hề dễ chịu một chút nào nhưng tôi muốn "nhận chân" nó. Bạn gặt những gì bạn gieo, tôi không biết cách nào khác để thể hiện điều đó như cách tôi đã làm với những bộ phim của mình" - ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Trong những kiệt tác về đề tài tội phạm hay sự tha hóa đạo đức của mình, điều hấp dẫn nhất trong tài năng kể chuyện của Scorsese là xây dựng tính cách nhân vật với đúng bản chất "người phàm" của bọn họ, chưa bao giờ lý tưởng hóa hay cố gắng "làm đẹp" nhân vật.

Đó là tay đấm bốc Jack LaMotta (Robert DeNiro) huyền thoại được mệnh danh là "bò mộng" chiến thắng ngoạn mục trên võ đài, và cũng là một kẻ ưa bạo lực, ghen tuông mất kiểm soát, thậm chí còn tự hủy hoại bản thân trong kiệt tác phim tiểu sử Raging Bull (1980).

Đó là một thằng nhóc lớn lên từ đường phố New York, chứng kiến các băng đảng tội phạm lộng hành và rồi trở thành một phần trong thế giới đó như Henry Hill (Ray Liotta) trong Goodfellas.

Hoặc một gã phi công tỉ phú ham mê đời sống hào nhoáng của Hollywood, nhảy vào làm phim, cặp kè với nhiều mỹ nhân điện ảnh, luôn sống trong nỗi ám ảnh hoặc chứng rối loạn nhân cách như Howard Hughes (Leonardo DiCapio) trong The Aviator

Một phần của bức ảnh tư liệu năm 1924 chụp các thành viên của bộ tộc Osage Nation cùng các nhà lãnh đạo và doanh nhân da trắng nổi tiếng ở địa phương (trái), dẫn đến cuốn sách Killers of the Flower Moon: The Osage Murders and the Birth of the FBI của David Grann, thuật lại những vụ án chấn động miền Tây nước Mỹ những năm 1920 mà nạn nhân là các thành viên của Osage Nation, bộ tộc thổ dân giàu có nhất thời bấy giờ và rồi tiếp tục là nguồn cảm hứng cho Martin Scorsese làm phim Killer of the Flower Moon (phải).

Một phần của bức ảnh tư liệu năm 1924 chụp các thành viên của bộ tộc Osage Nation cùng các nhà lãnh đạo và doanh nhân da trắng nổi tiếng ở địa phương (trái), dẫn đến cuốn sách Killers of the Flower Moon: The Osage Murders and the Birth of the FBI của David Grann, thuật lại những vụ án chấn động miền Tây nước Mỹ những năm 1920 mà nạn nhân là các thành viên của Osage Nation, bộ tộc thổ dân giàu có nhất thời bấy giờ và rồi tiếp tục là nguồn cảm hứng cho Martin Scorsese làm phim Killer of the Flower Moon (phải).

Scorsese yêu thích những nhân vật có nhiều khiếm khuyết. Travis trong Taxi Driver (Robert DeNiro) là ví dụ điển hình. Travis bị bao quanh bởi một thế giới vô đạo đức, cô độc, mang hội chứng sang chấn tâm lý hậu chiến tranh, mất ngủ triền miên, nội tâm vô cùng bất ổn. Càng thâm nhập thế giới New York về đêm, anh ta càng kinh tởm cái thế giới nhơ bẩn đó và nảy sinh ý định thay trời hành đạo…

Trong Killers of the Flower Moon, Ernest Burkhart (Leonardo) cũng là một hình mẫu nhân vật đầy khiếm khuyết về mặt đạo đức và dễ thao túng về mặt tinh thần. Đó quả là mảnh đất màu mỡ cho cái ác nảy mầm và tội lỗi được thực thi trong sự tha hóa đến tận cùng về mặt đạo đức của anh ta.

Leonardo DiCaprio trong Killers of the Flower Moon

Leonardo DiCaprio trong Killers of the Flower Moon

Tôn thờ ánh sáng thực

Để tái hiện những bộ phim có tầm vóc sử thi hoặc tái hiện một bối cảnh lịch sử, văn hóa, Scorsese đặc biệt quan tâm đến thiết kế bối cảnh. Vì đặt câu chuyện của mình vào thế giới thực, ông xây dựng bối cảnh thực với những hình ảnh thô sơ, gai góc và chân thực.

Ông luôn tránh những sắc màu đậm hoặc những màu gây mất tập trung thị giác, nhưng vẫn thích sử dụng màu sắc để báo hiệu sự nguy hiểm hoặc một trạng thái tâm lý "phức cảm" nào đó của nhân vật trong cơn hoang tưởng hay rối loạn cảm xúc của họ.

Tôi vẫn luôn nói với các nhà làm phim trẻ và các sinh viên trẻ tuổi rằng tôi làm điều đó giống như các họa sĩ từng làm hoặc đang làm: nghiên cứu các bậc thầy đi trước, làm phong phú bảng màu và mở rộng khung vẽ của bạn. Luôn có rất nhiều điều để học hỏi”.
Martin Scorsese

Màu sắc, với ông, là công cụ để kể chuyện, là cách thể hiện tính cách nhân vật, là tâm trạng đầy kích động của nhân vật. Chiếc áo vest màu cam rực rỡ trong phân cảnh giới thiệu nhân vật chính Sam 'Ace' Rothstein (Robert DeNiro) là một ví dụ sinh động để thể hiện sự phô trương quyền lực và thế giới xa xỉ của tay trùm sòng bạc trong bộ phim Casino.

Robert DeNiro trong phim Casino

Robert DeNiro trong phim Casino

"Điện ảnh là vấn đề về những gì trong khung hình và những gì ngoài khung hình" - câu nói này của ông đã trở thành tuyên ngôn được trích dẫn rất nhiều, cho thấy quan niệm về nghệ thuật quay phim của ông gây ảnh hưởng sâu đậm như thế nào.

Đó là một đường lối kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau trong quay phim, từ sử dụng ánh sáng, chuyển động của máy quay, lựa chọn ống kính và thiết lập khung hình.

Tất nhiên, ánh sáng thực luôn là một ưu tiên của ông để giúp chiếu sáng các cảnh quay.

Và bởi thế, hành trình xem phim của khán giả cũng là một hành trình thức tỉnh của thị giác, theo những dẫn dắt của Scorsese khi cận cảnh, khi lấy ống kính góc rộng.

Ông thường sử dụng các cú máy đặc trưng như tracking shot, long-take, slow-motion, zoom-in, zoom-out, di chuyển máy quay để mô phỏng và nâng cao cảm xúc của cảnh quay.

Ta sẽ luôn nhận ra Martin Scorsese với một đặc điểm: những cú máy trên cao (overhead shot) để mô tả những cảnh nhân vật bị giết chết - như thể đấy là góc nhìn của Chúa trời hoặc thế giới bên kia.

Một trong vài cú máy trở thành huyền thoại trong điện ảnh đương đại của Martin Scorsese là cảnh mở đầu trong Taxi Driver với sự quyến rũ của nó trong việc mở ra thế giới về đêm của New York và tâm trạng cô độc của gã lái taxi.

Hoặc cú máy "long tracking shot" kinh điển dài gần 5 phút theo chân gã gangster Henry Hill (Ray Liotta) dắt bạn gái bước vào quán bar để giới thiệu thế giới băng đảng mà hắn ta tự hào là một phần của nó trong Goodfellas.

Những cảnh bạo lực được ông sử dụng đôi khi rất đơn giản, như cảnh giết người hàng loạt trong Goodfellas, The Irishman hay Killers of the Flower Moon mới đây. Những kẻ tội phạm ra tay nhanh chóng, không đắn đo suy nghĩ, giết người như giết một con thú… Ta sẽ thấy đó chính là đời thực, bởi tội ác được thực hiện đơn giản hơn ta tưởng tượng.

Thời mới vào nghề, Scorsese thường tự dựng phim, nhưng rồi ông tìm ra Thelma Schoonmaker, người hiểu ngôn ngữ điện ảnh của ông một cách chuẩn xác, trở thành cánh tay phải của ông và đoạt tới ba giải Oscar nhờ các bộ phim của ông.

Bởi đều thích phong cách dựng phim thô ráp, cùng nhau họ tạo ra những cảnh phim kích thích cảm giác mạnh cho khán giả, năng lượng của họ được thể hiện qua mỗi cú cắt, chuyển cảnh đầy phóng túng hoặc dồn dập.

“Tôi thường được các nhà làm phim trẻ hỏi rằng tại sao tôi lại phải xem những bộ phim cổ điển. Và câu trả lời của tôi là: tôi vẫn coi mình là sinh viên. Tôi càng làm nhiều phim trong hai mươi năm qua, tôi càng nhận ra rằng mình thực sự không biết. Và tôi luôn tìm kiếm điều gì đó hoặc ai đó mà tôi có thể học hỏi.
Martin Scorsese

Ở tuổi 81, Martin Scorsese thừa nhận rằng ông "không còn nhiều thời gian" nhưng cũng không hề bộc lộ dấu hiệu dừng lại. Một dự án ông cộng tác với Leonardo DiCaprio đang trong quá trình tiền sản xuất.

Bởi vậy, với con người làm chủ ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao này, ta hẳn sẽ có những cơ hội nữa để thường thức tài năng kể chuyện của riêng ông, những thiết kế bối cảnh, quay phim, sử dụng âm nhạc, bảng màu kỹ thuật dựng phim không lẫn với ai - những thứ đều được thực hiện bởi những nghệ sĩ và tên tuổi lớn trong làng điện ảnh.

Tất cả khiến mỗi bộ phim của ông là một bữa tiệc thịnh soạn của điện ảnh thết đãi người xem ở những tiêu chuẩn cao nhất. ■

Martin Scorsese chỉ cao 1,60m, nhưng không ai không nhìn nhận đấy là một người khổng lồ trong thế giới điện ảnh đương đại.

Bắt đầu sự nghiệp làm phim trong những năm cuối thập niên 1960, tỏa sáng rất sớm với Taxi Driver (1976) giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes, Scorsese là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của phong trào "New Hollywood" thành danh từ thập niên 1970 với sự cách tân táo bạo và đậm dấu ấn cá nhân hơn.

Nhiều tên tuổi lớn của phong trào này đã giã từ sự nghiệp hoặc dần xuống dốc, như F. F. Coppola, Woody Allen, Terence Malick, thậm chí cả Steven Spielberg nhưng Scorsese thì vẫn đứng đó lừng lẫy.

Bộ phim mới nhất: Killers of the Flower Moon cho thấy phong độ vẫn lừng lẫy ấy, dẫu vẫn là chủ đề quen thuộc về lòng tham và cái ác đặt trong một bối cảnh lịch sử "đen tối" của nước Mỹ thời hiện đại.

Trên hết, giới điện ảnh hàn lâm kính ngưỡng ông không chỉ vì vô số giải thưởng điện ảnh danh giá ông đã đạt được (chín lần được đề cử Oscar đạo diễn xuất sắc nhất, là đạo diễn còn sống có nhiều đề cử nhất ở hạng mục này) mà còn vì những tranh đấu của ông cho họ.

Người ta sẽ luôn nhớ những lời chỉ trích của ông về ngành công nghiệp hám tiền của Hollywood, nhất là dòng phim "thương hiệu" và "siêu anh hùng" đang hạ thấp giá trị của nghệ thuật điện ảnh; và cách ông luôn tri ân những di sản của các bậc thầy đi trước cùng sự khen ngợi chân thành cho những tài năng đương thời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận