Một cách nhìn khác về giảm nghèo

LÊ MINH TIẾN 18/10/2010 19:10 GMT+7

TTCT - Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tầng lớp trung lưu ở châu Á, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại châu lục này sẽ thay thế vai trò truyền thống của châu Âu và Mỹ, và họ là những người tiêu dùng chủ yếu của thế giới và giúp tái cân bằng nền kinh tế thế giới.

Để đánh giá một xã hội nào đó phát triển hay không phát triển, một trong những tiêu chí quan trọng cần phải nói tới là tỉ lệ của tầng lớp trung lưu trong cơ cấu xã hội tổng thể của xã hội ấy. Một xã hội được coi là phát triển bền vững khi có một cấu trúc xã hội thích hợp.

Thông thường ở các nước kém phát triển hay đang phát triển thì cơ cấu xã hội chủ yếu theo hình kim tự tháp với đa số dân cư là người nghèo (đáy kim tự tháp) và “teo” dần khi lên trên, và trong mô hình người giàu chiếm tỉ lệ thấp (đỉnh kim tự tháp) nhưng lại là nhóm sở hữu nhiều nhất sự giàu có của quốc gia (10% người giàu chiếm giữ 90% tài sản quốc gia, trong khi 90% còn lại chỉ sở hữu 10% tài sản quốc gia).

Với mô hình này, sự bất bình đẳng và phân hóa xã hội sẽ cực kỳ lớn và trở thành mầm móng chủ yếu của những xung đột xã hội về sau.

Như vậy để xã hội phát triển ổn định thì mô hình cấu trúc xã hội thích hợp phải là mô hình hình thoi với đáy (những người nghèo) và đỉnh (những người giàu) chiếm tỉ lệ rất nhỏ, còn phần ở giữa (tức tầng lớp trung lưu) chiếm đa số. Khi cơ cấu xã hội mang kiểu hình thoi thì đa số người dân đều có mức thu nhập bằng hoặc gần với thu nhập bình quân đầu người, tức khi đó sự chênh lệch thu nhập trong dân cư không lớn và điều này là yếu tố quan trọng giữ cho xã hội được ổn định về lâu dài xét về xã hội.

Xét về mặt kinh tế, khi tầng lớp trung lưu chiếm đa số trong cơ cấu xã hội thì đó cũng là sự bảo đảm cho nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng cao và bền vững do sức mua của nền kinh tế luôn ở mức cao. Những nước được xem phát triển cao và công bằng nhất hiện nay là các nước thuộc vùng Bắc Âu với tỉ lệ tầng lớp trung lưu ở các nước này gần 80%.

Khi tầng lớp trung lưu tăng lên, có nghĩa số người nghèo sẽ giảm xuống. Đây phải được xem như yếu tố then chốt để đánh giá về thành tích giảm nghèo chứ không nên chỉ đánh giá dựa trên số người vượt mức thu nhập 1 đôla/ngày (tức ngưỡng nghèo). Giảm nghèo thành công có nghĩa là tạo ra được tầng lớp xã hội mới, đó là tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Do đó trong chiến lược phát triển sắp tới chúng ta không thể chỉ nói chung chung là phấn đấu trở thành nước cơ bản có nền công nghiệp hiện đại với mức thu nhập bình quân đầu người 2.000-3.000 đôla/năm, mà phải định hình được cơ cấu xã hội trong tương lai 10 hoặc 20 năm tới như thế nào. Theo những yêu cầu cơ cấu xã hội hiện đại của việc xây dựng toàn diện xã hội giàu mạnh, tỉ lệ những người có thu nhập trung bình cần không ngừng tăng lên. Sự lớn mạnh của tầng lớp thu nhập trung bình rất quan trọng bởi họ là những người góp phần làm dân giàu nước mạnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận