Molenbeek - cối xay gió bên dòng sông nhỏ

KIỀU BÍCH HƯƠNG 03/12/2015 17:12 GMT+7

TTCT - Sau một tuần bàng hoàng bối rối, nhịp sống ở Molenbeek và dòng đời giữa Paris vẫn tiếp tục chảy trôi. Các bạn Việt của tôi ở Molenbeek sớm treo những quả bóng màu lung linh lên cây Giáng sinh trong căn hộ nhỏ. Mắt bão chính là nơi bình yên nhất.

Người Molenbeek thắp nến tưởng niệm nạn nhân khủng bố ngày 13-11 ở Paris -EFE/Olivier Hoslet
Người Molenbeek thắp nến tưởng niệm nạn nhân khủng bố ngày 13-11 ở Paris -EFE/Olivier Hoslet

Bây giờ đến truyền thông Việt cũng gọi Molenbeek là “xóm liều”, là “ổ chuột”, “trung tâm thánh chiến của IS ở châu Âu” rồi. Có nhiều cách trở nên nổi tiếng, Molenbeek - “cối xay gió bên dòng sông nhỏ” của Brussels lại dính vào tai tiếng khi bao người vô tội phải chết ở Paris đêm 13-11-2015.

Cách đây nhiều thập kỷ, Molenbeek từng là niềm tự hào của người Bỉ. Cho đến những năm 1950, người nhập cư từ Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đổ về Molenbeek, nhiều gia đình gốc Brussels đã lặng lẽ chuyển đi.

Tôi có vài người bạn Việt sống ở Molenbeek. Nay họ thường phải giải thích với gia đình ở quê nhà và nhiều bạn bè nước khác rằng Molenbeek bao gồm hai khu: người gốc Ả Rập ở khu trung tâm từ thời Trung cổ, còn chúng tôi ở khu mới xây - xanh hơn và chủ yếu Bỉ “trắng” định cư.

Tôi từng đến Molenbeek ba lần. Bước trên phố nhỏ sáng bóng lớp đá cổ đã mòn vết chân, ngắm những vòm bancông duyên dáng như hàng mi thiếu nữ, thấy Molenbeek thuộc diện nghèo nhất Brussels vẫn duyên dáng hơn các tòa nhà kính hiện đại của Liên minh châu Âu cách đó không xa.

Khó mà nghĩ đâu đó trong những căn hộ nhỏ xinh kia lại ẩn chứa vài gương mặt bạo lực cực đoan mang linh hồn chết tham gia vụ thảm sát ở Paris.

Dĩ nhiên nhiều người Bỉ cảm thấy bối rối mỗi khi có khủng bố - thảm sát ở châu Âu, mọi con mắt lại đổ dồn vào Molenbeek. Người Bỉ với chiếc xe hơi gắn biển chữ “B” liệu còn thoải mái tự do phóng xe qua biên giới các nước EU?

Người Bỉ băn khoăn không biết lực lượng an ninh đã kiểm tra được kỹ càng hàng ngàn người tị nạn vừa đổ về Brussels chưa? Nhưng ngay sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, Bỉ đã tiến hành nhiều việc cần làm, kể cả kế hoạch trao đổi cảnh sát với Morocco - một vài nhóm cảnh sát từ Morocco sang tuần phố Brussels hẳn am hiểu tâm lý tội phạm gốc Morocco hơn cảnh sát địa phương.

Còn Antwerp tính phương án thuê thêm cảnh sát liên bang để bảo vệ thủ phủ được coi như thủ đô của người nói tiếng Hà Lan tại Bỉ này. Sự phức tạp ở Bỉ hiện diện ngay trong Brussels - thủ đô chỉ 1,2 triệu dân nhưng có đến 19 đô thị tự trị và 6 khu vực cảnh sát đóng đồn.

Chính Jan Jambon, bộ trưởng Bộ Nội vụ Bỉ, không ngại tự vấn “Hãy hỏi New York - thành phố của 11 triệu dân có bao nhiêu khu vực cảnh sát?”. “Họ chỉ có một”, tự Jan Jambon trả lời - kiểu suy nghĩ thực tế và không quá lạc quan. Rất Bỉ.

Trong thư gửi hiệu trưởng các trường vùng Flanders, bà Bộ trưởng Giáo dục Hilde Crevits vừa yêu cầu phòng bị lối sơ tán khẩn cấp và phối hợp cùng cảnh sát địa phương giám sát cổng trường nghiêm ngặt, vừa cung cấp cho giáo viên cách nói chuyện với học trò về thảm sát ở Paris, mối đe dọa của khủng bố tại Bỉ cũng như tránh kỳ thị bạn học gốc Ả Rập trong lớp.

Nếu hiệu trưởng cần, bộ sẽ gửi ngay các chuyên gia về Ả Rập đến trò chuyện trực tiếp. Cách dạy trẻ đối phó khủng hoảng trực diện và thấu đáo cũng rất Bỉ.

“Vợ chồng tôi từng muốn bán khách sạn ở Bangkok và chuyển hết tiền về Bỉ. Nhưng tuần sau chúng tôi sẽ quay lại Thái xem xét khả năng tiếp tục kinh doanh ở đó - Benyapa, một phụ nữ Thái có con học cùng trường với bọn trẻ nhà tôi, tâm sự - Chúng tôi muốn định cư hẳn ở Bỉ, nay phân vân.

Châu Âu chẳng còn an toàn nữa. Tình hình xấu hơn chắc cả gia đình lại về Thái”. Nghe Benyapa tâm sự, Eveline - một phụ nữ Bỉ cũng chờ con trước cổng trường - băn khoăn: “Người nhập cư như các cô còn có quê hương để trở về.

Người Syria, người Iraq chạy sang Bỉ để tránh nội chiến. Còn người Bỉ chúng tôi nếu bị khủng bố hàng loạt biết chạy đi đâu? Còn nơi đâu thật sự an toàn trên trái đất này?”.

Ở đất nước mà sự chia rẽ vùng miền và ngôn ngữ quá sâu sắc, ở liên bang tính địa phương mạnh hơn trung ương này, người Bỉ có thể yếu đuối trong sức mạnh đoàn kết, nhưng cá nhân thường tự chủ, thực tế và suy nghĩ khá tích cực.

Pina, cô phục vụ bàn trong nhà hàng Thái tại thành phố Leuven, từng kín đáo chỉ một người Bỉ đang thong thả ngồi ăn rồi nói nhỏ với tôi: “Chính là người Bỉ thoát chết trong vụ đánh bom ở Bangkok hôm 17-8. Tôi nhận ra vì anh ta trả lời phỏng vấn truyền hình, và vừa về Bỉ anh ta đã đến ngay nhà hàng Thái dùng bữa như chẳng hề có chuyện gì xảy ra”.

Từ Philippines sang Bỉ định cư đã 26 năm, mang nước cho thực khách Pina bao giờ cũng chỉ rót nửa cốc. Người Bỉ vùng Flanders quan niệm nửa cốc nước tượng trưng cho suy nghĩ tích cực. Cuộc sống có thể không viên mãn tràn đầy nhưng vẫn còn nước trong cốc để hi vọng.

Sau một tuần bàng hoàng bối rối, nhịp sống ở Molenbeek và dòng đời giữa Paris vẫn tiếp tục chảy trôi. Các bạn Việt của tôi ở Molenbeek sớm treo những quả bóng màu lung linh lên cây Giáng sinh trong căn hộ nhỏ. Mắt bão chính là nơi bình yên nhất.

Các phát thanh viên Bỉ vẫn dùng kẹp tóc, cà vạt và trang phục màu đen khi lên sóng truyền hình cả tuần nay. Nhưng tại cảng Antwerp, thánh Nicholas - Sinter Klass (vị thánh tặng quà cuối năm cho trẻ em ở Bỉ vào đêm 5 rạng sáng 6-12) đã sớm mang màu đỏ rực rỡ đến báo hiệu Noel - mùa lễ hội ánh sáng ở châu Âu sắp về.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận