Món nợ một thế kỷ

HẢI MINH 06/09/2019 22:09 GMT+7

TTCT - Không mấy người Mỹ từng nghe nói tới tuyến đường sắt Hồ Quảng (Huguang), chứ đừng nói là những trái phiếu được bán ra để làm tuyến đường đó. Nhưng vụ xới lại món nợ cũ ồn ào cuối tuần rồi cho thấy khi đụng tới tiền bạc, rất nhiều người sẽ không bao giờ quên, dù cho chuyện đã xảy ra… một thế kỷ trước.

Các dữ kiện lịch sử như sau: tháng 5-1911, chỉ 5 tháng trước khi cuộc Cách mạng Tân Hợi nổ ra, lật đổ triều đình Mãn Thanh và thiết lập nền cộng hòa ở Trung Quốc, Thanh triều phát hành trái phiếu xây dựng tuyến đường sắt Hồ Quảng miền trung nam Trung Quốc.

Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc sau đó thừa kế món nợ này, vẫn tiếp tục trả lãi suất cho các trái phiếu tới năm 1939, khi chính quyền này phải rút lui vào sâu trong nội địa vì Trung Quốc bị Nhật Bản xâm lược trong Thế chiến II.

40 năm sau, tháng 11-1979, Russell Jackson và 8 trái chủ người Mỹ khác kiện ra tòa đòi cả vốn lẫn lãi cho các trái phiếu. Họ nộp đơn ở tòa liên bang khu vực bắc Alabama.

Bị đơn lúc bấy giờ đã chuyển thành nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bắc Kinh giận dữ bác bỏ vụ kiện, nói rằng là một nhà nước có chủ quyền, họ không thể bị kiện ở một tòa nước ngoài và đằng nào đi nữa thì các trái phiếu đó cũng là một “khoản nợ đáng ghê tởm” do một chính quyền nhũng lạm gây ra, không phải để làm đường sắt, mà là để đàn áp người dân.

Chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ cũng nói trách nhiệm của những vụ kiện tụng như thế lẽ ra thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cho rằng Bắc Kinh nên cử luật sư tới Alabama nhằm tự biện hộ, bởi hầu hết các nước rơi vào hoàn cảnh đó sẽ làm như thế, và với tư cách là một bộ phận của nhánh hành pháp trong chính quyền Mỹ, Bộ Ngoại giao không thể can thiệp vào các quyết định của nhánh tư pháp.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ George Shultz; Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1983.

Khi bộ trưởng ngoại giao Mỹ thời bấy giờ, George Shultz, thăm Bắc Kinh vào tháng 2-1983, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc lúc đó là Wu Xueqian (Ngô Học Khiêm) trao cho ông này một công hàm khẳng định “theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có quyền miễn trừ do chủ quyền quốc gia với bất cứ sự tài phán nào của một tòa án nước ngoài, và chính quyền Trung Quốc không thừa nhận bất kỳ khoản nợ nào do các chính quyền phản cách mạng trong quá khứ đã gây ra ở Trung Quốc, và không có bất kỳ nghĩa vụ nào chi trả cho các khoản nợ đó”.

Cũng công hàm đó nói rõ nếu “phía Hoa Kỳ, bất chấp luật pháp quốc tế, gắn việc chế tài như nói trên với các tài sản của Trung Quốc ở Mỹ, chính quyền Trung Quốc bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp trả đũa tương xứng”.

Công hàm 1983 này giải thích nhiều cho những động thái gần đây ở Mỹ: lượng tài sản của Trung Quốc ở Mỹ có lẽ chưa bao giờ lớn như lúc này, và các trái chủ của trái phiếu Mãn Thanh tại Mỹ, với một tổng thống như ông Trump, không còn thấy hi vọng của họ là quá viển vông như 40 năm trước nữa, khi vụ kiện 1979 của họ cuối cùng không được tòa án của Mỹ thụ lý.

Đây tất nhiên là một vấn đề công pháp và tư pháp quốc tế rất phức tạp. Các nhà nước hiện đại, đặc biệt là Trung Quốc, thực hiện nhiều hoạt động thương mại vượt ra khỏi khuôn khổ chính trị, qua các pháp nhân là công ty sở hữu nhà nước.

Là hoàn toàn bình thường khi các công ty nhà nước này bị các cá nhân khởi kiện, ở Trung Quốc hoặc nước ngoài. Rắc rối là ở chỗ chính quyền Mãn Thanh không có sự phân biệt đó khi vay tiền để làm đường sắt Hồ Quảng, một dự án dân sự và thương mại hơn là chính trị.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng về phía các trái chủ Mỹ, một thời điểm tốt hơn để nêu lại món nợ lẽ ra là năm 1966, khi chính quyền Mỹ chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và yêu cầu các công dân Hoa Kỳ có tranh chấp tài sản với chính quyền Trung Quốc kê khai tranh chấp ở Washington. Lúc đó, có vẻ như đã không ai ra mặt.

Nhưng ngay lúc này, ít ai ngờ hơn 100 năm sau, những trái phiếu do triều đình Phổ Nghi phát hành lại có thể gây ồn ào đến thế. Một lần nữa, ông Trump đã chứng tỏ rằng với ông trong Nhà Trắng, không điều gì là không thể!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận