Matryoshka

TTCT - Một thứ đồ chơi kiểu búp bê cho trẻ con để kích thích trí tò mò và ưa khám phá. Một thứ quà lưu niệm du khách khi đến nơi có thể mua đem về làm quà. Cũng có thể coi là một tặng phẩm mang ý nghĩa thông điệp ấm áp, hạnh phúc.

Phóng to
Minh họa: Trương Tiến Trà

Bạn tặng bạn thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc. Người yêu tặng người yêu như lời hứa sẽ ôm nhau trọn đời. Matryoshka là thế. Hình thù như con lật đật, hai quả cầu ghép lại. Kích cỡ to nhỏ khác nhau, xếp bọc lẫn nhau. Con ngoài ôm lấy con trong. Vặn ra, có thêm một matryoshka thứ hai. Lại vặn mở ra, lại thêm một matryoshka nữa.

Cứ thế. Vặn tiếp cho đến con cuối cùng chỉ bằng ngón tay.

Anh có ba năm học ở Nga. Trước lúc sang xứ tuyết, anh đã tìm hiểu về văn hóa bản địa, đã được thấy hình ảnh con búp bê matryoshka trên mạng. Ngộ nghĩnh. Dễ thương. Vui vui. Ngày đầu tiên ở miền đất mới, anh đến cửa hàng bán đồ lưu niệm định bụng sẽ mua một con. Vặn thử xem nó thế nào, có giống như những gì anh từng biết không.

Người Việt ra nước ngoài mang theo tiền đôla. Đến nơi nào thì đổi đôla thành tiền nước đó. Anh đổi tiền đô sang tiền rúp. Từ nay sẽ dùng đồng tiền này, mua bán giao thương bằng tiền này. Nhưng tư duy người ta khi sang nước mới lại cứ quy thành tiền nước mình để ước lượng. Thành ra mua gì cũng thấy đắt đỏ. Do chưa quen cách tiêu tiền bản địa, con matryoshka anh thích giá bốn mươi rúp. Quy ra tiền Việt vị chi ba trăm hai mươi nghìn đồng.

Đắt khiếp. Anh chặc lưỡi. Thôi không mua nữa. Không mua nhưng cầm lên xem. Tò mò vặn thử. Mục đích của anh là chỉ thỏa mãn trí tò mò chứ không có ý định sở hữu. Vặn được nửa vòng thì người bán hàng nhắc nhở: Quý khách vui lòng thanh toán tiền rồi mới được mở ra.

Thói quen của người Việt là mua gì cũng phải thử. Sờ tận tay day tận mặt mới tin. Thử cho chắc, sợ bị lừa. Mua cá nhấn tay vào da xem có tươi không. Mua thịt lật lên lật xuống coi màu có bị xám không, ngửi thử mùi xem có gì là lạ khang khác không. Văn hóa chợ đò nông thôn cố hữu bao đời. Thế nên từ khi xuất hiện các siêu thị bán hàng đảm bảo, đóng gói hẳn hoi mà người mua vẫn chưa chịu tin.

Cô sinh viên đi học về đói bụng, nhẽ ra ghé ngoài đường ăn qua quýt chút gì đó là được rồi. Nhưng hiếu kỳ, ưa làm sang, chạy tót vào siêu thị. Mua ổ bánh mì bơ trong gian hàng thực phẩm. Bóc bọc nilông vừa đi vừa ăn thử. Đến quầy thanh toán thì ổ bánh mì đã nằm trọn trong bụng. Thế là khỏi phải trả tiền.

Anh không đến nỗi khôn xảo như vậy. Chỉ là tò mò thôi. Cầm được tận tay con matryoshka là coi như được rồi. Lúc nào thích sẽ mua. Có thể đợi đến lúc về nước hẵng mua. Anh tự hứa như vậy.

Công việc học tập giành lấy phần lớn thời gian của anh. Rồi những điều mới lạ cuốn hút khiến anh không còn thích thú lắm con matryoshka. Niềm vui như gió thoảng. Qua rồi thôi. Anh cũng đâu còn trẻ con để nằng nặc đòi mua bằng được đồ chơi. Chỉ thỉnh thoảng đi học qua chỗ bán hàng lưu niệm, nhìn qua cửa kính thấy con matryoshka anh vẫn tự nhắc mình rằng lúc nào học xong sẽ mua.

Người yêu của anh chắc sẽ vui lắm khi nhận được món quà này. Matryoshka sẽ thay anh nói hộ điều ấp ủ bao lâu nay. Rằng anh sẽ bảo bọc cô suốt đời. Như matryoshka. Mình sẽ sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Như matryoshka.

Cô gái chân chất quê mùa hứa đợi chờ anh ba năm. Anh tin lời hứa của cô. Nhà ở chung một làng, đứng ngõ đầu này trông thấy ngõ đầu kia. Đã cùng chơi những trò trẻ con. Rồi lớn lên đi học chung đường. Yêu nhau lúc nào không biết. Anh vào đại học, đỗ điểm cao, nhận được học bổng của Nhà nước cho đi du học.

Cô học chỉ tới lớp chín thì không theo sách vở nữa. Ở nhà làm ruộng, trồng hoa màu. Đất khô ba sào đủ cho cô quanh năm trồng tỉa. Rau khoai lang, cải, rau hoa màu. Mỗi sáng gánh rau ra chợ bán, cô đi qua ngõ nhà anh. Hương thơm rau ngò rau quế thoảng vào. Cũng tủi thân cô.

Ngày anh lên đường đi học, cô sang nhà anh chơi. Chia tay bịn rịn nhưng chẳng nói được gì vì ngại ngùng. Anh cũng chưa kịp nói gì vì bận kiểm tra đồ đạc hành lý. Cô gửi cho anh chục hộp dầu cù là. Hộp tròn nhỏ như cái nắp chai bia, nhãn hiệu cao sao vàng quen thuộc người quê hay dùng. Sang xứ lạnh, dầu này dùng rất tốt. Anh cầm lấy, nhét vào đâu đó trong cái balô. Có thể anh sẽ chẳng đụng đến.

Cô biết tính anh có chút đoảng, hay quên. Chưa đến mức bác học nhưng vẫn đãng trí. Mà so với cô thì anh là bác học. Thôi thì bác học cứ đi tu luyện cho thành ông nội học, cụ cố học. Em ở nhà trồng rau chờ anh về. Ngày ấy chắc anh đã cao vời vợi, sang ngun ngút, sáng bừng bừng. Cô chưa chắc đã với tới. Đâu dám chi nhiều, chỉ có chút tình gửi gắm theo mấy hộp cù là cay mắt.

Anh chưa từng kể với cô về con matryoshka. Mà nếu có kể chưa chắc cô tưởng tượng ra. Người con gái quê mùa cục mịch, chân chất giản dị. Đến nước Nga to đùng cô còn chưa biết nằm ở đâu trên bản đồ, nói gì đến matryoshka. Không biết thế cũng hay. Anh sẽ mang về làm món quà bất ngờ cho người yêu sau ba năm trời xa cách.

Mùa tuyết. Từ trên phòng tầng cao nhìn xuống, thành phố trắng phau. Dòng sông đóng chặt thành băng trơ lạnh. Anh càng nhớ nhà và nhớ cô gái ở quê. Lần đầu tiên anh được đi trên tuyết, được chơi những trò ném tuyết, chụp ảnh với tuyết. Anh cũng trở nên thân hơn với cô bạn gái Nga tên Dasa.

Cô nàng rủ anh cùng đắp búp bê tuyết. Một con búp bê bằng tuyết trắng tinh to bằng hình người, cao ngang rốn anh. Tuyết nhẹ và mềm nhưng có thể bám lấy nhau chặt như một khối xốp. Anh và Dasa đắp cái khối tròn phần bụng phía dưới trước, lại đắp lên trên đó cái khối tròn làm đầu, nhỏ hơn. Hình con lật đật. Chính xác nó là hình con matryoshka bằng tuyết.

Anh lột chiếc mũ len của mình đội lên con búp bê vừa đắp. Cô gỡ cái khăn choàng khoác vào cổ khối tuyết. Bảo tặng anh đấy. Anh nói ở Việt Nam những người yêu nhau không tặng khăn cho nhau. Vì sao? Vì khăn là khó khăn. Đơn giản vậy nhưng anh phải giải thích một hồi bằng tiếng Nga cô mới hiểu ra.

Người Việt thích chơi chữ, dịch qua tiếng Nga thì nó mất đi sự thú vị. Cô bảo cái khăn là khó khăn ư, chẳng ăn nhập gì nhau. Cô chỉ thích cái khăn là dùng để thắt chặt nhau hơn. Thế thôi.

Ba mùa tuyết. Ba con búp bê tuyết hình matryoshka. Nắn lên rồi lại tan chảy. Chưa cần phải qua hết mùa đông, chỉ hôm sau gió đã bào qua làm tuyết sụn xuống thành một cái ụ dày như quả nấm. Anh đi học qua chặng đường này, cười thầm mà nghĩ chẳng có gì vĩnh cửu được, huống nữa là tuyết và tình yêu.

Trước ngày về nước, Dasa tặng anh món quà. Một con matryoshka bằng nắm tay. Matryoshka làm bằng gỗ kỹ nghệ chắc chắn chứ không phải bằng tuyết dễ vỡ tan. Cô nàng đã bọc một lớp nilông cẩn thận bên ngoài con matryoshka, lại đặt nó vào chiếc hộp giấy vừa vặn có đệm giấy mềm xung quanh. Cô bảo anh cứ để thế mang về nước rồi mở ra vì hành lý chất lên máy bay dễ vỡ.

Anh mỉm cười gật đầu. Gửi một vòng ôm và cái hôn cuối cùng cho Dasa. Cô nàng đỏ mặt như chực khóc. Anh thì tỉnh queo. Dù sao ba năm ở Nga anh cũng đã có nhiều kỷ niệm. Có một người tình xứ tuyết. Anh hứa với cô là sẽ luôn nhớ về những kỷ niệm này. Nhớ những lần cùng nhau nắn tuyết thành hình con matryoshka. Nếu xin được học bổng, anh sẽ lại sang đây làm nghiên cứu sinh.

Người ta trước lúc chia tay thường có những lời hứa. Như một cách chào thân ái để người ở lại an tâm. Để người ở lại biết ta có lưu luyến nhớ thương. Cũng có thể nói cho qua chuyện để mà đi ráo hoảnh. Anh thuộc trường hợp này. Gút bai không mong ngày trở lại. Một người tình xa xứ thì tốt nhất không nên quá nặng lòng. Anh cũng không nghĩ Dasa sẽ nhớ anh hoài, yêu anh dữ dội đến mức anh cần quay lại. Tây không nặng nghĩa như ta.

Anh nghĩ. Người con gái ở quê mới trọn nghĩa với mình. Lần này anh trở về sẽ lấy cô làm vợ. Với điều kiện trong ba năm qua cô chưa có ý với ai, chưa để lại điều tiếng gì với xóm làng. Còn anh. Ba năm qua anh và Dasa yêu nhau. Chuyện ở bên này đố người ở nhà biết được. Thôi thì đàn ông yêu chỗ này thương chỗ nọ chẳng là vấn đề. Đàn ông vẫn thường có chút ích kỷ như vậy.

Cũng may Dasa đã tặng anh con matryoshka. Nếu không anh cũng quên luôn việc mua lấy một con mang về nước làm kỷ niệm. Cái khăn choàng cổ mà Dasa tặng anh trong mùa tuyết đầu tiên thì anh vứt lại. Hành lý ngày về đã lỉnh kỉnh đồ đạc quà cáp rồi. Với lại anh đã quyết phủi bỏ tình cảm của cô thì mang về làm chi. Thêm vướng.

Bằng thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài giúp anh kiếm được một chân công chức biên chế ở tỉnh. Nhiều người bảo số anh may. Anh thì không mừng lắm. Nó là một bước thụt lùi trong sự nghiệp. Nhẽ ra với bằng cấp ấy, chuyên ngành ấy, anh phải được trọng dụng hơn. Xứng đáng là vào làm ở các viện nghiên cứu, hoặc chí ít cũng vào giảng ở những trường đại học tiếng tăm nước nhà.

Nhưng thời buổi này thạc sĩ đầy rẫy ra, tiến sĩ vào được biên chế còn khó khăn, huống hồ là anh. Cái bằng thạc sĩ chính quy tốt nghiệp nước ngoài học bổng nhà nước đem nộp ở tỉnh, người ta đánh đồng với mớ thạc sĩ làng nhàng. Cử nhân đại học thì có phân hạng giỏi khá để xét. Còn đã tới thạc sĩ thì không phân hạng. Có tiền có quyền có thân thế thì được nhích lên ưu tiên, không thì nằm yên.

Anh quá tự tin vào cái bằng danh giá của mình mà quên rằng ở xứ này mỗi năm tốt nghiệp hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ. Đừng có tự làm cao mình. May mà tỉnh còn nể nang cái bằng nước ngoài, cho anh vào biên chế, cạo bàn giấy là ưu tiên lắm rồi.

Làm ở tỉnh. Sống ở quê. Anh lại trở thành một người làng như trước khi đi học. Sau cú rớt chổng khát vọng ngày về, anh đã biết đến sự chấp nhận chịu đựng. Hạ mình xuống một chút. Thấp cho dễ lên. Cao quá dễ ngã. Anh lấy cô người yêu quê mùa làm vợ. Chấp nhận. Dù sao cũng là người của một thời. Người có ngãi có tình có công chờ đợi. Xóm làng bảo con bé ấy ít học nhưng tốt tính. Với người quê chừng ấy là được. Đảm bảo cơm ngon canh ngọt là hạnh phúc.

Bây giờ không như xưa mà cần đến môn đăng hộ đối đũa bạc mâm vàng. Tấm bằng thạc sĩ của anh, nó chỉ có ý nghĩa ở cơ quan trên phố. Về quê, người ta lấy tấm lòng tình cảm ra đo. Đừng tưởng thạc sĩ mà được ăn trên ngồi trước. Bố anh nói làng này đã từng có ông tướng. Xưa mỗi lần về làng tướng đi bằng máy bay trực thăng. Nhưng vào trong đình làng vẫn phải khoanh chân ngồi mâm dưới vì là người thuộc thế hệ sau. Đấy. Nhớ là về đây thì cúi cái mặt xuống một tí cho phải phép.

Anh chưng con matryoshka vào tủ kính. Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn vào, nhớ nước Nga. Món quà kỷ niệm, chút tình cuối cùng mà Dasa gửi tặng anh, giờ đem cất vào tủ kính. Đóng chặt, ở yên đấy. Anh đã lấy vợ và quên được cô gái xa lăng lắc kia. Thỉnh thoảng anh kể chuyện về nước Nga cho vợ nghe. Vợ rất thích. Nhiều chuyện kể đi kể lại đến lần thứ ba mà cô vẫn chăm chú lắng nghe. Riêng chuyện với Dasa thì anh giấu tịt. Đàn ông ai cũng thế chứ riêng gì anh.

Anh nói với vợ rằng lúc nào em sinh con thì sẽ bóc cái matryoshka đó ra. Vợ tò mò hỏi có cái gì ở trong. Anh bảo thì cũng như một người phụ nữ mang bầu. Vặn ra sẽ có một matryoshka nhỏ hơn, như đứa con. Vợ cười thích thú. Hi vọng sang năm mình bóc được matryoshka.

Nhưng sang năm, rồi sang năm nữa là hai, vợ vẫn chưa thai nghén. Cả nhà nóng ruột. Ông bà nội ngoại mong cháu. Anh đi đâu người ta cũng hỏi. Có gì chưa. Chưa? Sao lâu thế? Chịu. Lắm khi anh cũng nổi quạu lên vì những câu hỏi chuyện con cái. Thời xưa người ta ít kiến thức mà sinh đẻ rất dễ. Thời nay chẳng hiểu sao rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh. Có thể do thức ăn nước uống. Có thể do ông trời đã toan tính kìm hãm sự phát triển ồ ạt của loài người.

Những năm tám mươi chín mươi của thế kỷ trước dân số bùng nổ khủng khiếp. Đông con hơn đông của. Tư duy lúc ấy của người quê lại gắng sinh cho nhiều để có phần ruộng, có sức lao động. Hậu quả là bây giờ thanh niên thất nghiệp đầy rẫy ra. Có học hành bài bản bằng cấp này nọ vẫn chịu cứng không xin được việc. Ông trời hãm phanh là có lý của ổng.

Anh tìm mọi biện pháp để chạy chữa. Từ thuốc bắc đến thuốc nam. Đông y tây y khắp cả. Có bệnh thì vái tứ phương. Nghe người ta mách đâu có thầy giỏi anh đều tìm đến. Nhưng hai năm vợ anh vẫn im ỉm. Bác sĩ không dám kết luận thẳng là tại vợ hay tại chồng. Chỉ thông báo cho anh biết là phải nhờ y học hiện đại can thiệp mới hi vọng có con. Cần một khoản tiền lớn, một ý chí vững vàng, mà xác suất để đậu thai thì không cao.

Con matryoshka vẫn nằm yên trong tủ kính. Bây giờ mỗi lần nhìn thấy nó, hai vợ chồng chỉ thêm buồn. Biết đến lúc nào vợ mới được là một matryoshka mẹ mang trong mình một matryoshka con.

Anh mở tủ kính lấy con matryoshka ra. Bóc lớp nilông bọc bên ngoài rồi đưa cho vợ. Em mở ra đi. Chị vặn nhẹ nửa vòng. Thích thú khi thấy bên trong là một con matryoshka giống hệt bên ngoài nhưng nhỏ hơn. Hai con búp bê gỗ. Đây là matryoska đôi. Không thể vặn thêm nữa. Chỉ một matryoshka mẹ ôm lấy duy nhất một matryoshka con.

Một mảnh giấy nhỏ rớt ra. Anh cầm lên xem. Chữ viết tay thật đẹp của Dasa, cô người yêu cũ ở xứ tuyết.

Anh hãy giữ lấy matryoshka này làm kỷ vật niềm tin. Matryoshka mang tính cách tâm hồn Nga. Lặng lẽ và giấu kín những điều bí mật vào bên trong. Em muốn anh yên tâm trở về Việt Nam nên không nói ra. Rằng trong em đang có một matryoshka nhỏ bé bốn tuần tuổi. Chưa biết trai hay gái nhưng em sẽ đặt tên cho bé là Matryoshka.

Anh giật mình. May mà vợ anh không biết tiếng Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận