Mắt Tết

VĂN THÀNH LÊ 16/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - "Bố đốt vài cây pháo hoa, nở rợp cây dừa và bụi tre trước ngõ. Tôi dạng chân giữa cửa nhà bắn hết ba băng đạn vào đêm. Đì đẹt, đì đẹt, đì đẹt. Chó sủa, cắn vào năm mới, lan từ nhà này qua nhà khác."

Minh họa: Trần Yến Yến
Minh họa: Trần Yến Yến

1. Thừa bị nồi bánh chưng đốn ngã. Tôi chắc chắn vậy, khi bắt gặp ánh mắt. Ánh mắt loang vào cả khoảng chiều sâm sẩm tối. Thừa nhìn nồi bánh. Thèm thuồng. Ngại ngùng. Sờ sợ. Tất nhiên, ngay lúc ấy tôi chưa đủ lớn để “đọc” ra được từng chữ ấy. Nhưng sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi luôn quả quyết vậy. Mẹ con Thừa đứng cạnh nhau như hai chứng tích của sự cam chịu. Thừa bấu víu vào ngón tay cái của mẹ. Đứng đó. Từ hồi nào không rõ. Bóng đêm ăn xuống từ phía ngọn dừa bên bờ ao ngoài ngõ.

Thời gian: chiều tối 29 tết.

Địa điểm: góc sân nhà tôi.

Bối cảnh: Nồi bánh chưng đã được mở nắp. Hơi nước bốc lên nghi ngút. Ấm sực. Bố vớt từng cặp bánh chưng. Mẹ tháo lạt giang, tách rời từng chiếc, rửa bớt lớp mỡ bám vào lá bánh ở phía ngoài qua chậu nước lạnh và tỉ mỉ nắn vuốt từng góc bánh. Tôi chuyển từng chiếc bánh từ tay mẹ để lên cánh cửa được bố dỡ ra làm tấm phản dã chiến. Xếp từng lớp. Cuối cùng sẽ đặt cánh cửa còn lại lên trên, thêm hai thúng gạo ở trên cùng để từng chiếc bánh được chắc hơn, ăn dần từ tết cho đến rằm tháng giêng vẫn không bị mốc.

Tôi phụ bố mẹ một cách háo hức. Bởi chỉ cần xong, tôi sẽ được “xử đẹp” mấy cái bánh chưng con mà năm nào bố mẹ cũng gói riêng cho anh em tôi.

Nhưng tôi chưa kịp đánh chén thì nhà có khách. Là mẹ con Thừa.

Chẳng biết Thừa còn nhớ không?

2. Năm ấy làng có điện. Điện về trước tết gần một tháng. Thung lũng hoang vu ban ngày hoang vắng ban đêm bỗng chốc hoang mang nhộn nhịp.

Có điện, mặt người lớn trẻ nhỏ như sáng ra, lấp lánh. Làng trang bị hẳn một cái loa treo ở cột điện, ngay giữa nhà tôi và nhà Thừa. Lần đầu tiên lũ trẻ chúng tôi ngỡ ngàng khoái chí nghe tiếng người phát ra từ... một cái cây, cây cột điện. Được thể, có thêm trò chơi mới, là thi nhau ném đá giấu tay cái loa mỗi khi nó ngoác mồm oang oang. Mỗi khi viên đá của đứa nào ném trúng loa lại ắc ứ như nhai phải sạn.

Cả lũ thích thú đấu với cái loa. Riêng ông tôi thì không.

“Phát triển kiểu gì mà như quay lại thời thằng mõ. Chỉ khác to mồm hơn. Thật quá thể. Cưỡng bức tai nhau. Để phải đề nghị đưa loa ra giữa đồng cho đấu với trời”, có lần ông lẩm bẩm thế.

Làng ấm lên với điện nhưng lại lạnh với trời. Không hiểu sao năm ấy lạnh khủng khiếp. Rét đậm, rét hại. Tím da, nám thịt. Rét đính kèm với gió. Đấy là làng đã nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi. Chẳng biết núi chắn bớt gió bớt rét hay núi ủ cái giá cái rét thêm phần đậm đặc, đầm đìa hơn. Tôi có áo ấm và khăn quàng cổ mà còn thấy rét tái rét tê. Không rõ những đứa như Thừa mặc sơ sài thì thấy rét kiểu gì.

Rét đến mức mạ cấy xuống, nhiều chân ruộng mạ chưa kịp bắt rễ đã vàng ệch ra, chết đứng. Mặc kệ vợ chồng nhà Táo dắt díu nhau về trời báo cáo Ngọc hoàng khóa sổ, chốt năm, nhiều nhà vẫn phải đi vét mạ sót cấy lại.

Rét được sương muối cổ vũ. Đến cỏ cũng chết chứ nói gì mạ mới cấy. Mỗi chiều trâu về chuồng đều ngơ ngác đói, hai xương hông nhô lên, thách thức ông trời. Khổ, trời làm ngơ, giương mỗi bộ mặt nằng nặng tê tái. Mặc tết lầm lũi đến.

Chẳng biết Thừa còn nhớ không?

3. Năm ấy, Nhà nước cấm pháo. Tết mà không có dây pháo tép để chơi thì chán chết đi được. Chúng tôi chưng hửng. Cắm quả pháo vào đống phân trâu mới còn bốc hơi ấm hôi hổi rồi châm lửa cho nổ tóe loe. Hay bắt chuột nhắt, nối dây pháo vào đuôi, mồi lửa, pháo nổ, chuột vừa chạy vừa tim đập chân run. Vân vân và vân vân những trò hay ho từ pháo đã tắt ngóm.

Không còn pháo, chỉ còn bóng bay con mèo, bóng bay con thỏ. Thổi và mút đỏ loe loét miệng. Mỗi Thừa không có, không thỏ cũng không mèo. Bù lại, Thừa có bóng màu trắng, đùng đục, to gấp đôi gấp ba bóng của chúng tôi. Độc đáo. Kỳ lạ. Sau này, tôi mới biết đấy là thứ đại diện hội phụ nữ xã tặng khi về vận động mẹ Thừa đừng đẻ nữa. Bố Thừa ngạc nhiên, nói Nhà nước quan tâm đến tận buồng ngủ của dân kiểu này chẳng mấy chốc dân giàu nước mạnh. Rồi bố Thừa cười, nói không có con trai cũng phải ngũ long công chúa. Thừa kể lại, còn phân vân không biết có em thì em sẽ được đặt tên là gì? Thừa là con thứ tư, gần Thừa là chị Dư, không lẽ em Thừa tên là Thải?

Không có pháo, ngoài tiếng chó sủa, lợn kêu gà gáy, còn thêm mỗi tiếng loa. Càng sát tết, tần suất loa phát bản báo cáo tổng kết hoạt động trong năm qua càng nhiều. Bản báo cáo vinh dự tự hào nhấn mạnh toàn xã đã xóa xong đói giảm hết nghèo, đi đầu trong mọi phong trào thi đua.

Quên mất, còn tiếng đá ném vào loa của lũ trẻ chúng tôi. Đấy cũng là cách làm nóng người trong trời giá lạnh. Lạ là, dù con gái nhưng Thừa là đứa ném tinh nhất. Keng... eng... eng... Beng... eng... eng. Bản báo cáo phát ra nghe tiếng tròn tiếng méo.

Ông tôi ở trong nhà nhìn ra, nheo mắt cười heo hắt.

Lâu lâu có người đi ngang, nói một lũ phá hoại tài sản đất nước và lùa chúng tôi chạy tán loạn.

Chẳng biết Thừa còn nhớ không?

4. Đến đây, tôi muốn trở lại với đoạn đầu của câu chuyện. Là Thừa và mẹ đứng ở sân nhà tôi chiều 29 tết. Mẹ Thừa hai tay đỡ bụng, như thể mang bầu, miệng ấp úng, nói muốn mượn nhà trường một cái bàn để làm bàn thờ cúng tết. Chỗ này tôi phải mở ngoặc, mẹ tôi là hiệu trưởng trường tiểu học, ngôi trường ở ngay trong làng.

Mẹ tôi nghe, thở dài. Lúc ấy, loa trên cột điện giữa nhà tôi và nhà Thừa vẫn ồm oàm nói toàn xã đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch xóa đói giảm nghèo.

Không rõ trước lúc vào nhà, mẹ con Thừa đi ngang bờ rào bằng tường xây có để ý thấy dòng chữ khẩu hiệu cùng hình vẽ mấy cành hoa đào lấm chấm đỏ. Tường rào nhà tôi bị “mượn” để làm “quảng cáo”. Ông lẩm bẩm nói thung lũng đầy hoa cỏ, cũng không thiếu đào thật, sao phải vẽ đào giả lên tường.

Mẹ tôi vào nhà cầm ra tờ giấy nhỏ, nói mẹ Thừa lên trường đưa cho bác bảo vệ để lấy bàn về lo tết. Mẹ đưa thêm cặp bánh chưng, nói của ít lòng nhiều. Được đà, tôi cho Thừa cái bánh chưng con. Mắt Thừa sáng rỡ lên, như không tin đấy là sự thật.

Chẳng biết Thừa còn nhớ không?

5. Đêm ba mươi, tôi đi ngủ sớm. Đến giao thừa, bố gọi dậy. Năm ấy cấm pháo nhưng chưa triệt để, pháo hoa Trung Quốc và loại súng ngắn bằng nhựa cho trẻ con y chang súng thật, với ổ đạn nhồi thuốc bắn nổ đòm đòm kèm mùi thuốc súng ấm nồng khét lẹt, vẫn được dùng. Bố đốt vài cây pháo hoa, nở rợp cây dừa và bụi tre trước ngõ. Tôi dạng chân giữa cửa nhà bắn hết ba băng đạn vào đêm. Đì đẹt, đì đẹt, đì đẹt. Chó sủa, cắn vào năm mới, lan từ nhà này qua nhà khác.

Sau tết ít ngày, cả nhà Thừa chuyển vào Tây Nguyên với niềm tin trong ấy dễ sống hơn, cơ hội thoát được đói giảm được nghèo là có thật.

Không biết mẹ Thừa sinh con trai hay con gái và tên em Thừa là Thải hay là gì?

Cả nhà Thừa chưa bao giờ về lại thăm làng.

Tôi lớn lên, đi học, rồi cũng rời làng.

Mỗi khi tết đến, nhớ làng, nhớ thung lũng hoang vu ban ngày hoang vắng ban đêm, tôi lại nhớ đến Thừa với ánh mắt nhìn nồi bánh chưng và khi nhận từ tôi cái bánh chưng con hôm 29 tết. Cái tết đầu tiên nhìn thấy ánh điện và không còn được nghe tiếng pháo.

Chẳng biết Thừa còn nhớ không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận