TTCT - Đông Nam Á (ĐNA) là vùng đất may mắn lưu giữ 15% diện tích rừng nhiệt đới của Trái đất, và nhờ đó giàu có về mặt đa dạng sinh học, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng lượng carbon toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực này cũng là một điểm nóng về nạn phá rừng. Không ảnh chụp một khu vực đã bị dọn sạch cạnh rừng đầm lầy Kerumutan (tỉnh Riau, Indonesia) vào tháng 8-2010 của tổ chức Greenpeace. Ảnh: AFPTheo bài viết “Tương lai của những cánh rừng ĐNA” trên tạp chí khoa học Naturehồi tháng 4-2019, mảnh đất trù phú này đã đánh mất khoảng 80 triệu ha rừng chỉ trong 10 năm (2005-2015).Trong đó, phần mất mát trên lãnh thổ Indonesia chiếm đến gần 2/3, bỏ xa vị trí thứ nhì là Malaysia (16,6%). Những quốc gia mất rừng hàng đầu còn có Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Các chuyên gia lo sợ xu hướng phá rừng như hiện nay có thể dẫn đến hơn 40% sự đa dạng sinh học của ĐNA biến mất vào năm 2100.Những “lá chắn” đã mấtMạng lưới sinh vật phức tạp và dồi dào nhất thế giới có thể được tìm thấy ở những khu rừng ngập mặn, nơi cung cấp môi trường sinh sản quan trọng cho khoảng 3/4 số loài cá mà con người đánh bắt ngoài đại dương. 42% diện tích rừng ngập mặn của thế giới nằm tại ĐNA.Bên cạnh việc nuôi dưỡng nguồn hải sản, rừng ngập mặn còn là “lá chắn” quan trọng bảo vệ hành tinh trước những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Chúng có khả năng lưu trữ lượng carbon nhiều hơn gấp 10 lần so với hệ sinh thái trên cạn. Rừng ngập mặn cũng giảm thiểu tác động của sóng biển và gió mạnh, nhờ đó giúp giảm xói mòn và giữ phù sa ở lại.Nếu ai đó còn nghi ngờ sức mạnh của những bộ rễ dị thường kia, hãy hỏi người dân ở bờ biển Aceh, tỉnh cực bắc Indonesia, nơi đã hứng chịu thảm họa sóng thần khủng khiếp vào tháng 12-2004. Nước biển khi đó hòa màu máu đỏ, khi ước tính có 227.898 người thiệt mạng, phần lớn đến từ Aceh.Gần một năm sau thảm họa, tạp chí Science công bố một nghiên cứu cho thấy các khu vực có rừng ngập mặn hoặc vành đai cây phi lao “đã chịu thiệt hại ít hơn đáng kể so với các khu vực khác”. Trên cùng một khu vực, có hai ngôi làng bên bờ biển “đã bị phá hủy hoàn toàn”, trong khi ba ngôi làng khác trú ẩn sau rừng ngập mặn “đã không bị tàn phá”.Kể từ đó, những người sống sót đã nuôi dưỡng sắc xanh của lá cây. Nhiều dự án tái thiết bao gồm mục tiêu thuyết phục người dân dành thời gian trồng và chăm sóc rừng. Một cách làm điển hình là cung cấp tín dụng cho dân làng nếu họ đồng ý lập các nhóm trồng cây. Khoản tiền này giúp họ gầy dựng lại cuộc sống và kế sinh nhai của mình.Trong bức tranh lớn hơn của cả ĐNA, sắc xanh lại đang bị đe dọa. Tháng 7 năm nay, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) công bố khu vực này đã đánh mất khoảng 1/3 diện tích rừng ngập mặn chỉ trong vòng 4 thập kỷ (1980-2020), theo Phnom Penh Post. 10 quốc gia thành viên của ASEAN hiện chỉ còn khoảng 4,3 triệu ha rừng ngập mặn (gần bằng diện tích vùng duyên hải Nam Trung Bộ của nước ta - một con số không lớn đối với toàn khu vực ĐNA, huống chi so với cả địa cầu).Leng Phalla, một nhà sinh vật học biển cấp cao tại Tổ chức Wild Earth Allies, cho biết rừng ngập mặn ở Campuchia đã và đang suy giảm do tình trạng khai thác gỗ. Nhưng trong những năm gần đây, chính phủ, các tổ chức và cộng đồng đã làm việc cùng nhau để trồng lại rừng ngập mặn, đặc biệt là ở tỉnh Kampot. “Nhờ sự thúc đẩy của chính phủ, người dân hiện nhận thức được rằng rừng ngập mặn rất quan trọng đối với con cháu và sinh kế của họ. Họ kiếm sống từ rừng ngập mặn bằng cách đánh bắt tôm, cua và cá, có thể kiếm được ít nhất 30.000 đến 40.000 riel (7 - 10 USD) mỗi ngày” - Phalla nói với Phnom Penh Post. Rừng bao phủ 31% diện tích Trái đất, nhưng không phân bổ đồng đều. Hơn một nửa diện tích rừng trên thế giới tập trung ở năm quốc gia: Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Trung Quốc (chiếm 5,4%). Thậm chí, chỉ 10 nước có nhiều rừng nhất thế giới đã chiếm 2/3 diện tích rừng toàn cầu, trong đó có Indonesia (2,3%), theo báo cáo Tình trạng rừng trên thế giới năm 2020.Rừng nhiệt đới giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe Trái đất. Mặc dù chỉ bao phủ khoảng 7% bề mặt hành tinh, rừng nhiệt đới sở hữu gần 2/3 sự đa dạng của các loài động thực vật, đồng thời lưu trữ 68% lượng carbon toàn cầu. Các kiểu rừng nhiệt đới quan trọng nhất bao gồm rừng mưa, rừng đầm lầy (than bùn hoặc nước ngọt) và rừng ngập mặn.Rừng Indonesia, một bên mất, một bên còn. Ảnh: CNNChúng ta chọn tương lai nào?Bài viết “Tương lai của những cánh rừng ĐNA” cũng so sánh tác động của 5 kịch bản kinh tế xã hội - những tương lai hợp lý và có khả năng xảy ra - lên tình trạng rừng của khu vực. Trang Science Hub của Liên minh châu Âu dẫn lời Valerio Avitabile, một nhà khoa học tham gia nghiên cứu này: “Các kịch bản gần đây chỉ ra rằng vào năm 2050, rừng ĐNA có thể thu hẹp 5,2 triệu ha hoặc mở rộng thêm 19,6 triệu ha, tùy thuộc vào con đường mà chúng ta sẽ đi”. Do đó, việc lựa chọn đường hướng phát triển có vai trò quyết định đối với tương lai của các khu rừng ĐNA, và nói chung là đối với cả hành tinh.Theo kịch bản tốt nhất (sự bền vững/con đường xanh), giới lãnh đạo thực thi các chính sách với điểm chung là “phát triển toàn diện và tôn trọng các ranh giới môi trường đã biết, cũng như đầu tư nhiều vào nguồn nhân lực, giáo dục và nhận thức”. Ở cực đối lập, theo kịch bản xấu nhất (cạnh tranh khu vực/con đường đầy đá), các quốc gia thiếu hợp tác trong việc giải quyết các mối lo ngại toàn cầu về môi trường, cùng với việc đầu tư kém cho giáo dục và nhận thức.“Những người ra quyết định thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường - Valerio nói - Những kịch bản và biểu đồ (của nghiên cứu) này cho họ cái nhìn tổng quan về chuyện gì có thể xảy ra với mỗi đường lối chính sách khác nhau, và hỗ trợ họ đưa ra lựa chọn”.Nghiên cứu cũng chỉ ra tác động của sự lựa chọn của từng quốc gia trong khu vực. Theo đó, lựa chọn của Indonesia sẽ có sức tác động lớn nhất đến tương lai của rừng ĐNA. Malaysia, Myanmar và Việt Nam cũng được xếp vào danh sách các quốc gia có thể mất độ che phủ rừng đáng kể. Hơn nữa, nạn phá rừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu rừng hàng trăm triệu năm tuổi ở Indonesia và Malaysia.Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản đẹp nhất, các nước cần phát triển các loài cây bản địa khi trồng rừng, và đảm bảo rằng nạn phá rừng không “chảy” sang các nơi khác trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu về gỗ. Các nỗ lực cần đồng thời tập trung vào bảo tồn những diện tích rừng còn lại và mở rộng độ che phủ rừng. ĐNA vẫn có hi vọng gầy dựng được nhiều cánh rừng hơn con số mất mát, một khi các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra lựa chọn đúng đắn.■Chuyện rừng ở IndonesiaĐầu tháng 10, Quốc hội Indonesia thông luật lao động mới, trong đó có thay đổi khiến giới môi trường lo ngại: bỏ yêu cầu các đảo ở nước này phải có 30% rừng che phủ. Indonesia cung cấp hơn một nửa lượng dầu cọ mà thế giới cần và ngành công nghiệp này là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng. Vì thế, thay đổi nói trên dẫn đến nguy cơ các đồn điền dầu cọ sẽ tiếp tục xâm chiếm đất rừng, tác động tai hại đến rừng và đa dạng sinh học, đe dọa các loài động vật quý hiếm.Indonesia còn đối diện một nguy cơ môi trường khác: các đầm lầy than bùn (vùng trũng nước tích tụ trầm tích than bùn) có thể bị cháy. Khi bị cạn khô, bất kể là để phục vụ nông nghiệp, xây dựng đường sá hay kênh đào khai thác gỗ, các đầm lầy than bùn trở nên rất dễ cháy. Một khi đã bắt lửa, than bùn có thể cháy âm ỉ dưới mặt đất ở độ sâu tối đa 12m, vì thế rất khó dập tắt. Tình trạng này còn giải phóng lượng carbon đã được tích tụ hàng ngàn năm từ xác thực vật, cùng với các loại khí nhà kính khác vào bầu khí quyển.Tổng thống Joko Widodo cách đây vài tháng đã hé lộ “sáng kiến” chuyển đổi một khu vực rộng 1,65 triệu ha - có khả năng là đất than bùn - ở Trung Kalimantan để sản xuất lương thực.Điều này làm dấy lên lo ngại và gợi nhớ đến bài học lịch sử cách đây 25 năm, vốn được xem là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử của Indonesia, theo tạp chí Economist. Vào những năm 1995-1996, tổng thống Suharto từng chọn Kalimantan (một tỉnh ở đảo Borneo) cho kế hoạch biến 1 triệu ha rừng đầm lầy thành vựa lúa. Dự án Siêu lúa gạo của ông (Mega-Rice Project) đã trở thành “siêu thất bại”. Những đầm lầy này hóa ra thiếu các khoáng chất cần thiết cho cây lúa. Việc tiêu thoát nước bằng mạng lưới 6.000km kênh mương biến đầm lầy thành nguồn bắt lửa lộ thiên. Và chỉ sau vài tháng, các đầm lầy khô bốc cháy. Tags: RừngMất rừng
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.