Mở kho sử kể của gia đình như một nhà nhân học

TRÚC ANH 24/01/2023 05:09 GMT+7

TTCT - Khi sum vầy cùng gia đình trong Tết này, bạn có muốn thử làm một thí nghiệm nhỏ: phỏng vấn các thành viên gia đình như một nhà nhân học?

"Ông ngoại kể chuyện", tranh Albrecht Anker (1884)

"Ông ngoại kể chuyện", tranh Albrecht Anker (1884)

Chúng ta có lẽ vẫn nghĩ rằng mình biết khá rõ về những chuyện đời xưa của cha mẹ, ông bà, và cả những người họ hàng. Dữ kiện đến từ trí nhớ ấu thơ của ta, những chuyện kể từ người lớn trong những dịp giỗ chạp, và tất nhiên, trong những ngày Tết. Nhưng có thật là ta biết đủ nhiều như mình vẫn nghĩ? Câu trả lời có thể là không.

Những người lớn trong gia đình có thể đã nói nhiều, thậm chí kể đi kể lại những cột mốc quan trọng, những chuyện trà dư tửu hậu, nhưng có lẽ chúng ta chưa biết gì về thời thơ ấu, tuổi hoa niên hay những giai đoạn bước ngoặt trong cuộc sống họ. 

Lý do đơn giản: ta chưa bao giờ hỏi, hoặc có nghĩ đến điều đó nhưng chưa đặt đúng câu hỏi. Ở chiều ngược lại, những người lớn dù muốn kể thêm, như một cách giữ gìn một bản sử kể của dòng tộc, nhưng ngại vì chẳng ai hỏi, còn tự kể thì sợ lũ trẻ chẳng muốn nghe.

Tiến sĩ Elizabeth Keating, giáo sư nhân học Đại học Texas ở Austin (Mỹ), thấu hiểu điều này dưới góc độ chuyên môn lẫn cá nhân - cô từng ngậm ngùi nhận ra mình không biết gì mấy về mẹ, khi bà qua đời năm 2014. 

Còn gì trớ trêu hơn khi một nhà nhân học từng thực hiện biết bao cuộc phỏng vấn, từng đọc, đào sâu tìm hiểu vô số câu chuyện gia đình của người xa lạ, lại chưa từng hỏi mẹ mình những câu cần hỏi, để hiểu về chính gia đình, dòng họ mình.

Để biết lẽ ra mình đã phải hỏi mẹ những câu gì khi bà còn sống, cũng là cách bảo vệ pho sử kể quý giá nhưng dễ mai một của gia đình, Keating bắt đầu một nghiên cứu, tìm hiểu cách những câu chuyện gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở nhiều quốc gia khác nhau. 

Keating nhận thấy nhiều người cô phỏng vấn biết rất ít về cuộc sống của ông bà hoặc cha mẹ họ, chẳng hạn họ lớn lên thế nào và đã trải qua những gì khi còn trẻ. Toàn bộ ký ức một thời đã trôi qua vĩnh viễn, tạo thành những lỗ hổng trong bản lịch sử gia đình, "như cách những con ngài đục lỗ trên chiếc áo len mà tổ tiên đã đan lên bằng tình yêu thương", cô viết trên The Conversation.

Từ kết quả nghiên cứu, Keating viết và xuất bản quyển The Essential Questions (Những câu hỏi thiết yếu) hồi tháng 11, khuyến khích mọi người "phỏng vấn gia đình mình để khám phá những câu chuyện và kết nối khoảng cách thế hệ". "Những câu hỏi thiết yếu" ở đây là những gì một nhà nhân học sẽ hỏi khi muốn hiểu một lối sống hay nền văn hóa mà họ biết rất ít. 

Các câu hỏi về phả hệ thường tập trung vào những sự kiện quan trọng như ra đời, mất đi, kết hôn..., còn nhà nhân học chỉ quan tâm đến cuộc sống đời thường: cách ông bà, cha mẹ, họ hàng từng tương tác với hàng xóm, tán tỉnh nhau, nuôi dạy con cái, những đồ vật nào quan trọng với họ, hay trẻ con ngày xưa sợ nhất điều gì.

Bìa sách The essential questions

Bìa sách The essential questions

Khi hỏi về đời sống xã hội, ta sẽ hình dung ra những người lớn trong nhà khi còn trẻ con sẽ thế nào, còn khi hỏi về những đồ vật quan trọng, ta sẽ được nghe về những thứ bình dị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình của chính mình. 

Đó có thể chỉ là một cái ghế đẩu, như câu chuyện Keating thu được từ một người tham gia nghiên cứu ở Anh: "Mẹ thường nói với tôi rằng điều tuyệt vời nhất trong ngày là khi tôi đi học về và ngồi trên chiếc ghế đẩu trong bếp, chuyện trò mẹ con. Tôi vẫn còn cái ghế đó trong bếp. Cha tôi đã đóng nó. Các con tôi cũng ngồi trên chiếc ghế đẩu trong bếp đó, khi bà chúng nướng bánh...".

Dù là hỏi về điều gì, điểm mấu chốt là hãy cụ thể. Sau khi hỏi người thân về ngôi nhà mà họ lớn lên, hãy tiếp tục yêu cầu chi tiết: Cửa sổ của họ nhìn ra cái gì? Họ nghe thấy gì khi thức dậy vào buổi sáng? Bữa tối trong nhà từng như thế nào? Họ đã được dạy gì về cách thể hiện cảm xúc? "Và hãy nhớ rằng những câu hỏi quan trọng nhất cũng có thể là những câu hỏi đơn giản nhất" - Keating viết.

Hỏi người thân về quá khứ của họ như một nhà nhân học sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm không chỉ về họ và bản thân mình, mà còn về một giai đoạn lịch sử có thể thành xa lạ. "Giống như các tác phẩm văn học truyền miệng quý giá và lịch sử của cả cộng đồng đang bị mất đi trên toàn thế giới (…) những câu chuyện cá nhân của gia đình bạn cũng có nguy cơ sẽ mất mãi mãi" - Keating cảnh báo.

Vậy thì hãy thử một lần xem sao, biết đâu bạn sẽ ngạc nhiên vì bố mẹ và ông bà chưa nói với bạn nhiều điều, chưa kể nó không chỉ giúp lưu giữ quá khứ mà còn tạo ra ý nghĩa và sự kết nối lâu dài. 

Cũng đừng để những từ đao to búa lớn như "phỏng vấn" hay "nhân học" khiến mọi thứ có vẻ nghiêm trọng. "Tất cả những gì cần làm là hãy hỏi", như cách một người mẹ 92 tuổi trả lời con gái, khi cô hỏi bà theo gợi ý của Keating, và ngạc nhiên vì được nghe toàn chuyện trước đó mình không hề biết. 

Chỉ cần hỏi, chìa khóa vào kho sử kể của gia đình đơn giản là vậy thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận