Một cuộc tấn công vào chủ nghĩa tư bản

TTCT - “Thuế lũy tiến đánh vào thu nhập là một sáng tạo quan trọng của thế kỷ 20. Thuế lũy tiến đánh vào tài sản có thể sẽ đóng một vai trò tương tự trong thế kỷ 21” - Thomas Piketty nói trong bài phỏng vấn của tạp chí Pháp Le Nouvel Observateur mới đây.


Thomas Piketty

* Cuốn sách của ông quả thật là một tổng kết công phu. Đây là sách lịch sử hơn là kinh tế, trong đó ông viết rằng Balzac và Jane Austen đã miêu tả một cách chân thực những vấn đề về phân chia sự giàu có và tài sản. Đó là cách nói rằng kinh tế học không thể tự mình cung cấp những câu trả lời chính xác cho việc nghiên cứu tư bản?

- Đúng vậy. Trong cuốn sách này tôi viết về lịch sử tư bản kể từ thế kỷ 18 và rút ra những bài học cho tương lai. Tôi hi vọng tạo ra một số bước tiến mới trong nghiên cứu một vấn đề rất phức tạp, nên phải sử dụng cả những phương thức lẫn cách tiếp cận vấn đề của các nhà sử học, xã hội học, chính trị học, nhà kinh tế.

Để làm việc này, trước tiên tôi tìm cách thu thập một cách đầy đủ nhất có thể các nguồn dữ liệu lịch sử về động lực của thu nhập và tài sản trong vòng ba thế kỷ, tại hơn 20 quốc gia.

Đây là vấn đề thu hút mọi người. Các nhà văn như Balzac hay Jane Austen đều hiểu rất rõ về việc phân chia tài sản. Trong tác phẩm Lão Goriot của Balzac, nhân vật Vautrin giải thích cho Rastignac rằng kiến thức và tài năng chẳng đưa đến cái gì cả và cách duy nhất để có cuộc sống sung túc là được thừa kế sản nghiệp.

Tôi muốn biết liệu phát biểu của Vautrin có đúng hay không, muốn hiểu tại sao và như thế nào sự bất công như vậy lại có thể kéo dài trong lịch sử. Liệu sự cân bằng giữa thu nhập từ lao động với từ tài sản thừa kế có thay đổi gì hay không từ thời Vautrin. Nếu có thì theo tỉ lệ nào? Nhất là nếu có một sự chuyển dịch nào đó diễn ra thì đâu là lý do và những lý do này có tồn tại mãi mãi?

* Ông đã chỉ ra rằng tỉ lệ thu nhập từ tài sản cao hơn tỉ lệ tăng trưởng trong thời gian dài, trong đó tài sản thừa kế luôn mang lại nhiều tiền hơn tài sản có được do lao động. Hiện nay khi mà kinh tế tăng trưởng thấp, liệu có phải quá khứ đã nuốt chửng, phá hủy tương lai?

- Lập luận chính của cuốn sách là sự không cân bằng giữa tỉ lệ tăng trưởng thu nhập từ tài sản (r) và tỉ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân (g): r luôn lớn hơn g.

Tôi đã chứng minh rằng khi mức tăng thu nhập từ tài sản cao hơn tỉ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân - điều hầu như luôn xảy ra trong lịch sử, từ thế kỷ 19 cho đến thế kỷ 21, thì có nghĩa tài sản từ quá khứ được tư bản hóa (tức tiền đẻ ra tiền) nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của sản xuất và thu nhập từ lao động toàn dân.

Những người thừa kế chỉ phải tiết kiệm một phần nhỏ trong thu nhập từ tài sản của họ là đã đủ để số tài sản này tăng nhanh hơn tăng trưởng nền kinh tế. 

Trong những điều kiện này, hầu như không thể tránh được việc tài sản thừa kế sẽ vượt lên trên tài sản được tạo ra từ lao động và việc tập trung tài sản sẽ đạt mức cực kỳ cao. 

Dường như những điều này là không phù hợp với các chủ trương ưu đãi người tài và những nguyên lý công bằng xã hội trong xã hội dân chủ hiện đại.

* Trong sách, ông nhắc đến Marx và quy luật tích lũy tư bản. Di sản của Marx ngày nay còn lại những gì?

- Trước hết, Marx đã đưa ra một câu hỏi đúng (về sự tập trung tài sản đến mức khó tin trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp và vào nửa đầu thế kỷ 19, đặc biệt là tại Anh và Pháp) hướng trả lời câu hỏi đó với những phương tiện ông có. Đây là phương pháp mà các nhà kinh tế hiện nay vẫn có thể áp dụng.

Mặt khác, nguyên lý về tích lũy tư bản vô tận của Marx cũng rất có ích đối với các phân tích trong thế kỷ 21 cũng như thế kỷ 19. Khi tỉ lệ tăng dân số và năng suất ít có mối liên hệ với nhau thì các tài sản được tích lũy trong quá khứ tất nhiên sẽ chiếm phần lớn, có thể quá lớn và gây mất ổn định xã hội.

Sự tích lũy sẽ dừng lại ở một điểm nào đó nhưng có thể đó là điểm cực kỳ cao và không ổn định. Khối tài sản cá nhân cực lớn được thống kê qua các năm từ thời kỳ 1970-1980 tại các quốc gia giàu có - đặc biệt là châu Âu và Nhật - đã chứng minh cho logic này...

* Ông kêu gọi cải cách thuế lũy tiến đánh vào tài sản. Tại sao và điều này có phải là không tưởng?

- Thuế lũy tiến đánh vào thu nhập là một sáng tạo quan trọng của thế kỷ 20. Thuế lũy tiến đánh vào tài sản có thể sẽ đóng một vai trò tương tự trong thế kỷ 21. 

Nó sẽ giúp kiểm soát lợi ích cá nhân và sự bất bình đẳng, nhưng vẫn bảo vệ được sự mở cửa về kinh tế và sự cạnh tranh; hạn chế chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ.

* Thật ra, thuế đánh vào tài sản đã được áp dụng khắp mọi nơi, nhất là đối với bất động sản.

Vấn đề là những loại thuế như vậy phải áp dụng trên phạm vi một khu vực, châu lục, thậm chí toàn thế giới. Nghe có vẻ không tưởng. Nhưng hiện nay người ta đã bàn đến cách thức thông báo tự động để kiểm soát các giao dịch qua ngân hàng ở cấp độ thế giới nhằm hỗ trợ việc thu thuế này.

Sự đồng thuận sẽ giúp mỗi nước có một hệ thống thống kê đầy đủ về tài sản bất động sản và tài chính do cá nhân nắm giữ. Để làm được điều này, cần áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn. 

Đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa tuyên bố chiến thắng của các nhà lãnh đạo và thực tế. Đặc biệt, minh bạch tài chính là không thể tách rời với thuế tài sản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận