Một chiến thắng đầy tính nhân văn

DINHTHANG 17/04/2005 02:04 GMT+7

TTCN - Những gì mà chúng ta đạt được vào ngày 30-4 tại Sài Gòn đã cho thấy tư tưởng quân sự, tư tưởng chiến tranh của Đảng Cộng sản VN chứa tính nhân văn rất cao. Cứ nhìn TP Sài Gòn sau 30 giải phóng, chúng ta sẽ thấy nếu trên cơ sở đổ nát, cầu đường bị phá sập, hạ tầng không được duy trì... thì kể cả với 30 năm dốc toàn lực, sự phục hồi cũng đầy rẫy khó khăn chứ không nói phát triển như hiện nay.

Còn khía cạnh khác, chết chóc kéo dài và tăng số lượng, hậu quả về xã hội thật khó tính toán, nhất là vào lúc đó, muốn gì thì muốn, vấn đề vẫn là những người VN giải quyết với nhau, bởi Mỹ đã cút, không trực tiếp tham chiến nữa. Nếu thành phố đổ nát, đẫm máu thì chắc chính quyền Mỹ là kẻ hoan hỉ hơn hết. Vào giờ cuối cùng, mong muốn còn lại của Mỹ là để lại sau chiến tranh cảnh tàn phá vật chất và cảnh chết chóc đến mọi gia đình - những lợi thế mà chúng sẽ khai thác trong tương lai liền sau đó.

Có ở đâu xe tăng quân giải phóng vào thành phố được người dân thành phố, cả nữ sinh dẫn đường? Có đâu mà ngày “Việt cộng” nhập thành đi giữa cờ hoa rợp trời, giữa niềm hoan hỉ tràn ngập?

Chiến thắng chiến tranh là công lao của mọi người, trước hết, công lao của những chiến binh. Không có điều gì phải bàn cãi. Những người lính giải phóng quê ở khắp nơi trên đất nước ta đã kéo về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, không ít người đã ngã gục ngay trước giờ khải hoàn. Thế nên, chuyện so kè “tôi đến trước, anh đến sau” thật lạc lõng trong cái vĩ đại của dân tộc.

Chiến dịch là một bộ phận của chiến tranh, bộ phận chủ yếu và đến lượt nó, chiến tranh là tấm gương phản chiếu của cuộc đấu tranh dân tộc, của chính nghĩa. Kết thúc một cuộc chiến tranh như ta kết thúc là kết thúc một quá trình hi sinh của cả dân tộc, một quá trình sáng tạo của Đảng lãnh đạo, của ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Và, với ngày 30-4-1975, kết thúc một cuộc chiến tranh trên phạm vi một nước, còn đạt cái mà chúng ta ao ước, mong mỏi tự xa xưa - tôi nói sự thống nhất quốc gia vê lãnh thổ và về chế độ, dân ta từng “hận Sông Gianh”, từng đau về Bến Hải... Hơn nữa, kết thúc chiến tranh mở đầu kỷ nguyên mới xây dựng nước VN xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nhân văn...

Cho nên, ngày 30-4-1975 chẳng những kết thúc thời kỳ giành độc lập, tự do, thống nhất mà còn là kết thúc một giai đoạn lịch sử và mở đầu một kỷ nguyên lịch sử mới chưa từng có ở VN trước đây. Thật dễ hiểu, khi sự kết thúc ấy tuyển lọc tinh anh của tinh thần, văn hiến dân tộc qua nhiều ngàn năm, từ chập chững đến cứng cáp, hội các chương sử viết bằng máu của các nhà vua, các vương công, các sĩ phu, các liệt sĩ chưa giác ngộ cộng sản và được người cộng sản thời đại tạc khắc vào đá bằng đại tự: “Không có gì quí hơn độc lập tự do” và “Đại đoàn kết dân tộc đồng nghĩa với đại thành công”.

Cả nước hi sinh cho một kết quả như thế. Bác Hồ mãn nguyện. Cha ông ta, con cháu ta sau này mãn nguyện.

Một chiến thắng như thế nổi bật trong các chiến thắng chống ngoại xâm của người VN, cần đo lường bằng trái tim, bằng truyên thông vì chiêu kích quá lớn của nó .

__________________

(*) Trích tham luận Kết thúc một cuộc chiến tranh tại hội thảo “Đại thắng mùa xuân năm 1975 - bản lĩnh và trí tuệ VN” (ngày 14 và 15-4-2005 tại TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận