Mớ rau cuối cùng

HOÀNG GIANG 16/01/2011 11:01 GMT+7

TTCT - Nhật ký à! Mấy hôm nay Hà Nội lạnh quá, đã khoác mấy lần áo mà đi ngoài trời vẫn cảm nhận được cái rét thấu vào da thịt. Quá 12 giờ trưa, lập cập rời thư viện tìm vội cái gì nhét vào bụng, chợt bắt gặp một dáng hình nhỏ thó, một dáng hình nhà quê lọt thỏm giữa lòng phố thị.

Phóng to
Ảnh: H.G.

Bà lão thấp bé, da đồi mồi, bận vào mình có lẽ nhiều lớp áo với ba cái khăn len nhưng vẫn run rẩy với thời tiết này. Trên đôi vai gầy của bà là chiếc đòn tre, một bên là cái bị, một bên là đùm rau muống buộc sơ sài bằng mấy sợi dây nilông.

Đã 85 tuổi nhưng bà vẫn dậy lúc 5 giờ sáng hái đôi, ba chục mớ rau muống sạch rồi tất tả ra xe buýt từ Hưng Yên về Hà Nội. “Rau ở quê rẻ mà nhà ai cũng có nên chả bán được cho ai, lật đật về Hà Nội may ra kiếm được đôi ba đồng góp tiền đóng học phí cho đứa cháu mồ côi đang học lớp 12” - tiếng bà lão nghèn nghẹn trong gió đông.

Chợt một phụ nữ trung niên đi xe Attila tấp vô lề đường, ngồi xổm, tay bốc mớ rau: “Bà còn mấy mớ đây? Để cháu mua nốt cho bà về sớm, kẻo lạnh”. Hóa ra chị này là khách quen của bà lão.

Chợt thấy lòng ấm lại giữa mùa đông giá rét. Đâu phải khăn choàng, áo lạnh mà chính tình người đã sưởi ấm trái tim ta, làm tan biến cái giá lạnh của mùa đông rét buốt, phải không nhật ký?

Nhật ký thân,

Sài Gòn đang chuyển mình vào những ngày xuân, cái nóng mới hồi chiều vừa hắt lên má vậy mà đến tối lại thay thế bằng những cơn gió se se mát lạnh vỗ vào lồng ngực. Từng làn gió mang hương vị của mùa xuân gõ vào trái tim của đứa con xa quê mỗi khi mùa tết đến.

Sắp thêm một cái tết nữa. Không khí càng về cuối năm sao cứ thấy lạ lạ, nhìn thấy ai nấy cũng háo hức chuẩn bị mà mình lại da diết biết bao. Mấy hôm trước thấy đám bạn cùng lớp rủ nhau đặt vé tàu tết mà mình cũng nôn nóng muốn theo. Đành “nhịn” vì dù có mua nổi tấm vé 400.000-500.000 đồng thì khi về đến nhà thấy cảnh mẹ phải chạy vạy khắp xóm mượn nợ, mình càng thấy đau lòng hơn. Mà dịp này lại là mùa tết, mượn được rồi cũng lại nợ người ta khó hơn. Mẹ luôn bảo tết là phải về nghe con, nhưng mỗi lần về chỉ tội mẹ thêm. Thôi đành nói dối với mẹ là phải học đến tận những ngày cận tết để mẹ không níu kéo nữa.

Nhớ tết năm ngoái mà thấy thương mẹ làm sao. Tết đó, mình đã bắt đầu đi làm thêm rồi. Thấy con lâu rồi chưa về, mẹ ở quê cứ mãi lo lắng rồi gọi lên hỏi con có về được không...

Cuối tuần này mình sẽ lãnh lương làm thêm. Mình sẽ trích ra 70.000 đồng mua một con búp bê nhỏ và hộp viết chì màu gửi về làm quà tết cho hai đứa em.

Vậy là cũng có quà về cho hai đứa nhỏ vui tết này rồi. Thôi đành vậy, dù vẫn phải xa quê nhưng ấm áp như được cùng ăn tết với cả nhà ở quê xa xa.

“Đất lành chim đậu”. Mấy năm gần đây người dân các tỉnh đổ về nhiều, Đà Nẵng mở thêm đường mới, đã chớm thấy nạn kẹt xe rồi. Người lưu dân nhiều, công việc chủ yếu là làm thuê trong các nhà hàng, quán cà phê, nhân viên tiếp thị, lao động phổ thông tiền lương ít ỏi. Cuối năm giá cả lên như diều, ai cũng thắc thỏm.

Được cái là mấy quán cơm bụi, cơm bình dân mở ra nhiều san sát. Giá thực phẩm lên nhưng giá một đĩa cơm vẫn thế, mười ngàn, mười lăm ngàn chưa thay đổi tuy thức ăn trên đĩa có phần ít đi, thiêu thiếu, tòm tèm. Tự đi chợ nấu ăn mất thời giờ mà nhiều khi tốn kém hơn cơm bụi, lương không đủ, dân ngụ cư bảo thế. Cái khoản chi tiêu tính toán ai mà bằng họ.

Càng về khuya, trời thêm lạnh, bà lão bán cháo gà gần sân ga phủ lên mình chiếc mền cũ. Quán bình dân của bà bán đủ loại cháo, bún, xôi... Khách là những người đi xe thồ, bảo vệ các cơ quan, các cô tiếp thị, khách đi tàu về khuya. Khách nghèo nên giá cả cũng bèo bọt. Thương cho cái thời lên giá. Nhưng với bà lão, lên một hai ngàn cũng cực chẳng đã, xót lòng lắm thay!

TTCT cảm ơn các bạn: Cuong Le Quoc, Hồ Thanh Tuấn, Tạ Tư Vũ... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận