​Mặt trời trong suối lạnh

CHÂU SA 31/12/2014 10:12 GMT+7

TTCT - “Nếu chỉ cần yêu thì tốt quá, không có ký ức, không cần diễn đạt. Cứ thả mình trôi nổi trong một tình yêu không đầu không cuối, không cần hình dung, không mong được kể” - cô viết thư cho anh.

Ảnh: Nguyễn Chí
Ảnh: Nguyễn Chí

Nhưng có mối tình nào không trở thành ký ức. Em có thể yêu nổi không, một con người không ký ức? - anh lưỡng lự định viết lại cho cô.

Có những ký ức giản dị, giống như những tấm ảnh cũ cất trong tâm trí. Có ký ức vô hình, như có con sóng ngầm kiên trì xô vào hiện tại. Chính hiện tại lại dịch chuyển không ngừng. Hiện tại của giây phút này là quá khứ của phút giây ngay sau đó.  

***

“Vào thời của Barthes, nếu không dùng phòng tối, ảnh chụp chỉ tồn tại trên phim âm bản. Nghĩa là không có ảnh. Nghĩa là không có hiện thực nào được tái hiện”.

“Nếu chỉ cần yêu thì tốt quá, không có ký ức, không cần diễn đạt. Cứ thả mình trôi nổi trong một tình yêu không đầu không cuối, không cần hình dung, không mong được kể. Như không có thật và đẹp tuyệt đối. Nếu có anh ở đây, trên cái giường đơn này, để cuộn vào anh và để bàn tay anh mơn man thủ thỉ trong những ngóc ngách sâu kín nhất của thể xác và tâm hồn”.

“Hoặc chỉ đơn giản là gắn môi thật nhẹ, kệ thời gian trôi”. 

Mùa đông năm ấy rất lạnh, không khí trong vắt và nắng vàng rực dưới nền trời xanh ngắt. Anh và Ly ngồi đò dọc đi qua thung lũng để đến bên kia núi đá. Nơi họ đến, ở bên kia núi, là một làng nhỏ làm nghề sơn tràng. Suối khá rộng nhưng mặt nước gần như tĩnh lặng. Ly ngồi yên lặng sát bên anh, mắt kính lấp lánh cùng ánh nắng phản chiếu từ mặt suối đang xao động.

Trù trừ mãi anh mới quyết định đi chuyến này. Chiều nào ngồi uống bia vỉa hè Ly cũng nói: “Anh với em phải đi đâu đó vài ngày. Cứ thế này sẽ không thoát ra được”. Ly cứ nói vậy, bất chấp anh thờ ơ, suốt mấy tuần. Ly cứ kiên trì với anh như thế, khác hẳn vẻ bên ngoài tháo vát tràn đầy sức sống của cô. Lúc nào cũng quần jean, giày thể thao, tai nghe nhạc màu trắng dính chặt vào tai mỗi lần cô ra phố.

Lần này cũng vậy, vừa đọc đi đọc lại cái thực đơn nghèo nàn như thể đọc mãi sẽ hiện ra thêm món mới, cô nói: “Đâu cũng được, miễn ra khỏi thành phố này”. Bên kia phố là Quán Hầm, một quán cà phê nhỏ, cửa kính thấp nhưng sát xuống vỉa hè, dường như chỉ rụt rè đón các khách quen.

Anh quyết định đến một huyện miền núi mà anh đã đến hai năm trước. Năm đó Chu bạn anh gần như kiệt quệ sau nhiều năm theo đuổi dự án trồng cà phê trà ở vùng đất này. Chu rủ anh đi, để giúp Chu nói chuyện với ông Vỹ, một nhà đầu tư mà Chu rất hi vọng. 

Ông Vỹ đứng tuổi, ăn mặc giản dị, phong thái nhanh nhẹn, nói tiếng Anh đơn giản và mạch lạc. Với một chuyến đi ngắn, ông Vỹ có vẻ là một người bạn đường dễ chịu. Anh gặp Vỹ lần đầu ở văn phòng của Chu, giúp Chu giải thích các dự án miền núi của anh cho Vỹ hiểu.

Chu đơn giản hơn nhiều, sốt ruột vì các câu hỏi của Vỹ. Chu bảo nhân viên mở két trưng ra hàng xấp sổ đỏ đất rừng. Rồi Chu quyết định cuối tuần cả hai sẽ cùng nhau đi thăm các dự án. “Tôi chi hết” - Chu chém tay. Vỹ được quyền chọn dự án, và chọn dự án mà Chu thất bại nặng nhất.

Tối hôm đó họ ăn ở một quán sát chân núi, đầu bên kia con suối. Quán bốn phía tuềnh toàng, sàn gỗ rộng. Đám kỹ sư trẻ của Chu ở đây cả mấy tháng kham khổ, sếp đưa khách lên, được một bữa say. Ngồi nhìn sếp và khách nước ngoài mãi cũng chán, họ rủ anh lệch ra một bên cánh uống tiếp. Chuyện trò một hồi lại đến chuyện làm ăn kinh tế. Rồi vô tư và bộc trực, họ hỏi Vỹ: “Chúng tôi có phát triển được không?”.

“Tôi không làm nghề  trị quốc nên không biết câu trả lời. Nhưng con đường để phát triển ở đâu cũng giống nhau. Con đường ấy phải hòa được với hồn dân, và phải thuận theo tính cách của người dân nữa” - Vỹ ngắn gọn.

“Nhưng vậy thì khó”, anh nghĩ thầm, nhìn Chu rồi nhìn những kỹ sư trẻ măng mà đã ít nhiều lam lũ. “Cùng một dân tộc mà dân quá khác nhau. Tâm hồn ảnh hưởng đến tính cách. Như tâm hồn con người, tâm hồn dân tộc được xây trên nền ký ức. Ký ức của dân tộc được bồi đắp qua nhiều thế kỷ.

Có thể ở thời điểm nào đó rất xa xưa, người dân xứ này đã từng có một tâm hồn tĩnh lặng và chắc chắn. Nhưng chiến tranh và các xáo động liên miên kể từ hồi Trịnh Nguyễn đã xóa đi cái phần tĩnh ấy rồi đắp thêm vào bao nhiêu dao động.

Một dân tộc mà phần hồn thiếu cái tĩnh lặng thừa sự dao động bất an thì dân tộc ấy sẽ không khác gì một người đa nhân cách: không có cái gì chung để cùng thỏa mãn. Rồi cũng sẽ phát triển thôi, nhưng phải vật lộn rất khó khăn, ít nhất là đến lúc dân mình điềm tĩnh trở lại”. 

***

Anh và Ly quen nhau những lần dẫn sinh viên đi ngoại khóa. Mỗi buổi là một chuyến đi ngắn. Anh thờ ơ suốt những chuyến đi, bất chấp sinh viên hò hát ồn ào, thậm chí châm chọc lúc Ly và anh ngồi ở cuối xe tựa vào nhau ngủ mệt. Lần đầu tiên choàng dậy trên vai anh, Ly toét miệng ra cười: “Em chán đàn ông rồi. Với em, đàn ông là một sự lạnh lẽo”. 

Anh hướng dẫn Ly cách rồi mặc Ly xoay xở. Những lúc Ly loay hoay hò hét chia nhóm đám sinh viên, chỉ đạo, chấm điểm, anh thường bỏ ra quán cà phê.

Ly sống trong căn hộ nhỏ tầng trên cùng một tòa nhà cũ. Tòa nhà này trước là nhà của một ông chủ xưởng nào đó xây để nhân viên ở. Nhà chỉ có phòng ngủ và phòng ăn, hai phòng lớn gần bằng nhau. Ông chủ xưởng chắc đã lưu lạc chân trời nào. Người chủ mới là cán bộ, lúc cho Ly thuê đã làm thêm gác xép có cầu thang nhỏ bằng gỗ.

Những tuần bên trường không thuê anh và Ly hướng dẫn sinh viên đi ngoại khóa, hai người cả tuần lang thang cà phê đến phát chán. Ly rủ anh về nhà nằm gác chân xem phim. 

Có hôm trời nóng, anh bảo Ly: “Trên gác xép chắc như phòng xông khô”. Ly bảo: “Bố em mỗi khi vào đây suốt ngày nằm trên ấy”.

Anh đi ra cầu thang gỗ đứng nhìn lên: “Có cửa sổ à, anh thấy có ánh sáng”.

Ly tần ngần rồi bảo: “Lên xem đi”. Nói xong cô bám bậc thang gỗ leo lên trước, đến giữa chừng cô dừng lại: “Nóng thật!” rồi quay người định bước xuống. Đúng lúc ấy ngực cô áp vào khuôn mặt anh.

Anh và Ly hôn nhau không biết bao nhiêu lâu trên cái cầu thang chênh vênh ấy. Mỗi lần hôn Ly lùi lên một bậc thang. Cái nóng trong căn phòng sát mái nửa sáng nửa tối như làm mồ hôi trên da thịt thăng hoa cùng đám bụi mờ lất phất bay lên từ sàn gỗ. Cái nóng ấy làm anh lạnh lẽo dần.

Mỗi chuyến ngoại khóa anh thấy mình lạnh thêm một chút. Sức nóng bên trong anh cứ như chuyển dần sang Ly, cho đến hết.

Anh trượt dần vào cái hố sẫm màu  không đáy. Cái hố sâu quen thuộc, đã một lần rơi xuống, phải rất lâu anh mới bò lên được. Cái cảm giác như sắp tuột tay trượt trở lại cái hố ấy làm anh lo sợ.

Hố rất rộng, anh đi đâu cái hố đi theo đấy. Nó bao quanh anh nhưng không ngăn cách anh với thế giới bên ngoài. Nó chỉ ngăn lại sự tươi tắn, ấm áp của niềm vui và hạnh phúc. Những tiếng cười vui, những tia nắng ấm lỡ có lọt qua thành giếng mà tới được anh, cái hố cũng thô bạo hút sạch bong trong giây lát. 

Cái hố ấy là một không gian lạnh lẽo và hoàn toàn trống vắng niềm vui.

***

Tới quán chân núi thì đã gần trưa, anh nói với Ly: “Chắc mình ăn trưa, ngủ một chút rồi về”. Ly đeo tai nghe, đi ra ngoài nhìn lên núi một lúc rồi quay lại: “Thế cũng được”.

Hai người mang theo bánh mì và đồ nguội. Chủ quán dễ tính, nói cô chú cứ nằm nghỉ, chiều đưa thêm tôi tiền đò là được. Anh chưa đói, gối đầu lên đùi Ly nhắm mắt, thi thoảng lấy tay phủi vụn bánh mì Ly làm rơi lên mặt.

Ly bỏ tai nghe ra, hỏi anh: “Anh có yêu Zi thật không?”.

Trong khóa dự bị hè năm ấy có Zi. Zi lẵng nhẵng theo anh khắp nơi, không ngần ngại hỏi anh những câu ngớ ngẩn nhất cốt chỉ cho có chuyện. Một lần Zi trốn Ly ra quán cà phê ngồi với anh. Anh gọi cho Zi một ly kem rồi lại thờ ơ bên miệng cái hố sâu của mình. Lúc đứng dậy đi về, Zi ôm anh qua cái bàn nhỏ rồi hôn anh. Đến nụ hôn thứ ba anh nhận ra mình đang hôn lại, bàn tay vuốt nhẹ lưng Zi.

Ở cái ranh giới trượt trở lại hố sâu không đáy, anh vướng vào Zi.

“Cái cô Songbird ấy là thế nào với anh?” - lúc thân nhau hơn rồi Zi hỏi.

“Cô nào là Songbird?”.

“Ly ấy” - Zi khó chịu thở khói thuốc mù mịt. “Sao lại là Songbird?” - anh ngạc nhiên. “Nhạc chuông của cô ấy mỗi khi anh gọi đến là bài Songbird”.

“Là... bình thường” -  anh hơi ngần ngại khi nói về Ly như vậy.

“Cô ấy lúc nào cũng khó chịu với em” - Zi nói như giải thích sự tò mò về quan hệ của anh với Ly.

Vướng vào Zi không làm anh tránh xa hơn khỏi miệng hố. Zi có cái gì đó chông chênh. Tệ hơn nữa, mọi thứ với cô vừa như phù phiếm, lại vừa như một vở chính kịch mà cô phải tham gia. Cô nói mình chuẩn bị cho cái chết mỗi ngày, trước khi bước qua tuổi 19. Nhưng rồi cô lại nói: “Em sẽ dẫn anh đến giới thiệu với bố mẹ em khi em 19 tuổi”. Đó là quãng thời gian anh đặt tên cô là Zi. 

“Chiều qua em thấy anh đi uống bia với Songbird” - Zi nhắn cho anh. Anh hỏi lại: “Em đang ở đâu?”. 

“Anh ra Quán Hầm đi”.

Hơn một tháng nay anh không gặp Zi. Lần cuối anh gặp Zi là ở quảng trường. Cả tuần trước đó Zi gọi anh mấy lần nhưng anh không trả lời. Đến quảng trường, anh thấy Zi đang ngồi bệt trên thảm cỏ, chân duỗi dài dưới váy rộng màu nâu nhạt.

Thấy anh, Zi đứng dậy kéo anh đi bộ qua quảng trường, đôi chân đi giày vải của cô bước trên cỏ như sơn dương. Mất một lúc anh mới nhận ra cổ tay trái của cô băng trắng toát. Đi gần hết quảng trường Zi vẫn không nói lời nào.  Anh kéo tay trái của Zi lên xem. Cô nhìn anh rất lâu, rồi từ từ tháo băng.

Tối hôm trước Zi đi cà phê với bạn, gọi anh liên tục mà anh không nghe máy, giữa các cuộc gọi Zi hút thuốc và châm vào tay mình. Cho đến khi chị bạn không chịu đựng nổi và bắt Zi dừng lại.

 Quán Hầm có một tầng nằm ngang vỉa hè, nhìn qua quán bia anh hay ngồi với Zi cuối mỗi chiều thứ sáu. Tầng còn lại là tầng hầm. Ánh sáng đèn hơi vàng, không khí mát và ẩm dù chỉ có hai quạt máy thổi gió qua lại. Zi ngồi bàn cuối tầng hầm, chắc đã lâu, tàn thuốc vương đầy trên bàn. 

Anh đã im lặng cả buổi chiều hôm ấy, mặc cho Zi ôm ấp vuốt ve. Cái hố sâu đã đến rất gần, anh đã cảm thấy những niềm vui cuối cùng đang bị nó hút mất. Anh cũng thấy có cái gì đó bên trong Zi cũng đang rạn vỡ, rạn vỡ để biến hình. Những cặp tình nhân ở các bàn bên đã về hết. Chắc bên ngoài trời cũng đã tối. 

Giờ đây nhìn vào ký ức, anh thấy hình ảnh của chính mình rời Quán Hầm để lại Zi đang mỉm cười châm thuốc, anh chợt thấy mình nhẹ nhõm. 

Nắng như bắt đầu len qua miệng hố sâu.

***

Trên đò về, anh lấy từ balô ra một máy Walkman cũ kỹ với tai nghe đôi. Băng catssette cũng cũ kỹ, có chữ ghi tay tên album và ban nhạc cũng đã mờ. Tối qua lúc dọn phòng, anh thấy cái tai nghe đôi và chợt có ý định mang theo.

Gió bắt đầu mạnh lên trong ánh nắng chiều rất gắt. Con suối thờ ơ trong thung lũng vắng, mang trong lòng chỉ một chiếc đò gỗ kẽo kẹt mái chèo. Cỏ nước hai bên bờ ngập tràn nước uyển chuyển rạp mình theo từng cơn gió. Nước vẫn lạnh ngắt và trong veo, những đàn cá nhỏ bơi như len giữa các tia nắng xuyên vào trong làn nước.

Ly đeo tai nghe chung với anh, nghiêng người khỏa tay xuống nước như xóa đi mặt trời trôi trên đáy suối.

Cái máy Walkman vẫn còn tốt. Từ trong cái ruột máy cũ kỹ ấy, giọng hát của nhóm Beatles tư lự cất lên:

“One day you’ll find that I have gone.

But tomorrow may rain, so I’ll follow the sun”

Sẽ có ngày em thấy anh ra đi. Ngày đó là hôm nay. Nhưng mai có thể mưa lạnh, còn anh đi về nơi ánh nắng.

***

Proust viết về những ký ức mà con người làm mất. Ông chia sẻ niềm tin với người Celtic rằng những linh hồn chúng ta để lạc mất trú ngụ trong những vật vô tri, đợi đến ngày được ta tìm lại. Chỉ có nhờ vào sự ngẫu nhiên mà ta tìm được những vật giam hãm vô tri, chạm vào chúng để giải phóng những linh hồn ấy.

Ký ức cũng vậy, chỉ nhờ vào ngẫu nhiên, chứ không phải một nỗ lực trí tuệ nào, mới có thể bất ngờ cựa mình phục sinh vào hiện tại. Vậy nên có những người, đến lúc chết hành trang vẫn là không quá khứ...

Anh đọc inbox của cô trên di động: “Em đọc một bài cũ của New York Times viết về phòng sáng, họ nói Barthes ám ảnh với cái chết giống Proust ám ảnh về ký ức”. 

“Cũng giống nhau, khi không còn ký ức, con người ta sống mà như đã chết” - anh nhắn Viber lại cho cô.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận