TTCT - Sau chỉ một, hai thế hệ, giấc mơ an cư ở các đô thị lớn đã thay đổi hoàn toàn, kèm theo nhiều hệ lụy. Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân ở Phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Tự TrungVới thế hệ người Bắc hay Trung vào miền Nam lập nghiệp thập niên 1990, đầu 2000, công thức để có một chỗ ở, sau khi kiếm được việc làm ổn định là ở trọ, ít nhất 5 năm, tiết kiệm hết mức có thể, bao gồm đi làm cả ngày nghỉ để vừa có tiền tăng ca, vừa tiết kiệm tiền điện nước và các chi phí đàn đúm giải trí vô bổ.Sau đấy là tìm một mảnh đất vùng ven, đầu thừa đuôi thẹo, ngập nước lẫn chưa có điện lưới, lỡ có gần nghĩa trang hay mồ mả dòng họ người ta cũng không sao, không có sổ đỏ - tất nhiên, miễn có được một tờ giấy viết tay. Cỡ chừng 60m2 là sang. Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, quận 9, Trảng Dài, Tân Uyên..., chịu khó đi khắp các ngóc ngách, tìm riết rồi cũng sẽ thấy.Giấc mơ có nhà, sau một thế hệLàm được chuyện đấy xong, thêm vài năm nhịn ăn nhịn mặc nữa sẽ xây được cái nhà cấp 4, hoặc sang hơn, cất tấm, rồi yên tâm trả nợ tiền vay anh em bạn bè, hơn nửa đời trai trẻ coi như cũng đã thành đạt ít nhiều, dù hầu hết so với căn nhà mảnh đất bố mẹ đang có ở quê, thật không bõ bèn. Khó nhưng không phải là quá sức nếu công ty vẫn có việc đều, và nhín bớt những chuyến hiếu hỉ về quê.Mảnh đất không giấy tờ đấy bằng cách nào đó, cũng đến lúc được ra phòng công chứng và biến thành sổ đỏ, thứ giấy tờ quý giá không kém cuốn sổ gạo và tấm bìa hộ khẩu ngày xưa. Khi đó TP.HCM mới có 12 quận, 6 huyện; 232 phường, và có tận 85 xã và 4 thị trấn.Cho đến cuối những năm 1990, Gò Vấp nhiều nơi vẫn chưa thể có điện thoại bàn, vì đường dây hữu tuyến chưa kéo được đến. Ai ở phía Bình Chánh, Tân Tạo hẳn còn nhớ huyền thoại về những dãy nhà được thi công chỉ sau một đêm. Tối thứ sáu xây móng, sáng thứ hai đã lợp tôn xong, chiều quản lý xây dựng phường đến lập biên bản, mấy ngày sau dọn đến ở, rồi mới tính chuyện khoan nước, kéo điện! Vài tháng sau, đã thành những khu phố 4 không: không địa chỉ, không tên đường, không trường học, không trạm xá. Chỉ có duy nhất căn nhà trên mảnh đất ruộng, là đúng của mình.Định nghĩa lúc đấy: Nếu có việc làm, sẽ có chỗ ở, của mình. Điều đấy không còn đúng sau 10 năm, và thêm 10 năm nữa, trở thành chuyện hoang đường. Mọi nỗ lực tự thân để có được một chỗ ở, nếu không phải là của mình, thì ít ra cũng có thể yên tâm ổn định lâu dài, đang trở nên quá sức với đa số người nhập cư, dù họ cố gắng không kém các thế hệ đi trước, nếu không muốn nói là còn (buộc phải) cố gắng hơn, trong một xã hội đang ngày càng nhiều áp lực.120.000 tỉ, 18.000 căn hộ, và 70%120.000 tỉ là giá trị gói chương trình tín dụng Nhà nước triển khai từ năm 2023 hướng tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong vòng 10 năm. Ở TP.HCM từ năm 2021 đến nay, có 2 dự án nhà ở xã hội được bàn giao (Vietnamplus 18-1) với số lượng căn hộ là 623, tức bằng khoảng 1/20 số căn hộ tái định cư bỏ hoang mà đô thị này đang phải bỏ thêm hàng trăm tỉ mỗi năm chỉ để chúng được nằm yên và tiếp tục... hoang vắng.10 năm qua, công năng đáng kể nhất của hơn 10.000 căn hộ tái định cư ở sát bên khu đô thị Thủ Thiêm xa hoa, là nơi thu dung, điều trị bệnh nhân thời Covid.Ở Hà Nội, số lượng nhà tái định cư bỏ hoang xấp xỉ 5.000 căn và 70% công nhân buộc phải chọn phương án ở trọ. Dù nhiều người đã làm thủ tục theo quy định để được lọt vào diện đủ điều kiện vay gói tiền nói trên, không chính quyền sở tại hay cơ quan công quyền nào tự tin xác nhận là họ chưa có nhà, và thu nhập của họ thuộc diện đủ điều kiện để được vay ưu đãi.Tất cả những gì nghe nói bấy lâu nay về chính quyền số hay liên thông điện tử dường như không liên quan đến thực tế là nếu muốn gì, người dân đều phải lên phường lên xã xin được chữ ký, con dấu của một công chức nào đó, kèm theo một mớ những xác nhận của một công chức khác ở một công đoạn khác, và nhiều khi cứ thế đến vô tận. Như trong một tiểu thuyết của Kafka, tiến trình đó tiếp diễn đến khi người xin xỏ đã kiệt sức, chấp nhận tiếp tục ở trọ và xem tivi, nơi có rất nhiều chính sách và căn hộ đang được triển khai.Việc không có một đơn vị chủ quản nào chịu trách nhiệm cho mục tiêu có bao nhiêu căn hộ cho người có thu nhập thấp được bàn giao vào một mốc thời gian cụ thể nào đã dẫn đến nghịch lý là những nơi làm sai quy định lại được người có nhu cầu nhà ở lựa chọn. Xấp xỉ 10.000 căn hộ ken đặc ở nơi từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội - Định Công - Linh Đàm (phát triển cùng thời điểm với khu Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM). Hàng mấy chục tòa nhà không có sân chơi, hầm đỗ xe lẫn giấy tờ chính chủ, nhưng đều được mua sạch, bán sạch, kể cả khi người mua thấy rõ rủi ro về pháp lý lẫn an sinh. Bởi với giá tiền từ 800 triệu đến dưới 2 tỉ đồng vào thời điểm những năm 2015-2020, làm sao mua được một căn hộ trên dưới 50m2, cách Bờ Hồ xấp xỉ 10km?Phận sự của nhà nướcGiữa rủi ro chưa đến và nhu cầu phải có chỗ nương thân tức thì, lựa chọn thật quá hiển nhiên. Nói những khu nhà chen chúc ở Hoàng Mai là mụn nhọt của thủ đô không sai, nhưng nói nó là phao cứu sinh cho hàng chục ngàn gia đình muốn có một chỗ ở tạm yên ổn giữa chốn phồn hoa gạo châu củi quế cũng không phải là không đúng.Nhà nước, với chức năng an dân, an sinh, lẽ ra phải làm được nhiều hơn trong chức phận này, chứ không thể chỉ đóng vai ra quy định hay xử phạt, khi những bi kịch thảm khốc như các vụ cháy nhà trọ đã xảy ra, rồi nói dại mồm, rất có thể lại xảy ra tiếp. Để duy trì sự nghiêm minh của pháp luật, hàng chục cuộc thanh kiểm tra về an toàn với hàng trăm, hàng nghìn nhà trọ là cần thiết. Những vụ khởi tố, điều tra, ngăn cấm, phán xử cũng là không tránh khỏi, khi thiệt hại về nhân mạng lớn đến như vậy.Nhưng không thể dừng lại ở đó, khi mà vế kia của quyền hành nhà nước là trách nhiệm nhà nước, vốn đều do người dân giao phó. Tình trạng nhà trọ tự phát, xây sai phép, vi phạm phòng cháy chữa cháy... không diễn ra một sớm một chiều. Những khu chọc trời ổ chuột mà người dân "tự nguyện" lựa chọn, vì không còn giải pháp nào khác, không mọc lên sau một đêm. Những uyển ngữ "vướng mắc pháp lý", "nguồn cung hạn chế" là cách lý giải thiếu trách nhiệm cho quá nhiều nguồn lực xã hội bị lãng phí đến đau xót. Nhà nước, với tư cách người làm ra và thực thi chính sách, phải coi an cư cho người dân là trách nhiệm, và cao hơn, là bổn phận - tức một việc buộc phải làm, không chỉ vì những ràng buộc pháp lý, mà cả vì lợi ích cho chính Nhà nước, và cao hơn nữa, vì đạo đức thông thường.Nếu vấn đề căn bản cứ tiếp tục bị phớt lờ, thì những sự cố xảy ra rồi sẽ tác động lên chính chất lượng quản trị của hệ thống công quyền và niềm tin của những người đang được hệ thống đấy phục vụ. Những chiến dịch ra quân, cuộc vận động, hay phong trào; rồi những quy định bắt buộc đăng ký, dẹp bỏ nhà trọ bị coi là quá rủi ro, siết chặt quy định phòng cháy... chỉ là nhất thời, có tính đối phó với dư luận, hơn là giải quyết tận gốc rễ vấn đề: những giấc mơ cho một tổ ấm nhỏ bé an lành.■ Tags: Dự án nhà ở xã hộiNgười nhập cưThành phố thủ đứcKhu đô thịTái định cư
Xót xa nhìn biển nước mênh mông muốn chạm mặt những cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống HỒNG QUANG 10/09/2024 Nước lũ sông Hồng, sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ hồ thủy điện Thác Bà CHÍ TUỆ 10/09/2024 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký công điện gửi 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp, không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng DUY LINH 10/09/2024 Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu.
Cả gia đình một cô giáo mầm non tử vong do sạt lở đất HÀ QUÂN 10/09/2024 Một gia đình 4 người, cháu nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi đã tử vong sau trận sạt lở đất trong đêm tại Yên Bái.