Một cuộc “bắt cóc”

VIỆT HÀ 09/10/2015 21:10 GMT+7

TTCT - Tôi “bị” bố bắt cóc (*) kể về một hành trình du lịch ngẫu hứng, một chuyến đi nối liền trái tim đứa trẻ với cha mẹ vì lý do nào đó mà phải sống xa nhau.

Alpha Books
Alpha Books

1. Cuốn sách Tôi “bị” bố bắt cóc thoạt tiên khiến người đọc hơi bất ngờ, rồi bình tâm trở lại khi nghĩ đến những vụ “bắt cóc”, tranh chấp quyền nuôi con vốn không có gì mới mẻ trong xã hội hiện đại đầy áp lực, khiến nảy sinh hàng nghìn hoàn cảnh, con người có những suy nghĩ và hành động kỳ quái. Tưởng vậy, nhưng hóa ra cuốn sách lại chỉ viết về một chuyến du lịch mùa hè thú vị của hai cha con lâu ngày không gặp.

Nhưng tại sao lại là tôi bị bố “bắt cóc”? Bởi kẻ bắt cóc là “một người lớn không tốt!” và người bị bắt cóc là con gái “còn không biết là mình yêu hay ghét bố nữa”, vì người ta phải gặp nhau mới biết yêu hay ghét.

Haru là một cô bé bình thường học lớp 5, sống riêng cùng mẹ vì bố mẹ cô bé ly thân. Haru sắp quên bố vì bố con cô bé rất ít khi gặp nhau. Vào ngày nghỉ hè đầu tiên, khi bé đi mua kem thì thình lình gặp bố và được bố mời lên một chiếc xe hơi xa lạ. Haru lên xe và chính thức được thông báo “bị bắt cóc”.

Haru đi ăn cơm với bố trong tâm trạng hoang mang, hồi hộp, chỉ mong đó là câu nói của một ông bố hay đùa. Tuy nhiên khi chiếc xe của hai bố con chạy ra khỏi thành phố và đi vào những con đường lạ hoắc, bên cạnh nỗi lo sợ, niềm phấn khích của Haru ngày một nhân lên khi được đi cùng bố đến những vùng đất xa lạ.

Họ đi qua một khu câu cá tư nhân để trả chiếc xe bố cô đã mượn của người bạn, lên tàu đi ra biển, rồi lại bắt xe buýt, lên tàu đi lên núi, cắm trại ở khu BBQ... Trong hành trình ấy, cô bé Haru được bố mang đến bao nhiêu trải nghiệm thú vị, lần đầu tiên được nếm trải trong đời: cảm giác lạnh cóng vào lúc đầu khi tắm biển đêm, rồi bồng bềnh như chú rái cá nắm tay bố nổi trên mặt biển, ngắm vài ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, “cảm giác như không phải ở trần gian”.

Cảm giác sợ hãi khi ở trong bản đường rộng rãi bị đồn đại có ma, trong ngôi chùa trên núi, “muốn tè ra quần” khi theo bố đi dạo nghĩa trang trong đêm và thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện những đốm sáng chập chờn trong không trung chỉ là những con đom đóm...

2. Hành trình ấy cũng không hẳn thuận lợi bởi cô bé đang tuổi mới lớn, nhiều khi giận dỗi bố, có lúc đã gào lên như thể mình bị bắt cóc thật sự trong một ga xe điện, khiến bố con cô bị chuyển về đồn cảnh sát gần đó gần nguyên ngày để làm rõ sự việc.

Hành trình đó cũng không hẳn suôn sẻ, bởi bố Haru cũng chỉ là một người đàn ông bình thường, tiền gom góp cho chuyến đi chơi chỉ có chừng mực, đã bị cô con gái giận dỗi tiêu pha quá đà ngay từ lúc ban đầu trong trung tâm mua sắm.

Thế nên trong chuyến đi có lúc hai bố con phải ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ để ngó lơ sự hấp dẫn của xe hàng ăn trong tàu điện, phải trả lại hàng đã lựa trong siêu thị, hoặc lắp ráp xe đạp cũ để tìm đến nhà người quen của bố vay tiền, để có tiền mua vé tàu trở về nhà...

Trong hành trình ấy, Haru cũng lần đầu tiên được biết những kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống không có tiện nghi đầy đủ xung quanh, những bài học nhân sinh đầu tiên về cuộc sống như khi đói khát, mệt mỏi theo bố leo bộ lên núi: “Cứ nhớ lấy. Cũng có những lúc như thế này...

Quay lại cũng không dễ dàng, chỉ còn cách tiến về phía trước”. Cùng với sự lạc quan, luôn tìm ra giải pháp trong mọi hoàn cảnh, sự bao dung và tình yêu đối với gia đình, đứa con được thể hiện cô đọng mà xuyên suốt; người bố ấy cuối cùng đã xóa nhòa được hố sâu ngăn cách và trở về với trái tim của cô con gái.

Người bố ấy chính là minh chứng một chân lý: không cần phải giàu có, chỉ cần có tình yêu chân thành, bạn sẽ biết cách kết nối với người mình yêu thương.

3. Nhẹ nhàng mà tinh tế, trong cuốn tiểu thuyết nhỏ xinh này tác giả Mitsuyo Kakuta đã thể hiện sự tài tình của mình khi miêu tả chuyển biến tâm lý và mối quan hệ của hai cha con, từ những ngại ngần, lúng túng ban đầu đến những ấm áp len lỏi vào trong tim người đọc ở cuối truyện.

Cô con gái thoạt đầu gây cảm giác cho người đọc là một cô bé “thiếu ngoan” khi luôn trò chuyện trống không, chỏng lỏn; người bố nói nhiều và vụng về hết cỡ; nhưng hóa ra đó chỉ là biểu hiện ngại ngùng của những người thân tình lâu lắm rồi không được gặp nhau.

Để cuối cùng “trong toa xe chật nêm người... xe điện lắc trái nghiêng phải, tôi và bố đứng nắm chặt tay nhau giữa tiếng reo hò của bọn trẻ, tiếng cười the thé của những người phụ nữ”.

Nữ nhà văn Mitsuyo Kakuta sinh năm 1967, tuy còn trẻ nhưng cô đã có trong tay hàng loạt giải thưởng văn học danh giá. Tôi “bị” bố bắt cóc đoạt giải Văn học Robo no ishi năm 2000 (cuốn sách Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ cũng đoạt giải thưởng này năm 1983). ■

(*): Kidnap tour, An Nhiên dịch, Alpha Books và NXB Dân Trí ấn hành 2015.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận