Mặt trời mọc ở hướng tây

TRUYỆN NGẮN CỦA THÀNH HỘI 25/04/2018 19:04 GMT+7

Minh họa: Bảo
Minh họa: Bảo

 

Có một người cầu cơ gọi hồn thầy Năm (thầy tuồng) để thỉnh giáo.

Hỏi: Người diễn viên phải có gì?

Đáp: Sự tự nhiên.

Hỏi: Tại sao có diễn viên không giỏi?

Đáp: Thiếu sự tự nhiên.

Hỏi: Diễn viên giỏi thì có gì hơn diễn viên không giỏi?

Đáp: Có sự tự nhiên.

Hỏi: Sao có một câu nói hoài vậy?

Đáp: Vậy muốn nghe gì?

Hỏi: Muốn biết làm sao để tôi thành diễn viên giỏi?

Đáp: Sự tự nhiên.

Hỏi: Tôi có đi học hành đàng hoàng nghe.

Đáp: Vậy diễn đi!

Hỏi: Tôi diễn rồi ông chê không tự nhiên sao?

Đáp: Thiếu tự tin.

Hỏi: Sao ông biết?

Đáp: Vì thiếu sự tự nhiên.

Hỏi: Sự tự nhiên là gì?

Đáp: Là sự không gượng ép. Như mặt trời mọc lên buổi sớm mai ở phương đông.

Hỏi: Vậy có gì đâu mà khó?

Đáp: Anh có là mặt trời chưa mà biết là không khó?

Hỏi: Thế nào là không tự nhiên?

Đáp: Là mặt trời mọc ở hướng tây. Là toàn bộ câu hỏi của anh.

Hỏi: Trời, ông làm tôi rối trí quá. Sao nhìn tôi kỹ vậy?

Đáp: Tôi thấy anh rối trí rất tự nhiên. Đố anh lên sân khấu làm được như vậy.

Vậy là hết.■

CHÂU BÁU CUỘC ĐỜI

- Dẹp hết đi… Đi về bán bánh bò bánh tiêu đi bây ơi.

Thầy Năm lại xài câu này rồi. Buổi tập lại phải ngưng vì cơn nóng giận của quá xá của thầy tuồng.

- Bây chiên bánh tiêu thì có thể vừa chiên vừa mơ làm công chúa, mơ thành tỷ phú. Chiên một nơi hồn cứ ở một nẻo, chỉ cần quen tay thôi à.

Buổi tập diễn ra trong đình của vùng Tân Ngãi, trời chiều mát rượi mà sao chỗ tập như có lửa cháy. Chị nấu cơm hội thấy tình hình căng quá bèn lên tiếng

- Hổng ấy thầy Năm ăn cơm hen, cho anh em nghỉ chút.

- Hổng ăn gì hết, vui sướng gì mà ăn. Với mấy người là tập tuồng diễn kiếm sống, còn với tui là là….

Rồi ổng không nói nữa mà ho khặc khặc như có ruồi muỗi bay vô cổ họng.

Thủ phạm cơn giận của thầy Năm là Mây, cô ngồi im re và thu người lại còn chút xíu. Kép Tư Thinh ngồi phía sau nói vô tai Mây.

- Bây tệ thiệt đó. Mấy tiếng đồng hồ mà tập không qua được chỗ đó.

Mây cúi đầu ứa nước mắt. Cô cũng thấy mình tệ, cô không diễn được lớp nghe tin chồng chết ngoài biên ải. Lúc diễn tập đoạn đó cô thấy mắt khô queo, lòng lạnh lẽo. Ráng hoài mà không cảm xúc được. Không biết sao đây.

Thầy Năm mồi điếu thuốc, rít một hơi ngó lom lom lên trần nhà.

- Hồi thằng Bảy Út còn sống tui nói với nó hoài, người nghệ sĩ khác người thường lắm. Nghệ sĩ có một sợi gân máu chạy từ tim lên cổ họng, mọi thứ nói ra phải từ tim. Nói hoài mà nó hát Nam Ai dở ẹt à.

- Con cũng ráng hết sức chú ơi, tại con sao á…. Con xin lỗi.

Mây có gắng nói để cho nguôi cơn giận của thầy tuồng.

- Chú có nói mầy không cố gắng đâu, nhưng đây là nghệ thuật nên sự cố gắng nó khác với kéo cày. Nghệ thuật là cày xới tâm hồn, cày cái mà tay chân không đụng, không đạp vô được. Chạm vào bằng trái tim.

- Chắc tại con chưa bao giờ bị qua trường hợp như vậy nên hổng làm được.

- Mầy nói bậy. Vậy mình chưa từng bị cha chết mẹ chết thì không đóng được mấy cảnh đó hen!

Tư Thinh nói có vẻ phật ý. Ai cũng nghĩ thầy Năm sẽ sùng thêm khi nghe Mây nói vậy. Nhưng ông chỉ thở dài rồi nói thật chậm:

- Mây nè, những ngày này sẽ không kéo dài hoài đâu, sẽ có lúc chú yếu, hay bệnh tật gì đó mà chết. Nên hôm nay chú nói con làm ơn ghi nhớ trong lòng nếu muốn tiếp tục làm nghề. Người nghệ sĩ như người đi săn châu báu, nhưng đừng có vô rừng hay khoét núi mà tìm. Châu báu của người nghệ sĩ nằm hết trong cõi nhân gian này. Làm ơn chịu khó quan sát. Học lấy nỗi đau của sinh ly tử biệt, nỗi đau nhân tình thế thái, học hết những gì con người đã phô bày ra trong cuộc đời này vì lòng tham và lòng vị tha. Học đến chết cũng không hết…. Thôi nghỉ đi, sáng mai tiếp.

Sau buổi cơm chiều Mây thấy thương ông thầy tuồng quá, cô muốn qua xin lỗi ổng mà thấy sợ sợ. Nhưng rồi cô cũng vượt qua được nỗi sợ đó. Thầy Năm trọ trong căn nhà lá cuối xóm. Cô đến căn nhà đó cũng tầm 9 giờ tối, xung quanh tối thui rồi. Cô đi thật nhẹ đến cửa, định gõ thì nghe có tiếng khóc. Mây nín thở để nghe, tiếng phụ nữ khóc. Trời thầy Năm có mèo sao ta. Ổng bí mật quá, hèn chi trọ nhà cuối xóm. Ai vậy trời, sao nghe nói ổng thương cô chèo đò nào ở Rạch Miễu mà. Mây vạch vách lá thật nhẹ nhìn vào. Trong nhà thắp một cây đèn dầu Huê Kỳ ám khói, ánh sáng tù mù lắm, cô định thần nhìn cho rõ thì thấy thầy Năm ngồi quay lưng lại với mình, đối diện là một người con gái đang cúi mặt khóc. Thầy tiêu rồi thầy Năm ơi. Chắc thầy đang học nỗi đau nhân tình thế thái đây mà. Thầy học kín đáo quá.

- Thôi nín khóc đi.

- Trời ơi, sao tệ với tui quá vậy anh ơi….

- Bây giờ em biết đi đâu đây anh ơi..

- Mấy tháng sau khi nó mất tui có nghe tin, có xuống thăm mả nó được một lần. Năm năm rồi không biết giờ sao. Bảy Út đi kiếm cô đó. Nhưng phần đói khổ, phần bịnh ho lao nên mới chết thảm vậy.

- Anh Út ơi, sao anh tệ với em quá vậy, em chờ anh mà. Sao anh phụ em.

- Đừng nói vậy tội nó. Nó kể hoài chuyện mấy trái bắp của cô.

- Chú ơi, chú coi nè… Con luộc bắp từ Ba Xuyên đem lên cho ảnh ăn nè. Giờ sao chú ơi.

Mây thấy cô gái ôm túi đựng mấy trái bắp trước ngực. Cô gái ấy vừa khóc kể vừa sắp mấy trái bắp ra bàn.

- Hồi đó diễn xong anh ra chợ khuya quá không có gì ăn, con thương quá luộc bắp cho ảnh ăn. Giờ bắp này sao chú ơi….

Cô gái lại lấy bắp bỏ vào bao. Cô cứ làm đi làm lại chuyện đó như người trong cơn mê sảng. Mây thấy thầy Năm rũ người xuống như cọng hành héo.

- Cô Sang ơi, có làm gì thì nó cũng chết rồi.

***

Mây rời khỏi căn nhà như người mộng du. Cô ra chợ tìm mua bắp luộc nhưng không có nên mua cái bánh ít. Cô đặt cái bánh và ly nước lạnh trên bàn giữa sân khấu.

- Kính thưa hương hồn anh Bảy Út, hôm nay em đã tìm được châu báu cuộc đời bằng chính nỗi bất hạnh của anh. Kính mong anh siêu thoát và độ cho chị Sang được bình an tâm hồn…..

Mây khấn nhiều lắm và cô thấy có một nỗi đau kinh khủng đang vò nát trái tim mình. Cô thấy mình lang thang tuyệt vọng ở bến xe xa xôi để tìm Sang và như nghe được bài Nam Ai mà Bảy Út đã hát trước lúc tuyệt mệnh….

 

Sáng hôm sao thầy Năm đến buổi tập người già đi thấy rõ, hai mắt quầng thâm. Ai cũng lấy làm lạ mà không dám hỏi.

- Rồi, làm lại lớp nghe tin chồng chết hôm qua đi.

Nhưng không có Mây.

- Mây đâu?

Mọi người nháo nhác tìm mà không thấy.

- Mây đâu?

Thầy Năm hỏi lần thứ hai.

- Hồi sáng thấy nó chạy ra chợ - Chị nấu cơm hội rụt rè nói.

- Làm gì ngoài chợ?

Mọi người lại im lặng.

- Tôi hỏi Mây đâu?

- Dạ con đây - Mây từ ngoài tất tả chạy vào thở hổn hển và ôm cái bọc.

- Đi đâu vậy?

- Dạ đi mua bắp.

- Chi vậy ?

- Dạ để diễn.

- Diễn cái gì mà mua bắp?

- Dạ diễn lớp cô gái chờ chồng ca khúc khải hoàn thắng trận quay về làng, cô sửa soạn thật đẹp và nấu bắp chờ chồng về ăn vì đây là món chồng thích nhất.

- Chồng có về không?

- Dạ không ?

- Vậy diễn cái gì ?

- Diễn nỗi đau xé ruột.

- Khóc hả ?

- Bằng rổ bắp.

Thầy Năm và Mây nhìn nhau trân trân… Hai người nhìn nhau thật lâu.

- Lên sân khấu đi ! Cho tôi thấy châu báu của đời đi. Cho tôi thấy một miếng tâm hồn đi.

Thầy Năm vung tay hét lên mà nước đầy trong đôi mắt.

Thành Hội. Ảnh Gia Tiến
Thành Hội. Ảnh: Gia Tiến

 

Mang theo một miếng tâm hồn

Tôi chưa bao giờ muốn làm nhà văn, tính làm phi công. Nhưng cuộc đời cho tôi thành một người đứng trên sân khấu. Trên 36 năm làm người mua vui cho cuộc đời, tôi cũng gom góp được một nhúm kinh nghiệm. Kinh nghiệm đứng được trên sân khấu để khán giả rưng rưng với mình.

Cái này khó lắm, vàng ký không mua được. Vậy thiệt ra nó là gì? Là một miếng tâm hồn. Làm sao để những điều người nghệ sĩ nói ra trên sân khấu phải từ tim chạy lên lưỡi và mang theo một miếng tâm hồn. Khi tôi thấy vô vọng để truyền những kinh nghiệm đó cho các em diễn viên trẻ. Thấy bất lực trước những điều các em làm không như ý, thiếu tâm hồn.

Khi nói các em bớt nhìn xuống điện thoại thông minh đi, chịu khó nhìn vào cuộc đời mình đang sống để thấy nghịch cảnh, bất công, nỗi đau nhân tình thế thái để có cái bỏ vào tâm hồn thì các em cười nhẹ nhàng với tôi, rồi nhìn xuống điện thoại tiếp. Chính lúc thấy bất lực nhất, tôi đã trút hết tâm tư vào những câu chuyện nho nhỏ.

Mong các bạn trẻ thường nhìn vào điện thoại sẽ có lúc coi trúng cái nho nhỏ tôi đã viết mà hiểu được phần nào điều nghệ thuật đòi hỏi ở người nghệ sĩ. Đó là lý do ra đời nhân vật Thầy Năm. Ông muốn đi đến tận chân trời nghệ thuật THẬT VÀ ĐẸP.

Nhưng tội nghiệp Thầy Năm, vì ông không biết rằng THẬT VÀ ĐẸP không nằm ở chân trời, nó là vũ trụ bao la vô cùng. Ông lại đi bằng ghe. Thầy Năm không phải tôi, là những người muôn năm cũ. 

THÀNH HỘI

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận