Mắt kính...vỉa hè

NGUYỄN PHAN 27/06/2004 01:06 GMT+7

TTCN - Có một “mắt kính Sài Gòn” với những bảng đèn màu nhấp nháy trong những cửa tiệm sang trọng dành cho người có nhiều tiền... Và cũng có một “mắt kính Sài Gòn” nằm dọc trên các vỉa hè, nơi mà chỉ cần 20.000 đồng là ta có thể ung dung sở hữu một cặp kính môđen mới tinh...

Phóng to
Mắt kính được bày bán ở vỉa hè
TTCN - Có một “mắt kính Sài Gòn” với những bảng đèn màu nhấp nháy trong những cửa tiệm sang trọng dành cho người có nhiều tiền... Và cũng có một “mắt kính Sài Gòn” nằm dọc trên các vỉa hè, nơi mà chỉ cần 20.000 đồng là ta có thể ung dung sở hữu một cặp kính môđen mới tinh...

Thượng vàng, hạ... kính

- Cái kính này bao nhiêu?
- Chỗ khách quen lấy rẻ anh 30.000đ!
- Mắc quá vậy, 10.000đ thôi!
- Trời! Mắt kính này mà anh trả 10.000đ, hàng này mới về, môđen mới nhứt, bớt anh 5.000đ.

Sau một hồi ngã giá với anh bán mắt kính gần ngã tư Lý Chính Thắng - Trương Định, quận 3, tôi đã trở thành chủ nhân cặp kính có ghi hàng chữ “Okey” với giá bán để giữ mối là 15.000đ. Thấy tôi chê rằng đeo vào con mắt mình nó sao sao, anh chàng bán kính liền tư vấn: “Anh thay tròng “ọt ma”đi!, dễ nhìn hơn tròng nhựa!”. “Bao nhiêu?”, “45.000đ, thôi chỗ anh em lấy anh tất cả là 50.000đ, tui thay tròng “ọt ma” xịn cho anh luôn!”. Chưa đầy ba phút tôi đã có một tròng kính “ọt ma” mới!

Hôm sau tôi lại đến một điểm bán kính gần đường Kỳ Đồng (Q.3), lần này tôi hỏi mua mắt kính đổi màu. Anh chàng bán kính lôi từ trong túi nilông ra hàng loạt hộp đựng mắt kính được giấu sau giá đựng. Những mắt kính gọng vàng chói lóa được hét từ 100.000 -150.000đ.

Thấy tôi ngần ngừ anh ta tung tuyệt chiêu: “Nè, hàng này mua làm của xài suốt đời luôn. Kiếng Ray Ban chính hiệu, để anh giá hữu nghị là 350.000đ”. Theo lời anh ta, kính này có từ... trước 1975 nhưng nước xi và chất lượng vẫn nguyên vẹn, hơi cổ điển, lạc hậu so với hiện nay nên mới có giá như thế! Còn nếu tôi chê mắc thì anh sẽ để rẻ cho mắt kính đổi màu, gọng mạ vàng hiệu Shiseido giá 120.000đ; tôi thử ngã cái giá 50.000đ thì... thất bại. Cuối cùng “tỉ số” được ấn định là 70.000đ sau khi tôi ra “tối hậu thư”: “Không bán thì thôi, nếu tôi đi anh đừng gọi lại”.

Tại đường Trần Quang Diệu (Q.3), những hàng bán kính nằm xem kẽ với hàng bán cà vạt, vớ... Mắt kính ở đây chủ yếu là hàng nhựa đủ màu, phong cách trẻ trung. Khách hàng cũng đa dạng như mắt kính vậy, công nhân, học sinh, người đi xe đạp hoặc xe máy đắt tiền đều ghé vào, cùng ngồi chồm hổm lựa hàng. Quầy tôi chọn là một thanh niên khoảng 20 tuổi, giá cả ban đầu được đưa ra là 40.000đ/mắt kính nhựa thông thường và 60.000đ cho mắt kính đổi màu. Sau một hồi ngã giá, có lẽ vì quá bực mình trước sự cò kè của tôi, anh thanh niên chỉ vào đống kính và “nói thẳng nói thật”: “20.000đ một cái, lấy đi đừng có trả treo nữa. Thấy tôi chê mắc, anh ta liền thương lượng: “Muốn rẻ lấy kính “xe ôm”, giá 15.000đ!”.

Mắt kính... di động

Sài Gòn có hai loại: loại bán di động với nhiều kiểu cho khách chọn lựa và loại bán theo kiểu... “giang hồ”. Buổi sáng uống cà phê quanh quẩn ở các vỉa hè ta còn có thể gặp những người bán đồ “tả pín lù”, trong đó mắt kính luôn là mặt hàng chiến lược. Đa số người bán là thanh niên (cả nam lẫn nữ) phải đeo trên mình đủ thứ hầm bà lằng khá nặng. Mắt kính này có giá rất rẻ chỉ 10.000 - 15.000đ.

Một người bán dạo kể: “Hàng bán chạy nhất chủ yếu là kính mica trắng, to và kín dùng để đeo tránh bụi”. Thậm chí anh cho biết cũng thủ theo một vài kính đẹp nhưng cất kỹ trong người. Khi gặp đúng đối tượng sẽ lấy ra và “đôn” lên thành hàng xịn với giá gấp đôi gấp ba giá để bên ngoài. Khách chứng kiến cảnh người bán “trân trọng” với cặp mắt kính, “nâng như nâng trứng”, nhưng nếu ngờ nghệch sẽ dễ dàng bị “việt vị” ngay.

Bán theo kiểu “giang hồ” là những thanh niên mặt mày bặm trợn cầm trên tay duy nhất một cặp mắt kính và gạ những người đang uống cà phê vỉa hè. Có 101 lý do để người bán bày tỏ: “Hàng này xịn lắm, em đang kẹt tiền nên cần bán gấp” hay “mới chôm được của khách nước ngoài”. Anh M.N. ghé vào một điểm bán kính trên đường Điện Biên Phủ và mua một chiếc kính râm giá 30.000đ. Sau đó anh mới ân hận khi phát hiện đã mua mắc 10.000đ. Nhưng sau đó một thanh niên gạ anh mua kính “xịn” giá 80.000đ giống y chang kính của mình.

Thấy tôi than từ ngày đeo kính tròng nhựa con mắt nó hay mỏi, chủ một điểm bán kính thành thật khuyên: “Anh đừng ham rẻ mà mua loại này”. Tôi ngắm lại cái mắt kính hiệu Okey của mình, tròng kính phía bên trái đã bung ra một nửa gọng. Một cặp kính khác mà tôi tậu bên đường Điện Biên Phủ thì ốc vít của phần tì vào mũi rơi tự lúc nào sau ba ngày sử dụng. Quả là tiền nào của nấy!

...Làm đẹp bình dân

Trên đường Hồ Xuân Hương (Q.3), khúc nối giữa hai đường Nguyễn Thông và Bà Huyện Thanh Quan, là một phố bán mắt kính dành cho nữ. Từng giá đựng mắt kính được để đứng trên vỉa hè, thậm chí còn xuống cả lòng đường. Kính ở đây quả thật đa dạng và phong phú: Gucci, Ray-Ban, Police, Shiseido...

Những mắt kính trong suốt, đủ màu sắc và kiểu dáng. Tròng nhựa, tròng kính, gọng trong, gọng kim loại, gọng dày, gọng mỏng, gọng gấp, gọng bẻ..., mỗi thứ một kiểu riêng biệt khiến lắm khi mắt và tay của khách hàng luôn đối chọi lẫn nhau, khi mà mắt thì nhìn cái này nhưng tay lại cầm cái khác... “Anh mua kiêng cho bạn gái phải không?” - anh chàng bán kính không kịp chờ câu trả lời của tôi đã tiếp thị tiếp - “Mặt bạn gái anh như thế nào? Tròn thì lấy loại này, dài thì lấy loại kia!”.

Theo lời của anh, hàng bán ở đây chủ yếu là hàng hiệu second-hand nên giá rẻ hơn hàng mới nhiều lần. Đưa tôi xem một mắt kính hiệu Otto, anh nói: “90.000đ, bán ở đây không đóng thuế nên rẻ, anh vô siêu thị thì giá 120.000đ”.

Tôi có người bạn thay kính như thay áo. Mỗi tuần anh ta lại tậu cho mình một cặp kính mới. Lúc màu xanh, lúc màu đen, lúc mắt kính to tổ bố, lúc lại tròn và nhỏ. Cái giá từ 20.000 - 40.000đ một mắt kính khiến anh bạn tôi luôn thay đổi sở thích về mắt kính mà không chút đắn đo. Nếu tập hợp lại những cặp mắt kính mà anh đã mua thì có lẽ anh ta đã có một bộ sưu tập!

Lần cuối cùng ghé qua khu phố Hồ Xuân Hương, tôi đã chứng kiến một cảnh thật dễ thương, đó là cô gái trẻ đi trên chiếc Wave Alpha ghé vào hàng bán kính, không phải để mua mà để đổi lại cặp mắt kính có hiệu Channel, vì theo lời cô là màu đen đeo không hợp. Anh bán hàng vui vẻ cho chọn lại mắt kính khác và kiêm luôn vai trò “nhà tư vấn”: “Màu khói nhạt phù hợp với gương mặt em hơn!”.

Tôi biết đó là “bạn hàng” của anh, những bạn hàng trẻ tuổi luôn có nhu cầu làm mới cho mình bằng mắt kính nhưng túi tiền không nhiều. Đó là nhu cầu thật của những người trẻ tuổi không đủ tiền để sở hữu những chiếc kính hàng hiệu giá lên đến triệu đồng. Và họ chọn đến “mắt kính vỉa hè”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận